Brussels những ngày gần Giáng sinh

Có lẽ đây là dịp độc nhất trong năm mà “Cậu bé đứng tè” biểu tượng của Brussels được mặc quần áo và lại là bộ quần áo vô cùng độc đáo để trở thành ông già Noel!
1
Tôi đã nghe mọi người nói rằng biểu tượng của một số đất nước đã khiến khách tham quan thất vọng vì kích thước quá khiêm tốn, trong đó có bức tượng “Người Cá” ở Copenhagen và “Cậu bé đứng tè” ở Brussels. Nhưng khi nhìn thấy đám đông đang cố chen nhau để chụp ảnh biểu tượng của Brussels, tôi mới hiểu được tâm trạng này. Bức tượng điêu khắc bằng đồng nhỏ cao 61 cm, được Hiëronymus Duquesnoy thiết kế và đặt vào một góc tòa nhà vào năm 1618 hoặc 1619, khó mà nhận ra được nếu không có đám đông chụp ảnh ở đó. Bức tượng hiện tại chỉ là một bản sao có từ năm 1965, bản gốc được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Brussels.
2
Chúng tôi đến Brussels vào giữa tháng 12, nên không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi, đến nỗi biểu tượng của thành phố cũng trở thành ông già Noel, nên tôi nghĩ “Tại sao mình lại không thể trở thành một Thiên thần?”
11
Tất cả những quảng trường lớn nhỏ ở Brussels giờ này đều đang rộn ràng hội chợ Giáng sinh, ngay cả ở Quảng trường Trung tâm – Grand Palace, một cây thông lớn được dựng lên giữa quảng trường và các quầy hàng đã che kín mặt tiền phía dưới, nên khó có thể chụp được bức ảnh hoàn chỉnh của những tòa lâu đài lộng lẫy.
3
Quảng trường Trung tâm khiến chúng tôi thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của những tòa nhà trong một không gian không rộng lớn lắm. Mỗi tòa nhà đều có vẻ đẹp riêng và rất khác những lâu đài hay cung điện ở các nước láng giềng. Chúng tôi đi một vòng ngắm nhìn những tòa nhà xung quanh, mà tôi không thể tả hết được vẻ đẹp của nó và cũng rất tiếc vì những bức hình của tôi lúc thì ngược sáng lúc thì thiếu sáng, khiến cho vẻ đẹp của quảng trường này giảm đi rất nhiều.
CAMERA
Quảng trường Trung tâm được xây dựng lại sau cuộc chiến tranh với Pháp năm 1695 vì đã bị phá hủy nặng nề. Trong hai thế kỷ sau đó, quảng trường đã xuống cấp rất nhiều và vào cuối thế kỷ XVIII cuộc cách mạng Brabant đã phá hủy các bức tượng quý tộc và biểu tượng của Kitô giáo tại quảng trường. Cuối thế kỷ XIX, dưới sự chỉ đạo của thị trưởng Charles Buls, chính quyền Brussels đã khôi phục quảng trường Grand Place trở lại sự lộng lẫy trước đây của nó.
13
Tòa thị chính là tòa dinh thự trung tâm trên quảng trường Grand Place, được xây dựng trong giai đoạn giữa năm 1402 và 1455 và là tòa nhà thời trung cổ duy nhất còn lại của quảng trường. Công tước trẻ tuổi Charles Bold đã đặt hòn đá đầu tiên của khu nhà cánh phải vào năm 1444. Tháp Gothic cao 96 m là công trình của kiến ​​trúc sư Jean van Ruysbroeck. Tại đỉnh của nó là một bức tượng cao 5 m của Thánh Michael, vị thánh bảo trợ của Brussels, người đã giết chết con quỷ để bảo vệ thành phố. Tòa thị chính không phải là tòa nhà đối xứng, vì tháp cao được đặt không chính xác ở giữa tòa nhà, phần bên trái và phần bên phải không thực sự giống hệt nhau vì hai phần không được xây dựng đồng thời với nhau.
4
Vào đầu thế kỷ XII, lâu đài của Nhà vua là một tòa nhà bằng gỗ, nơi bán bánh mì, do đó nó còn có tên là “Nhà bánh mỳ”. Một tòa nhà xây bằng đá đã thay thế tòa nhà ban đầu vào thế kỷ XV để làm nơi thực hiện các dịch vụ hành chính của Công tước Brabant, vì vậy nó được gọi là “Nhà Công tước” và khi công tước trở thành Vua Tây Ban Nha, nó được gọi là “Nhà của vua” . Trong thế kỷ XVI Hoàng đế La Mã Thánh Charles V đã ra lệnh xây dựng lại tòa nhà theo phong cách Gothic. Do bị hư hại theo thời gian và đặc biệt là trong cuộc oanh tạc của Pháp năm 1695, thành phố đã được kiến trúc sư Victor Jamaer thiết kế xây dựng lại vào năm 1873 theo phong cách Gothic phục hưng. Nội thất tòa nhà đã được cải tạo vào năm 1885 và trở thành Bảo tàng Thành phố Brussels từ năm 1887.
5
Các tòa nhà trong quảng trường phần lớn được tái thiết sau cuộc bắn phá của Pháp năm 1695. Mặt tiền với phong cách trang trí điêu khắc phong phú và các đầu hồi được thiết kế xa hoa với những cột và lan can theo phong cách Baroque  Ý và ảnh hưởng của Flemish. Trong bức ảnh dưới từ trái sang phải có 6 tòa nhà. Tòa nhà thứ nhất là “Nhà của công ty bánh”, được xây dựng năm 1696 và đã được khôi phục lại vào năm 1901–1902, được trang trí bằng tượng của Thánh Aubert (vị thánh bảo trợ của thợ làm bánh) và vua Charles II của Tây Ban Nha. Tòa nhà thứ 2 và 3 là “Nhà của người thợ sơn” từ thế kỷ XV, được xây dựng bằng đá vào năm 1644 và được xây dựng lại vào năm 1697 dưới sự chỉ đạo của Jean Cosyn, được trang trí bởi bức tượng của Thánh Giles (thánh bảo trợ của thợ sơn), đã được khôi phục vào năm 1912.
7
Tòa nhà thứ 4 là “Nhà của người thợ mộc” được xây dựng bằng đá vào năm 1644 và được người thợ mộc Antoine Pastorana xây dựng lại vào năm 1697, sau đó đã được kiến ​​trúc sư Jean Seghers khôi phục vào năm 1912. Hiện nay, đây là “Ngôi nhà của các bậc thầy Socola Bỉ”. Tòa nhà thứ 5 là “Ngôi nhà của lời thề cung thủ”, được Pierre Herbosch xây dựng năm 1690. Năm 1696 mặt tiền được xây dựng lại với bức tượng con Phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn, biểu tượng của việc tái thiết thành phố sau khi bị Pháp bắn phá. Các chi tiết trang trí của Apollo đã được các kiến ​​trúc sư của thành phố Brussels khôi phục vào năm 1890-1892. Tòa nhà thứ 6 là “Nhà của các thủy thủ” được xây dựng từ thế kỷ XV và được Antoine Pastorana xây dựng lại vào năm 1697, được khôi phục từ năm 1899 đến năm 1902. Tòa nhà thứ 7 là “Nhà của công ty may” được xây dựng lại vào năm 1699 với các phù điêu là các tác phẩm điêu khắc ngụ ngôn của bốn lục địa.
9
Bức ảnh dưới các tòa nhà từ phải sang trái lần lượt là nhà thứ nhất là “Nhà của Amman”, được xây dựng lại vào năm 1695, bị phá hủy vào năm 1852 và xây dựng lại vào năm 1897, theo sáng kiến ​​của Thị trưởng Brussels Charles Buls, bằng cách thay thế tầng trệt bằng một hàng cột. Nhà thứ 2 là nhà tư sản được nhà tài chính Pierre Fariseau xây dựng lại vào năm 1698 có chữ lồng được đặt ở trung tâm của mặt tiền. Nó đã được công ty Butchers mua vào năm 1720 và sửa đổi phần trên. Cũng trong ngôi nhà này, Karl Marx đã viết Bản tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Nhà thứ 3 là Nhà của công ty Brewers (nay đã được chuyển thành Bảo tàng nhà máy bia) được xây dựng năm 1696, rùng tu vào năm 1901 và được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Marc de Vos và Pierre van Dievoet. Ngôi nhà này được trang trí bằng bức tượng vua Charles Alexander cưỡi ngựa của Lorraine được lắp đặt vào năm 1752. Nhà thứ 4 là Ngôi nhà hoa hồng, được xây dựng lại vào năm 1702, được khôi phục vào năm 1901.
8
Lâu đài của công tước xứ Brabant được xây dựng vào năm 1699 với một cổng đá màu xanh mang dấu ấn của thời trung cổ, nhưng vì các quầy hàng đã che mất phần dưới mặt tiền của lâu đài nên không thấy được. Quảng trường nằm giữa các tòa nhà cao tầng nên ánh sáng buổi sớm bị che khuất, khiến cho các bức ảnh của tôi đã làm giảm giá trị thật của những tòa nhà.
6
Các tòa nhà này là Tu viện của Brabant gồm bảy ngôi nhà do kiến trúc sư Guillaume de Bruyn thiết kế và sửa đổi năm 1770 và được phục hồi từ năm 1881 đến 1890.
10
Rời quảng trường Trung tâm, chúng tôi đi lên đồi Sablon. Phía trước nhà thờ Đức Bà Sablon có một khu chợ đồ cổ rất lạ đối với người Việt mình, nhưng với người châu Âu thì khá quen thuộc. Bạn có thể tìm thấy ở đây những món đồ độc nhất vô nhị vì đó có thể là một đồ vật lâu đời của một gia đình… Khu chợ này mở cửa vào các ngày chủ nhật hàng tuần và có rất nhiều khách hàng tới ngắm – như tôi và tất nhiên cả khách mua nữa.
33
Nhà thờ Đức Bà Sablon là một nhà thờ Công giáo từ thế kỷ XV, được các công dân quý tộc và giàu có của Brussels bảo trợ. Nhà thờ đặc trưng bởi kiến trúc bên ngoài theo phong cách Brabantine Gothic và trang trí nội thất đẹp, với hai nhà nguyện theo phong cách Baroque.
22

Ra khỏi nhà thờ, về phía đông nam là quảng trường Petit Sablon nằm hơi dốc trên sườn ngọn đồi nhỏ. Ở đây có một khu vườn hình chữ nhật nhỏ, có hàng rào sắt hoa, bên trong trồng nhiều hoa và đáng chú ý nhất là những bức tượng. Petit Sablon là di tích nghĩa trang của bệnh viện Saint John đã được di chuyển đi nơi khác. Khu vườn hiện đại được kiến ​​trúc sư Henri Beyaert tạo ra và được khánh thành vào năm 1890, bao quanh bởi một hàng rào sắt trang trí công phu lấy cảm hứng từ trang trí cung điện Coudenberg. Hàng rào này gây sự chú ý bởi những cột đá cao, trên đỉnh mỗi cột là một bức tượng, tổng cộng có tất cả 48 bức tượng. Bên dưới trong vườn cũng có rất nhiều bức tượng mà tôi không có thời gian để tìm hiểu xem họ là ai.
21
Ở đầu khu vườn là đài phun nước có tượng của Bá tước Edgmont – hoàng tử xứ Gavere là vị chính khách và là tướng của Hà Lan – Tây Ban Nha trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh 80 năm.
20
Xung quanh khu vườn là những lâu đài nhỏ. Từ khu vườn này chúng tôi đi qua những con phố hẹp, nằm giữa những tòa nhà có dáng vẻ cổ xưa, cổng tòa nhà được xây bằng những  viên gạch to thô…
34 Chúng tôi đi đến Cung điện Hoàng gia của Vương quốc Bỉ và cảm thấy hơi thất vọng vì không lộng lẫy như những tòa nhà ở quảng trường Trung tâm. Thật ra Cung điện Hoàng gia này chỉ là nơi nhà Vua Bỉ thực hiện các đặc quyền của mình với tư cách là người đứng đầu liên bang, còn Lâu đài Hoàng gia Laeken mới là ngôi nhà chính thức của Gia đình Hoàng gia Bỉ.
28
Cung điện này là nơi làm việc của nhà Vua với tư cách là nguyên thủ quốc gia, ngoài các văn phòng của nhà vua và hoàng hậu, trong cung điện còn có văn phòng Tòa án, văn phòng Nhà nước, nơi tổ chức tiệc chiêu đãi lớn, cũng như các phòng khách dành cho những người đứng đầu các quốc gia nước ngoài trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ.
29
Cung điện nằm ở phía đối diện với Công viên Brussels, cách bằng một quảng trường dài, như một đường phố lớn. Ảnh dưới là cổng của công viên nằm đối diện với cung điện hoàng gia.
30
Tòa nhà đối diện ở phía bên kia của công viên là Cung điện Quốc gia – tòa nhà Quốc hội Liên bang Bỉ. Hai tòa nhà đối diện được cho là tượng trưng cho hệ thống chính phủ của Bỉ: chế độ quân chủ lập hiến.
32
Công viên Brussels rộng 13,1 ha được xây dựng từ năm 1776 và 1783 trên khu vườn của cung điện Coudenberg cũ. Công viên được hai kiến trúc sư là Gilles-Barnabé Guimard và Joachim Zinner thiết kế theo phong cách Tân cổ điển và được cải tạo gần đây nhất từ năm 2000 đến năm 2002. Những hàng cây phía bên ngoài công vien, sát với đường đi được cắt thành bức tường cây, mùa này lá đã vàng và rụng gần hết.
31
Đầu công viên có bức tượng của vua Leopold II – vị vua thứ 2 của Vương quốc Bỉ . Ông được mọi người nhớ đến như người chỉ huy khai thác thuộc địa Côngo với tư cách đầu tư cá nhân, mà theo ông là mang đến văn minh cho xứ sở này, nhưng cũng nhiều người cho rằng chính ông đã tàn phá thuộc địa này. Ông kế vị cha lên ngôi năm 1865 và trị vì 44 năm cho đến khi qua đời. Đây là triều đại dài nhất của các quốc vương Bỉ.
27
Chúng tôi đi xuyên qua công viên để đến nhà thờ Thánh Jacques, một nhà thờ tân cổ điển nằm trong quảng trường lịch sử Place Royale, được xây dựng năm 1780. Đây là nhà thờ chính thức của thống đốc Hà Lan Habsburg. Tòa nhà hiện tại được thiết kế như là Tu viện Saint-Jacques trong đó có một dàn hợp xướng lớn có vị trí cho các nữ tu, mà mới nhìn tôi lại nghĩ là một tòa nhà làm việc của chính phủ.
35
Trong cuộc Cách mạng Pháp, tu viện đã bị đình chỉ hoạt động và được gọi là Ngôi đền Lý do, sau đó đổi thành Ngôi đền của Pháp luật. Nhà thờ đã được trả lại cho Công giáo vào năm 1802. Vào năm 1831, Hoàng tử Leopold xứ Saxe-Coburg-Gotha đã tuyên thệ tại đây và trở thành vua Leopold I, vị vua đầu tiên của người Bỉ. Tòa nhà đã mất một phần diện mạo giống ngôi đền tân cổ điển điển hình vì đã thêm tháp chuông vào thế kỷ XIX và một bức họa màu của Jean Portaels phía trước sát mái. Bên trong gian điện rất nghiêm trang, trang trí không giống các nhà thờ khác.
Nha tho
Con đường từ nhà thờ Thánh Jacques dẫn tới “Đồi nghệ thuật” dốc xuống phía trước, đi qua tòa nhà thư viện quốc gia, cục Lưu trữ Quốc gia Bỉ, Trung tâm Hội nghị quảng trường Brussels và một khu vườn công cộng.
37
Chúng tôi đi qua trước cửa bảo tàng nhạc cụ, một tòa nhà có kiến trúc khá đặc biệt so với những tòa nhà trên phố. Bảo tàng nhạc cụ là một phần của Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia và nổi tiếng thế giới với bộ sưu tập hơn 8.000 nhạc cụ. Bộ sưu tập nhạc cụ được tạo ra vào năm 1877 và ban đầu được gắn với Nhạc viện Hoàng gia Brussels với mục đích giới thiệu các nhạc cụ đầu tiên cho sinh viên. Nó bao gồm một trăm nhạc cụ Ấn Độ do vua Rajah Sourindro Mohun Tagore tặng cho Vua Leopold II của Bỉ vào năm 1876 và bộ sưu tập nhà âm nhạc nổi tiếng người Bỉ François-Joseph Fétis, được chính phủ Bỉ mua vào năm 1872. Người phụ trách đầu tiên của bảo tàng là Victor-Charles Mahillon, đã mở rộng bộ sưu tập ấn tượng, và vào thời điểm ông qua đời vào năm 1924, bảo tàng đã có khoảng 3.666 bản nhạc, trong đó có 3.117 bản nhạc gốc. Đây là cổng vào bảo tàng nhạc cụ.
39
Những tòa nhà hai bên đường dốc này có kiến trúc khá đẹp mắt, ở giữa có đài phun nước với bức tượng nghệ thuật hiện đại.
38
Thư viện quốc gia như một tòa lâu đài, ngày chủ nhật đóng cửa nên không có mấy người qua lại, nằm bên trái con dốc.
45
Từ đây có thể nhìn thấy tháp của tòa nhà thị chính trên quảng trường Trung tâm Grand Palace.
46
Ở cuối con dốc có bức tượng hoàng hậu Elisabeth, vợ của vua Albert II, bà đã là hoàng hậu của vương quốc Bỉ trong 25 năm. Bà là nữ công tước, con gái của Công tước Carl Theodor xứ Bayem, thuộc đế chế Đức. Trong thế chiến thứ I bà theo Vua Albert rút về La Penne ở phía bắc của Vương quốc Bỉ – nơi trở thành trung tâm của cuộc kháng chiến anh hùng của nước Bỉ cùng với quân đội đồng minh. Hoàng hậu Elisabeth thường ra nơi chiến tuyến để thăm nom và chăm sóc cho các chiến sĩ bị thương, vì vậy, mặc dù là người Đức, nhưng bà vẫn được người dân Bỉ yêu thương và kính trọng.
47
Tại quảng trường nhỏ Foursquare  xung quanh tượng đài kỷ niệm tưởng niệm Gabrielle Petit, một chiến binh kháng chiến người Bỉ đã bị người Đức xử tử vào ngày 1/4/1916 có rất nhiều đôi cánh thiên thần đang chờ “thiên thần” nào thiếu cánh đến mượn, một cảnh tượng không thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
48
Cung điện Tư pháp là tòa án quan trọng nhất ở Bỉ, được xây dựng giữa 1866 và 1883 do kiến trúc sư nổi tiếng Joseph Poelaert thiết kế và là tòa nhà lớn nhất được xây dựng vào thế kỷ XIX. Cung điện thật đồ sộ và uy nghi đúng với vị trí tòa án của nó. Khi chúng tôi đi qua, cung Tư pháp đang sửa chữa nên tôi chỉ chụp một tấm hình để lưu lại.
49
Có một sân băng nhỏ phía trước nhà hát Hoàng gia. Thời tiết chưa lạnh tới mức có thể đóng băng tự nhiên, nên sân băng nhân tạo này thu hút rất nhiều người, nhất là trẻ em đến đây trượt băng.
50
Chúng tôi đi lag thang trên những con phố ở trung tâm tràn đầy không khí Giáng sinh, những cửa hàng chào bán hàng hóa khuyến mại và quà tặng…
55
Những cây thông “phủ tuyết trắng” như muốn giục mùa đông đến nhanh hơn và hòa chung với sự hả hê của mọi người khi đi mua sắm.
52
Trên đường chúng tôi thấy một đoàn người vừa đi vừa hát và chơi các nhạc cụ dân tộc. Nhìn trang phục của họ tôi không xác định được họ là ai. Khi hỏi những người trên phố về đoàn người này, họ trả lời rằng đây là những người đang kêu gọi ủng hộ cho những người nhập cư từ Trung đông. Họ vừa đi vừa đàn hát và xin chữ ký. Đoàn người rất dài và tôi thấy ai cũng cười vui!
51
Trong phố trung tâm xung quanh quảng trường Grand Palace bạn có thể thấy những chiếc xe ngựa chở khách du lịch đi tham quan. Xe được những con ngựa cao lớn, rất đẹp, có lẽ phải to gấp đôi ngựa ở nhà mình kéo, trông rất hợp với khung cảnh cổ kính ở đây.
53 Chúng tôi đến một hội chợ giáng sinh ở phía trước nhà thờ Thánh Nicolas. Những quầy hàng được trang trí rất đẹp, hấp dẫn không chỉ trẻ con mà cả người lớn tuổi như tôi. Các loại kẹo đủ màu sắc, hương vị được làm thủ công được mọi người có vẻ ưa thích nên người mua khá đông.
14
Khu đu quay với đủ hình con vật, sinh động hơn những đu quay ở nhà mình, lúc nào cũng đông trẻ em và bố mẹ.
56
Các quầy bán hàng được dựng đến sát cửa của nhà thờ Thánh Nicolas. Đây là nhà thờ được xây dựng vào khoảng năm 1125, là một trong bốn nhà thờ đầu tiên của thành phố Brussels và được bảo tồn tốt nhất trong lịch sử của thành phố.
57
Chúng tôi vào nhà thờ Thánh Nicolas đúng lúc bên trong đang làm lễ rửa tội cho một em bé. Chúng tôi tò mò đứng xem, nhưng vì cách khá xa và họ nói tiếng Pháp nên tôi cũng không hiểu gì thêm về thủ tục này…
58
Bên trong nhà thờ không có những bức tranh sơn dầu hay tác phẩm hội họa thiên chúa giáo, chỉ có những bức tượng nhỏ dọc theo chiều dài gian điện và tranh kính trang trí các cửa sổ.
59
Chúng tôi rời trung tâm thành phố để đến khu đô thị Schaerbeek. Những ngôi nhà trên đường phố có kiến trúc đẹp mắt. So với Paris, những tòa nhà ở Brussels có mặt tiền nhỏ hơn nhiều và rất đa dạng.
54 Và cũng có những ngôi nhà có kiến trúc khá lạ, như ngôi nhà này trông như chiếc mũ dạ hội của một cậu bé.
61
Hay ngôi nhà này tầng một được xây dựng bằng đá, tầng hai lại bằng gỗ…
62
Chúng tôi đến khu phố có lẽ thuộc tầng lớp trung lưu. Ở đây có rất nhiều người Ả Rập, trên đường phố tôi nhìn thấy nhiều phụ nữ Ả Rập đẩy xe nôi hoặc dẫn theo những đứa trẻ. Các cửa hàng đều do người Ả Rập bán hàng và chỉ có đàn ông đứng bán. Tôi đã mua một chai dầu ăn nhỏ ở cửa hàng này để nấu ăn bữa tối, nhưng nó có mùi rất khó chịu. Tôi quên không giới thiệu là ở Brussels chúng tôi thuê một căn hộ có bếp và nhà tắm rất rộng rãi, có phòng khách và phòng ngủ riêng chỉ với giá 55 Euro/ đêm.
63
Nhà thờ Đức Bà Laeken là điểm cuối cùng chúng tôi đến thăm do tình cờ, trước khi quay về căn hộ thuê. Đây là một nhà thờ Công giáo La Mã theo phong cách tân Gothic ở Laeken. Ban đầu nó được xây dựng để tưởng nhớ Nữ hoàng Louise-Marie, vợ của Vua Leopold I do kiến trúc sư Joseph Poelaert thiết kế.
64

Buổi tối, chúng tôi đến quảng trường Colignon, nhưng ở đây không được thắp sáng bằng các ánh đèn màu như quảng trường Trung tâm nên đã làm mất đi vẻ đẹp của những ngôi nhà xung quanh quảng trường. Và với máy ảnh du lịch tôi không thể làm gì hơn để giữ lại hình ảnh rất đẹp của khu vực này, nên chúng tôi phải quay lại đây vào ngày hôm sau.
41
Tòa nhà thị chính Schaerbeek, Brussels nằm trên quảng trường Colignon được vua Leopold II khánh thành năm 1887 sau 2 năm xây dựng, do kiến ​​trúc sư Jules Jacques Van Ysendyck thiết kế theo phong cách phục hưng.  Tuy nhiên tòa nhà đã bị hỏa hoạn phá hủy và Maurice Van Ysendyck, con trai của Jules-Jacques Van Ysendyck chịu trách nhiệm tái thiết lại tòa nhà giống như cũ. Công trình được mở rộng từ năm 1912 đến năm 1915 và tòa nhà mới được mở rộng ra phía sau theo hình tứ giác. Tòa nhà được chính thức khai trương năm 1919 với sự có mặt của Vua Albert I và Hoàng hậu Elisabeth.
40
Bên trong tòa thị chính được trang trí lộng lẫy với tác phẩm điêu khắc, đồ gỗ quý, kính màu và cửa sổ kính màu miêu tả lịch sử của thị trấn, nhưng chúng tôi không được vào xem vì đã tối. Kiến trúc của những ngôi nhà ở quảng trường Colignon bao quanh tòa thị chính được lấy cảm hứng từ kiến ​​trúc của chính tòa thị chính này.
42
Nhà thờ Hoàng gia Saint Mary, Brussels là một nhà thờ giáo xứ Công giáo La Mã nằm trên quảng trường Place de la Reine, khu đô thị Schaerbeek. Nhà thờ được kiến trúc sư Louis van Overstraeten thiết kế theo phong cách kết hợp những ảnh hưởng từ kiến trúc Byzantine và La Mã để dành riêng cho Nữ hoàng Louise-Marie.
43
Nhà thờ bắt đầu xây dựng năm 1845 và được hoàn thành vào năm 1885. Các cửa sổ được nghệ sĩ kính màu Bỉ Jean-Baptiste Capronnier thiết kế nên đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại với vô vàn các tác phẩm nhỏ. Từ cửa sổ đến trần nhà, đâu đâu cũng là những bức tranh kinh thánh đầy màu sắc. Nhà thờ được bảo vệ theo sắc lệnh của hoàng gia ban hành năm 1976.
44
Ngày hôm sau chúng tôi dành thời gian để đi chơi chợ Giáng sinh và vào xem các cửa hàng (chỉ xem thôi chứ không mua!). Brussel không tráng lệ như Paris hay kiêu sa như Vienna, nhưng có vẻ đẹp riêng, với những tòa nhà nhỏ xinh đẹp và đặc biệt hấp dẫn trong mùa lễ Giáng sinh.
67

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *