Anh là một nghệ sĩ, nhà điêu khắc chứ không chỉ là một nghệ nhân. Anh đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và đem đến cho chúng những linh hồn, cho chúng một số phận để chúng có thể kể cho mọi người nghe những câu chuyện…
Tôi đã may mắn được ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc gỗ của người nghệ sĩ, nghệ nhân Trần Thu cùng với những câu chuyện đầy tính nhân văn và cảm xúc đằng sau mỗi tác phẩm.
Tôi đã ước có thêm thời gian để có thể hòa mình với không gian của sự tinh tế, những lời thì thầm nho nhỏ từ những hạt gạo, cành hoa, những trái cây trong vườn và cả hơi thở của thời gian từ xa xưa vọng lại. Đã lâu rồi tôi không được đắm mình trong cảm xúc của cái đẹp do những bàn tay khéo léo tạo ra và thổi vào đó những tình cảm rất con người.
Đây là câu chuyện tiếp nối của một huyền thoại. Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời! Người anh hùng dân tộc, hay đúng hơn là một vị thần, sau khi đã giúp dân dẹp hết giặc đã đi đâu? Có lẽ hầu hết chúng ta chỉ dừng lại truyền thuyết ở đấy. Nhưng trên Trời, Thánh Gióng lại trở về với hình hài là một cậu bé, trong cánh tay vẫn còn một cành tre, ngồi trên lưng chú Bọ Ngựa (ngựa trên Trời!) đang chăm chú đọc cuốn Thiên Thư…
Câu chuyện “Hoàn kiếm” và hình ảnh rùa vàng ngậm thanh kiếm đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên trong đời tôi được nghe rằng thanh kiếm tuốt ra khỏi bao là hình ảnh của chiến tranh, nên khi hoàn lại kiếm thì phải hoàn lại cả bao kiếm, để thanh kiếm trở về trong bao của nó, như vậy mới đem đến sự hòa bình!
Bức điêu khắc “Hạt gạo” với ký ức về thời gian khó khăn của những năm 80 thế kỷ trước, được chính nghệ sĩ, nghệ nhân Trần Thu giới thiệu với bài thơ dài của anh, đã đưa tôi đến với cánh đồng khô hạn mà những giọt mồ hôi của cha rơi xuống đã tạo nên những hạt lúa vàng.
Còn bức tranh này đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của một người thương binh, một anh lính để lại đôi chân trên chiến trường, trở về với mảnh đất đầy sỏi đá dưới chân núi. Anh đã phải vất vả cuốc đất trồng cây, để nuôi gia đình và những người con. Lưỡi cuốc theo năm tháng đã bị mòn đi quá nửa, nhưng nó đã chúng kiến những đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất đã được tưới bằng mồ hôi và cả nước mắt của người thương binh ấy.
Cây trái và hoa trong vườn như mang lại một mùi hương thơm nồng nàn, mùi hương của quê hương, mùi hương của đất trời, mùi hương của tuổi thơ…
Trở về với cội nguồn! Từ thuở khai thiên lập địa, từ thuở Nữ Oa vá trời, Thần Nông, Phục Hy dạy con người làm nông nghiệp, đục khắc đá… Những đứa trẻ lớn lên trong lời ru của mẹ và tiếng khung cửi dệt vải đều đều. Tất cả những thành quả có được ngày hôm nay là do công sức của biết bao thế hệ cha ông đi trước, và tấm bằng chứng nhận “Nghệ nhân” đã khéo léo che đi phần tên, để tôn vinh công sức của tất cả những tài năng của cả dân tộc.
Lắng tai nghe tưởng ai cũng biết, vậy mà rất nhiều người chỉ nghe mà không nghe thấy, vì không biết lắng tai nghe! Ông Trời cho ta đôi mắt để nhìn, nhưng không phải ai cũng biết nhìn đúng chỗ!
Rất tiếc là tôi không có nhiều thời gian trong khi lại có quá nhiều điều tuyệt vời để thưởng thức. Tôi sẽ phải quay lại nơi này khi có thể, để tiếp tục nghe những tác phẩm điêu khắc kể những câu chuyện của chúng…
Nếu có dịp đến Hội An, bạn hãy dành thời gian đến với Âu Lạc gỗ mỹ nghệ – số nhà 389 đường 610b – Điện Phong – Điện Bàn.