Nếu ai đã từng đến thăm các cung điện hoàng gia ở Paris, Vienna hay Praha thì khi mới thấy cung điện hoàng gia Buda ở Budapest sẽ có cảm thấy hơi “bình thường” bởi bề ngoài hơi “thô” của nó. Nhưng nếu bạn được đi thăm quan tất cả cung điện, bên ngoài và bên trong, bạn sẽ choáng ngợp vì mức độ rộng lớn của quần thể và trang trí nghệ thuật bên trong cung điện. Lần này tôi mới chia sẻ với mọi người những gì ở bên ngoài cung điện.
Vì cung điện Buda trên đồi Lâu đài, cao 48 mét so với sông Danube, nên những sân vườn của cung điện thường gọi là sân thượng. Sân thượng Danube có đặt bức tượng của hoàng tử Eugene xứ Savoy. Bức tượng này do nhà điêu khắc József Róna làm cho thị trấn Zenta, nhưng thị trấn không có đủ tiền trả nên năm 1900 người ta mua bức tượng này để tạm thời đặt vào đó cho đến khi bức tượng vua cưỡi ngựa theo kế hoạch được hoàn thành. Tuy nhiên bức tượng nhà vua không bao giờ có và vì vậy tượng hoàng tử Eugene xứ Savoy vẫn mãi đứng ở đây.
Mái vòm hiện đại được Lajos Hidasi thiết kế bởi vào năm 1961, toàn bộ nội thất và bên ngoài cung điện cũ đã bị phá hủy trong chiến tranh.
Ở tiền sảnh phía tây của cung điện bên cạnh Đài phun nước Matthias có bức tượng Người thuần hóa ngựa hoang của Gyorgy Vastagh làm năm 1901, trước được trưng bày ở triển lãm đại học Paris, đã được phục hồi hư hại trong chiến tranh và đặt vào đây năm 1983.
Đài phun nước Matthias mô tả đoàn người đi săn do vua Matthias dẫn đầu, cùng với chó săn và con nai bị giết. Tượng đài bị hư hỏng trong chiến tranh và được khôi phục lại.
Đài phun nước “Những đứa trẻ câu cá” trên sân Danube là tác phẩm của nhà điêu khắc Károly Senyei từ năm 1912, mô tả hai đứa trẻ vật lộn với một con cá. Nghề chài lưới đã từng được đánh giá cao trong quá khứ. Đài phun nước đã được gỡ bỏ vào năm 1955 và được xây dựng lại tại Quảng trường Rákóczi ở Pest, nhưng đã được đưa trở lại vị trí ban đầu vào năm 1976 và được tu sửa năm 2001.
Cung điện hiện nay được sử dụng làm Phòng trưng bày Quốc gia Hungary và Bảo tàng Lịch sử Budapest. Các bức tượng bằng đồng “Chiến tranh và Hòa bình” đứng hai bên lối vào Bảo tàng Lịch sử Budapest, là tác phẩm của Károly Senyei. Cả Chiến tranh và Hòa bình được đại diện bởi các thiên thần, một người có kèn, người còn lại có cành ô liu. Dưới thiên thần Hòa bình là một người lính trở về, trong khi dưới thiên thần Chiến tranh có một người lính Ottoman đã chết và các chiến binh Hungary cổ đại.
Hai cặp sư tử canh giữ cổng dẫn vào Tòa án Sư tử, là tác phẩm của János Fadrusz từ năm 1901. Các con vật đứng ở phía bên ngoài cổng thì uy phong, trong khi những người bên trong Tòa án thì đang run sợ. Một con sư tử đã bị gãy làm hai phần trong chiến tranh và được phục hồi năm 1950.
Hai bên cổng là tượng Chim thần Turul được làm từ năm 1905 và đã bị hư hại. Bức tượng đồng này được phục hồi năm 1985.
Những người lính bảo vệ cung điện.
Tượng đài “Chiến tranh độc lập” ở gần lâu đài Buda ở Budapest.
Tôi muốn chia sẻ một chút thông tin về lịch sử không chỉ là “thăng – trầm” mà thậm trí còn là “xây dựng và phá hủy” của quần thể cung điện này. Nên mặc dù cung điện được xây dựng lần đầu từ thế kỷ XIII, nhưng những gì có hôm nay phần lớn được khôi phục lại cuối thế kỷ XIX, thậm trí đến giữa thế kỷ XX.
Cung điện lịch sử của các vị vua Hungary ở Budapest được hoàn thành lần đầu vào năm 1265, nhưng chỉ còn lại di tích khảo cổ, phần cung điện phong cách Baroque đồ sộ ngày nay phần lớn được khôi phục từ công trình cung điện xây dựng năm 1749 – 1769.
Quần thể cung điện đã từng được Stephen, Công tước xứ Slavonia, người em trai của Vua Louis I của Hungary xây dựng từ thế kỷ XIV, sau đó đến Sigismund, với tư cách là Hoàng đế La Mã thần thánh, người có quyền lực cai trị châu Âu, đã cho xây dựng thêm cung điện từ năm 1410 đến 1420 và một số công trình nhỏ vẫn tiếp tục cho đến khi Hoàng đế qua đời vào năm 1437. Phần cuối của quần thể cung điện được xây dựng quy mô lớn dưới thời vua Matthias Corvinus, trong đó có nhà thờ Hoàng gia. Dưới triều đại của vua John Zápolya – người cai trị quốc gia cuối cùng của Hungary, quần thể cung điện đã được sửa chữa.
Trong thời gian Ottoman chiếm đóng Hungary tài sản của cung điện bị cướp đem đi và bản thân cung điện suy tàn. Nó được sử dụng một phần làm doanh trại quân đội, kho vũ khí và chuồng ngựa. Cung điện thời trung cổ đã bị phá hủy trong cuộc bao vây năm 1686 khi Buda bị lực lượng Kitô giáo đồng minh chiếm giữ.
Năm 1749 cung điện được xây dựng nhờ sự ủng hộ của nữ hoàng Áo Maria Theresa và quan hệ giữa giới quý tộc Hungary và triều đình Habsburg Áo đặc biệt tốt. Năm 1764 Nữ hoàng đã đến thăm cung điện và cung cấp tiền để hoàn thiện. Năm 1769 nhà nguyện St. Sigismund được thánh hiến và cung điện được hoàn thành cùng năm. Nhưng vì nữ hoàng không sống ở đây, nên bà giao cho các nữ tu cai quản. Tuy nhiên cung điện xa hoa không hợp với cuộc sống của các nữ tu, nên nữ hoàng cho chuyển trường Đại học đến cung điện. Nhưng do các chức năng của trường chưa được sắp xếp hợp lý, năm 1783 các khoa được chuyển đến Pest. Năm 1791 cung điện trở thành nơi ở của triều đình Habsburg Vương quốc Hungary. Vào năm 1810 cung điện bị hư hại do hỏa hoạn nhưng việc sửa chữa, nâng cấp bị kéo dài trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng cung điện bị phá hủy gần như hoàn toàn khi quan hệ Hung – Áo chấm dứt và xung đột vũ trang.
Cung điện được xây dựng lại từ năm 1850 đến 1856 so với cung điện trước đây của nữ hoàng Maria Theresa, cung điện mới là một công trình kiến trúc Baroque tân cổ điển khắc khổ hơn.
Sau khi Thỏa hiệp Áo-Hung năm 1867, Franz Joseph lên ngôi vua của Hungary, cung điện là địa điểm quan trọng cho các buổi lễ xa hoa và là biểu tượng của hòa bình giữa triều đình và quốc gia. Việc nâng cấp và mở rộng cung điện năm 1875 – 1912 đã làm thay đổi đáng kể quần thể kiến trúc này.
Cung điện Hoàng gia Budapest là địa điểm rất đẹp và bạn phải đến thăm khi đặt chân tới Budapest.
Bài viết giới thiệu không phải chỉ những gì nhìn thấy mà cả bề dày lịch sử với những thăng trầm của lâu đài. Thật tuyệt vời! Ngưỡng mộ kiến thức của bạn❤️