Khi đến Đồng Văn năm 2007, chúng tôi chọn ở khách sạn ngay cạnh chợ Đồng Văn, để có thể đến phiên chợ ngày chủ nhật từ sáng sớm.
Chợ Đồng Văn được xây dựng bằng đá từ năm 1920, như một thành phần không thể tách rời khỏi phố cổ Đồng Văn của Hà Giang. Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban đầu chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác đến sinh sống. Khu phố cổ mang nhiều dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ.
Theo người dân kể thì phố cổ Đồng Văn còn khoảng 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, đặc biệt có ngôi nhà được xây dựng từ khoảng năm 1860, tuy nhiên hiện những ngôi nhà cổ đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chợ Đồng Văn được xây dựng theo hình chữ U, gồm những dãy nhà có cột đá và lợp mái âm dương, chất lượng vẫn còn giữ được tốt.
Trên những vùng cao, chợ không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, trò chuyện và ăn uống cùng nhau. Đó là điểm hội tụ văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông. Rượu được đựng trong những chiếc can nhựa to này đã được những con ngựa miệt mài cõng xuống núi từ sớm tinh mơ hay từ đêm hôm trước.
Người dân tộc đã lên đường đi chợ từ khi trời còn chưa sáng. Nhiều người sống trên núi cao, rất xa chợ, vậy mà tờ mờ sáng chúng tôi đã thấy họ trên đường đến gần chợ Đồng Văn rồi.
Tờ mờ sáng chúng tôi đã thấy những người bán hàng đang tất bận chuẩn bị cho phiên chợ cuối tuần, đặc biệt là những người bán đồ ăn.
Bánh rán nhân đường và nhân đỗ có lẽ là món quà chợ hấp dẫn.
Thúng xôi ngũ sắc bốc khói nghi ngút, khiến người ăn vừa xuýt xoa vừa ăn trong cái lạnh buổi sớm với sự thích thú. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được hoà hợp lại tạo lên món ăn rất bắt mắt, được nấu từ một loại gạo nếp thơm và dẻo do người dân tộc trồng trên nương dãy. Theo dân tộc Tày thì 5 màu trắng, đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ với ý nghĩa tôn thờ đất đai, cầu mong đất đai tốt tươi, thuận lợi cho người dân làm nương trồng lúa và lương thực. Màu để nhuộn xôi đều là màu tự nhiên, màu đỏ của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh, màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước, màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau.
Lạp sườn và thịt hun khói là hai món ăn truyền thống lâu đời của người Hà Giang được nhiều người ưu thích. Người dân rửa sạch lòng lợn non bằng nước muối loãng sau rửa bằng rượu, rồi đem phơi khô để làm vỏ bao bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn, được rửa bằng nước muối loãng, thái miếng nhỏ và tẩm ướp gia vị, cùng chút rượu để làm chất lên men, rồi nhồi vào lòng non để trở thành lạp sườn, phơi khô khoảng ba nắng rồi treo lên nóc bếp, khói và hơi nóng của bếp lửa làm cho miếng thịt săn hơn và ngon hơn.
Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Do vậy mà từ sáng sớm, nồi thắng cố to lớn này đã sôi sùng sục. Theo tiếng Mông thắng cố là Khấu Tha có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ ngũ tạng của bò, trâu hoặc dê, nhưng thắng cố bò là ngon nhất. Lấy lục phủ ngũ tạng và bốn chi dưới của con bò đem rửa sạch rồi thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, dổi, sả, gừng và đun nước sôi thì thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, ăn còn cái giòn giòn của miếng thịt thì cắt tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều khi tiết chín là được.
Mấy bà chuẩn bị quạt than đỏ lên để nướng bánh đa, chắc gặp người bà con nên mải “buôn” chuyện, than chưa kịp bắt lửa đã lụi hết.
Ngoài đường, những cô bé này đi chợ như đi dự hội, xúng xính trong những bộ váy diện nhất.
Cô gái này mang rau và con gà ra chợ, hy vọng có thể đổi được ít gạo hay bộ váy mới cho mình.
Ngô khoai trong những bao tải này đang chờ người tới hỏi. Cậu bé này theo người lớn xuống chợ bằng xe máy là “xịn” hơn bạn bè rồi. Cậu phải đứng chờ cho đến khi những bao ngô, khoai này tìm được chủ nhân mới, lúc đó cậu mới có thể vào chợ để ăn một bát thắng cố hay đơn giản chỉ để ngắm mọi thứ xung quanh.
Cảnh chợ, người mua người bán tấp nập rất vui. Người ta cắp nách những chú gà mang từ nhà ra chợ, và sẽ cắp nách như thế mang về nếu không bán được hoặc mua được con gà mới.
Anh bạn này vừa mua được cái vại to, có lẽ trước khi vác về bản, anh phải ghé vào quán làm chút rượu, ăn bát thắng cố rồi mới lên đường. Hy vọng anh ta chỉ uống vài bát rượu, nếu không việc vác cái vại dễ vỡ này lên núi cũng là nghệ thuật đấy.
Những cô bé mải mê lựa chọn những dải vải sặc sỡ, chắc để pha vào với các bộ váy.
Hương đốt là món hàng khá phổ biến ở chợ Đồng Văn, tôi thấy khá nhiều người bán hàng này.
Những bó hương rất to, không cần đựng vào bao giấy đỏ như ở dưới xuôi được nhiều người mua về. Tôi thắc mắc không biết người dân tộc đốt hương bao nhiều lầ trong ngày hay trong tuần…nếu mỗi phiên chợ họ lại mua về một bó tướng thế này!
Những chiếc hòm, tủ bằng gỗ sơn màu vàng đỏ, được trang trí bằng những họa tiết khá lạ cũng đã được mang đến chợ từ sớm.
Bán hàng không quan trọng, được gặp nhau trò chuyện là vui rồi.
Còn sớm nên vẫn chưa có nhiều khách mua.
Tan chợ về, ai ai cũng vui vẻ, kể cả những người không bán mua gì. Phiên chợ là dịp để mọi người được giao lưu với nhau, đơn giản chỉ là vậy.
Chợ Đồng Văn cũ giờ không còn họp nữa. Chính quyền đã xây dựng chợ mới rộng rãi hơn. Năm 2014 tôi trở lại Đồng Văn, thấy vắng bóng chợ cũ mà cảm thấy nuối tiếc. Chợ không chỉ là nơi mua bán…mà là nơi văn hóa các dân tộc miền núi được duy trì…