Đến Sóc Trăng để tìm hiểu Phật giáo Khmer

Vì đã được đọc về một số chùa Phật giáo Khmer ở Sóc Trăng nên chúng tôi cố gắng tranh thủ thời gian để có thể thăm được những ngôi chùa đặc biệt nhất trong vùng. Sau khi rời chùa Dơi, chúng tôi đến chùa Kh’leang, ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng và là một trong bốn chùa Phật Khmer cổ ở Tây Nam bộ (ba chùa còn lại ở Trà Vinh là chùa Âng, chùa Ông Mẹt, chùa Phướng).

IMG_1850

Tất cả các chùa Phật Khmer đều dễ nhận ra từ xa vì màu sắc của bức tường xung quanh và cổng chùa. Cổng chính của chùa Kh’leang, Sóc Trăngquay về hướng đông (trên đường Tôn Đức Thắng), trên cổng có ba tháp vàng, mặt trước mỗi thân cột có gắn tượng vũ nữ Kẽn naarr (trong truyền thuyết của Phật giáo Khmer) dang tay chống mái.

IMG_0086

Bức tường bao quanh chùa Kh’leang cũng giống như chùa Dơi, nhưng màu hồng được thay bằng mùa xanh dương nổi bật. Dường như các chùa đều được sửa sang làm mới lại trong thời gian gần đây, nên màu sơn vẫn còn rất mới.

IMG_0087

Toàn bộ các công trình của chùa Khléang nằm trong một khuôn viên rộng 3.800 m2 và đặc biệt là có nhiều cây cây thốt nốt rất to và đẹp. Tôi đã thấy những cây thốt nốt xung quanh đền Angkor và rất thích, nhưng ở đây những cây thốt nốt này có lẽ được cắt tỉa cẩn thận nên đẹp hơn nhiều.

IMG_0091

Không có khách tham quan, khuôn viên rộng của chùa có lẽ là nơi lỹ tưởng cho các taxi đang không có khách đỗ an toàn và mát mẻ. Tòa nhà Chính điện nằm ở trung tâm khuôn viên, có diện tích gần 200 m2, nằm trên nền cao hơn mặt đất gần 2 m, gồm ba cấp, mỗi cấp có vòng rào xây bằng gạch. Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có cửa ra vào, trên cột ở cửa là những vị thần Teahu và chim thần trấn giữ, trong truyền thuyết của Phật giáo Khmer.

IMG_0092

Bộ mái chính điện cũng được xây dựng theo hình thức ba cấp và mỗi cấp lại có 3 nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng với thân hình uốn lượn, đầu xòe ra hình rẻ quạt, đuôi cong lên và giao thoa với những đuôi rồng khác. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud – người đầu chim dang tay chống đỡ.

IMG_1829

Bên trong chính điện, có 12 cây cột to trang trí hình rồng, hình cá uốn lượn màu vàng trên nền cột đen. Cũng giống như các ngôi chùa thuộc phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, nơi đây cũng chỉ thờ duy nhất là Phật Thích Ca. Trong số rất nhiều bức tượng Phật Thích Ca ở đây, có một tượng cao 6.8 m, ngồi trên tòa sen lộng lẫy. Không giống như nhiều chùa Khmer khác, trong gian Chính điện này không có những bức tranh nói về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.

kh'leang

Đối diện Chánh điện là cột cờ có bốn con rắn thần Naga chầu phía dưới, đuôi của chúng cuốn quanh cột cờ lên đến gần đỉnh.

IMG_0094

Bên trái Chánh điện là sala được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn là nơi sinh hoạt của các nhà sư và chuẩn bị đồ cũng lễ.

IMG_0097

Bên cạnh chùa là trường học Khmer, Sóc Trăng với những dòng chữ bằng hai ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Khmer.

IMG_1835

Việc xây dựng chùa Kh’leang, Sóc Trăng được kể lại từ đầu thế kỷ XVI, sau chuyến đi vi hành của vua nước Chân Lạp đến vùng hạ lưu sông Hậu mà không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, nên đã lệnh cho viên quan cai quản vùng đất phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân chúng có nơi hành đạo. Ảnh dưới là một cửa ra vào khuôn viên của Chánh điện.

IMG_1847

Ngôi chùa ban đầu bằng gỗ và lợp lá ngày đó đã không còn lại dấu tích gì, ngoài truyền thuyết. Ngôi chính điện và sa la hiện nay được xây cất bằng gạch ngói từ giữa thế kỷ XVI và được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất được sửa chữa là năm 1994. Ảnh dưới là một cửa ra vào khác của Chánh điện, phía sau là hội trường và nhà của các sư trụ trì.

IMG_1840

Một trong những bảo tháp rất lớn nằm giữa những tán cây trong khuôn viên của chùa, được trang trí như chiếc vương miện của hoàng hậu Khmer.

IMG_0088

Còn bảo tháp này lại có kiến trúc hoàn toàn khác.

IMG_0093

Khi chúng tôi đến chùa không có một ai, lúc chúng tôi ra đi cũng vẫn chỉ một mình. Chúng tôi lại lên đường và đến chùa Chrôi Tưm Chắs, Sóc Trăng cũng là một ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm, nhưng vì chùa đang sửa chữa, nên chúng tôi chỉ đi bên ngoài và chụp ảnh nơi nào có thể. Chùa có khuôn viên khá rộng rãi và có đến 3 cổng vào. Cổng chính được trang trí bởi 5 ngọn tháp 6 tầng, mỗi tầng đặt một bức tượng Phật Thích Ca.

Khroi1

Hai bên cổng là các bức phù điêu miêu tả các vũ nữ Apsara đang múa.

Khroi4

Cổng thứ 2 được trang trí bằng đôi sư tử Rêachsei (chúa của các loài thú ở rừng thiêng Hymalaya) đỡ lọng, chầu pháp luân (bánh xe pháp – một biểu tượng của Phật giáo). Dọc suốt cả tường rào đều được trang trí bằng những bánh xe pháp luân, phía trên của bờ tường là các tượng phật đặt liên tiếp nhau. Cách các đoạn tường rào là hàng cột cũng được trang trí với các  phù điêu tiên nữ hoặc họa tiết hoa văn. Trên đầu mỗi cột được đặt một tượng đầu thần Maha Prum – thần Bốn mặt.

Khroi3

Giống như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Chrôi Tưm Chắs, Sóc Trăng cũng gồm Chính điện, sala (khu chuẩn bị đồ cúng lễ và sinh hoạt của các sư), tăng xá và các công trình phụ. Sala và tăng xá của chùa khá mới, có dáng vẻ pha trộn kiến trúc hiện đại và kiến trúc Phật giáo Khmer truyền thống được xây dựng  thành một khối kiến trúc liền kề, khu Chính điện đang được xây mới, thay thế Chính điện cũ đã có tuổi thọ hơn một trăm năm và đã xuống cấp.

Khroi tum chac

Điểm tiếp theo của chúng tôi là chùa Sa Lôn, Sóc Trăng hay còn gọi là chùa “Chén kiểu”, nằm cách TP Sóc Trăng 12km. Từ xa bức tường xung quanh chùa đã thu hút mọi người bởi màu sắc rực rỡ của các vũ nữ Apsara. Ở miền bắc, bạn có thể đi lướt qua một cổng chùa nếu không chú ý, nhưng chùa Phật Khmer khiếnt bạn phải dừng chân.

IMG_0140

Hai bên cổng có hai con sư tử bằng đá trên bệ cao. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được trang trí theo kiến trúc truyền thống Khmer, tháp chính giữa có lồng khung kính bên trong đặt bức tượng Phật ngồi uy nghi.

IMG_0141

Có lẽ chùa mới được sửa chữa lại nên rất mới, đẹp và có biển chỉ dẫn đầy đủ. Bước vào cửa chùa tôi phải trấn tĩnh xem biển chỉ dẫn vì có quá nhiều điều lạ mắt và hấp dẫn. Chùa Sà Lôn được dựng bằng gỗ và lá từ năm 1815 và được trùng tu nhiều lần. Ngôi chính điện của chùa đã từng bị bom đánh sập trong chiến tranh. Năm 1969, sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chính điện, sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp, v.v… bằng vật liệu kiên cố trong nhiều năm. Đến năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành, nhưng do thiếu kinh phí, nhà chùa có sáng kiến dùng chén đĩa có hoa văn để trang trí phần sau ngôi chính điện, nên từ đó người ta gọi tên chùa là Chén Kiểu.

IMG_0149

Bên tay trái là chính điện chùa Sà Lôn, một tòa nhà có màu sắc “nhã nhặn” hơn các tòa nhà, tòa tháp rực rỡ khác. Mái chánh điện được xây dựng theo dạng tam cấp, có 3 lớp, lớp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần ở bên trên. Mái được trang trí nhiều họa tiết với màu sắc rất đẹp mắt. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ rất kỳ công. Xung quanh chính điện là các vũ nữ Apsara đứng chầu.

IMG_0181

Xung quanh gian chính điện là những hành lang dài, trên có mái che và được các vũ nữ Kẽn naarr đỡ mái.

IMG_0150

Phía trong chính điện có đặt một bàn thờ chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Có khá nhiều tượng Phật ở đây với các kích cỡ khác nhau và các tư thế đứng ngồi cũng khác nhau, các gương mặt đều nhìn về hướng Đông để ban phúc.

IMG_0146

Gian chính điện có 16 hàng cột to chống đỡ mái và được trang trí bằng gạch men. Trên trần có trang trí họa tiết nhiều màu sặc sỡ và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Phật Thích Ca.

IMG_0145

Giữa sân chùa Sà Lôn là một cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Phật Thích Ca khi người tọa thiền. Bao quanh khu cột cờ này, là các dãy nhà nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi.

IMG_0151

Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca.

IMG_0162

Trong khuôn viên còn có những bảo tháp khá cũ bên cạnh những cái mới xây. Mặc dù thời gian đã phủ một lớp rêu cũ và cây cỏ cũng đã tranh thủ mọc ra từ những kẽ nứt của ngọn tháp này, nhưng những nét họa tiết trang trí vẫn còn rõ nét.

IMG_0158

Đối diện với khu Vườn Phật Thích Ca là tòa nhà của trường học có màu sắc trang trí gần giống với Chính điện, nơi trẻ em Khmer được học tiếng Khmer và Phật giáo cũng như văn hóa của người Khmer. Tòa nhà này có mái được trang trí cầu kỳ và lạ mắt.

IMG_0160

Tháp Kim Quang có màu sắc rực rỡ có lẽ mới được sửa chữa lại, cũng có kiến trúc khá phức tạp với họa tiết trang trí đặc biệt. Tòa tháp này được sử dụng làm nơi học tập và hội thảo của các nhà sư.

IMG_0179

Tòa nhà sala bên phải cổng vào là nơi lưu giữ một số kỷ vật được các tăng ni Phật tử kính tặng nhà chùa và đặc biệt có một số tài sản nhà chùa đã mua lại của gia đình công tử Bạc Liêu. Nhưng tôi sẽ trở lại với những hiện vật này vào bài sau, khi viết về Bạc Liêu. Còn hôm nay có lẽ đã “bội thực” về Phật giáo Khmer rồi. Chúng tôi cúi lạy trước bức tượng Phật Thích Ca trước khi ra về.

IMG_0163

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *