Đạo Do Thái là đạo lớn thứ mười trên thế giới với khoảng 17 triệu tín đồ, nhưng có lẽ không nhiều người châu Á biết hay quan tâm đến. Tôi chưa có dịp đến Jerusalem để biết về những ngôi đền hay giáo đường chính của tôn giáo này, chỉ có dịp đến thăm một vài Giáo đường ở Séc và Hungaria. Có nhiều cách để gọi nơi các tín đồ Do Thái cầu nguyện, nghiên cứu kinh Tanakh hay sinh hoạt cộng đồng, có thể là Thánh đường, Hội đường, Giáo đường, nhà thờ, đền thờ…ở đây tôi gọi là Giáo đường để phân biệt với nhà thờ Kito giáo. (Ảnh Giáo đường Do Thái ở Praha)
Giáo đường Do Thái có kiến trúc và thiết kế nội thất rất khác nhau và bị ảnh hưởng từ kiến trúc tôn giáo địa phương. Những người đã đi nhiều nơi kể rằng, Giáo đường Kaiffeng ở Trung Quốc có kiến trúc giống các đền thờ Trung Hoa cùng thời đại, có tường bao quanh, những khu vườn với những tòa nhà xây dựng xen kẽ, trong khi phong cách của các Giáo đường Do Thái đầu tiên lại giống như các đền thờ của các giáo phái khác thuộc Đế quốc La mã phía Đông, hay một số giáo đường còn sót lại ở Tây Ban Nha thời Trung cổ được trang trí với các bức tường mờ, còn giáo đường ở Budapest và Prague lại có kiến trúc Gothic điển hình.
Khi người Do Thái được giải phóng sau Thế chiến thứ II, người Do Thái không chỉ được phép tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mà trước đây họ đã bị cấm, mà còn cho phép họ xây dựng giáo đường không cần có giấy phép đặc biệt. Các cộng đồng Do Thái lớn muốn chứng tỏ không chỉ sự giàu có của họ mà còn cả tình trạng mới được trở thành công dân bằng cách xây dựng những giáo đường Do Thái rất lớn. Tuy nhiên, những giáo đường này đều không mang một phong cách đặc trưng, cụ thể nào.
Giáo đường Old New trong khu Do Thái cổ Josefov tại thủ đô Prague, là gGiáo đường linh thiêng hoạt động lâu đời nhất ở Châu Âu. Đây cũng là giáo đường duy nhất còn tồn tại từ thời trung cổ với kiến trúc có hai dãy nhà bên cánh. (Ảnh chụp một bên hông của nhà thờ từ phía sau).
Giáo đường này được khánh thành vào năm 1270, theo phong cách Gothic và là một trong những tòa nhà kiểu Gothic đầu tiên của Prague. Giáo đường cổ Prague đã bị phá hủy vào năm 1867 và được xây dựng lại theo phong cách Đền thờ Tây Ban Nha. (Ảnh chụp từ phía đông).
Giáo đường Do thái đầu tiên có tên là New hoặc Đại Thánh và sau đó, khi nhà thờ được xây dựng lại vào thế kỷ 16 được gọi là Nhà thờ Old New. Theo kể lại thì đá xây dựng nhà thờ được đưa từ Đền thờ ở Jerusalem đến – “với điều kiện” rằng đá đó sẽ được trả lại, khi Đấng Messiah đến và đền thờ ở Jerusalem cần xây dựng lại. (Ảnh chụp phía mặt tiền của nhà thờ).
Giáo đường được thiết kế theo phong tục chính thống, có chỗ ngồi riêng biệt cho nam giới và phụ nữ khi cầu nguyện. Phụ nữ ngồi trong gian phòng bên ngoài có cửa sổ nhỏ nhìn vào khu sảnh chính. Các dãy cửa không đủ ánh sáng cho sảnh chính của gian điện, nên phải chiếu sáng bằng những chiếc đèn chùm. Có một lá cờ đỏ rất lớn, ở giữa lá cờ là ngôi sao sáu cánh tượng trưng cho vua David và ở giữa ngôi sao là một chiếc mũ theo phong cách mà người Do Thái thường đội từ thế kỷ 15. Cả mũ và ngôi sao đều được khâu bằng vàng. Một tấm bằng do Ferdinand III, Hoàng đế La Mã đã trao tặng cộng đồng người Do Thái để công nhận sự đóng góp của họ trong việc bảo vệ Prague trong Chiến tranh Ba mươi năm.
Giáo đường Old New nằm trong khu Do Thái cổ, gần đó có Bảo tàng Do Thái, nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu về khu phố cổ Do Thái bắt đầu từ TK 10, trải qua các cuộc tàn sát năm 1096 (cuộc thập tự chinh đầu tiên), và cuộc tàn sát năm 1389 khiến 1,500 người bị giết hại vào Chủ Nhật Phụ Sinh. Khu Do Thái trở nên thịnh vượng nhất vào cuối thế kỷ 16, khi Thị trưởng Do Thái, Mordecai Maisel, trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính và là một người giàu có, đã dùng tiền riêng để giúp khu phố này phát triển.
Bên cạnh có khu nghĩa trang Do Thái Cũ không phải là nghĩa trang Do Thái đầu tiên, nhưng là lớn nhất ở Châu Âu và là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của người Do Thái ở Prague, phục vụ cho công việc tang lễ từ nửa đầu của thế kỷ 15 cho đến năm 1786, vì hoàng đế Josef II đã nhận thấy việc chôn cất bên trong các bức tường thành sẽ gây ô nhiễm cho kinh thành nên đã ra lệnh đóng cửa nghĩa trang. Một số nhân vật nổi tiếng của cộng đồng Do Thái địa phương được chôn cất ở đây. Những tấm bia bằng đá thường hình chữ nhật, được ghi tên tuổi và những lời ca ngợi về người đã khuất. Càng về sau, những tấm bia càng được chạm khắc cầu kỳ hơn. Vì diện tích nghĩa trang hạn hẹp nên trong suốt 300 năm đã có rất nhiều tầng lớp mộ được mai tang ở đây. Có chỗ lên đến 12 tầng. Vì người Do Thái không đào mộ cũ, nên người ta đổ đất lên mộ cũ và đặt mộ mới. Để không mất dấu mộ cổ, họ nâng bia cao hơn. Do vậy trên mặt đất san sát các tấm bia và đất ở nghĩa trang cao hơn mặt đường rất nhiều.
Một giáo đường Do Thái khác nằm trong khu phố cổ của Prague, trên phố Jerusalem có tên Jubilee trên đường Jerusalem, được xây dựng vào năm 1906, do kiến trúc sư Wilhelm Stiassny thiết kế và được đặt tên để tôn vinh của Jubilee – Hoàng đế Franz Joseph I của Áo.
Mặt tiền và phong cách của giáo đường là sự pha trộn giữa nghệ thuật Moorish Revival (Moorish Hồi sinh là phong cách nghệ thuật và kiến trúc độc đáo phát triển ở vùng biên giới phía Tây của đế chế Hồi giáo bao gồm Bắc Phi và Tây Ban Nha, phát triển mạnh mẽ từ khoảng thế kỷ XIII – XVI, một biến thể của nghệ thuật Hồi giáo) và Art Nouveau (Tân nghệ thuật – TK 19-20), với vòm hìn móng ngựa có ngôi sao sáu cạnh ở giữa. Bên trong giáo đường cũng có gian dành riêng cho phụ nữ cầu nguyện. Trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã Giáo đường được sử dụng để chứa tài sản của người Do Thái bị tịch thu. Từ ngày 1/4/2008, Giáo đường Do Thái Jubilee bắt đầu mở cửa thường xuyên cho khách du lịch.
Giáo đường Maisel là một trong những di tích lịch sử của người Do Thái cổ tại thành Ghetto, được xây dựng vào năm 1590 do Mordechai Maisel – nhà kinh doanh nổi tiếng và ân nhân của khu phố này. Đây là thời kỳ hoàng kim của khu Do Thái. Ông đã xin hoàng đế Rudolf II người trị vì lúc đó, một đặc ân để xây dựng Giáo đường cho cộng đồng dân tộc mình. Lúc đó Mordecai Maisel có một vị trí quan trọng tại tòa án của Rudolf và điều đó đã giúp ông có được sự ưu tiên này. Maisel đã để lại Giáo đường Do thái Prague cho cộng đồng, nhưng sau khi ông qua đời vào năm 1601, tất cả tài sản của ông, kể cả Giáo đường Do Thái đều bị tịch thu (bất chấp một đặc ân khác của Hoàng gia, cho phép Maisel viết một bản di chúc).
Năm 1689, Giáo đường bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề. Nó được xây dựng lại vội vàng và bị mất một phần ba chiều dài. Sau đó, nó đã được thay đổi trong thế kỷ 19 và một lần nữa vào cuối thế kỷ 20 khi tất cả các khu phố Do Thái đã bị đổi mới đô thị. Kiến trúc sư Alfred Grotte đã dựng lại nhà thờ theo phong cách Neo-Gothic cho đến nay.
Giáo đường Do Thái ở thành phố Plzen – CH Séc rất lớn. Được đặt nền móng từ cuối năm 1888 do kiến trúc sư người Áo ở Max Fleischer xây dựng kế hoạch ban đầu theo phong cách Gothic với các cột trụ bằng đá granite và tháp đôi 65 mét, nhưng các thành viên của hội đồng thành phố đã bác bỏ kế hoạch này vì lo ngại nó sẽ lớn hơn nhà thờ St. Bartholomew gần đó. Emmanuel Klotz đã đưa ra một thiết kế mới vào năm 1890 giữ lại thiết kế gốc và móng, nhưng hạ thấp tháp 20m, tạo ra một phong cách lãng mạn kết hợp tân thời Phục Hưng với trang trí phương Đông và một ngôi sao khổng lồ của David.
Giáo đường hoàn thành năm 1893, lúc đó cộng đồng Do Thái ở Plzeň có khoảng 2.000 người. Kiến trúc kết hợp của Giáo đường khiến không ít người bối rối. Giáo đường có vòm “củ hành” theo kiến trúc nhà thờ chính thống Nga, trần nhà theo kiểu Ả Rập, với trang trí rất Ấn Độ. Giáo đường bị ngừng hoạt động trong Chiến tranh Thế giới II, khi Đức Quốc xã chiếm đóng và sử dụng làm kho lưu trữ trong chiến tranh và do đó đã thoát khỏi sự hủy diệt.
Giáo đường được sử dụng vì mục đích tôn giáo tới năm 1973, sau đó đóng cửa và được trùng tu từ năm 1995-98 và mở cửa trở lại năm 1998. Tòa nhà trung tâm hiện nay thường được sử dụng cho các buổi hòa nhạc và lưu trữ các triển lãm nhiếp ảnh tạm thời. Giáo đường vẫn được sử dụng để thờ phượng, nhưng chỉ trong phòng cầu nguyện mùa đông trước đây.
Người Do Thái đã xây dựng giáo đường chính của họ trong khu dân cư ở Budapest từ năm 1844 đến 1859, là Đại giáo đường lớn trên thế giới có đủ chỗ cho cả ngàn tín đồ. Hai mái vòm được đặt trên đỉnh của tòa tháp đôi cao 43 mét. Hai tháp tượng trưng cho các cột của Đền thờ Solomon. Bên trong giáo được rộng rãi được trang trí rất đẹp. Nơi cầu nguyện cho nam giới ở tầng dưới và tầng trên có ban công dành cho phụ nữ. Trong giáo đường cũng có đàn organ, loại nhạc cụ chỉ được sử dụng trong nhà thờ Cơ Đốc giáo.
Trong Thế chiến II, giáo đường Budapest trải qua những sự kiện bị kịch, do sự chiếm đóng của Đức quốc xã một số người đã tìm đến nương tựa vào giáo đường, nhưng hàng ngàn và hàng ngàn người đã chết vào mùa đông năm 1944, xác họ được chôn ở sân giáo đường. Phía sau tòa nhà chính là Đền Heroes được xây dựng từ năm 1929 đến năm 1931 để tưởng niệm những người Do Thái chết trong Thế chiến thứ nhất. Diện mạo hôm nay của Đại giáo đường Budapest được khôi phụ và hoàn thành cách đây không lâu.