Khách du lịch đến Hà Nội thường biết đến chùa Trấn Quốc trên hòn đảo nhỏ ở hồ Tây hoặc chùa Quán Sứ và chùa Bà Đá ở trung tâm thành phố, nhưng Hà Nội có rất nhiều chùa Phật đẹp và linh thiêng, trong đó chùa Kim Liên là ngôi chùa cổ và có kiến trúc đặc biệt nhất.
Chùa Kim Liên nằm trên một doi đất trông ra Hồ Tây, trước kia khi chưa có các tòa nhà cao tầng của khách sạn Sheraton và Intercontinetal mọc lên, đi trên đê Yên Phụ đã có thể dễ dàng nhận thấy màu ngói đỏ nổi bật giữa vườn cây lá xanh nằm ở sát hồ nước.
Chúng tôi đến chùa vào một ngày bình thường, nên rất vắng vẻ, đó là điều tuyệt vời nhất mỗi khi bước chân vào cửa chùa, được cảm nhận sự an lành, thanh tịnh.
Vốn không phải là người am hiểu về kiến trúc cổ, nên lúc đầu tôi không nhận ra được sự đặc biệt của mái cổng tam quan, mà chỉ bị thu hút bởi sự giản dị của ngôi chùa phía trước.
Rất khó có thể nhìn ra được ba gian điện của chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, nếu nhìn từ bên ngoài, vì không gian sân chùa không rộng lắm. Chúng tôi chỉ nhìn thấy mái của chùa Hạ và đỉnh mái chùa Trung.
Các gian điện của chùa chỉ có ánh sáng ít ỏi lọt qua cửa sổ tròn lồng chữ nhà Phật và ánh sáng từ khoảng trống giữa các gian điện, nên bên trong gian điện khá tối. Và khi chúng tôi đến thì chỉ có chút ánh sáng tự nhiên yếu ớt mà thôi, bên trong không thắp đèn, nên tôi rất tiếc là không thể chụp được bức ảnh đẹp của các bức tượng.
Khi bước vào gian điện, tôi mới nhận thấy kiến trúc khác lạ của ngôi chùa. Gian Hạ có mái thấp, ban thờ ở giữa được xếp hai tầng, tầng một ở dưới trần gian Hạ, tầng hai nằm ở phần mái của gian Trung, nên phải quỳ xuống lễ mới nhìn thấy được bức tượng Phật Bà Nghìn Mắt, Nghìn Tay, phía dưới là tượng Đại thế chí, hai bên là A Nan Đà, Ca diếp là hai đại đệ tử của Đức Phật.
Lớp dưới là Quân âm chuẩn đề và tượng Ngọc Hoàng, dưới cùng là tòa Cửu Long.
Ở hai bên gian chùa Hạ đặt ban thờ Đức Thánh Hiền Ngài Anan tôn giả, đệ tử đệ nhất đa văn của Đức Phật.
Và ban thờ Đức Ông, như tất cả các chùa Phật giáo miền Bắc, là Trưởng giả Cấp Cô Độc, người đã dâng khu vườn để xây tịnh xá, ngôi chùa lớn, thỉnh Phật Thích Ca về thuyết pháp, ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa.
Hành lanh nối gian chùa Hạ với chùa Trung hai bên là hai ban thờ Thập điện.
Gian Thượng đặt bộ Tam thế và tượng Phật A-di-đà. Những pho tượng này rất lớn và đẹp, nhưng ở đây rất tối, có chút ánh sáng lọt vào lại chiếu từ cửa sổ sau lưng những bức tượng, nên rất khó chụp ảnh.
Gian bên trái của chùa Thượng thờ Đức Phật Bà Quan Âm Tống Sử và Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Bên phải là bàn thờ Uy vương Trịnh Giang, người đã cấp tiền để tu tạo chùa vào năm 1771. Những pho tượng này đều mang phong cách điêu khắc thế kỷ XVIII-XIX.
Chùa Kim Liên được xây để vừa thờ Phật vừa thờ công chúa Từ Hoa, người đã được Vua Lý Thần Tông xây dựng một cung điện để công chúa cùng các cung nữ trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Chùa được xây dựng trên nền cũ của cung điện lúc đầu có tên là Đại Bi, đến đời Lê Cảnh Hưng chùa được trùng tu, sửa chữa lớn và mang tên Kim Liên Tự.
Năm 1792-1783, đời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay, có phong cách kiến trúc dáng vẻ cung đình. Chùa Kim Liên mái có cấu trúc hai tầng theo kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi lá đề có từ thời Mạc, chủ yếu được dùng để xây gác chuông. Mỗi nếp 8 mái, có tám tàu đao hình rồng uốn cong. Chân cột kê trên đá tảng chạm hình hoa sen cách điệu. Các đầu bẩy, xà nách, ván long đều có chạm trổ hình hoa lá, rồng phượng.
Đằng sau chùa là dãy nhà dành cho các nhà sư và nơi học tập. Tuy diện tích sân vườn hơi chật hẹp, nhưng rất thanh tịnh là đẹp. Có hai cây bưởi nhỏ nhưng quả lớn, màu vàng chanh và rất thơm.
Phía sân trước, trong tất cả các bồn cây đều trồng rau, cung cấp cho các sư trong chùa.Đây cũng là điểm khác biệt giữa Phật giáo Đại Thừa miền Bắc và Tiểu Thừa miền Nam, các sư ở chùa Bắc thường trồng rau và cây ăn quả để tự cung cấp thực phẩm cho các sư trong chùa.
Xung quanh chùa là nước hồ Tây, nhưng đây là ven hồ nên nước tù đọng. Trước đây có lẽ phong cảnh đẹp hơn rất nhiều, khi xung quanh hồ Tây chưa có nhà cao và dân chưa lấn hồ.
Ở sân trước có hai bảo tháp nhỏ, là nơi cất giữ tro cốt của các vị sư trụ trì.
Lúc ra về tôi mới ngắm nhìn kỹ tam quan và nhận ra kiến trúc độc đáo của nó: hai lớp mái xếp chồng với những đường cong và trạm khắc chi tiết, không giống như bất cứ cổng chùa nào ở Hà Nội.
.
Bạn có thể đến chùa Kim Liên vào bất cứ ngày nào trong năm, khi nào có thời gian ở Hà Nội.