Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi Hắc Công Tử…

Trước khi rời Sóc Trăng, chúng tôi đến thăm chùa Đất Sét – Bửu Sơn Tự, một ngôi chùa độc đáo, chỉ có duy nhất trên đời. Cổng chùa được xây bề thế, bên trên có ghi tên và địa chỉ với dòng chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương” (còn có tên là đạo Lành được ông Đoàn Minh Huyên khai sáng năm 1849, người được tín đồ tôn kính gọi là Phật Thầy Tây An, là người chữa bệnh cứu dân và răn dạy lẽ phải cho dân…).

IMG_0081

Mặc dù đã đọc trước về ngôi chùa này, nhưng chúng tôi vẫn hơi ngỡ ngàng khi bước chân qua cổng vào bên trong. Ngôi chùa nổi tiếng như thế mà chỉ trong một khuôn viên rất nhỏ (khoảng 400 m2 nhưng tôi có cảm tưởng bé hơn), bao gồm gian điện chùa, sân và có lẽ cả nơi ở của gia tộc họ Ngô nữa. Gửi xe ở một quán nước bên cạnh cổng chùa, chúng tôi đi qua cổng chùa, để đến một khoảng sân nhỏ là nơi để xe và là lối đi chung cho cả khách và gia chủ. Có một quán bán đồ cúng lễ ở đây, không biết có phải của gia đình họ Ngô không?

IMG_0064

Chùa Đất Sét được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia. Ban đầu, chỉ là một am nhỏ bằng gỗ lợp lá và gian điện thờ rất đơn sơ. Mãi đến khi ông Ngô Kim Tòng là người trụ trí đời thứ tư am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay. Chúng tôi vào sân sau nơi có đặt bức tượng Phật Bà Quan Âm cưỡi rồng và tượng Phật Di Lạc ngự tòa sen hồng, nhưng có khuôn mặt hơi “dữ” không giống như những bức tượng Di Lạc tôi đã từng thấy.

IMG_0067

Tôi băn khoăn không biết nên bắt đầu tham quan chùa thế nào, vì còn sớm nên chưa có khách, chỉ có một người đang dọn dẹp, tưới cây. Bên trong gian điện có diện tích khá khiêm tốn, lại có quá nhiều ban thờ, tượng các loại nên rất chật chội. Trong điện có trên ngàn tượng pho tượng các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần…và linh thú do ông Ngô Kim Tòng đã làm ra trong suốt 42 năm (1928 – 1970) để thờ và trang trí. Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, nên quyết định cứ đi theo chiều kim đồng hồ.

IMG_0079

Tất cả những bức tượng đều được làm chủ yếu từ đất sét, có pha trộn bột hương cùng với keo ô dước (đó là một chất kết dinh được làm từ vôi sống, vôi tôi, vò sò, vỏ nghêu, cát, nhựa cây, mật ong, giấy gió, than hoạt tính…) để không bị nứt nẻ và đều được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn ta và dầu bóng. Trên một số bức tượng lớn có treo biển cảnh báo dễ vỡ khiến chúng tôi phải rất thận trọng khi di chuyển và nhất là lúc “lùi lùi”…tìm chỗ chụp ảnh. Cũng may là trong điện lúc này chỉ có hai chúng tôi.

IMG_0076

Tôi phải đi lại hai ba vòng mới dần dần hiểu ra được cách sắp xếp các pho tượng thờ, bao gồm các tượng thờ Phật như A Di Đà, Di Lặc, Quan Thế Âm; tượng thờ Khổng Tử; tượng thờ Đạo giáo như  Ngọc Hoàng Thượng đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Lão Tử… nghĩa là ở đây có đầy đủ các bức tượng đại diện cho “Tam giáo ” (Phật, Nho, Lão) cũng là tư tưởng tôn giáo  của người lập chùa và các thế hệ kế thừa của gia tộc.

IMG_0077

Vì điện thờ theo đạo Lành – đạo Phật đơn giản hóa (lấy đạo Phật làm gốc – thiện tâm, nhưng không cần đi tu, không ăn chay…) và đề cao Tứ Ân (Ân tổ tiên, Ân đất nước, Ân Tam Bảo và Ân nhân loại) nên có đủ bàn thờ cho các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần…Vì không gian chật hẹp nên rất khó chụp được các bức tượng đặc biệt này. Mỗi bức tượng đều độc nhất, vô nhị, không có bức nào giống bức nào cả. Tôi chỉ chụp được mấy bức tượng to thôi. Ảnh dưới là ban thờ Phật, nhưng sự sắp xếp vị trí các tượng Phật cũng rất khác so với chùa miền Bắc.

IMG_0068

Còn đây là Bàn thờ Diêu Trì Kim Mẫu – Đức Phật Mẫu ở cung Diêu Trì (Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đức Trí Tôn chưởng quản Khí Dương Quang và Đức Phật Mẫu chưởng quản Khí Âm Quang. Đức Chí Tôn tạo ra Chân Linh tức là phần hồn cho con người, còn Đức Phật Mẫu tạo ra Thể vía bao bọc phần linh hồn và cha mẹ cho thân xác).

IMG_0070

Và cũng vì chùa Đất Sét lập ra để tu tại gia nên chùa không có sư, do người trong gia tộc thay nhau quản lý và cũng không nhận tiền công đức của khách thập phương. Trong điện lúc nào cũng có cây nến đại cháy, mọi người đến cúng lễ cũng không có chỗ nào để đặt mâm lễ, nên chắc chỉ đến tay không hoặc đặt lễ ngoài sân.

IMG_0072

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn pho tượng làm bằng đất sét, cột chùa cũng được ốp bằng đất sét, mà còn được nhiều người biết đến bởi 4 đôi nến cao lớn được đúc năm 1940. Trong đó, có ba đôi mà mỗi cây cao 2,6 m, ngang 1 m, và được đúc bằng 200 kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100 kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp. Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (18/ 7/ 1970) mà vẫn chưa hết. Ngoài ra, tại đây còn có 3 cây hương, mỗi cây cao 1,5 m, nặng 50 kg và hiện chưa được đốt. Ảnh dưới là hai cây nến nhỏ cháy gần 50 năm nay đặt trước bàn thờ Diêu Trì Kim Mẫu.

DS

Sau khi thăm chùa Đất Sét xong, chúng tôi khởi hành đi TP Bạc Liêu với quãng đường trên 50km. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn thấy một bức tường rào đặc trưng của chùa Phật Khmer hay thấp thoáng dưới lùm cây mái cong ba tầng rất dễ nhận thấy. Nhiều chùa đang được tu sửa lại hoặc xây dựng lớn hơn.

IMG_0188

Chúng tôi vượt qua nhiều cây cầu nối hai bờ con kênh lớn nhỏ và gặp lại cảnh làng quê hai bên bờ sông…

IMG_0190

Chúng tôi đến thăm chùa Xiêm Cán, ngôi chùa được xem là cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở vùng Tây nam bộ, nằm cách TP Bạc Liêu khoảng 7km. Từ xa bức tường dài bao quanh chùa và những hàng cột nổi bật đã chỉ hướng cho tất cả khách thập phương. Chùa đang trong giai đoạn trùng tu và bức tường bao quanh có lẽ mới được sơn lại. Chỉ mới nhìn bên ngoài chùa như thế này cũng đã thấy chùa “hoành tráng” mức nào!

IMG_0211

Chúng tôi chạy xe máy qua lần cổng thứ nhất vào trong khuôn viên rất rộng và nhìn thấy rất nhiều chú tiểu trẻ từ khoảng trên 10 tuổi đến dưới 20 tuổi đang lao động dọn dẹp và phụ giúp sửa sang chùa (theo Phật giáo Nam Tông, tất cả con trai sẽ phải đi tu báo hiếu bố mẹ ít nhất 6 tháng đến nhiều năm hay cả đời, họ có thể vào chùa tu bất cứ độ tuổi nào).

IMG_0213

Trong không gian rộng lớn, lại không có khách du lịch hay người dân tới cúng lễ nên không có ai quản lý sắp xếp việc để xe. Chúng tôi dựng xe dưới gốc cây Sala hay còn gọi là cây Ngọc Kỳ lân, một loài cây gắn liền với sự ra đời của Đức Phật Thích Ca và là nơi Ngài nhập Diệt. Tôi rất thích cây hoa đặc biệt này vì nó chẳng giống bất kỳ loài cây thông thường nào và hoa của nó rất đẹp.

IMG_0220

Chúng tôi không may mắn vì Chính điện đang trùng tu, sửa chữa nên không thể vào thăm bên trong được. Nhìn bên ngoài cũng thấy được vẻ đẹp và uy nghi của Chính điện.

IMG_0227

Chùa được xây dựng vào năm 1887, có lẽ đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần. Chính điện nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1,5 mét, được chia làm nhiều cấp bậc và có hành lang bao xung quanh. Hai bên cổng thứ nhất vào Chính điện được trang trí bằng hai con rắn thần Naga và trên cổng có bức phù điêu 3 lớp, ở trung tâm là bức phù điêu Đức Phật 3 mặt và trang trí hoa văn đặc trưng Phật giáo Khmer, cổng thứ hai được 4 con rắn thần Naga canh giữ. Dưới mái là những vũ nữ Kẽn naarr đỡ mái.

IMG_0217

Trời đang nắng bỗng đổ mưa, chúng tôi chạy vội đến sa la là nhà hội, nơi sắp đồ cúng lễ của các tín đồ Phật giáo Khmer. Bên trong gian sa la có một ban thờ nhỏ và các bức tường được trang trí nhiều bức họa về cuộc đời của Đức Phật Thích ca.

IMG_0233

Có thể trong thời gian Chính điện sửa chữa, các tín đồ cúng lễ tại đây.

IMG_0235

Màu sắc bên trong gian điện thờ và trang trí bên ngoài của các chùa Phật giáo Khmer khác hẳn với màu nâu trầm mặc, giản dị của các chùa Phật Bắc tông. Mái nhà của gian sala này được trang trí bằng những bức tượng các vị thần theo truyền thuyết của Phật giáo Khmer mà mới nhìn tôi lại tưởng nhầm là một cảnh trong Tôn Ngộ Không đi lấy kinh mới chết chứ!

IMG_0240

Một ngôi nhà hai tầng được trang trí bằng bức tượng Phật bốn mặt lớn được dùng là nơi học tập cho các chú tiểu.

IMG_0239

Phía đối diện là một số điện thờ mà tôi cũng không biết rõ tên và mục đích sử dụng của từng loại.

IMG_0232

Xung quanh sân giữa rộng là những sa la được xây theo hình dáng nhà sàn bằng gỗ, đầu cầu thang có rắn thần Naga bảo vệ là nơi nghỉ ngơi của các nhà sư ở đây.

IMG_0243

Tôi thấy có nhiều chú tiểu nhỏ tuổi có thể mới đến chùa, có chú tò mò nhìn chúng tôi.

IMG_0245

Ở cuối hành lang một chú tiểu chắc đang nhớ nhà, ngồi một mình nhìn ra xa xăm…dáng vẻ suy tư lắm.

IMG_0247

Có rất nhiều Tháp là nơi cúng lễ…Và cũng nhiều Tháp nằm khắp trong khuôn viên là nơi cất giữ tro, cốt.

IMG_0218

Ra đến chỗ để xe, chúng tôi bắt gặp mấy chú tiểu đang ngồi uống nước, chắc vẫn chưa quên thói quen đời thường các chú mới rời bỏ có thể chưa lâu.

IMG_0256

Chúng tôi lên xe về TP Bạc Liêu với đích đến là nhà công tử Bạc Liêu – Hắc Công tử (tên là Trần Trinh Huy). Ngôi biệt thự của ông trước đây giờ đã trở thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu, gồm có 6 phòng, 5 phòng bình thường còn căn phòng từng thuộc về công tử có giá gấp đôi và luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Du khách muốn nghỉ đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng.

IMG_0270

Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng với toàn bộ vật liệu từ thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí được nhập từ Pháp. Ngôi nhà của Công tử không chỉ đặc biệt về kiến trúc mà cả nội thất và đồ gỗ, đồ sứ hay bằng đồng rất quý giá, tuy nhiên hiện nay hầu như đã thất lạc (do chiến tranh và do gia đình lụi bại mà phải bán).

ct1

Khi chúng tôi đến thăm chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng đã được chiêm ngưỡng hai chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng chạm trổ rất tinh xảo được trưng bày (được giới thiệu là nhà chùa đã mua lại của gia đình Công tử).

IMG_0171

Bộ bàn ghế trạm trổ rất tinh xảo lưu giữ ở chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng)…

IMG_0176 Câu chuyện về con người nổi tiếng này có lẽ ai ai cũng biết, nên tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện. Công tư Bạc liêu đã đi thăm ruộng bằng máy bay, khi đó cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc dân dụng của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Có lần công tử đã lái máy bay đi trang trại ở Rạch Giá, tiện đường ra Hà Tiên chơi rồi phi luôn sang Siêm, đến khi hết xăng phải xin hạ cánh và bị giữ lại bên Siêm. Bố công tử đã phải gửi một đoàn ghe dài chở thóc sang Siêm để chuộc cậu quý tử về. Còn vụ đốt tiền luộc trứng tranh đua với Bạch Công tử (ở Mỹ Tho) chỉ là chuyện đồn thổi!

ct3

Công tử dùng xe Ford Vedette để đi thăm ruộng, còn đi chơi ông dùng chiếc Peugeot thể thao, lúc đó cả nước chỉ có hai chiếc, một là của ông và chiếc kia của vua Bảo Đại. Vua có cái gì ông nhất định phải có bằng được.

ct5

Năm 1942 bố mất chia gia tài cho các con, nhưng công tử chỉ quen tiêu sài nên tài sản hao mòn dần. Những năm 1960 sau cải cách điền địa của chính phủ cộng hòa, công tử mất gần hết ruộng đất, không còn được hưởng hoa lợi, nên quay sang buôn bán, nhưng không thành công. Đây là những đồ gỗ quý giá còn sót lại…

ct6

Khoảng cuối những năm 70, gia đình phải bán nốt tòa nhà cuối cùng ở đường Nhất Linh và mấy anh em chia nhau tiền rồi mỗi người đi một nơi. Ngài công tử giàu có trước kia đã để lại cho các con cháu mình một gia tài trống rỗng, thậm trí người con trai là Trần Trinh Đức sau này còn phá sản vì con gái cờ bạc…Đúng là không ai giàu 3 họ…nhưng gia tộc họ Trần kể từ ông bố công tử cũng chỉ giàu đến 2 đời, đến tay công tử là phá sạch.

ct4

Rất tiếc là chúng tôi không có cơ hội trải nghiệm “qua đêm” trong khách sạn “Công tử Bạc Liêu”. “Xe ôm” Hà Nội đã đón ngay tại cửa khách sạn để tiếp tục hành trình…

IMG_1899

Dọc đường đi tôi vẫn bị những mái cong thấp thoáng giữa lùm cây níu kéo.

IMG_0293

Một bức tường quanh một ngôi chùa có màu sắc giống bức tường quanh chùa Dơi ở Sóc Trăng, nhưng họa tiết thì khác, hoa văn ở chùa Dơi là các vòng tròn trạm hoa thủng nối nhau, còn ở đây là bức phù điêu chữ nhật hai bên là bông hoa ở giữa có thêm hình thần chim. Ngôi chùa này chắc cũng rất đẹp nhưng chúng tôi không còn thời gian để dừng lại tham quan nữa, rất tiếc!

IMG_0295

Cổng chùa không thấy có ghi tên, chắc mới sửa chữa chưa hoàn thiện, nên tôi không tìm được thông tin gì thêm về ngôi chùa trên internet.

IMG_0298

Trên đường từ Bạc Liêu về Cà Mau chúng tôi đến thăm Thánh đường Tắc Sậy (ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) được thành lập từ năm 1925.

IMG_1905

Nhà nguyện ban đầu được dựng lên bằng thân cây và tường bằng lá ốp lại, nằm bên bờ kênh, trong vùng lau sậy do Cha Phaolô Trần Minh Kính dựng tạm. Có con đường đi tắt qua nên người ta gọi là Tắt (người miền Nam đọc thành Tắc) Sậy. Năm 1930, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp về nhận nhiệm sở mới rời thánh đường ra gần lộ từ Cần Thơ xuống Cà Mau và dựng nhà nguyện mới lợp mái ngói và vách bằng gỗ ván kho. Năm 1946 do xã hội loạn lạc nhà thờ bị đốt phá Cha Phanxico đã chết thay 70 tín hữu, giáo dân tan tác. Trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, xây dựng lại nhà thờ, quy tụ rồi lại tản mát, cho đến 1977 nhà thờ mới được an tọa và dần dần củng cố mở rộng. Nhà thờ mang kiến trúc độc đáo và lạ mắt, gồm có 3 tầng, tầng trệt là nơi đón tiếp khách, tầng 2 và 3 là nơi dâng thánh lễ với tiền sảnh rất rộng. Chúng tôi đến đúng lúc đang làm lễ đọc kinh buổi chiều.

IMG_0310

Không có nhiều con chiên tham dự buổi lễ. Chúng tôi thấy cuối gian điện có một dàn đồng ca, thường ngân nga cuối mỗi câu của cha sứ giảng.

IMG_0314

Nơi đặt phần mộ được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa nhà. Nhiều bức tượng gỗ ở đây đa số bằng gỗ quý, tác phẩm tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5m được đặt tại nhà thờ Tắc Sậy ngày 24/12/2008 với gỗ nét điêu khắc tinh vi càng khiến cho không khí linh thiêng nơi đây thêm trang trọng.

IMG_0323

Trong khuôn viên nhà thờ, có ngôi mộ chứa hài cốt Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, nhiều người tin tưởng linh thiêng, nhiều khách hành hương đến viếng.

IMG_1906

Những tia nắng cuối cùng cho phép chúng tôi chụp nốt bức ảnh trước cửa gian thờ Cha Diệp và cũng thúc giục chúng tôi nhanh chóng lên đường để có thể về đến Cà Mau không quá muộn.

IMG_0317

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *