Trải nghiệm cuộc sống và văn hóa Mường, Thái ở Hòa Bình

Với những người không có nhiều thời gian, Hòa Bình là địa điểm lý tưởng cho hai ngày nghỉ cuối tuần để tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống của một số dân tộc ít người như Mường, Thái vùng Tây Bắc.
Tôi đến bản Giang Mỗ, Hòa Bình của dân tộc Mường lần đầu vào năm 1993, khi đó là một trong những bản dân tộc đầu tiên có khách du lịch nước ngoài đến tham quan. Sau 25 năm bản Giang Mỗ đã có nhiều thay đổi. Cối giã gạo bằng sức nước ở đầu bản không còn, con đường vào bản đã được lát xi măng sạch sẽ, nhà văn hóa của bản xây rất khang trang, nhiều nhà mới được xây dựng vững chãi…nhưng chất mộc mạc và sự mến khách vẫn không thay đổi nhiều, mặc dù có rất nhiều khách du lịch tới bản. Tôi rất thích cái cảm giác yên bình khi đi trên con đường trong bản.
1
Bản Giang Mỗ nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình chừng 15 km, có khoảng hơn một trăm ngôi nhà sàn của các gia đình dân tộc Mường. Người dân trong bản trồng lúa trên những ruộng bậc thang quanh bản, trồng ngô, cây ăn quả và nuôi gà vịt quanh nhà.
7
Một số chuồng trâu và gia cầm vẫn đặt rất gần nhà ở, thậm trí là một phần dưới sàn nhà. Nhiều ngôi nhà vẫn dùng những tấm nam tre để làm vách, nhưng không thể thiếu “chảo” bắt sóng TV.
3
Những ngôi nhà sàn ở bản Giang Mỗ vẫn giữ được truyền thống. Người Mường rất thận trọng khi chọn hướng xây dựng nhà, vì làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc và sự may mắn cho gia đình và hướng nhà không được ngược hướng với đồi núi.  Nhà sàn thường sử dụng 2 cầu thang, một trước nhà, một đặt ở cửa sau gần với vại nước, bếp, tiện cho đi lại, nấu nướng của người phụ nữ trong nhà và số bậc cầu thang lên nhà bao giờ cũng phải là số lẻ. Thông thường trước nhà, gần lối đi chính và gần cầu thang hay gần các gốc cây trước nhà người Mường có đặt chum nước nhỏ, hay những ống tre, nứa đựng nước để cho rửa chân trước khi lên nhà. Tuy nhiên hiên nay, một vài gia đình trong bản đã cải tiến cầu thang và tạo nên một hành lang nhỏ để phù hợp với vị trí ngôi nhà và đường đi chung trong bản.
9
Ngôi nhà sàn người Mường thường được chia thành các gian, bày biện những đồ vật khác nhau. Gian ngoài cùng thường để tiếp đón khách và treo những đồ vật linh thiêng trong nhà như: cồng chiêng, các loại trống, cung nỏ và có khi là các loại sừng trâu, sừng bò, gian giữa là nơi ngủ của đàn ông, con trai trong nhà và là nơi cất thóc lúa, các tài sản như tủ, hòm, gian thứ ba dành cho phụ nữ, trẻ em, cũng là nơi ăn uống và cất chăn màn, quần áo của cả nhà.
4
Nhà người Mường có rất nhiều cửa sổ, nên thoáng mát. Dưới sàn nhà là nơi để dụng cụ làm nông nghiệp và củi khô. Những người Mường lớn tuổi thường được con trai chuẩn bị cho một thân cây lớn làm quan tài, đó là thể hiện sự hiếu thảo của con cái. Giờ những cây rừng đủ to để có thể làm quan tài rất hiếm, nên những người già được con cái chuẩn bị cho như thế này thì lấy làm tự hào lắm.
5
Trong bản không còn nhiều người làm đồ thủ công truyền thống, ngoài mấy chiếc gối cứng và đệm cỏ. Những cái mõ đeo cho trâu giờ cũng trở thành hàng lưu niệm mà nhiều khách nước ngoài ưu thích.
6
Hiện trong bản đã có một số nhà tổ chức ngủ đêm cho khách du lịch cùng với gia đình. Khách du lịch có thể cùng người dân đi bẻ ngô, dỡ khoai và trồng rau…Những người dân trong bản khá thân thiện, nhưng lại có một số người Dao bán hàng lưu niệm ngay đầu bản bám theo khách du lịch khá dai…
8
Chúng tôi rời bản Giang Mỗ, tiếp tục hành trình Tây Bắc, đi thêm khoảng gần 40km để tới xóm Ải, nằm trong thung lũng Mường Bi, Hòa Bình với hơn 80 nóc nhà dân tộc người Mường. Ở xóm Ải không còn ngôi nhà nào lợp lá cọ hay rơm rạ nữa, tất cả đã được lợp bằng ngói hay tấm lợp xi măng, nhưng đường đi trong bản lại không được sạch sẽ như ở Giang Mỗ.
9
Xóm Ải được xếp trong số 4 bản Mường lớn và cũng là điểm tổ chức homestay cho khách du lịch. Xóm Ải có đội văn nghệ có thể tổ chức biểu diễn và giao lưu với khách du lịch khi họ nghỉ lại đêm trong bản. Nhưng chúng tôi không ở lại đây qua đêm nên chưa tận mắt thưởng thức.
11
Khách du lịch ở lại bản có thể trải nghiệm đi mảng trên suối Ải, cùng người dân đi bắt cá, trông rau hay tham gia một số trò chơi như đẩy gậy, hoặc thưởng thức các món ăn dân tộc đặc biệt.
13
Chia tay với xóm Ải, chúng tôi tiếp tục hành trình lên Mộc Châu để thăm những đồi chè. Đường đi Mộc Châu chưa thể so sánh được với những cung đường Tây Bắc núi non hùng vĩ, nhưng với tôi cũng rất đẹp và điều quan trọng là cảm giác an toàn.
15
Cũng có những đoạn đường cảm giác đi trên những đám mây…
16
Mộc Châu mùa này mận đã vào cuối vụ, nhưng vẫn còn có cây nhiều quả. Chúng tôi lên rẽ vào vườn mận rồi lên đồi chè.
20
Mộc Châu có một số địa điểm du lịch như khu rừng thông bản Áng là nơi thư giãn thú vị. Bạn có thể đi bộ hay thuê xe đạp để dạo quanh hồ và dọc theo con đường mòn trong rừng. Để tránh cái nóng hầm hập và ngột ngạt ở Hà Nội thì khu rừng thông là điểm lý tưởng để dừng chân.
19
Một ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi khiến những người sống ở dô thị ồn ào, bụi bặm cảm thấy thèm khát. Ngắm nhìn phong cảnh thanh bình này tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết mình đã sẵn sàng đánh đổi cuộc sống hiện tại để đến với không gian khoáng đạt này chưa? Nếu chưa thì bao giờ???
17
Chúng tôi quay về bản Mai Hịch, Hòa Bình của đồng bào Thái để ngủ đêm. Vì hai dân tộc Thái và Mường đã có sự cải tiến nhiều đối với ngôi nhà của họ, nên khó nhận thấy nét khác biệt giữa hai kiểu nhà sàn. Nhà người Thái thường cao hơn, cầu thang dẫn lên hành lang rồi mới vào nhà. Người Thái cũng chia nhà thành các gian riêng biệt cho nam giới và nữ giới. Phụ nữ và trẻ con thường ở khu vực bếp phía sau. Gian chính tiếp khách thường cũng có bếp lửa để đun nước cho khách và sưởi ấm nhà vào mùa đông.
21Trong bản Mai Hịch có 5 gia đình cung cấp dịch vụ ngủ nhà sàn cho khách du lịch. Dịch vụ ở đây khá chuyên nghiệp. Nhà sàn mới dựng rộng rãi, chỗ ngủ và nhà vệ sinh rất sạch sẽ. Tuy nhiên, dịch vụ này gọi là homestay thì không đúng. Bởi nghĩa “homestay” ở đây là ở cùng nhà với người dân để trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân Tây Bắc, còn nơi chúng tôi ở là một ngôi nhà sàn riêng biệt cho khách du lịch, nhà vệ sinh dành riêng cho khách, còn gia đình chủ nhà thì sống trong ngôi nhà nhỏ nằm khuất ở một góc vườn.
24
Tính chất “homestay” ở bản dân tộc Mai Hịch này thực chất là dịch vụ “nhà nghỉ” do người dân tộc phục vụ. Nếu bạn thật sự muốn có một trải nghiệm “homestay” với gia đình người dân tộc Tây Bắc thì đây không phải là sự lựa chọn đúng. Bạn được phục vụ rất chu đáo, sạch sẽ trong một nhà sàn truyền thống của người Thái, nhưng bạn không biết gì hơn về cuộc sống của họ.
22
Chúng tôi được phục vụ bữa sáng theo kiểu “tây” với bánh mỳ và trứng rán ngày bên dưới nhà sàn và nói chuyện với chủ nhà kiêm phục vụ. Khởi đầu của dịch vụ homestay này là do một người làm lữ hành tên là Bình, đã tư vấn cho gia đình đầu tiên trong bản, nhà Minh Thơ, cải tạo lại nhà để chuyên phục vụ khách du lịch. Ông Bình đã hướng dẫn cả kỹ năng phục vụ khách và cách quảng bá. Sau đó, một số gia đình trong bản thấy đông khách du lịch đến đã học tập, cải tạo lại nhà và chuyển sang sống trong ngôi nhà bé hơn để dành nhà mình cho dịch vụ homestay. Một số nhà mua thêm xe đạp cho khách sử dụng.
23
Chúng tôi đi dạo quanh bản. Chỉ có con đường từ ngoài vào bản là đượng xi măng, còn lại vẫn là đường đất. Có một con suối nhỏ phía cuối bản, mùa mưa nước dâng cao khách du lịch có thể đi chèo mảng. Một vài tảng đá nằm dọc con suối tạo nên phong cảnh hấp dẫn hơn…Nhưng tất cả cũng không thể níu kéo khách du lịch ở lại lâu hơn một buổi sáng.
25
Sau bữa trưa, chúng tôi trở về Mai Châu, Hòa Bình nhưng không vào thị xã, chỉ đứng trên cao ngắm nhìn xuống. Mai Châu giờ đây đã là một thị xã sầm uất và phát triển. Bản Lác là nơi có dịch vụ homestay sớm nhất và vẫn giữ được khách đến hôm nay, giờ đã trở thành nổi tiếng. Với những người chưa có nhiều trải nghiệm “miền núi” thì ngủ đêm ở bản Lác, bản Pom Coong hay Vạn Mai cũng là lựa chọn hấp dẫn.
32
Chúng tôi ghé vào thăm bản Nà Bai của dân tộc Mừng trên đường trở về Hà Nội. Đây cũng là một bản du lịch cộng đồng Tây Bắc, nơi bạn có thể ngủ lại trong nhà dân và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của họ.
33
Bản Nà Bai, Hòa Bình nằm trên một sườn núi nhưng khá chật hẹp. Mỗi gia đình chỉ có một khoảnh vườn nhỏ và một ngôi nhà rất khiêm tốn, khiến cho tôi có cảm giác trở lại bầu không khí ngột ngạt của Hà Nội.
34
Chúng tôi trở về sau khi đi loanh quanh trong bản và không tìm thấy điểm hấp dẫn nào cả. Tất cả các mái nhà đều lợp bằng tấm lợp xi măng màu xám xịt, không còn dáng dấp của ngôi nhà truyền thống Tây Bắc, ngoại trừ chúng nằm trên mấy cây cột mà phần nhiều cũng bằng xi măng. Để giữ lại ấn tượng đẹp đẽ về chuyến đi, chúng tôi dừng lại và dành thời gian để ngắm nhìn một bản làng bên dưới thung lũng.
35
Bởi vì có ít thời gian, chúng tôi chưa thể đến được những nơi còn nguyên sơ, những vẻ đẹp của thiên nhiên và của con người Tây Bắc cần được khám phá.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *