Chinh phục đỉnh Fanxipan luôn là mơ ước của những người yêu thiên nhiên, có sự quyết tâm và tinh thần bền bỉ, muốn chiến thắng chính bản thân mình. Lên được mỗi một độ cao là những người leo núi đã lại một lần vượt qua được chính họ, để lại phấn đấu hơn nữa. Hành trình leo núi Fanxipan là thời gian để con người hòa nhập với thiên nhiên và khám phá bản thân mình. Khi leo lên đến đỉnh Fanxipan, điều quý giá nhất họ cảm thấy là núi rừng rộng lớn phía dưới đã nâng những bước chân của họ, là không gian mênh mông trên đỉnh núi giống như mơ ước và nhiệt huyết vô hạn của con người và rằng lên đến đình Fanxipan không phải là tất cả, vì núi cao còn có núi cao hơn và rằng họ lại tiếp tục mơ ước để có thể chinh phục được những đỉnh núi cao hơn nữa!
Từ ngày có cáp treo lên đỉnh Fanxipan, vẫn có nhiều người lặng lẽ theo con đường mòn mà nhiều người đã đi qua trước đó, để sau khoàng thời gian 2 ngày, có thể lặng yên trên đỉnh núi với niềm hân hoan tràn ngập, không có cảm giác tự mãn đã làm được điều gì đó “vĩ đại”, mà ngược lại chỉ cảm thấy đỉnh núi trở nên gần gũi, thân thương như một người bạn, đã đồng hành cổ vũ để mình có thể chinh phục được chính mình!
Cáp treo là phương tiện hiện đại, giúp con người dễ dàng vượt qua những chặng đường khó khăn, để có thể đến được những địa điểm đẹp, thưởng ngoạn và thư giãn. Ở Nhật Bản, Hà Quốc và nhất là Trung Quốc có rất nhiều hệ thống cáp treo lên những đỉnh núi cao. Nhưng tất cả những đường cáp treo đó đều đưa du khách lên đến một độ cao, một địa điểm nhất định và rồi họ có thể đi bộ, thưởng ngoạn phong cảnh và hòa vào cuộc sống thiên nhiên. Du khách có thể tham quan nửa ngày, hoặc cả ngày trên núi vì đó là cơ hội hiếm có, để họ có thể sống gần nhất với thiên nhiên và cảm nhận nó.
Từ ngày có cáp treo lên đỉnh Fanxipan, tôi đã hai lần lên. Lần đầu vì tò mò, mùng 2 Tết đi cáp lên đỉnh, lúc đó còn phải leo thêm 200 bậc đá nữa mới lên đến nơi. Thật sự, tôi vô cùng thất vọng. Tất cả những gì tôi cho là giá trị nhất, chỉ là vài phút đi cáp treo, khi tôi có cơ hội ngắm nhìn Sapa bên dưới, với những ruộng bậc thang vừa cày xong, không còn màu xanh của cây mạ hay màu vàng của lúa chín, mà chỉ có một màu nâu…
Nhưng vì hệ thống cáp treo mới làm, nên cây cối phía dưới phần nào bị ảnh hưởng, do vậy phong cảnh thiên nhiên có thể nói là “vứt đi” trong chuyến đi đó. Hy vọng một thời gian nữa, cây cối sẽ xanh tươi trở lại.
Lên đến đỉnh, ngoài gió lạnh và một chút nắng yếu ớt mùa đông là của thiên nhiên, còn lại tất cả đều do con người làm nên hết. Cái cổng đá sừng sững, những ngôi chùa, tượng rất lớn… Đó chưa kể đến một gian nhà hàng và cửa hàng rộng để phục vụ nhu cầu mua sắm và ăn uống trên đỉnh Fanxipan của du khách. Một công trình đồ sồ, như thách thức của con người với thiên nhiên hùng vĩ, rằng ta có thể “đạp lên đỉnh cao nhất và biến nó thành kẻ phục vụ cho ta!”
Vượt qua hai trăm bậc đá, chúng tôi lên đến đỉnh núi. Trơ trọi, hoang vắng với tấm “biển vàng” ghi danh “chinh phục đỉnh Fanxipan!”. Mọi người cố chụp lấy tấm hình, về còn lên FB “bon chen”.
Chúng tôi đi vòng quanh “đỉnh núi” rộng không bằng cái sân hợp tác xã, cố chụp một vài tấm hình bên dưới…rồi đi xuống. Cáp treo đưa những người không thể tự đi bộ, leo núi để đặt chân lên đỉnh, nhưng lại có thể tự hào đứng bên cạnh cột mốc để chụp hình, ngoài ra không có gì hết.
Đi qua nhà hàng, bọn trẻ xếp hàng để mua xúc xích Đức, món ăn “cán dỗ” trẻ em ở cổng trường học, lại theo chân lên tận trên này. Nghe nói có ngày doanh thu bán xúc xích lên đến 3 tỷ đồng! Người ta bỏ ra 500.000 đồng để đi cáp treo, lên núi chụp được tấm ảnh về khoe và bỏ ra gấp 3-4 lần tiền để ăn xúc xích, lấy sức ngồi cáp treo đi xuống! Đó chưa kể là “bệnh mua sắm” nổi lên, các bà, các mẹ bỏ tiền mua quần áo, quà lưu niệm trên đỉnh này cho có giá trị.
Nhà đầu tư không chỉ bỏ tiền ra xây cáp treo, họ đầu tư rất nhiều tiền để xây các loại chùa trên đỉnh núi. Rồi sẽ xuất hiện những “truyền thuyết kỳ bí” về sự linh thiêng của những ngôi chùa này. Và khi những người tò mò như tôi không còn nữa, thì sẽ đến lượt những người mê tín, bằng mọi giá phải đặt chân được đến những ngôi chùa “linh thiêng” trên đỉnh núi, nơi gần nhất với “cõi trên”, tiếng cầu xin dễ thấu!
Ngày xưa có những vị cao tăng muốn tìm nơi thanh tịnh, tránh xa cuộc sống xô bồ, đã bỏ lên núi, lên những nơi cao nhất, xa nhất và khó đi nhất để người khác không thể đến được. Họ xây dựng những am nhỏ để sống và tu luyện. Hay có những môn phái trong võ lâm cũng tìm nơi hoang vu, những ngọn núi không dấu chân người để tập luyện. Những nơi đó giờ trở thành di tích và muốn để con cháu được tận mắt nhìn thấy cha ông họ đã khổ luyện thế nào, người ta mới làm cáp treo để mọi người có thể lên tới nơi và chứng kiến, cảm nhận. Còn trên đỉnh Fanxipan giờ đây người ta xây chùa mới để nhiều người có thể đến cúng lễ.
Dười chân núi cũng có một ngôi chùa toàn đá, bước chân vào đã thấy cái lạnh lùng của đá và uy lực của những công trình bề thế.
Sau này tôi lại lên Fanxipan lần nữa, đi cùng con gái du học về chơi nhà. Lúc này đã có thêm tàu điện cáp, đưa chúng tôi lên “tận đỉnh”. Trên đỉnh giờ cũng xây “oách” hơn, chụp ảnh cũng “ra dáng” hơn! Để rồi đi xuống nhanh hơn vì thất vọng!
Có thể các bạn sẽ có cảm nhận khác, đó là chuyện bình thường. Riêng tôi thì thấy vô nghĩa khi lên đỉnh Fanxipan bằng cáp treo. Những ngày đông khách, mọi người chen nhau để tranh góc chụp ảnh đẹp nhất. Chẳng ai có thời gian đâu mà cảm nhận thiên nhiên. Đỉnh Fanxipan hay đỉnh núi nào đó có cắm cột mốc đánh dấu này cũng giống nhau cả thôi mà. Cũng chỉ là một bức ảnh và chính cái cột mốc mới xác nhận chứ không phải là đỉnh núi.
Giá như những ngôi chùa được xây dựng ở những vùng nông thôn, có thể gần thiên nhiên hơn, để mọi người tìm đến tĩnh tâm, hướng thiện, chứ không phải ở chốn đông người, chỉ có tính chất cúng bái mê tín…thì lòng người sẽ được thanh thản hơn, cuộc sống đỡ bon chen hơn, con người sẽ đối xử với nhau con người hơn…
Vẫn muốn đi Fanxipang cho bằng bạn bằng bè cơ mà đọc xong thì không háo hức nữa ?