Kinh nghiệm đi du lịch ba lô ở châu Âu

Tôi đã đi du lịch ba lô đến một số nước Đông Nam Á, như Singapore, Hong Kong, Lào, Thái Lan và châu Âu. Có lẽ đi ba lô ở châu Âu dễ dàng hơn cả, bởi vì lịch trình của tất cả các phương tiện công cộng từ tàu điện, xe bus, đến tàu hỏa, ô tô express (chạy đường dài giữa các thành phố, các nước) đều chính xác và sẵn có trên mạng internet.

Bando

Việc đầu tiên là phải xin visa vào châu Âu. Chúng tôi làm dịch vụ visa 45 ngày vào Pháp (một trong số ít nước châu Âu cấp visa du lịch tự do) với giá 300 US$/ người trong vòng 2 tuần. Vé máy bay mua của hãng Turkis Air khoảng 15 triệu đồng/ khứ hồi/ người. Việc quan trọng là phải xác định được mình sẽ đi những đâu và xây dựng lịch trình: những thành phố đầu mối của mỗi nước, từ đó có thể đi thăm những thành phố khác xung quanh. Chúng tôi quyết định sẽ đi 9 nước và có thể tham quan 15 thành phố.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Điểm đến đầu tiên và cũng là điểm dời châu Âu của chúng tôi là Praha, vì con gái đang học ở đó. Visa chúng tôi xin vào Pháp, nhưng lại đến Praha trước đã khiến nhân viên làm thủ tục ở sân bay có chút băn khoăn. Bạn nên chuẩn bị sẵn một chương trình trong đó số ngày ở lại Pháp tương đối dài, tất nhiên là kèm theo booking khách sạn.

37

Từ Praha chúng tôi lên kế hoạch đi Budapest, nơi sẽ gặp gia đình một người bạn thân từ thời học sinh. Sau đó chúng tôi sẽ đi Vienna, Venice bằng xe ô tô, rồi từ Venice sẽ bay đi Copenhagen và tới thăm nhà một người bạn Đan Mạch đã từng làm việc với tôi tại Phú Quốc. Tiếp theo, chúng tôi sẽ bay đi Frankfurk, để đến thăm nhà một người họ hàng tại Meihen, cách Frankfurk 70km và có thể đi chơi một số thành phố quanh đó. Rồi chúng tôi sẽ đi tàu hỏa sang Paris, tiếp tục đi xe bus express đến Brussels, Amsterdam, Berlin và trở về Praha…

27

Căn hộ chúng tôi thuê ở Berlin có bếp và bàn ăn nhỏ bên dưới, rất thuận tiện.

Sau khi cân đối thời gian dự kiến sẽ ở lại từng điểm chính trên, chúng tôi tiến hành đặt khách sạn. Chúng tôi lựa chọn các căn hộ gần trung tâm với giá khoảng 50 EUR/ đêm/ 2 người trên Agoda và Booking.com và quyết định dùng Booking.com, vì có vẻ nhiều sự lựa chọn hơn. Có thể do chúng tôi đi chơi châu Âu vào tháng 11 và 12, không phải là mùa cao điểm du lịch, nên giá căn hộ và khách sạn chúng tôi thuê đều có giá hợp lý, nhất là tại Vienna, Brussels và Berlin, chúng tôi thuê được cả căn hộ có bếp, cho phép nấu nướng thoải mái và nhà tắm rộng rãi…với giá 50 EUR/đêm. Riêng Venice và Amsterdam thì vẫn giá đó, chúng tôi phải ở phòng rất nhỏ trong một khách sạn khiêm tốn, nhưng bù lại là ngay trung tâm, thuận tiện cho việc đi chơi về muộn. Có nhiều loại giá cho một căn phòng bạn đặt. Nếu trả tiền ngay và không được hủy, bạn sẽ có giá rất tốt. Đương nhiên, bạn phải tuần thủ hành trình chính xác, nếu không bạn sẽ mất tiền. Có nhiều khách sạn không yêu cầu bạn trả tiền ngay hoặc trước khi đến, nhưng bạn cũng phải đưa số thẻ tín dụng và nếu bạn không có mặt, bạn sẽ vẫn mất tiền. Những khách sạn không phạt khi bạn hủy kể cả giờ chót sẽ có giá cao hơn nhiều.

13

Chúng tôi chủ yếu thuê căn hộ, nên chỉ ở Praha chúng tôi mới có dịch vụ ăn sáng như thế này. Cũng chỉ có bánh mỳ mấy loại, thịt nguội, xúc xích, bơ, pho mát, sữa và mứt hoa quả. Ở Venice chúng tôi thuê khách sạn trong đảo để thuận tiện đi chơi. Có xe bus ngay trong đảo đưa bạn ra sân bay từ 5h sáng, rất tiện lợi và chính xác giờ. Vé xe bus bạn có thể mua trước tại kios ở bến xe.

11

Ở Brussels, căn hộ chúng tôi thuê không có chủ nhà ở đó. Chúng tôi nhận được xác nhận kèm theo ghi chú: 16h nhận phòng, mã nhận phòng, mật khẩu khóa…Chúng tôi hy vọng nếu đến sớm có thể “nói khó” với lễ tân để họ cho vào sớm hơn hoặc gửi hành lý để đi chơi. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi mới “té ngửa”, tất cả đều tự động. Mật khẩu để mở cổng vào khu vực lễ tân, không có bóng người, chỉ có một hộp thư tại đó, nó sẽ hoạt động vào 16h và được mở ra bằng mã số mà người ta đã cung cấp. Chúng tôi không chờ được tới 16h, nên cứ để hành lý gọn vào một góc và đi chơi. Tối về, theo chỉ dẫn, chúng tôi mở hòm thư bằng mã của mình, trong đó có chìa khóa căn hộ và những chỉ dẫn. Khi trả phòng, chúng tôi lại đặt chìa vào hộp thư, vậy là xong.

23

Kế tiếp là các loại phương tiện vận chuyển giữa các thành phố và các nước châu Âu. Bạn có thể đặt mua vé online với tất cả các phương tiện công cộng một cách nhanh chóng và chỉ cần smart phone, bạn có thể lưu giữ toàn bộ “vé” điện tử cho cả hành trình. Chúng tôi chọn Cheap Air để mua vé máy bay từ Venice đi Copenhagen và Frankfurk cho hai chặng đường có khoảng cách xa nhất, còn xe Express thì chúng tôi sử dụng Flixbus và Euroline để di chuyển giữa các thành phố và các nước châu Âu. Giá vé xe bus express khá rẻ, ví dụ như từ Paris đi xe bus đến Brussels bạn phải trả có 12 EUR. Giá vé máy bay cũng không đắt, khi chúng tôi bay từ Venice đi Copenhagen (từ năm đi bắc) và tiếp theo bay đi Frankfurk (từ đông sang tây) với giá tổng cộng chỉ có 170 EUR/ người).

eu

Đi lại ở châu Âu vô cùng thuận tiện, bằng tàu điện ngầm, tàu điện, xe bus hoặc bạn có thể thuê xe đạp với giá 10 EUR/ ngày hay như chúng tôi, chủ yếu là đi bộ, vì vừa dễ dàng xem kỹ mọi thứ, vừa tiết kiệm.

14

Sử dụng phương tiện công cộng tại mỗi thành phố châu Âu có khác nhau một chút. Tùy thuộc vào khách sạn bạn đặt gần hay xa trung tâm và bạn sẽ tham quan những điểm nào, bạn sẽ quyết định mua vé phương tiện công cộng 1 ngày, 2 ngày, 5 ngày hay vé từng chặng. Chúng tôi mua vé 3 ngày ở Praha với giá 350CZK/ người khi đến và lúc quay lại chúng tôi mua vé 1 tháng với giá 500CZK/ người, có thể dùng tất cả các phương tiện vận chuyển. Đến Paris chúng tôi lại mua 10 vé một lần với giá 14EUR. Nếu như ở Đức, vé 1 ngày của bạn phải được “giập” ở dưới ga trước khi lên xe, thì ở Amsterdam, vé một ngày của bạn phải “giập” tại máy của mỗi phương tiện cả lúc lên và lúc xuống xe, nếu không nó sẽ hết giá trị.

25

Ở Praha chúng tôi sử dụng tàu điện rất nhiều. Có những lúc mỏi chân, chúng tôi lên bất cứ tàu điện nào, ngồi ngắm cảnh cho tới bến cuối, rồi lại lên tàu chạy ngược về. Đi tàu điện thích hơn metro vì có thể tham quan mà không phải đi bộ.

12

Các phương tiện công cộng ở châu Âu hoạt động đến nửa đêm, tuy nhiên, càng về khuya thì số lượng chuyến càng giảm. Một số chặng sẽ phải ghép tuyến, bạn vẫn có thể về đến khách sạn nhưng phải đổi tàu/ xe vài lần và đi gấp 2-3 lần quãng đường bình thường. Một đêm ở Berlin, chúng tôi đi chơi về muộn, nên còn 2 bến nữa mới đến bến gần căn hộ thuê, nhưng tàu điện ngầm đã nghỉ. Chúng tôi phải “ngoi” lên mặt đất, giữa đêm, lơ ngơ…May mà có GPS, chúng tôi mới lần ra đường về. Phải bước sang sáng hôm sau, chúng tôi mới bò được về đến căn hộ cho thuê.

CAMERA

Ở Vienna, Amsterdam và Venice, vì chúng tôi ở ngay trung tâm nên chúng tôi đi tham quan bằng “xe của bộ”. Chúng tôi có thể lang thang vào tất cả các ngõ ngách, chụp ảnh và ngồi nghỉ bất cứ khi nào mình muốn… Còn tại Paris, Brussels, chúng tôi phải đi tàu điện ngầm vào tới trung tâm và chia ra mỗi ngày đi tham quan một hướng. Có một số nơi như ở Meihen và bắc Copenhagen chúng tôi ở nhà bạn bè và người thân, nên phải mua vé tàu hỏa, đi từ thị trấn đến trung tâm thành phố, và sau đó thì đi bộ đi chơi. Vé tàu từ Meihen đi Frankfurk khứ hồi trong một ngày 26 EUR/người. Khi đến ga, bạn phải xem ngay giờ tàu quay lại để có thể xác định quỹ thời gian mình có, tránh “lãng phí” khi phải ngồi đợi ở sân ga. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở châu Âu đều có lịch rất chính xác, kể cả tàu điện, xe bus, metro…nên bạn sẽ không phải mất thời gian chờ đợi, nếu mình chịu khó xem lịch và căn chỉnh hoạt động của mình.

flix

Lần đầu đi xe bus express chúng tôi chưa biết, nên cẩn thận đến bến xe rất sớm. Xem biển chỉ dẫn xong, chúng tôi đến nơi xe của mình sẽ khởi hành. Chờ mãi chẳng thấy số hiệu chuyến xe của mình xuất hiện, mà chỉ thấy toàn xe khác, tôi lo lắng quay lại quầy thông tin hỏi. Người ta thông báo đúng 10 phút trước giờ khởi hành, xe sẽ có mặt. Và đúng như vậy, dù chúng tôi có đến trước cả tiếng đồng hồ cũng không mang lại bất cứ lợi ích nào, ngoài việc lo lắng và sốt ruột chờ đợi. Trong 10 phút lái xe kiêm soát vé và kiểm tra hộ chiếu sẽ thực hiện cẩn thận với tất cả mọi hành khách. Bạn sẽ biết phải cất hành lý ở đâu và tìm được chỗ ngồi rất thuận tiện…Xe khởi hành đúng giờ, đến đúng giờ và đi rất êm ái!

4

Đi tham quan các thành phố ở châu Âu, ngoài việc bạn có thiết bị GPS ở smartphone, bạn vẫn nên lấy một tấm bản đồ thành phố tại tất cả các khách sạn, ga tàu, sân bay…đều có sẵn, miễn phí.

3

Chúng tôi không chỉ di chuyển từ đất nước này sang đất nước khác ở châu Âu, mà từ các thành phố trong một nước cũng di chuyển thuận tiện như vậy. Có lần, chúng tôi đi từ Praha đến Plzen, một thành phố khác của Séc. Vì trời lạnh, tối sớm nên chúng tôi muốn kết thúc chuyến tham quan sớm hơn dự kiến. Chúng tôi ra bến xe và đã đổi vé để về chuyến sớm hơn với phí đổi vé 10 CZK tương đương 10 nghìn đồng/ vé.

21

Có một vấn đề nữa bạn cần lưu ý, đó là điểm tham quan trong nhà, như cung điện, lâu đài, bảo tàng…những nơi bạn phải trả tiền mua vé vào tham quan. Phần lớn các nhà thờ Kito giáo ở mọi nơi đều mở cửa miễn phí. Nhưng bảo tàng và các tòa lâu đài đều mất tiền, do vậy bạn cần tìm hiểu trước thật kỹ từng điểm một, lựa chọn xem mình nên đi thăm điểm nào. Tất cả phụ thuộc vào sở thích và quỹ thời gian bạn có. Một số nơi hạn chế khách vào tham quan như lâu đài Sansosi ở Posterdam cách Berlin mấy chục km, mỗi lần chỉ cho 30 khách vào tham quan, bạn phải chờ 1 giờ mới đến lượt, nếu là ngày không đông khách.

9

Mối lo cuối cùng và cũng là lớn không kém…đó là cái ăn! Đi châu Âu bạn không dễ ghé vào “làm bát phở” khi cơn đói ập đến được. Ở một vài nơi như Venice, bạn có thể tìm được vài quán Pizza trên phố với giá 3 EUR/ miếng…nhưng không phải là mọi nơi đều dễ kiếm. Vì vậy, chúng tôi chọn phương án “tiểu nhân phòng bị gậy” mua sẵn bánh mỳ, thịt nguội, súc xíc, bơ…những nơi có bếp thì thịt rán hoặc thịt băm nẫu sẵn cho vào hộp nhựa. Mỗi người mang theo một phích nước du lịch nhỏ và một chai nước lọc, mấy quả táo, ít bánh quy và kẹo. Tóm lại mỗi người chúng tôi mang theo số lương thực dành cho một ngày, để trong mọi trường hợp, không bị đói!

6

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tìm được một quán ăn trưa cho khách du lịch và người địa phương với giá khoảng 5EUR/người và …điều quan trọng nhất là chỗ đi vệ sinh. Đi du lịch ba lô thì “kỹ năng” tìm kiếm nhà vệ sinh được cho một một kỹ năng cần học đấy.

10

Các nước châu Âu thực phẩm mua trong siêu thị khá rẻ, giá chỉ cao hơn ở nhà mình một chút. Thậm trí cả thức ăn đã nấu sẵn, nóng hổi, hấp dẫn như đùi gà rán với khoai tây chiên bọc trong giấy bạc nóng bỏng tay có giá khoảng 5 EUR. Các loại thịt nguội, súc xíc…và đặc biệt là sữa tươi rất rẻ.

2

Nhưng nếu bạn vào nhà hàng thì một bát súp loãng chúng tôi ăn trong một nhà hàng rất hẹp, nằm trên một con phố nhỏ ở Amsterdam cũng hơn 8 EUR/ người rồi. Ở Berlin có chợ Đồng Xuân của người Việt, bạn có thể ăn một bát phở với giá 8 EUR hoặc thử một số món Việt tại đó. Tuy nhiên, nếu là khách du lịch, mới tạm xa quê hương ít ngày, có lẽ bạn sẽ để dành 8 EUR để ăn mấy bát phở ở Hà Nội ngon hơn rất nhiều. Tại Praha có chợ Sapa, nằm khá xa trung tâm, cũng có rất nhiều món ăn Việt, giá rẻ hơn, khoảng 100 CZK/ bát tương đương 90 nghìn đồng. Nhưng món ăn Việt bạn có thể tìm thấy ở ngay trung tâm Praha, có rất nhiều quán Phở Việt. Các quán ăn Trung Quốc cũng khá nhiều, dễ tìm thấy ở các phố nhỏ, và giá thấp, khoảng 100-120 nghìn đồng bữa trưa khiêm tốn. Séc là nước có giá món ăn tại nhà hàng khá thấp và bia rẻ hơn nước ngọt. Một bữa ăn tại nhà hàng Séc (món ăn Séc) và bia khoảng 200-250 nghìn đồng/ người.

5

Cứ thử đi, bạn sẽ thấy, châu Âu rất thích hợp cho những chuyến đi tham quan tự do…an toàn, thuận tiện và tiết kiệm.

You Might Also Like

One Reply to “Kinh nghiệm đi du lịch ba lô ở châu Âu”

  1. Mình xin phép chia sẻ thêm một kinh nghiệm với các bạn: khi đi du lịch đến các thành phố lạ (xa nhà) bạn nên để tất cả giấy tờ quan trọng ở lại nhà trọ/khách sạn trước khi đi khám phá thành phố. Theo kinh nghiệm (rất nhiều năm sống ở xa nhà) của mình thì hầu như bạn không bao giờ bị kiểm tra giấy tờ khi ra đường (trừ một số điểm tham quan quan trong như nhà quốc hội Đức thì họ sẽ kiểm tra hộ chiếu của bạn, cái này khi lên lịch đi tham quan bạn có thể xem trước trên internet xem chỗ nào cần giấy tờ gì) và tiền mặt mang theo người thì bạn nên chia ra để nhiều túi khác nhau, chỉ để một khoản vừa phải để tiêu ở nơi dễ lấy thôi. Bạn có thề cầm theo một tờ giấy xác nhận đặt khách sạn đề phòng trường hợp (rất rất hãn hữu) khi bị công an hỏi, thường là các chú ấy sẽ tin bạn, còn nếu thực sự thấy cần thiết thì các chú ấy cũng có cơ sở để kiểm tra. Đây là một biện pháp đề phòng rủi ro, tránh bị rơi, hoặc bị móc túi (bạn có thể là một người rất cẩn thận nhưng có khi đứng trước những quang cảnh đẹp, mới lạ… sẽ có những phút giây lơ là nhưng bọn ăn cắp thì chúng rất thính với những cơ hội như vấy :-))
    Đến những thành phố mới bạn nên tìm đến tourist office, thường tọa lạc quanh quẩn đâu đó ngay gần quảng trường trung tâm thánh phố để hỏi han, lấy bản đồ (thường không mất tiền), nếu thấy một tòa nhà hay công trình nào cao cao thì trèo lên nóc để ngắm được toàn cảnh thành phố và định hướng cho tour của bạn… Muốn biết về sinh hoạt của địa phương ấy bạn nên bố trí một buổi đi chợ (chứ không phải đi siêu thị nhé :-))

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *