Lâu đài Rosenborg và báu vật của Hoàng gia Đan Mạch

Trong thế giới hiện đại hôm nay, còn rất ít quốc gia có Quốc Vương, nhất là  ở các nước phương Tây phát triển. Đan Mạch là một trong số rất ít quốc gia đặc biệt đó, nơi Nữ hoàng Margrethe II trị vì và các cung điện, lâu đài của Hoàng gia luôn là điểm du lịch hấp dẫn.
1
Lần này, tôi muốn chia sẻ với các bạn về một trong những lâu đài ở Copenhagen, nơi bạn có thể nhìn thấy những báu vật của Hoàng gia Đan Mạch – Lâu đài Rosenborg, nơi đã mở cửa cho công chúng vào tham quan từ năm 1838.
2
Ngoài những gì còn sót của Hoàng cung triều Nguyễn tại Huế, nhiều người đã được chiêm ngưỡng cung điện Hoàng gia Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Hàn quốc…ở Đông bắc và Nam Á. Những cung điện đó rất lớn, một số có thể nói là vĩ đại, nhưng chúng ta ít có dịp chiêm ngưỡng những báu vật của Hoàng gia…Đến Lâu đài Rosenborg bạn sẽ được tận mắt ngắm nhìn những kiệt tác dành riêng cho nhà Vua – như vương miện của Vua Christian IV sử dụng khi đăng quang năm 1596.
8
Tòa lâu đài này nằm không xa trung tâm thành phố, nên chúng tôi đã đi bộ sau khi tham quan cung điện Amalienborg. Lâu đài Rosenborg được xây từ năm 1606, khi nhà vua Christian IV mua khu đất phía đông bắc, bên ngoài bức tường thành bao quanh thành phố Copenhagen thời đó và cho xây dựng một khu vườn cây cảnh gọi là “Vườn của nhà Vua”. Chúng tôi bước vào khuôn viên của lâu đài bằng cánh cổng sau, để dạo chơi trong khu vườn “Thượng uyển” xưa với những hàng táo dại đỏ ốt và những luống hoa hồng vẫn còn rực rỡ vào đầu mùa thu.
28
Sau đó nhà vua cho xây một lâu đài để nghỉ hè, gồm hai tầng trong khu vườn này và đã hoàn tất năm 1607. Tòa nhà ban đầu vẫn còn ở phần phía nam lâu đài cho tới tận ngày nay. Phần phía bắc của lâu đài được xây năm 1613 – 1615 và tầng thứ ba cùng với ba tòa tháp được xây thêm vào năm 1616 – 1624. Từ đó vua Christian IV đặt tên cho Lâu đài là Rosenborg.
5
Năm 1634, hai kiến trúc sư Bertel Lange và Hans van Steenwinckel đã xây thêm tòa tháp ở mặt tiền phía đông và lâu đài có hình dáng như hiện nay. Toàn bộ tòa lâu đài được xây bằng gạch đỏ, trang trí bằng sành xám và mang nét kiến trúc thời Phục hưng của Hà Lan.
3
Chúng tôi đến lâu đài đúng vào lúc đổi gác. Mặc dù tòa lâu đài hiện nay thuộc sở hữu quốc gia, được dùng để trưng bày các báu vật của Hoàng gia, nhưng việc canh gác thể hiện sự kính trọng đối với Hoàng gia Đan Mạch vẫn được duy trì.
4
Lâu đài Rosenborg được dùng làm nơi cư trú của Hoàng gia Đan Mạch cho tới năm 1710. Sau đó hai lần được dùng làm nơi tạm trú của hoàng gia trong tình trạng khần cấp. Lần đầu vào năm 1794, khi lâu đài Christianborg bị cháy, lần thứ hai vào năm 1801 khi Hải quân Anh tấn công thành phố Copenhagen. Năm 1833, vua Đan Mạch là Frederick VI quyết định biến lâu đài thành nhà bảo tàng Hoàng gia, nơi trưng bày các vật quý giá của các vua chúa từ thế kỷ  XVI đến thế kỷ  XIX.
18
Chúng tôi đi theo sơ đồ chỉ dẫn với những thông tin giới thiệu rất chi tiết, bắt đầu từ căn phòng “Mùa đông” của vua Christian IV, một phòng được bảo quản tốt nhất từ ​​lâu đài nguyên thủy và đó là phòng quan trọng nhất trong ba phòng riêng của vua. Gian phòng này rất tối và với máy ảnh tự động tôi không thể có bức hình tốt hơn được. Trần nhà đã được thay thế vào khoảng năm 1770 với những bức tranh thần thoại của Pieter Isaacsz, bao gồm Lễ hội các vị thần và Mùa thu của những người khổng lồ. Từ phòng Mùa đông có một “ống nói” dẫn tới hầm rượu và các phòng bên trên và phía dưới. Chiếc đồng hồ cổ của vua Federik IV.
16
Căn phòng thứ hai là “Thư phòng” của vua Christian IV, được bảo tồn ít nhiều nguyên vẹn, kể từ thời vua Christian IV – nửa đầu của thế kỷ XVII. Các kỷ phẩm được trưng bày trong phòng này chủ yếu là vật lưu niệm của vua Christian IV, của gia đình thân cận nhất và tổ tiên của ông.
19-1
“Phòng ngủ” là nơi vua Christian IV đã qua đời (28/2/1648). Căn phòng này, cùng với hai phòng trước, tạo thành các phòng riêng của ông và từ đây có lối đi thẳng tới nhà vệ sinh và phòng tắm. Các bức tranh trên trần mô tả các vị thần của trái đất, trời và đại dương. Trong phòng có bộ sưu tập tượng Trung Quốc.
11
Bức tranh trên trần nhà.
12
Bộ sưu tập đồ sứ Trung Quốc.
17
Trong nhà vệ sinh của vua Christian IV có một bể nước được sử dụng để xả nước vào một cống dẫn đến con hào bao quanh lâu đài. Vào mùa khô, rất khó để có đủ nước chảy vào con hào, vì thế từ đó bốc lên một mùi hôi khó chịu. Bức tường xung quanh được ốp bằng gạch hoa xanh của Hà Lan, sau đó  vào thế kỷ XIX, chúng được bổ sung và thay thế bằng gạch của nhà máy ở Store Kongensgade tại Copenhagen.
20
“Buồng cẩm thạch” đã được các chuyên gia của Đan Mạch, Đức và Ý phục chế cẩn thận. Căn phòng này ban đầu là phòng ngủ của người vợ thứ hai Kirsten Munk của vua Christian IV. Những bức tường được phủ bằng đá cẩm thạch và trang trí những bức phù điêu trên trần nhà.
23
“Phòng của Vua Christian V”, ban đầu là phòng khách của người vợ thứ hai Kirsten Munk của vua Christian IV. Trong thời gian trị vì của Frederik III, nó đã trở thành một phòng của nhà vua để chống ma thuật trong phòng cẩm thạch.
21
Lò sưởi có từ thời của vua Christian IV, phía trên treo một bức chân dung của vua Christian V, do Jacob d’Agar vẽ. Trần nhà cũng có được trang trí bằng những bức tranh, ở trung tâm là một dàn nhạc, từ thời của vua Christian IV. Vào cuối thế kỷ XVII các bức tường được trang trí bằng những tấm thảm do vua Christian V mua ở Hà Lan.
22
Hành lang và cầu thang cũng là những tác phẩm nghệ thuật. Phòng của vua Frederik IV trước đây là phòng nghe nhạc của vua Christian IV, một số đồ vật đã được chuyển đi như lò sưởi bằng cẩm thạch đã chuyển sang phòng vua “King’s Chamber”, bức tranh trên trần nhà vẽ chủ đề thần thoại, giờ được trang trí tại phòng “Vườn Mùa đông” của vua Christian IV.
30
Có rất nhiều các phòng nhỏ dành riêng cho các vị Vua Christian VI, vua Frederik IV và phòng của công chúa Sophie Hedevig, chị gái của vua Frederik IV…mỗi phòng đều được trang trí khác nhau và chứa đầy những kỷ vật giá trị. Lần đầu tiên tôi được trông thấy san hô đỏ – một thứ quý giá và hiếm từ thời cổ đại, nhưng không chỉ một bức bên dưới mà là cả một bộ sưu tầm.
13
Chúng tôi bước vào “Đại phòng” – Long Hall nằm trên tầng ba, được hoàn thành vào năm 1624. Ban đầu phòng này dự định là phòng khiêu vũ. Vào khoảng năm 1700, nó được sử dụng làm phòng Tiếp tân Hoàng gia và tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi. Đến nửa sau của thế kỷ XIX, nó được đổi tên thành “Hội trường của Hiệp sĩ”.
6
Gian phòng lớn này được vua Christian V trang trí bằng mười hai tấm thảm lớn, mô tả chiến thắng của nhà vua trong cuộc chiến tranh (giai đoạn 1675–1679).
7
Mười hai bức thảm là mười hai bức tranh nghệ thuật mô tả những sự kiện lớn.
15
Trần nhà được trang trí bằng những bức tranh của họa sĩ Hendrick Krock từ đầu thế kỷ XVIII, ở giữa là tấm huy hiệu của Hoàng gia Đan Mạch. Các bức phù điêu miêu tả các sự kiện lịch sử từ những năm đầu tiên của triều đại Frederik IV.
14
Trong số các điểm hấp dẫn chính của lâu đài Rosenborg là chiếc ghế đăng quang của các vị vua và ngai vàng của các nữ hoàng với ba con sư tử bằng bạc đứng ở phía trước. Long Hall cũng lưu giữ một bộ sưu tập đồ nội thất bằng bạc rất lớn, trong đó phần lớn là từ thế kỷ XVII.
9
Phía trước ngai vàng  được trải một bức thảm đăng quang được làm tại Isfahan – nước Ba Tư, vào thế kỷ XVII. Đó là sở hữu của Hoàng gia Đan Mạch và được sử dụng khi các vị vua Đan Mạch đăng quang. Thảm được làm từ các sợi lụa, sợi vàng và bạc. Thảm đăng quang chỉ được trưng bày cho công chúng mỗi năm một lần vào mùa thu, khi đó ba con sư tử bạc sẽ được xếp rộng ra bên ngoài tấm thảm. Rất tiếc khi tôi tới thăm thì không được nhìn thấy nhìn thấy tấm thảm này. Một bức phù điêu trên trần của gian phòng.
10
Chúng tôi lại đi qua phòng trưng bày đồ thủy tinh, pha lê nhưng ảnh chất lượng kém và bước vào phòng thứ 23 – phòng trưng bày đồ gốm, sứ.
25
Phần lớn đồ sứ ở đây do xưởng sản xuất sứ hoàng gia làm, trong đó có một bộ đĩa vẽ các loại thực vật, lẽ ra đã được làm quà cho nữ hoàng Nga Catherine Đại đế, nhưng bà đã mất trước khi bộ đĩa đó hoàn thành. Bộ sưu tập đồ sứ Trung Quốc cũng là một trong những bộ sưu tầm quý giá ở đây.
26
Sau khi tham quan hết 24 gian phòng khác nhau, chúng tôi đi theo một đường hầm từ tòa tháp trung tâm dẫn tới khu hầm của tòa nhà phía bắc, nơi lưu giữ và trưng bày các báu vật. Trước đây trong ba gian phòng này, vua Christian V đã thành lập ngân khố Hoàng gia năm 1681, tiền thân của Cục Lưu trữ quốc gia sau này. Năm 1720, kho lưu trữ đã được chuyển đến cơ sở lớn hơn và năm 1731, hầm rượu hoàng gia đã được chuyển đến khi phá hủy lâu đài Copenhagen.
31
Bộ sưu tập vũ khí được vua Frederik III thành lập và được lưu giữ ở hai trong số các phòng trên cùng của tháp lớn. Vua Christian V là người rất quan tâm đến vũ khí, đã có bộ sưu tập lớn. Ông đã bảo quản cẩn thận các vũ khí mà ông đã sử dụng trong cuộc chiến tranh năm 1675-1979. Trong thế kỷ XVIII, hầu hết vũ khí của lâu đài Rosenborg được chuyển đến lâu đài Christiansborg, nơi ở mới của các vị vua, tuy nhiên phần lớn đã bị hỏa hoạn năm 1794 thiêu trụi. Những gì còn lại chỉ là một phần rất nhỏ.
32
Một điều đặc biệt là bộ sưu tầm “vũ khí nghi thức”. Đó là sự kết hợp các kỹ thuật mới nhất với sự khéo léo tuyệt vời khi sử dụng các vật liệu quý để làm vũ khí và đó là những món quà tặng tuyệt vời. Theo quy định, sự giàu được thể hiện trên các chi tiết trang trí, bao gồm chữ khắc tên người tặng và người nhận.
33
34
Cưỡi ngựa thi đấu đã từng là là hình thức giải đấu, qua đó các hoàng tử có cơ hội để thể hiện khả năng cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí lộng lẫy và trang phục huyền ảo của mình. Yên ngựa này đã được vua Christian V sử dụng.
35
Trong khu vực hầm lưu giữ hơn 700 đồ vật được làm từ ngà voi và hổ phách, trong thời gian từ 1585 đến 1850. Một số là quà tặng từ các hoàng tử nước ngoài để đổi lấy chim săn trắng của Iceland và ngựa của Đan Mạch. Một số đã được mua ở Nuremberg và Augsburg, các trung tâm hàng xa xỉ của Đức, một số là chiến lợi phẩm chiến tranh từ lâu đài Gottorp, nơi cư trú của các nữ tu của Schleswig-Holstein.
36
Từ thời vua Frederik II đến vua Frederik V, tất cả các vị vua kế vị của Đan Mạch – Na Uy đã tuyển thợ thợ điêu khắc cả những người nước ngoài để làm những đồ vật quý và vô cùng tinh xảo từ ngà voi.
37
Tất cả những đồ vật bằng ngà voi và mã não được trưng bày ở đây, hơn 700 hiện vật, đều là những tác phẩm nghệ thuật vô giá.
38
Một gian phòng lớn trưng bày các loại huy hiệu, mặt giây chuyền có hình ảnh của các vị vua, hoàng hậu, công chúa. Và gian phòng trưng bày báu vật của Hoàng gia đã làm tất cả mọi người đến xem “kinh ngạc”.
27
Một trong số báu vật là Thanh Kiếm Quốc gia của vua Christian III, được sử dụng tại lễ đăng quang và đã được sử dụng lần cuối cùng tại lễ đăng quang của vua Frederik III năm 1648.
43
Những vật dụng bằng vàng được sử dụng trong hoàng tộc, dưới chân đều có khắc tên các vị công chúa, hoàng tử…người được tặng.
39
Một số hộp nhỏ bằng bạc và vàng được dùng để lưu giữ cuống rốn của các vị hoàng tử, công chúa, với mong muốn họ luôn khỏe mạnh.
45
Bộ sưu tập vương miện châu báu này do nữ hoàng Sophie Magdalene bắt đầu vào năm 1746, sau đó các công chúa và nữ hoàng sau này đã tặng thêm. Vương miện của vua và hoàng hậu khi còn chế độ quân chủ tuyệt đối này khác so với vương miện của vua Christian IV, có một viên saphia xanh lớn phía trước có từ thời vua Frederik I. Vương miện này được sử dụng từ vua Christian V đến vua Christian VIII, do Paul Kurtz làm ra tại Copenhagen năm 1670-1671.
40
Vào lần đăng quang cuối cùng của chế độ quân chủ tuyệt đối vào năm 1840, Nữ hoàng Caroline Amalie ngoài vương miện đầy châu báu còn đeo thêm cả vòng cổ, khuyên tai, vòng tay và nhẫn.
44Bộ trang sức bao gồm dây chuyền đeo cổ và đôi khuyên tai khảm đá emeral thuộc về nữ hoàng Sophie Magdalene.
41
Những gì bạn đã lướt qua trong bài này chỉ là một phần rất nhỏ trong số 5598 hiện vật vô giá được trưng bày ở đây (tất cả các hiện vật đều có đánh số). Đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng ngần ấy báu vật, nếu có dịp đến thăm Copenhagen.

You Might Also Like

One Reply to “Lâu đài Rosenborg và báu vật của Hoàng gia Đan Mạch”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *