Cầu Karl, Praha (Charles Bridge of Prague)

Khi tôi vừa đặt chân tới Praha lần đầu, tôi đã được mọi người giới thiệu ngay về cầu Tình, như một nơi quan trọng nhất, không thể bỏ qua khi đến Praha và đúng là tôi đã đến cầu Tình là điểm đầu tiên ở Praha.

Tôi không thấy sách báo của Séc nhắc đến tên cầu “Tình”, mà chỉ thấy gọi là cầu Đá, cầu Karl hay cầu Charles. Và khi tìm hiểu những bức tượng Thánh đặt dọc hai bên thành cầu thì cũng không thấy “thần tình yêu” nào được nhắc đến cả. Nên vẫn băn khoăn, không biết mình đã bỏ sót điều gì?

Có lẽ vẻ đẹp của cây cầu nhìn từ bên ngoài và cả khi đi dạo trên cây cầu này xứng đáng để đặt cho cái tên “Tình yêu” – thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất! Thứ tình cảm gắn kết nam với nữ, giữa người già với trẻ nhỏ, giữa quá khứ và hiện tại!

Lần đầu, tôi đi lên cầu Tình từ khu Phố Cổ, trước mặt tôi là cổng vòm cao biểu tượng của chiến thắng, nơi mà Vua Charles đã đi qua trong đám rước đăng quang của ngài, tôi như có cảm giác mình cũng được dự đám rước ấy, chỉ là sau gần 670 năm! Không biết khi bước qua đây, nhà Vua có ngửng lên nhìn những bức tượng trên cao như tôi bây giờ không, hay ngài còn mải vẫy tay chào thần dân của Ngài?

Sông Vltava là con sông dài tới 430km, là một đường giao thông quan trọng trong thời kỳ Trung cổ, nhưng nó lại ngăn cách Khu Phố Cổ Praha với Khu phố Nhỏ, nên trước đó việc qua lại hai bờ sông chỉ có thể dùng thuyền. Từ thế kỷ thứ IX đã có cây cầu gỗ bắc tạm qua sông, nhưng đã bị phá hủy do nước lũ. Năm 1172 một cây cầu bằng gỗ đã được xây dựng bằng tiền tài trợ của vua Premyslid Vladislav và đặc biệt vợ ông là Judith of Thuringia, nên cây cầu có tên là Judith và nó tồn tại đến năm 1342 mới vị hư hỏng nặng do trận lụt lịch sử cùng năm.

Vua Charles hiểu được tầm quan trọng của cây cầu, nhưng phải 8 năm sau khi lên ngôi, ông mới đặt viên đá đầu tiên để xây cây cầu mới và nó được hoàn thành vào đầu thế kỷ XV. Vì xây dựng cây cầu đòi hỏi một khoản tài chính rất lớn, nên đã khiến cho vương quốc bị mắc nợ trong những năm sau đó. Cây cầu được xây trong 45 năm, nghĩa là trong thời gian trị vị của vua Charles nó chưa được xây xong và đám tang nhà vua được đưa qua cây cầu chưa hoàn thành năm 1378.

Bước lên cầu, ngắm nhìn từng viên gạch mới cảm nhận được thời gian và sức chịu đựng của cây cầu. Đã gần bảy thế kỷ trôi qua, mỗi ngày hàng nghìn người đi lại trên cây cầu “già lụ khụ” này, vui vẻ ngắm cảnh, chụp hình…mấy ai suy ngẫm về những gì đã trải qua với cây cầu?

Cây cầu mới ban đầu được gọi là cầu Đá hoặc cầu Praha, nhưng đã được đổi tên “Cầu Karl” vào năm 1870. Đây là cây cầu cổ nhất bắc qua sông Vltava và là một trong những cây cầu đá cổ nhất của châu Âu, cũng là phương tiện duy nhất qua sông Vltava cho đến năm 1841. Cầu Karl nằm trong tuyến đường đăng quang của các vua Bohemia.

Cây cầu dài hơn nửa cây số, nằm trên 16 mái vòm được bảo vệ bằng những phần ngăn băng, tuyết đóng tụ thành mảng lớn vào mùa đông, phải đứng từ xa mới nhìn thấy rõ. Sóng thủy triều lớn nhỏ và sông đóng băng mùa đông là mối đe dọa đối với cây cầu. Năm trụ cột đã bị hỏng nặng trong những năm 1872-1874, và năm 1890 thêm hai cột trụ bị sập do các thân cây bị nước cuốn đi va vào cột trụ, dẫn đến việc sửa chữa kéo dài đến hai năm.

Xây dựng được cây cầu lớn này vào thế kỷ XV quả là một công trình vĩ đại, vì thế cũng có nhiều “truyền thuyết”, như vữa được thêm vỏ trứng để tăng độ ổn định (phân tích khoa học thấy có mâu thuẫn), rồi chuyện lập giao ước với Quỷ để sửa chữa chân cầu… làm cho những câu chuyện xung quanh cây cầu được phủ thêm những vẻ huyền bí! Tuy nhiên, vật liệu xây dựng là cối xay cũ, đá hoa cương từ lòng sông và cát mang đến từ mỏ đá ở Hloubetin, thêm các chất phụ gia như pho mát và rượu vang để làm thành “vữa La Mã” thì có thể chứng minh được.

Trên cầu có 30 bức tượng các vị Thánh khác nhau được tôn kính tại thời điểm đó, mà chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu sau. Những bức tượng được dựng lên từ năm 1683 đến 1714, do các nhà điêu khắc nổi tiếng nhất của thời bấy giờ như Matthias Braun, Jan Brokoff… Nhưng từ năm 1965 tất cả đã được thay thế bằng những bản sao, bản gốc đã được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia.

Để kể về các bức tượng trên cầu, tôi sẽ bắt đầu từ bức tượng thánh John of Nepomuk, một tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất trên cầu, được lắp đặt vào năm 1683. Bức tượng đồng được dựa trên một mô hình bằng đất sét do nhà điêu khắc người Vienna là Matthias Rauchmiller thực hiện vào năm 1681. Nhà điêu khắc Jan Brokoff đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ lớn dựa trên mô hình đất sét này. Khi làm việc trên mô hình, Jan Brokof thực sự đã chuyển đổi từ đức tin sang Kitô giáo. Sau đó bức tượng được đúc bằng đồng ở Nicheberg, vì thời điểm đó tại Praha chưa có xưởng đúc kim loại.

Mô hình đất sét của Rauchmiller hiện nằm trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Quốc gia Praha. Bức tượng gỗ của Brokoff (mạ vàng) đã được trưng bày trên bàn thờ của Nhà thờ St. John of Nepomuk On the Rock của Praha từ năm 1819.

John of Nepomuk là vị thánh của Bohemia, người đã bị tra tấn đến chết và ném xác xuống sông Vltava theo lệnh của Vua Wenceslaus. Thánh John đã nghe lời xưng tội của nữ hoàng xứ Bohemia và ông đã kiên quyết giữ bí mật những lời xưng tội này. Người ta đồn rằng, lưỡi của ông đã tồn tại hàng trăm năm sau khi chết – chứng tỏ sự trung thực của ông. Ông được coi là vị tử đạo đầu tiên của Seal of the Confessional, bằng cái chết của mình ông đã trở thành vị Thánh, người bảo vệ cho người dân khỏi lũ lụt và chết đuối.

Theo truyện dân gian của người Séc, ngay sau khi thi thể của John of Nepomuk bị ném xuống sông từ cầu Charles, một trong những vòm cầu bị sập một cách bí ẩn. Những người xây dựng cầu tin rằng đó là hình phạt của Chúa đối với số phận của vùng Nepomuk, nên đã quyết định giao ước với Quỷ dữ: để cho cây cầu được sửa chữa lại lần nữa, họ đã hứa rằng Quỷ dữ sẽ có được linh hồn của người đầu tiên bước lên cây cầu này …

Truyền thuyết khác kể rằng, có một cây thánh giá được đặt trên cầu Charles (đã được dời đi từ lâu) và những người bị kết án tử hình được phép quỳ xuống và cầu nguyện trước cây thánh giá, trên đường đi đến nơi họ bị hành quyết. Ngày nay, nhiều người đã đến cây cầu và tượng Thánh John để cầu nguyện khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng có người lại tin rằng, nếu ai nhìn thấy cây thập tự thì đó là dấu hiệu của một điều không lành sắp xảy ra…

Ngoài Đức Mẹ Maria ra, Thánh John là vị thánh duy nhất của Thiên chúa giáo, theo quy định của Giáo hội, có ánh hào quang năm sao trên đầu. Ông mặc một chiếc áo choàng, tay cầm một cây thánh giá và cây cọ, biểu tượng của sự tử vì đạo. Bức phù điêu bên dưới miêu tả những cảnh trong cuộc đời của Thánh John of Nepomuk, gồm cả lời thú tội của Nữ hoàng Johanna và cái chết của vị thánh. Hiện nay có một truyền thống ở bức tượng này, khách du lịch đến xoa tay vào bức phù điêu bên dưới để nhận được sự may mắn và hy vọng có cơ hội trở lại thành phố Praha. Chỉ cần nhìn thấy phần đồng sáng bóng lên, cũng đủ biết bao nhiêu bàn tay đã xoa lên đó.

Nơi mà Thánh John of Nepomuk được cho là bị ném xuống sông là một nơi khác – đó là giữa bức tượng Thánh John Baptist và cụm tượng Thánh Norbert, Thánh Wenceslas và Thánh Sigismund, nơi cây thánh giá được gắn trên lan can cầu.

Tôi phải tạm dừng bài này ở đây, vì đã quá dài. Hẹn bạn đọc bài tiếp theo.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *