Đến Hà Tiên nghe chuyện về Mạc Cửu

Khi đến Hà Tiên tôi được nghe câu chuyện dài về gia tộc ông Mạc Cửu, người đã có công khai phá và dâng đất cho nhà Nguyễn. Lịch sử theo sách vở thì cũng có nhiều nghiên cứu khác nhau, vì thời điểm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, vùng đất xa xôi này chưa có ai ghi chép lịch sử chính thống, nên câu chuyện chỉ căn cứ từ các sự kiện hay ghi chép cùng thời mà suy đoán. Do vậy, tôi cũng chỉ kể lại những gì nghe được.

IMG_8013

Tôi đến thăm ngôi đền thờ Mạc Cửu, phía trước là Bảo nguyệt liên trì – hồ nước lớn khá đẹp,nhưng mùa này sen chưa mọc nhiều. Ngôi đền khá khiêm tốn, với những gian thờ nhỏ và đơn giản. Tôi đã ngồi ở đây khá lâu để nghe kể về lai lịch của gia tộc họ Mạc và cũng là lịch sử của mảnh đất Hà Tiên này.

IMG_8042

Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, được một người Quảng Đông tên là Mạc Cửu, do không chấp nhận buổi đầu dưới sự thống trị của nhà Mãn Thanh, đã bỏ quê hương cùng với mấy trăm người lên thuyền để đến tận mảnh đất xa xôi này, lúc đó (nghĩa là khoảng đầu năm 1700) có tên là Sài Mạt. Do nhiều cơ duyên, dân gian đồn rằng ông đào được hầm bạc, người khác nói ông kinh doanh thuế chơi cờ bạc mà thành giầu… nhưng dù có chuyện gì đi nữa, thì ông cũng là người lập nên 7 xã thôn trên mảnh đất này. Và vì thời đó thường xuất hiện tiên trên sông nên có thể vì vậy mà người ta gọi mảnh đất này là Hà Tiên!!!

IMG_8017

Là người có đầu óc kinh doanh, lại biết dùng bình tốt nên dần dần ông Mạc Cửu đã biến Hà tiên trở thành thương cảng tấp nập, ông mở thêm sòng bạc, thu hút người Hoa đến buôn bán làm ăn và ở lại định cư. Khoảng năm 1714 Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu (tên đất Hà Tiên thời đó).

IMG_8022

Sau khi ông mất năm 1735, con trai là Mạc Thiên Tứ kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh (đổi tên từ Căn Khẩu mà thành) sau đổi thành Hà Tiên. Sau đó Mạc Thiên Tứ còn lập thêm 4 ấp gồm Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ và bắc Bạc Liêu. Dưới sự dẫn dắt của Mạc Thiên Tứ, lần lượt hai đời vua Chân Lạp là Nặc Nguyên và Nặc Tôn đều thần phục chúa Nguyễn, dâng đất cho chúa Nguyễn mấy vùng như vùng Tân An, Gò Công…

IMG_8021

Mạc Thiên Tứ là người trọng văn học, thường mời các bạn văn sĩ tài nghệ tới đàm đạo thơ văn. Họ là những người gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và người từ các phủ Triệu Phong, phủ Quy Nhơn hoặc phủ Gia Định cùng đến tham dự.

IMG_8035

Vào năm 1776 khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định, Mạc Thiên Tứ vẫn giữ lòng trung thành với chúa Nguyễn, cùng chúa Nguyễn chạy qua Xiêm La trốn. Nhưng do nghe lời dèm pha, vua Xiêm La đã giết hại nhiều người thân trong gia đình ông, bản thân ông cũng bị bắt giam tra hỏi, quá phẫn uất ông đã tự tử và chết trên đất Xiêm La (Thái Lan).

IMG_8024

Sau này con cháu họ Mạc tiếp tục làm quan cho chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn cho đến đời vua Minh Mạng thì chấm dứt, vì một số con cháu họ Mạc nhận chức từ Lê Văn Khôi và bị coi có dính líu tới việc Lê Văn Khôi chống lại triều đình.

IMG_8028

Phía sau đền là núi Lăng, nơi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh của họ Mạc. Cả lăng và đền thờ Mạc Cửu đều do Mạc Thiên Tứ thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi.

IMG_8036

Phần lăng mộ của gia đình Mạc Cửu nằm theo sườn núi thoai thoải, giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm cẩn đá xanh, có tảng dài đến ba mét, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng.

IMG_8041

Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, núm mộ có hình dáng như một con trâu nằm – thế tọa ngưu. Lăng Mạc Cửu theo kiểu Tàu, bên trái đắp nổi đầu rồng, bên phải đắp đầu hổ.

IMG_8040

Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ của vợ ông, con trai cả là Mạc Thiên Tứ và các con cháu khác.

IMG_8037

Gia đình con trai cả Mạc Thiên Tứ có một giai thoại rất ly kỳ về người con gái yểu kỳ dị Mạc Mi Cô. Chuyện kể rằng bà vợ Mạc Thiên Tứ sinh liên tiếp năm người con trai, mong muốn có thêm cô con gái cho vui cửa nhà nên hai vợ chồng  thường đi chùa đền cầu khẩn Phật Trời và làm nhiều việc thiện tích đức. Một đêm bà vợ ông nằm mộng, thấy một tiên nữ từ trên trời bay xuống trên tay bồng một em bé gái rất xinh và đến trước mặt bà nói: “Ta cho ngươi đó” và đặt đứa bé vào lòng bà rồi biến mất. Sau đó bà có thai và sinh được cô con gái thiếu tháng, nhưng điều đặc biệt là bé gái không khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác, tóc đã dài chấm gót, răng mọc đủ như người lớn và còn cười nói như đứa trẻ lên năm lên bảy.

Nhưng sau đó có mấy thầy địa lý từ Trung Quốc sang, xem phong thủy thấy có âm khí nặng và nhận ra âm khí đó chính là từ cô con gái của Mạc Thiên Tứ. Họ nói với ông, cô chính là yêu quái cần phải đặt bùa chú để bắt. Có thể chính những bùa chú này đã khiến cô bé chết yểu chăng, không ai biết, chỉ truyền nhau rằng cô rất linh thiêng.

MMC

Ngôi mộ cổ Mạc Mi Cô khá nhỏ dưới tán cây, có hình vòng cung, trước mộ có bia đá, đôi hạc và dãy bàn đá để nhiều người đặt lễ vật đến dâng cúng, tạ ơn Cô Năm. Rất khó chụp hình vì có mấy chiếc ô lớn che trên mộ cô. Trong công viên Văn hóa Bình San đối diện khu mộ của cô, có tấm bia đá viết lược sử về cô, rằng lúc sinh thời cô rất hiếu thảo, hiền hậu, chăm chỉ đèn sách, có lòng nhân từ bác ái, hay giúp đỡ mọi người. Ảnh dưới là cổng Công viên.

IMG_8081

“Cô Năm tu Phật nên rất độ người” – ở Hà tiên từ người trẻ đến người già, khi  nhắc đến Cô ai cũng tỏ lòng tôn kính.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *