Venice

Mỗi khi nghe nói đến Venice, hình ảnh một thành phố nổi tuyệt đẹp đã hiện ra trong đầu mỗi người. Venice nổi tiếng đến mức đã trở thành hình mẫu cho những kiến trúc trên nước. Người ta sẽ so sánh bất cứ một nhóm công trình kiến trúc đẹp nào đó với Venice, như là “Venice ở châu Á”…

1

Sự nổi tiếng của Venice đã tự nói về nó rất nhiều rồi, nên tôi chỉ muốn chia sẻ những gì tôi tò mò, thắc mắc và đã tìm hiểu, đã thấy ở Venice. Trong bài này tôi chỉ nói đến Venice ngoài đảo, không nói đến phần trên đất liền.

2

Làm sao Venice có thể tồn tại lâu dài như vậy trên mặt nước? Tôi nghĩ sẽ có nhiều người băn khoăn giống tôi.

3

Thứ nhất,  Venice nằm trong phá Venetia, là dạng đầm nông ngoài biển, không sâu và tầng đáy thường có lớp cát rồi bùn và đất sét rắn bên dưới. Thứ hai, Venice gồm 117 hòn đảo nhỏ được nối với nhau bởi các kênh đào và có 400 cây cầu lớn, nhỏ bắc qua các con kênh này. Như vậy, rất nhiều tòa nhà được xây dựng hoàn toàn trên đảo và tất nhiên cũng có nhiều tòa nhà được xây dựng ở mép đảo, thậm trí hoàn toàn trên mặt nước. Tôi cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy những mảng tường gạch đã bong tróc hoàn toàn ngập trong nước và tự hỏi, nó sẽ còn tồn tại như thế này được bao lâu nữa?

8

Tôi không quay lại lịch sử xa xôi từ thuở khai sinh lập địa, mà chỉ muốn nhắc tới những mốc thời gian để mình hình dung ra quá trình hình thành nên nhưng ngôi nhà trên nước ở Venice mà thôi. Những ngôi nhà được dựng trên mặt nước chính là nơi sinh sống của những người Venezia từ TK 5, khi họ chạy trốn bọn cướp phương bắc từ đất liền ra các hòn đảo. Họ đã đóng những cây cọc dài xuống đáy đầm và dựng lên trên đó những ngôi nhà gỗ nhỏ. Sau này, khi dân số tăng lên, nhu cầu về gỗ lớn không thể đáp ứng được, người ta chỉ dùng gỗ để đóng cọc, còn phần trên nền nhà được thay thế bằng đá và gạch.

5

Ai cũng nghĩ là gỗ sẽ không thể bền như đá hay một số kim loại được, nhưng thực tế cho thấy phần gỗ bị chìm sâu dưới nước, trong tình trạng nghèo oxy – một trong những yếu tố cần thiết cho vi sinh vật tồn tại, do vậy gỗ không bị phân hủy nhanh như trên mặt đất. Ngoài ra, môi trường nước muối xung quanh ngấm vào gỗ theo thời gian lại làm cho gỗ trở nên cứng hơn.

21

Những cọc gỗ được đóng khít nhau, sâu xuống đáy đầm, chúng xuyên qua một lớp cát, sau đó là bùn mềm cho đến khi đi sâu vào lớp đất sét nén cứng hơn nhiều. Hầu hết các cọc gỗ này vẫn còn nguyên vẹn sau nhiều thế kỷ bị chìm trong nước. Phía trên các cây cọc đóng khíp đó, người ta dùng những tấm đá vôi Istrian hoặc gạch để xây dựng nền tảng cho ngôi nhà, trước khi dựng lên đó những tòa nhà bằng gạch hoặc đá. Hầu hết các cọc gỗ được làm từ thân cây ader, một loài gỗ có sức chống đỡ với nước rất tốt. Loài cây ader thường mọc ở phía tây của Slovenia, Croatia, Lika và Gorski ngày nay và phía nam Montenegro, được đưa về Venice theo đường biển. (ảnh dưới tôi lấy từ Internet để mình dễ hình dung)

V1

Năm 1631 Vương cung thánh đường Santa Maria Della Salute (Đức Mẹ sức khỏe) nằm ngay ở gần kênh lớn (Grand Canal) được xây dựng để tạ ơn Đức Mẹ cứu giúp người dân Venice thoát khỏi bệnh dịch hạnh khủng khiếp đã cướp đi 1/3 dân số. Để đóng 1.106.657 cọc gỗ, mỗi cọc dài 4 mét, làm móng cho nhà thờ, người ta đã phải làm việc  trong hai năm và hai tháng mới hoàn thành. Nhà thờ do kiến trúc sư Longhena lúc đó 26 tuổi thiết kế (sau rất nhiều vòng lựa chọn) và đã xây xong năm 1681 trước khi ông qua đời.

6

Đối với người Venice, lũ lụt của ở đây dường như là một hiện tượng bình thường, vì mực nước tăng lên cả chục lần trong năm, người ta gọi là aqua alta (nước lên cao) và thường là do thủy triều cao bất thường do tác động của gió mạnh, bão dông và mưa rất lớn trong đất liền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều này xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Đó là điều đáng báo động đối với Venice. Đã có những dự án xây dựng 79 con đập để ngăn khi thủy triều cao hơn 1 mét, nhưng không ai dám chắc có thể bảo vệ được Venice mãi mãi.

4

Việc bảo tồn cả một thành phố với gần 300 nghìn dân và hàng chục nghìn ngôi nhà có “tuổi đời” vài trăm năm quả thực là quá khó, ngay với cả quốc gia giàu có, do vậy có rất nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng.

7

Nếu bạn đi len lỏi trong các ngõ hẻm, bạn sẽ thấy rất nhiều điều bất ngờ. Những con hẻm thường có bề rộng 1,5 mét dẫn vào các ngôi nhà, còn đường chung thì khoảng 3 mét. Nhưng vì nhiều hẻm rất dài nên cảm giác hẹp hơn nhiều.

9

Tôi nhìn thấy một khu nhà, nó không hẳn là kiến trúc châu Á, nhưng có cái gì đó quen quen, có lẽ là do sự cao thấp “lổn nhổn” của những ngôi nhà liền kề nhau và mái ngói, khiến tôi liên tưởng tới một góc Hà Nội.

12

Điều khiến tôi kinh ngạc là hệ thống giếng nước ngọt ở Venice. Nằm trong phá nước mặn, nhưng ở đây có 231 giếng cung cấp cho người dân nước ngọt từ thế kỷ thứ 6. Những cái giếng này không lấy nước từ những túi nước ngọt tự nhiên, như ở đất liền mà từ hệ thống thu gom và lọc mưa do người dân Venice tạo ra. Họ có hệ thống rãnh thu gom nước mưa trên đảo, dẫn nước mưa đó vào hai bể lọc ngầm sau dưới đất, qua các tầng cát, sỏi, đất sét…sau đó đổ vào bể chứa, nơi trữ nước như một túi nước ngầm. Giếng chính là nước mưa đã được lọc.

11

Người Venice phụ thuộc vào hệ thống cấp nước sạch này cho đến năm 1884, khi một hệ thống cấp nước hiện đại được thành lập. Mỗi cụm dân cư lại có một giếng nước như vậy.

10

Mỗi cái giếng đều có nắp bên trên để ngăn không cho bụi bẩn rơi xuống giếng và gây ô nhiễm nguồn nước ngọt. Người dân địa phương gọi là “vera da pozzo”, qua nắp giếng có thể  nhìn thấy được nước ngầm bên dưới. Trên nắp giếng có các bản chạm khắc các vị thánh hoặc phong cảnh các ngọn núi. Thiết kế nghệ thuật và cấu trúc của mỗi cái giếng tượng trưng cho giai đoạn nghệ thuật được xây dựng.

14

Những cái giếng này đã được sử dụng từ đầu TK 11. Người ta sử dụng gạch, đá Istria, đá Verona đỏ hoặc trắng để xây dựng thành giếng. Phần lớn những cái giếng vẫn được giữ gìn cẩn thận, mặc dù hiện nay người ta không dùng đến nữa.

13

Trước đây, những cái giếng này không chỉ cung cấp nước ngọt cho dân cư của Venice, mà cả các động vật nữa. Dưới nền đất cạnh giếng nước, người ta xây những cái khay nhỏ hoặc bát để cho động vật hoang dã của địa phương. Ngày nay, những chú chim bồ câu, hải âu và mòng biển vẫn đến những giếng nước này để uống nước.

12a

Với một thành phố đặc biệt như Venice đương nhiên phải dùng đến loại giao thông đặc biệt. Bạn chỉ có thể đi bộ, hoặc đi thuyền để tham quan Venice mà thôi. Đây là thành phố có lẽ duy nhất trên thế giới không bao giờ có các loại phương tiện giao thông trên mặt đất.

24

Để đi từ ngoài bến xe vào sâu trong đảo, bạn có thể đi bằng cano to, nhưng để ngắm nhìn hai bên kênh thì bạn phải đi bằng những chiếc thuyền độc đáo – Gondola.

16

Gondola là một chiếc thuyền chèo tay Venetian với đáy phẳng truyền thống, phù hợp với điều kiện đầm phá (nước nông), giống như chiếc xuồng, nhưng hẹp hơn. Bạn sẽ nhìn thấy những kênh đào rất hẹp, và sẽ hiểu lợi thế của chiếc thuyền này.

15

Trong nhiều thế kỷ, gondola là phương tiện chính của giao thông vận tải và tàu thủy thông dụng nhất trong Venice. Trong thời hiện đại, các con thuyền này vẫn đóng  vai trò trong giao thông công cộng trong thành phố, tuy nhiên, việc chính là đưa du khách đi tham quan với giá 80 EUR/ thuyền. Tôi đã thấy một đôi vợ chồng trong trang phục lễ cưới đi trên chiếc thuyền Gondola. Không biết họ đang đến nhà thờ, hay đơn giản muốn kéo dài lễ kết hôn trang trọng trong tuần trăng mật!

17

Có khoảng 400 người chèo thuyền Gondola được cấp phép ở Venice và một số lượng thuyền tương tự, con số này đã giảm từ hàng ngàn chiếc thuyền đi lại trên các kênh cách đây hàng trăm năm.

20

Những chiếc thuyền Gondola được làm từ 280 miếng gỗ làm thủ công bằng tay, sử dụng 8 loại gỗ khác nhau (gỗ cây vôi, sồi, gỗ gụ, óc chó, anh đào, linh sam, cây tùng chanh và cây cảnh). Quá trình đóng thuyền phải mất khoảng hai tháng và chi phí khoảng 38 nghìn EUR. Mái chèo có hình dạng phức tạp, cho phép chèo chậm lại, chèo xuôi,  xoay chuyển, chèo ngược và dừng lại. Một xưởng đóng thuyền Gondola truyền thống.

18

Trang chí trên thuyền thường được làm bằng đồng thau, thép không rỉ, hoặc nhôm và cả vị trí người đứng ở cuối thuyền.

23

Và đây là một cửa hàng rau quả nằm trên một chiếc thuyền. Rất Venice!

22

Có quá nhiều điều tuyệt vời và đặc biệt ở Venice. Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cùng mọi người trong một dịp khác.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *