Trước kia tôi không biết gì về Vienna, ngoài hình ảnh về điệu nhảy waltz Vienna kiêu sa trong gian phòng tráng lệ của một cung điện và sau hai lần đến Vienna tôi cảm thấy sự kiêu sa không chỉ trong điệu nhảy mà ở tất cả mọi nơi tôi đến, cung điện, nhà thờ, đường phố và cả những công viên…
Lần đầu tôi được em trai lái xe đưa đi Vienna chơi một ngày, đúng là “cưỡi xe ngắm cảnh” nên chưa tham quan kỹ được. Lần thứ hai chúng tôi đến Vienna lâu hơn và phần lớn là đi bộ tham quan nên chúng tôi đã đi đến được nhiều “ngóc ngách”. Chúng tôi thuê được một phòng khách sạn có cả bếp nấu chỉ với giá 58 Euro/ đêm, nằm không xa bến xe và cũng không xa trung tâm thành phố nên chúng tôi gần như không mất tiền tàu xe, tận dụng tối đa phương tiện mình tự có.
Để tranh thủ thời gian chúng tôi rời khách sạn khá sớm, đi bộ dọc bờ sông cũng coi như tập thể dục. Ngày đầu chúng tôi đi xuyên qua công viên Stadtpark để vào trung tâm thành phố. Đây là công viên công cộng đầu tiên của Vienna rất lớn, rộng tới 6,5ha, được mở cửa từ năm 1862 và thiết kế theo phong cách vườn Anh. Con sông Vienna chia công viên thành hai phần. Trong công viên có rất nhiều tượng của các nghệ sĩ, nhà văn và nhà soạn nhạc nổi tiếng của Vienna. Lúc chúng tôi đi qua tuy còn rất sớm, nhưng trên hồ nước đã có những con vịt trời đang bơi lội và gặp một vài người đi tập thể dục buổi sáng.
Chúng tôi đi qua tòa nhà Kursalon sang trọng là địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc waltz nổi tiếng, nhưng lúc này còn quá sớm, dường như tòa nhà vẫn chưa thức dậy. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1865 – 1867 theo phong cách thời Phục hưng Ý. Ban đầu đây là địa điểm cung cấp nước khoáng cho khách đến chơi vườn. Năm 1868, buổi hòa nhạc đầu tiên của Johann Strauss diễn ra tại Kursalon. Kể từ đó, địa điểm này đã trở thành nơi diễn ra các buổi hòa nhạc và hội họp. Năm 1908 Kursalon được Hans Hubner thuê và năm 1990 chính quyền thành phố quyết định bán tòa nhà này cho gia đình Hubner. Tòa nhà Kursalon có bốn phòng khiêu vũ trên hai tầng, một sân thượng rộng 1.000 mét vuông và một nhà hàng, mỗi năm tổ chức khoảng 500 buổi hòa nhạc.
Chúng tôi đi qua phía trước của cung điện Coburg, là sở hữu của gia đình Saxe-Coburg và Gotha. Cung điện Coburg được thiết kế theo phong cách tân cổ điển và được Hoàng tử Ferdinand thuộc dòng dõi Saxe-Coburg và Gotha xây dựng từ năm 1840-1845 trên một phần của bức thành cổ Braunbastei của thành Vienna, đã có từ năm 1555.
Chủ sở hữu tư nhân cuối cùng của cung điện là Sarah Aurelia Halasz, góa phụ của một hoàng tử, sống ở đó với gia đình. Năm 1970 chủ sở hữu đã bán cung điện và giờ nó là một khách sạn 5 sao sang trọng và đã từng là địa điểm để thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran đạt được vào ngày 14/ 7/ 2015.
Hôm nay là chủ nhật, nên mặc dù còn sớm khi chúng tôi đến nhà thờ Franciscan, hay còn được gọi là nhà thờ Thánh Jerome – là một nhà thờ giáo xứ Công giáo La Mã dành riêng cho Thánh Jerome, bên trong nhà thờ đang cử hành nghi lễ ngày Chúa Nhật.
Được xây dựng vào năm 1603, mặt tiền bên ngoài của Giáo hội Franciscan là phong cách thời Phục hưng, tuy nhiên nội thất của lại theo phong cách Baroque. Bàn thờ Đức Trinh Nữ Maria trên cao được Andrea Pozzo thiết kế vào năm 1707. Nhà thờ lưu giữ được chiếc đàn Organ lâu đời nhất ở Vienna. Những điêu khắc phong cách Baroque trên đàn do Johann Wockerl thiết kế từ năm 1642.
Tôi luôn bị thu hút bởi những bức tranh kinh Thánh và những bức tượng. Nhà thờ tuy không lớn nhưng rất đẹp, trên trần nhà và khắp các bức tường xung quanh gian điện đều được trang trí bằng những bức tranh và những cây cột bằng đá nâu đỏ.
Chúng tôi tiếp tục đi quan những con phố khá hẹp nằm giữa những tòa nhà lớn. Phía trước cửa một tòa nhà chúng tôi nhìn thấy có hình gia huy, có lẽ ngôi nhà này thuộc về một dòng họ cao quý nào đó…
Đường phố nhỏ hẹp nhưng những công trình lại rất lớn, như đối với nhà thờ Thánh Stephen, chúng tôi cứ loay hoay, lúc chụp được mái nhà thờ thì mất tường, mất cửa…mà chụp được cả đỉnh tháp thì chẳng thấy nhà thờ đâu nữa. Nhà thờ St. Stephen là nhà thờ Mẹ của Tổng giáo phận Công giáo La Mã Vienna và là trụ xứ của Tổng Giám mục Vienna. Nhà thờ được vua Duke Rudolf IV thiết kế và xây dựng (1339–1365). Để tìm hiểu kỹ hơn về nhà thờ này, hãy dành thời gian cho một bài khác nhé.
Nằm không xa nhà thờ, trên quảng trường Neuer Markt là khách sạn Pansion Neuer Markt có phong cách Baroque được xây dựng từ đầu những năm 1900. Khách sạn này có giá khoảng 105-110 Euro/ đêm nằm ngay trong trung tâm thành phố là rẻ so với mặt bằng chi phí tại Vienna.
Graben là khu phố nổi tiếng nhất của thành Vienna đã có lịch sử lâu đời từ thế kỷ XII với nhiều tòa nhà cổ và một bức tượng được làm từ thời hoàng đế Leopol I, cung điện Bartolotti-Partenfeld và tòa nhà Ankerhaus được xây dựng vào những năm 1890 rất nổi tiếng. Phố đi bộ này vào ban đêm rất đẹp vì có nhiều chùm đèn trang trí, còn ban ngày chúng lại làm vướng những bức ảnh của tôi.
Đài phun nước Providentia không hoạt động khi chúng tôi tới, thật không may mắn chút nào vì đây là một đài phun nước khá đẹp. Nó được Georg Raphael Donner thiết kế và xây dựng từ 1737-1739 trên quảng trường Neuer Markt, vẫn giữ nguyên tên gọi từ thuở ban đầu theo tiếng La tin. Những bức tượng khỏa thân được đúc bằng hợp kim chì thiếc vào năm 1739 sau đó dưới thời trị vì của nữ Hoàng Maria Theresa chúng bị cho là đã xúc phạm và bị dỡ bỏ năm 1773, năm 1801 giá trị nghệ thuật của những bức tượng được công nhận và những bức tượng đã được đưa trở lại vị trí cũ.
Xung quanh quảng trường Neuer Markt không lớn lắm lại có rất nhiều các di tích lớn và nhà thờ Capuchin Crypt có nơi chôn cất phía dưới nhà thờ Capuchin và tu viện được thành lập vào năm 1618 và được xây dựng vào năm 1632 là một trong số đó. Mặt tiền của nhà thờ cũng nhỏ và không có gì đặc biệt nên lúc đầu tôi không có ý định vào nữa vì từ sáng đã vào hai nhà thờ lớn rồi.
Bên trong nhà thờ cũng khá khiêm tốn so với những nhà thờ khác, chỉ có bàn thờ chính phía trong được trang trí bằng những mấy bức tranh lớn, còn gian thờ không có gì đặc biệt.
Sau khi tìm hiểu tôi mới biết, nhà thờ khiêm tốn bởi vì đây là nghĩa trang hoàng gia và nhà thờ chỉ là nơi làm lễ chôn cất. Tôi sẽ dành một bài khác để viết riêng về nhà thờ này.
Bước ra khỏi nhà thờ và cũng là khu chôn cất hoàng gia, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những người đàn ông trong bộ trang phục và mái tóc từ thế kỷ XIX đang đi loanh quanh trong quảng trường nhỏ. Thì ra đó là những người bán vé đang mời chào khách xem một vở kịch hay opera được biểu diễn vào buổi tối.
Cách đó không xa chúng tôi nhìn thấy những chiếc xe ngựa đang chờ khách. Chúng tôi cảm thấy mình đang ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Xung quanh những tòa nhà đều đã vài trăm tuổi, con đường trải đá cũng đã tồn tại với thời gian tương đương và giờ lại được nhìn thấy những phương tiện, con người trong trang phục thời trước đó…không phải trong phim trường, mà là trên phố, trong cuộc sống thực!
Với 50 Euro bạn sẽ được ngồi trên chiếc xe này và dạo quanh trung tâm Vienna, đi qua tất cả những lâu đài, cung điện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa của thành Vienna. Có rất nhiều xe ngựa ở mỗi góc phố. Và điều tôi thấy ngạc nhiên là trong số khách ngồi xe ngựa có rất nhiều khách nói tiếng Nga và tiếng Trung.
Nằm trong quảng trường nhỏ được bao quanh bởi những tòa nhà lớn, trong đó có trụ sở chính của Công ty bảo hiểm lớn nhất châu Âu – Grazer Wechselseitige phía bên trái, là những bức tượng nghệ thuật hiện đại. Chúng tôi lên tầng hai của nhà triển lãm nghệ thuật để có thể ngắm nhìn quảng trường bên dưới.
Chúng tôi đi qua phía trước tòa nhà Quốc hội Áo, được xây dựng từ năm 1874 đến 1883. Vì mặt tiền của tòa nhà quá rộng, nên mặc dù đững từ bên vỉa hè đối diện, tôi cũng chỉ có thể chụp được từng mảnh ghép của mặt tiền tòa nhà. Tòa nhà quốc hội có diện tích hơn 13.500 mét vuông, có trên một trăm phòng họp và làm việc, quan trọng nhất trong số đó là Phòng của Hội đồng Quốc gia, Hội đồng Liên bang và cựu Hạ viện Hoàng gia. Trong tòa nhà ngoài các phòng làm việc còn có thư viện, nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục. Bên trong tòa nhà được trang trí rất đẹp bằng các bức tượng điêu khắc và những chùm đèn, sau khi bị hư hại nặng nề và tàn phá trong Thế chiến II, phần lớn nội thất của tòa nhà được khôi phục lại vẻ lộng lẫy ban đầu của nó.
Một trong những tính năng nổi tiếng nhất của tòa nhà là đài phun nước Pallas Athena ở phía trước lối vào chính, được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 rất tiếc là khi chúng tôi đến thì đài phun nước đã ngừng hoạt động, có lẽ lâu dài vì có bạt phủ kín bên trên.
Trụ sở của Tòa án tối cao Áo có kiến trúc thời phục hưng được xây dựng từ 1875 đến 1881 nằm không xa tòa nhà Quốc hội Áo. Trong cuộc bạo loạn tháng 7/1927 sau khi bồi thẩm đoàn đã tha bổng một số nhân vật chủ nghĩa dân tộc, nhiều người biểu tình đã tụ họp trước Tòa nhà Quốc hội Áo nhưng đã bị lực lượng cảnh sát gắn kết đẩy về phía Tòa án tối cao. Một số người biểu tình đã đột nhập vào các phòng ở tầng trệt và bắt đầu phá hủy đồ nội thất và hồ sơ và vào nửa đêm thì tòa nhà đã bị đốt cháy, phải đến sáng sớm dập tắt được. Hiện nay tòa nhà này cũng nằm trong danh sách di sản của Vienna được bảo tồn.
Cung điện Hofburg đã từng là cung điện hoàng gia chính của các triều đại Habsburg và ngày nay là nơi ở chính thức và nơi làm việc của Tổng thống Áo, được xây dựng vào thế kỷ XIII và mở rộng nhiều lần sau đó.
Phía trước cung điện là Quảng trường Anh hùng được đặt dưới thời trị vì của Hoàng đế Francis Joseph I.
Đây cũng là trụ sở cố định của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE).
Tòa nhà Thánh Michael dự kiến xây dựng ban đầu là khu dạy cưỡi ngựa vào mùa đông, nhưng sau đó đã được thay đổi làm nhà hát hoàng gia, vì kế hoạch xây dựng nhà hát chưa được thực hiện.
Tòa nhà này cũng nối liền với cung điện hoàng gia Chancellery và hiện giờ đang tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật.
Một mặt tiền hướng ra phía bên ngoài đường phố của nhà hát trong hoàng cung Hofburg. Chúng tôi đi loanh quanh mãi vẫn chưa hết được toàn bộ khu hoàng cung rộng lớn này.
Từ một góc quảng trường chúng tôi ngăm nhìn một nhà thờ ở phía đối diện, rất muốn vào thăm quan nhưng không còn nhiều thời gian nữa, đành chờ dịp khác, hy vọng là vậy.
Không chỉ có cung điện hoàng gia mà ngay cả những tòa nhà ở mỗi góc phố đều níu chân chúng tôi. Không thể đi qua mà không dừng lại chụp ảnh. Rất tiếc là tất cả những đài phun nước đều đã ngừng hoạt động, có lẽ vì mùa đông đang đến gần.
Đường phố khá hẹp, không có nhiều xe cộ đi lại và mọi người đều có vẻ rất thong thả.
Chúng tôi đến trước một nhà thờ và quyết định tìm hiểu trước khi vào. Đây là nhà thờ Dòng Tên – còn được gọi là Giáo Hội Đại Học – là một biểu hiện tuyệt vời của tín đồ theo đạo Thiên Chúa.
Bảy mươi năm sau khi thánh hiến vào năm 1631, nhà điêu khắc và họa sĩ Andrea Pozzo SJ – một giáo sĩ Dòng tên đã đem đến cho nhà thờ vẻ đẹp đến ngày nay.
Tôi chụp ảnh một tòa nhà có kiến trúc như một lâu đài nhỏ, sau đó mới biết là trụ sở của tập đoàn tài chính, bất động sản và bảo hiểm Wüstenrot là một trong số tập đoàn lớn ở châu Âu.
Đồng hồ cổ tại Hoher Mark khá đặc biệt khiến tôi phải đứng khá lâu để theo dõi nó hoạt động. Khu vực này trước đây thời trung cổ đã từng có nhiều lâu đài và nhà nguyện nhưng đã bị phá hủy trong chiến tranh và giờ được thay thế bằng những tòa nhà hiện đại, khiến cho chiếc đồng hồ trở nên lạc lõng.
Gần chiếc đồng hồ là một tượng đài nằm giữa con phố. Tôi chưa kịp tìm hiểu về ý nghĩa và lịch sử của nó.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vienna được xây dựng từ năm 1872-1889 là một bảo tàng lớn cung cấp một cái nhìn tổng quan dưới hình thức một chương trình du lịch ảo. Bộ sưu tập các đồ tạo tác sớm nhất của bảo tàng đã được bắt đầu hơn 250 năm trước trên diện tích 8700 mét vuông. Chúng tôi cũng chỉ đi tham quan phía bên ngoài bảo tàng. Nếu có dịp quay trở lại Vienna nhất định tôi sẽ dành thời gian tham quan bảo tàng này.
Tôi mượn một bức ảnh từ internet để mọi người cùng hình dung bên trong bảo tàng đẹp như thế nào, đó là chưa kể đến giá trị của bộ sưu tầm những tiêu bản ddoogj thực vật hiếm có trong lịch sử.
Phía trước Bảo tàng là một quảng trường lớn với tượng đài Nữ hoàng Maria Theresia.
Đối diện với bảo tàng Tự nhiên là bảo tàng Nghệ thuật, hai tòa nhà giống hệt nhau, chỉ khác nhau về những bức tượng trang trí trên tường.
Có lẽ đến đây tôi và các bạn đều đã bị “bội thực” với những lâu đài, cung điện, tác phẩm điêu khắc, hội họa của thành Vienna và tôi không muốn đưa thêm nhiều điều mà tôi vẫn thích vào đây nữa. Tôi sẽ dừng lại ở cung điện mùa hè Schönbrunn và sẽ còn viết tiếp về Vienna trong một bài khác.