Bản Nà Củng ở Phong Thổ, Lai Châu, cách thành phố khoảng hơn 20 km. Chúng tôi may mắn đến bản đúng vào ngày bản đang có hội, nên được xem một số trò chơi dân gian của người Thái.
Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã vài lần chơi trò chơi kéo co khi còn bé. Kể từ khi “kéo co” trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì có vẻ như trò chơi này được phổ biến hơn trên các bãi biển, nơi tổ chức team building cho các tập thể…Một số dân tộc vùng Tây Bắc không chỉ coi “kéo co” là một trò chơi dân gian mà còn là nghi lễ “kéo mây, kéo mưa xuống ruộng đồng, cho suối nhiều nước, cho mưa thuận gió hòa, cho vạn vật sinh sôi phát triển, kéo cho mùa màng bội thu…”
Trước lễ hội, những người dân bản lên núi đi lấy một cây song mây, loại cây có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt và còn mang ý nghĩa tượng trưng cho rồng thiêng. Cây được lựa chọn kỹ lưỡng như không chọn cây chết, cây cụt ngọn, dài mấy chục mét, họ còn chọn cả ngày để cắt cây. Dây mây cắt xong rồi không được ai bước qua và không được để chạm xuống đất…vì họ sợ làm sợi dây mất thiêng. Dây kéo co được cuộn tròn hoặc mang cả sợi về nhà thầy Mo hay đặt ở đền của bản để thầy cúng làm lễ.
Nghi lễ bắt đầu bằng việc kéo co với một bên nam và một bên nữ. Bên nam kéo ở nửa đầu gốc dây, được coi là đầu rồng, bên nữ sẽ kéo nửa dây phần ngọn được coi là phần đuôi rồng. Người kéo ở đầu cuối cùng của dây kéo không được cầm ra tận ngoài cùng, vì đây là phần miệng và mắt rồng, để rồng còn há miệng phun mưa. Thầy Mo sẽ làm trọng tài, hai bên giằng co 3 lần, kéo qua kéo lại trong tiếng trống, để cuối cùng bên nữ thắng, vì phụ nữ là mẹ nhà, mẹ bản nên nữ thắng thì bản mới được nhiều may mắn. Sau lần kéo co này, mọi người mới thật sự tham gia trò chơi.
Bản Nà Củng đã có con đường xi măng sạch sẽ chạy giữa bản, cạnh đó là dòng suối nhỏ chảy dọc suốt bản, được tách dòng từ suối Nậm So.
Những ngôi nhà sàn nằm giữa vườn cây xanh mát.
Trong bản không phải giai đình nào cũng xây nhà sàn gỗ như ngôi nhà này, một số dựng nhà bằng đất, khung gỗ hoặc tre. Có lẽ bây giờ gỗ đã khan hiếm, nên không dễ để có thể dựng nguyên một nhà sàn gỗ.
Năm nay bản được mùa ngô hay sao mà đi đến đâu tôi cũng thấy màu vàng của ngô. Tôi chỉ biết có món bánh ngô và rượu ngô của người H’Mon, nhưng chưa biết người Thái có đặc sản gì từ ngô, hay họ chỉ dùng để nuôi gia súc, gia cầm.
Ngô được chất đầy trong nhà.
Trải vàng trên sân.
Phơi trên đường đi.
Đến lũ trẻ cũng chơi đùa với những hạt ngô mới tẽ và chỗ lõi vừa vứt ra.
Chúng tôi đến nhà văn hóa cộng đồng bản, nơi đang diễn ra trò chơi bắn bi. Lúc đầu chỉ thấy cho mấy thanh niên nam chơi.
Nhưng sau đó chúng tôi thấy các cô gái cũng tham gia.
Trong bản có một số người biết chơi đàn truyền thống của dân tộc. Tôi đã đề nghị và được một bác lớn tuổi chấp nhận. Ông lấy một trong mấy cây đàn treo trên tường nhà văn hóa xuống và chơi đàn ngay trong bữa ăn.
Một cái trống được treo ở đầu nhà văn hóa, mặt đã bị thủng một bên, nhưng vẫn tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ. Chỗ rách ở mặt trống hóa ra lại vừa xinh, để cất cái dùi!
Con suối mang đến bản dòng nước trong mát, là nguồn nước sạch cho mọi hoạt đồng sinh hoạt của người dân. Chỗ này mọi người giặt giữ quần áo.
Chỗ khác lại rửa bát, rửa rau….
Con suối Nậm So chạy qua bản vừa cung cấp nước cho ruộng đồng, nước sinh hoạt, đồng thời là một con suối rất đẹp, có nhiều sỏi lớn có thể làm du lịch rất tốt.
Ở một số nơi, người ta xếp sỏi lớn thành các “hồ nhỏ” để khách tắm suối được an toàn. Bản Nà Củng nếu phát triển du lịch cộng đồng hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm du lịch tắm suối hấp dẫn này.
Con suối đã được ngăn lại trước khi chảy vào các cánh đồng trong bản, để điều hòa lượng nước các mùa.
Nhưng khi ra khỏi bản, nó đã trở thành con suối lớn.
Cây cầu bằng xi măng bắc qua suối Nậm So để vào bản, giờ tôi mới quay ra chụp hình. Bạn có thể nhận ra ngay đường vào bản, nếu có thời gian đến Lai Châu thì ghé qua nhé.