Cái tên nghe rất quen thuộc với người dân sống ở Hà Nội, vì địa điểm này không quá xa, tại Sóc Sơn, có thể đi xe máy đến tham quan trong một buổi.
Tôi đã có dịp đến đây 3 lần, lần đầu gần như khi mới mở cửa. Khi đó giá vé vào cửa đã 100k/ người (lúc đó vé thăm Hội An chỉ có 70k), tôi có hỏi anh Chương, chủ nhân của công trình này, tại sao giá vé cao như thế, anh trả lời rằng không phải anh muốn thu được nhiều tiền, mà anh muốn dùng giá vé cao để “phân loại” khách, những ai thực sự muốn vào thì họ mới bỏ ra số tiền lớn thế này, nếu anh để giá vé thấp, khách ồ ạt vào sẽ không kiểm soát nổi và mọi thứ sẽ bị hư hỏng, xuống cấp! Và tôi rất đồng ý với suy nghĩ của anh. Nếu như những người làm quản lý du lịch ở một số nơi nhạy cảm với môi trường, thiên nhiên hay di sản quý cũng có tư duy như anh thì tốt quá.
Việt phủ Thành Chương là một bộ sưu tầm về hiện vật văn hóa Việt, chủ yếu là của vùng đồng bằng sông Hồng. Với một cá nhân thì bộ sưu tầm này là vô cùng lớn. Nếu các bạn ở xa đến Hà Nội, có thời gian hãy đến thăm nơi này, bạn sẽ thấy thích vì rất nhiều lý do, thanh bình thư thái, ôn lại quá khứ dịu êm, khám phá văn hóa mình chưa biết đến…
Tuy nhiên vì giới hạn không gian, trong một khu vực có diện tích không lớn mà tham vọng của người chủ lại rất nhiều, do đó có phần hơi “ngột ngạt” về hiện vật.
Nhiều hiện vật anh Chương có ở đây rất quý giá đối với các thế hệ sau, giúp họ có hiểu biết tốt hơn bằng trực quan về những thời kỳ mà cha ông đã trải qua.
Từ nếp nhà, những chiếc giường tre, chõng tre, bộ bàn ghế bằng tre hay cái trạn đựng bát đũa, rồi các dụng cụ như cái cày, cái bừa, mấy cái giỏ bắt cá tôm, thậm chí cả áo tơi bằng lá tết…đều là những hiện vật rất quý.
Chiếc giường tre này nếu được trải chiếu thì sẽ dễ hình dung hơn là chiếc chiếu tre Trung Quốc thời nay.
Bộ sưu tập của anh Chương cũng có rất nhiều tượng Phật, tượng thờ thần và các con rối nước gỗ cũ…
Tuy nhiên, có thể do không gian bị giới hạn và cũng có thể ở góc độ một người sưu tầm cổ vật, ở một số nơi, các tượng Phật, bàn thờ hay trang trí có thể làm người xem khó hiểu. Bàn thờ này tôi không hiểu chữ viết bên trên, chỉ thấy giống như bàn thờ ở các miếu thờ Thành hoàng nhưng phía bên dưới đặt nhiều mô hình nhà cửa bằng đất nung, hai bên lại có những con rối nước, có lẽ chỉ đơn giản là trưng bày hiện vật, không phải theo phong cách truyền thống.
Là một người Việt bình thường, có một số chỗ khiến tôi hơi bối rối. Nên tôi hơi e ngại cho những bạn trẻ thế hệ hai Việt kiều, chưa được tiếp xúc với văn hóa Việt nhiều có thể sẽ không hiểu rõ. Như đây thông thường là bàn thờ gia tiên, được đặt ở gian giữa của ngôi nhà ngói ba gian (đồng bằng Bắc bộ), phía trước kê bộ bàn ghế tiếp khách. Lọ hoa trên bàn thờ thường phải có đế gọi là an (bình bình an an – lọ hoa và đế tạo ra sự bình an trong gia tộc). Tuy nhiên bên dưới lại có hai con nghê chầu hoa sen vàng…chắc chỉ là để bầy cho đẹp.
Bức ảnh này chụp một cổng nhà được xây dựng rất chắc chắn, chứng tỏ gia đình trung lưu, nhưng lại có cái bếp làm bằng tre, lợp lá quá đơn giản, bên cạnh có một chuồng chim bồ câu lại rất kiên cố.
Có vẻ không phù hợp lắm.
Ngôi nhà tranh vách đất với các dụng cụ làm ruộng, bắt cá, nhưng cửa sổ lại có một lọ hoa to, không hợp cảnh.
Nhà gạch, mái rơm, cửa vòm, cột phía trước và có Nghê chầu trên đỉnh cột…
Tôi không biết chữ viết trên cửa nhà này là gì, nhưng phía trên có hai con “Nghê” chầu nguyệt, bên dưới lại có một cô tiên nữ (?) trên tòa sen, còn góc bên trái lại có tượng một người mặc áo quan (?)…thì thật sự tôi không hiểu là gì.
Bàn thờ Phật này được bố trí không giống với các bàn thờ thông thường. Ở đây có hai tượng nhỏ cởi trần, tôi không biết về sự tích, khi cùng đặt trên bàn thờ Phật.
Còn bàn thờ Phật này lại đặt hai ông Thiện Ác lên chung bàn thờ hai bên phía dưới Đức Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay.
Tôi không có ý chê hay phê phán điều gì, chỉ là kiến thức không đủ rộng để hiểu được hết, nên có phần bối rối mà thôi. Phải công nhận rằng những hiện vật này đã gợi lại rất nhiều điều bổ ích về quá khứ.
Hình ảnh những đụn rơm lớn ở mỗi gia đình.
Mái đền cổ dưới bóng đa hay si đầy bí ẩn…
Hay cổng làng và gian nhà ngói ba gian…thật thân thương với từng người dân đồng bằng Bắc bộ.
Đây là khu thờ Phật ngoài trời, không biết thường phổ biến ở đâu, và rất nhiều các tượng con vật và bảo tháp đá này nữa.
Một tòa nhà lớn có kiến trúc khác lạ so với tất cả ở đây, nổi bật phía sau ngôi nhà ngói đỏ vùng miền Bắc.
Thật sự đây là một bộ sưu tầm lớn nên bạn có thể thấy ở đây mọi thứ được trưng bày, không còn là săp đặt theo truyền thống nữa.
Từ trên tầng cao của tòa nhà có kiến trúc khác lạ, bạn có thể thấy bên dưới Thủy đình trước có hồ sen và một ngọn tháp cao phía sau
Đến Việt phủ, bạn còn được xem múa Rối Nước trong một sân khấu ngoài trời rất đẹp.
Và phía sau ghế ngồi xem múa rối là một nhà hàng rất đặc biệt, được trang trí bằng những hiện vật văn hóa Việt.
Và bạn có thể gặp được chủ nhân Thành Chương, người vẫn tiếp tục miệt mài thu thập thêm cho bộ sưu tầm có một không hai này.
Năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội Việt Phủ Thành Chương được xếp vào một trong các điểm đến nổi tiếng của Hà Nội.