Những bức tượng Thánh trên cầu Karl, Praha

Khi bước chân lên cầu Karl, cầu Tình theo cách gọi của người Việt, tôi rất ngạc nhiên vì có quá nhiều bức tượng được đặt ở đây và chỉ mới nhìn qua cũng có thể hiểu được những bức tượng này là các vị Thánh của Công giáo.

Sau khi tìm hiểu về ý nghĩa của từng bức tượng và tiểu sử của các vị Thánh có tượng trên cầu, tôi hiểu họ cũng giống như các vị Bồ Tát, La Hán trong đạo Phật, là những người tu hành, tích thiện, cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người khác. Điều rất khác giữa hai tôn giáo là trong đạo Phật (đặc biệt ở Việt Nam) các bức tượng Đức Phật, Bồ Tát và La Hán chỉ được đặt trong khuôn viên của các chùa, thiền viện hoặc một số đền, phủ, miếu…nhưng không bao giờ đặt ở nơi công cộng.

Nhưng ở châu Âu nói chung và tại đây, trên cây cầu Karl này đã có 30 nhóm tượng của rất nhiều vị Thánh, thể hiện lòng kính trọng, sự tôn vinh của các tầng lớp và các thế hệ người Séc đối với các vị Thánh, những người tử vì đạo. Đây cũng là cách tốt nhất để truyền bá thông tin tôn giáo. Nếu như khách du lịch đến Việt Nam muốn biết về các vị Phật, Bồ tát…thì cách duy nhất phải vào chùa, mà cũng không phải chùa nào cũng có ghi chú đầy đủ thông tin, thì ở đây, bất kỳ khách du lịch nào đến Praha cũng đều đặt chân lên cầu Tình và ít nhiều họ cũng biết về những vị Thánh mà người Séc tôn kính.

Những bức tượng được đặt ở trên cầu Karl, Praha là do các nhà bảo trợ, tài trợ dâng hiến vào các thời gian khác nhau.

Tôi sẽ bắt đầu từ bức tượng đầu tiên khi bước chân lên cầu tôi để ý đến đầu tiên. Đó là bức Tượng của Thánh Ivo được làm bằng đá sa thạch từ Horice, do Matyás Bernard Braun điêu khắc vào năm 1711, do Khoa Luật của Đại học Praha tặng (Thánh Ivo là người bảo trợ cho các luật sư). Bức tượng khắc họa một ông già và một góa phụ cùng một đứa trẻ đang trông chờ vị thánh giúp đỡ. Vị thánh được miêu tả là một thẩm phán tôn giáo bảo vệ người nghèo chống lại sự bất công của kẻ mạnh. Bức tượng là sự hòa giải cho cuộc tranh chấp giữa một người mẹ và đứa con trai của cô. Người ta nói rằng, các sinh viên luật thường đến cầu nguyện trước bức tượng này trước kỳ thi của họ, giống như học sinh ở Hà Nội đến Văn Miếu hay Tháp bút ở cầu Thê Húc thắp hương trước kỳ thi đại học. Các quốc gia có thể cách nhau hàng nghìn dặm, nhưng vẫn có cái gì đó giống nhau!

Bản gốc của bức tượng hiện nằm trong Lapidarium của Bảo tàng Quốc gia, bản sao này do Frantisek Hergesel Jr. thực hiện năm 1908.

Đây là bức tượng của ba vị Thánh là Barbara, Margaret và Elizabeth là tác phẩm điêu khắc của Ferdinand Brokoff và con trai Jan thực hiện năm 1707.

Barbara, là một vị thánh tử đạo Kitô giáo đầu tiên của Hy Lạp. Bà đã từ chối kết hôn, bí mật trở thành tín đồ Cơ đốc giáo. Bị bắt giam và tra tấn nhưng bà vẫn kiên quyết giữ vững đức tin và điều kỳ diệu đã xảy ra,  nhà tù tối tăm được tắm trong ánh sáng và sáng ra những vết thương của bà đã được chữa lành. Cuối cùng, bà bị kết án tử hình chặt đầu. Bà trở thành vị thánh bảo trợ của pháo binh.

Margaret là một trong Mười bốn vị Thánh giúp đỡ. Bà là con gái của một linh mục ngoại giáo, mẹ mất sớm bà được một người phụ nữ Kitô nuôi dưỡng. Sau khi chấp nhận Cơ đốc giáo và tận hiến trinh tiết của mình cho Thiên Chúa, Margaret đã bị cha mình từ chối, bà sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì từ chối hôn lễ nên bà bị bắt và bị tra tấn tàn nhẫn, trong thời gian đó đã xảy ra nhiều điều kỳ diệu, bà được con rồng giải thoát. Bà được Giáo hội Công giáo La Mã công nhận là một vị thánh.

Elizabeth là một công chúa của Vương quốc Hungary, một nữ tu và là một vị Thánh. Elisabeth đã kết hôn ở tuổi 14 và góa bụa ở tuổi 20, bà đã từ bỏ tài sản giàu có của mình, đem chia và giúp đỡ cho những người nghèo khó, xây dựng các nhà thương để giúp đỡ cho người nghèo khổ. Elisabeth dù sinh ra trong một gia đình quyền quý sang trọng nhưng đã tự nguyện đi theo con đường khổ hạnh, tự hành xác và được Giáo hoàng Grêgôriô IX phong thánh năm 1235. Bà mất năm 24 tuổi.

Đây là bức tượng “Lời than thở của Chúa Juses” là một tác phẩm điêu khắc của Emanuel Max. Tại vị trí này trên cây cầu, ban đầu có một cây thánh giá bằng gỗ, nhưng đã bị trận lụt năm 1496 phá hủy. Năm 1695, một bức tượng “Lời than thở của Chúa” do Jan Brokoff điêu khắc được đặt ở đây, sau đó được đưa đến Tu viện Gracious Nurses dưới đồi Petrín năm 1859 và được thay thế bằng bức tượng hiện tại.

Thánh Christopher được tôn sùng là một vị tử đạo bị giết trong triều đại của Hoàng đế La Mã III hoặc thứ IV và đây là bức tượng Thánh Christopher trên cầu Karl, Praha một tác phẩm điêu khắc của Emanuel Max năm 1857 do Václav Wanek, thị trưởng của Praha tài trợ. Bức tượng mô tả vị thánh đang giữ Chúa Juses khi còn bé ở trên vai. Ban đầu bức tượng được Bá tước Antonín Sporck khởi xướng vì ông muốn có một bức tượng bằng đá cẩm thạch để tưởng nhớ Charles VI vào năm 1720.

Thánh Ludmila là một vị thánh người Séc và người tử đạo, được tôn sùng bởi Chính thống giáo và Công giáo La Mã. Bà được sinh ra ở Melnik là con gái của hoàng tử Sorbia Slavibor. Thánh Ludmila là bà của Thánh Wenceslaus (Václav), người rất nổi tiếng là vị Vua tốt Wenceslaus. Bức tượng Thánh Ludmila trên cầu Karl là một tác phẩm điêu khắc của Matthias Braun khoảng năm 1730. Tác phẩm điêu khắc được dựng lên trên cây cầu vào năm 1784 để thay thế bức tượng của Thánh Wenceslas bị trận lụt phá hủy năm đó. Bức tượng mô tả Thánh Ludmila giảng dạy cho cháu trai mình là Thánh Wenceslas.

Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có giá trị nhất trên cây cầu Karl chính là bức tượng thánh Lutgardis do Matthias Braun điêu khắc vào năm 1710, đó cũng chính là bức tượng nổi tiếng đầu tiên của Braun ở Bohemia, khi ông chỉ mới 26 tuổi. Bức tượng mô tả Thánh Lutgardis, người trước khi chết đã nhìn thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh đang ôm lấy bà, trao cho bà trái tim của Chúa, còn bà thì áp môi lên vết thương của Ngài. Nếu ai muốn tìm hiểu thêm thông tin về Thánh Lutgardis (1182-1246), tôi sẽ cung cấp trong bài khác.

Đây là bức tượng Đức Mẹ Maria và Thánh Bernard trên cầu Charles, Praha. Thánh Bernard of Clairvaux là một người quản lý đan viện Pháp và nhà cải cách chính cho Hội dòng Xitô. Bức tượng này được Matj Václav Jäckl điêu khắc vào năm 1709 và được trụ trì của tu viện Cistercian ở Osek, Benedikt Littwerig tài trợ thực hiện.

Thánh Václav được biết đến với bài thánh ca “Vua Václav nhân từ” là Công tước xứ Bohemia của triều đại Přemyslid từ năm 921. Trong thời gian ngắn ngủi của mình, ông đã phục vụ vua Heinrich I của Đông Frank và phải đấu tranh với các đối thủ khác ở Bohemia, cuối cùng đã bị chính em trai của ông, Boleslav I giết chết. Trong thời trung kỳ Trung cổ ông đã trở thành vị Thánh bảo trợ cho Bohemia.

Tượng Thánh Václav nằm trong cụm tượng của Thánh Norbert, Wenceslaus (Václav) và Sigismund, là tác phẩm điêu khắc trên cầu Karl, Praha do Josef Max thực hiện năm 1853, dưới sự bảo trợ của trụ trì Tu viện Strahov, Tiến sĩ Jeroným Zeidler .

Thánh Norbert là một người con của giới thượng lưu, nhưng đã từ bỏ con đường tôn giáo dễ dàng, tìm đến việc tu khổ hạnh và nhà truyền giáo lưu động, cống hiến cuộc đời cho sự cứu dỗi.

Thánh Sigismund đã được truyền đức tin tại tu viên Thánh Maurice tại Agaune năm 515 và lên ngôi vua của người Burgundy một năm sau đó. Ông đã nghe lời xui của người vợ thứ hai, nên hạ lệnh giết con trai của vợ đầu vì tin là nó đang âm mưu chiếm ngôi. Sau này cháu nội, con của người con trai bị giết đã cấu kết với bên ngoài đánh lại ông. Ông và anh trai Godomar đã bị đánh bại trong trận chiến, người anh trốn thoát, còn ông bị bắt làm tù bình sau đó bị giết và ném xác xuống giếng, vợ con ông cũng bị tử hình. Năm 535, hài cốt của Sigismund đã được phục hồi từ giếng tại Coulmiers và được chôn cất trong tu viện tại Agaune. Cuối cùng Sigismund đã được phong thánh. Năm 1366 Hoàng đế La Mã thần thánh Charles IV, đã chuyển các thánh tích của Sigismund cho Praha, do đó ông đã trở thành một vị Thánh bảo trợ của Vương quốc Bohemia.

Thánh John of Matha (1160-1213), là một vị thánh Cơ đốc của thế kỷ XII và là người sáng lập Dòng Chúa Ba Ngôi, dành riêng cho các Kitô hữu bị giam cầm. Ông đã dành hết cuộc đời của mình để đi chuộc lại những tín đồ Kito bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ. Vì giáo đoàn cần số tiền lớn để chuộc người nên ông phải đi khuyên góp tiền và  tôn vinh Đức Mẹ Mary với danh hiệu “Đức Mẹ phù hộ”, do vậy thường thấy bức tượng Đức Trinh Nữ Maria trao một túi tiền cho Thánh John of Matha.

Cụm tượng Thánh John of Matha, thánh Felix of Valois và thánh Ivan là tác phẩm điêu khắc của Ferdinand Brokoff năm 1714, trên cầu Charles, Praha miêu tả hình ảnh những người Kito giáo bị giam cầm và những vị Thánh đến giải cứu.

Thánh Felix of Valoissinh năm 1127, thuộc dòng dõi quý tộc nhưng đã từ bỏ gia tài, vào rừng để tự mình cầu nguyện và chiêm niệm. Thánh John of Matha, khi được phong chức linh mục, nghe nói về vị ẩn sĩ, đã tìm kiếm ông và đề xuất với ông về kế hoạch chuộc tù nhân là tín đồ Kito giáo. Lúc đó Felix đã bảy mươi tuổi, nhưng vẫn sẵn sàng đồng ý. Họ đã cùng nhau lập nên Dòng Chúa Ba Ngôi và thực hiện nhiệm vụ cứu chuộc các tín đồ Kito giáo.

Antôn thành Padova (hay là thành Lisboa) (1195 – 1231), là một linh mục Công giáo người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Lisboa, nhưng mất tại Padova, Ý. Vì ông muốn chiêm niệm cuộc sống khắc khổ, ông muốn được đi truyền giáo và mong muốn được tử vì đạo, chính vì thế ông xin gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn vào năm 1220. Nhà dòng đặt tên ông là António và chấp thuận cho ông tới Maroc để truyền giáo cho thổ dân Sarrasins ở châu Phi. Ông bị bệnh phải quay về và do bão đã trôi dạt vào Ý. Ông ở lại đó tiếp tục nhiệm vụ truyền giáo và mất ở đó.

Bức tượng Anthony of Padua là một tác phẩm điêu khắc của Jan Oldřich Mayer được lắp đặt ở trên cầu Charles, Praha năm 1707 và được Krištof Moice Withauer, ủy viên hội đồng lâu đài Praha tài trợ. Bức tượng này tượng trưng cho Thánh Anthony đứng giữa hai chiếc bình và giữ Chúa Jesus hài đồng bên cạnh.

Tượng thánh Francis of Assisi (1181 – 1226) một tu sĩ Công giáo Rôma sáng lập ra Dòng Anh Em Hèn Mọn (Order of Friars Minor) và hai Thiên thần hộ mệnh bên cạnh. Tác phẩm điêu khắc đã thay thế một bức tượng tương tự được František thiết kế vào năm 1708 trên cầu Karl Praha.

Thánh Francis of Assisi đã nhận được nền giáo dục ưu tú, thành thạo một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Latin nhờ người cha kinh doanh giàu có, nhưng ông đã quyết định đi theo tôn giáo, ngay cả khi bị cha từ chối và cắt hết quyền thừa kế. Ông hoàn toàn cung hiến mình cho cuộc sống nghèo khó, quyết định không tìm kiếm chức vụ linh mục và sống trong tình huynh đệ, nên đã thành lập Dòng “fratres minors” nghĩa là “Những anh em hèn mọn”, theo đuổi nếp sống đạm bạc trong một trại phong bị bỏ hoang tại Rivo Torto gần Assisi; dành nhiều thời gian dong ruổi đến các ngôi làng trong vùng đồi núi Umbria, thể hiện tinh thần lạc quan và thường ca hát, tạo ấn tượng sâu đậm cho người nghe bằng những lời khuyên giải chân tình.

Nhóm tượng Đức Mẹ Maria, Thánh Dominic và Thomas Aquinas được Matj Václav Jäckel điêu khắc vào năm 1708 và được Tu viện dòng Dominica của Thánh Giles ở Phố cổ Praha bảo trợ. Bức tượng miêu tả Đức Mẹ Maria trao sách kinh Roze cho Thánh Dominic ở bên trái, với Thánh Thomas Aquina đứng bên phải.

Tượng Thánh Cyril và Thánh Methodius được Karel Dvořák điêu khắc từ năm 1928 đến 1939 và được Bộ giáo dục đặt ở trên cầu Karl, Praha. Bức tượng miêu tả các vị thánh Cyril và Methodius, những người truyền giáo đã giới thiệu Kitô giáo cho người Slav. Nơi đây lúc đầu đặt bức tượng Thánh Ignatius được Ferdinand Brokoff thiết kế vào năm 1711, nhưng đã bị di dời trong trận lụt năm 1890 và hiện có thể thấy được tại bảo tàng quốc gia Praha.

Bức tượng Thánh Cajetan trên cầu Karl, Praha được Ferdinand Brokoff điêu khắc năm 1709 và được tu viện Dramins ở Praha bảo trợ. Thánh Cajetan là người sáng lập ra dòng tôn giáo Dramins, được miêu tả đang cầm một cuốn sách và đứng trước một tấm bia tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi.

Tôi không có ý định “nhồi nhét” thông tin, khiến mọi người sợ, nhưng hy vọng sẽ hữu ích cho những người có đức tin có thể tìm kiếm được sự che chở của các vị Thánh và những ai có dịp tham quan cầu Tình, Praha sẽ hiểu hơn về những gì mọi người đang chiêm ngưỡng.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *