Kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân HOMESTAY

IMG_0553

Hiện nay, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân homestay đang là “mốt” đối với nhiều địa phương phát triển du lịch. Khi tiếp xúc với các Sở VH,TT&DL/ Sở DL các địa phương, tôi đã nghe mọi người nhắc đến mô hình Homestay và Du lịch dựa vào cộng đồng rất nhiều, như một hình thức kinh doanh du lịch “thức thời” và đem lại nhiều hy vọng!

nh dưới là Homestay tại Quảng Bạ, Hà Giang.

IMG_7238

Homestay – là hình thức lưu trú tại nhà người dân địa phương, cùng sinh hoạt với gia đình họ để có thể hiểu biết hơn về cuộc sống và văn hóa bản địa. Tôi không biết ở thế giới homestay có từ bao giờ, nhưng tôi biết học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài hoặc tham gia các trại hè nước ngoài thường ở homestay vừa để học tiếng (ngôn ngữ đất nước đó), vừa hiểu biết tốt hơn về văn hóa thông qua việc giao tiếp hàng ngày với người dân, bên cạnh đó có thể chi phí cũng không cao và đôi khi bố mẹ yên tâm hơn vì con mình được mấy người lớn tuổi quản lý. 

Ở Việt Nam, có lẽ homestay cũng đã có từ những năm 1980 hay sớm hơn, tôi không chắc, nhưng bản thân tôi đã đi hướng dẫn khách du lịch Mỹ ngủ tại bản Lác, bản Hangkia, Vạn Mai từ năm 1993. Khi đó, chúng tôi chưa có khái niệm homestay, mà chỉ đơn giản gọi là “ngủ bản”, trong các chương trình trekking hoặc đơn giản lên Mai Châu ngủ lại bản Lác.

Ảnh dưới là nhà sàn có lưu trú đêm của chị Mi trong bản Giang Mỗ, Hòa Bình.

Picture 054

Thời kỳ đó và cả chục năm sau này, chúng tôi vẫn tổ chức cho khách du lịch ngủ tại các bản làng dân tộc theo đúng nghĩa homestay. Một gian nhà sàn rộng, chủ nhà rút vào một khu nhỏ, nhường cho khách khu lớn hơn, có khi chỉ ngăn bằng tấm vải. Đầu nhà vẫn có khu bếp nhỏ dùng để đun nước, đôi khi nướng khoai sắn, bên trên phơi lúa, ngô hay một vài sâu lạp sườn tự làm. Buổi tối, sau bữa ăn khách và chủ ngồi bên bếp lửa nói chuyện…

Ảnh dưới chụp cảnh chuẩn bị bữa tối tại Thái Hải, Thái Nguyên.

IMG_5775

Lúc đó, nhà vệ sinh còn rất bẩn, thậm trí trâu bò còn nuôi ở dưới gầm nhà. Nhưng khách du lịch đã được cung cấp thông tin đầy đủ, nên khi họ đã chấp nhận trải nghiệm, họ rất hài lòng với thực tế đó. Ảnh dưới là bản Giang Mỗ, Hòa Bình.

Picture 050

Những năm gần đây, trong những chuyến đi chơi cá nhân, tôi đã được ngủ đêm tại một số “homestay” nhà sàn lịch sự hơn rất nhiều, thậm trí chẳng khác gì khách sạn. Một gian nhà sàn rộng, sạch sẽ được chia làm nhiều “phòng” bằng các tấm vải dày, tạo ra các không gian hoàn toàn độc lập, lịch sự…không thể chê được. Ảnh dưới là Homestay tại Mai Hịch, Mai Châu.

IMG_7533

 Nhà vệ sinh nằm ở phía dưới sạch sẽ, phòng tắm có nước nóng lạnh…Nhưng tôi nhìn quanh, chẳng thấy người nhà đâu cả, chỉ có một hai người phục vụ, chỉ chỗ cho chúng tôi nhà vệ sinh hay mời uống trà dưới tầng trệt. Gia đình người chủ nhà đã dọn ra sống ở một ngôi nhà cấp bốn gần đó. Họ đã dành toàn bộ ngôi nhà của họ, sửa sang lại cho khách ở. Và khách được phục vụ khá chuyên nghiệp…như ở khách sạn vậy.

IMG_7283

Tôi tự hỏi, đây liệu có còn là Homestay theo đúng muc đích của nó hay không? Chúng tôi được phục vụ ăn riêng, không biết chủ nhà sống như thế nào và họ nấu ăn cho chúng tôi ra sao? Con cái họ ở đâu, chúng có đi học không? Chủ nhà có làm ruộng không hay chỉ đầu tư kinh doanh ngôi nhà này??? Tóm lại, chúng tôi ở “homestay này nhưng hoàn toàn chẳng có cơ hội hiểu biết gì về bản làng này cả. Vậy đây không phải là Homestay mà là Guest House – một loại nhà khách, nhà trọ được xây dựng theo kiểu nhà sàn và nằm trong khu dân cư. Vậy thôi!

Ảnh dưới chụp khu dịch vụ Homestay có kiến trúc nhà sàn tại đầu bản Hangkia, Mai Châu, Hòa Bình.

IMG_9301

Đó còn chưa kể đến việc đã có những bản như Hangkia là bản của người H’Mon, nhưng dịch vụ homestay lại được tổ chức tại một khu nhà sàn theo kiểu người Thái ở đầu bản. Nếu một người khách du lịch nước ngoài đến ngủ đêm trong ngôi nhà Homestay này, họ sẽ hiểu lầm văn hóa hoặc lẫn lộn văn hóa, không hiểu được bản Hangkia rốt cuộc là của dân tộc nào? Ảnh dưới là cảnh bản Hangkia, Mai Châu, Hòa Bình, chụp từ trên dốc đường xuống bản.

IMG_9210

Vẫn biết rằng, phong tục người H’Mon ở nhà nền đất, mái thấp sẽ rất khó tổ chức dịch vụ lưu trú đảm bảo chất lượng, nhưng nếu dựng ngôi nhà sàn ở bản Hangkia thì xin đừng đề biển “Homestay!”

IMG_9227

Quay lại câu chuyện homestay, tôi còn muốn nói đến khía cạnh cộng đồng. Tôi được nghe mọi người ca ngợi bản Mai Hịch làm dịch vụ homestay rất chuyên nghiệp vì được một công ty lữ hành hỗ trợ và trở thành điển hình về Du lịch dựa vào cộng đồng, nên tôi quyết định đến. Tôi gửi e-mail cho anh Hưởng – người phụ trách marketing ở Mai Hịch để đặt chỗ và gọi điện lại khi đang trên đường đi. Khi đó, anh Hưởng hỏi xem tôi đã đi đến đâu, tôi nói chúng tôi đang ở Mộc Châu, chiều sẽ về ngủ ở Mai Hịch. Khoảng 4h chiều, khi tôi về đến Mai Hịch, sau một đoạn đường phải hỏi han rất nhiều (tôi cứ tưởng bản Mai Hịch nổi tiếng lắm, thế nào cũng có biển chỉ dẫn), chúng tôi đến nhà Minh Thơ homestay và được thông báo là hết chỗ, vì có một đoàn khách nước ngoài đã đến ở. Tôi gọi điện lại cho anh Hưởng, thì anh ấy bảo “Em tưởng anh chị ngủ đêm ở Mộc Châu, Mai Hịch hết chỗ rồi, hay anh chị quay lại Mộc Châu đi!” Tôi rất bực nên nói dỗi “Anh chị sẽ sang bản Lác ngủ, không sao”.  Ảnh dưới là Homestay tại Mai Hịch, Mai Châu.

IMG_7518

Trước khi chúng tôi định quay trở ra, thì chúng tôi quyết định vào bản xem thế nào và phát hiện ra còn 3 nhà có biển “Homestay” và hoàn toàn không có một khách nào ngủ. Đêm đó, chúng tôi ngủ lại nhà Đan Như, hai vợ chồng cả một nhà sàn lớn, rất tiện nghi, sang trọng như khách sạn…với giá 80.000đ/ người có ăn sáng. Ảnh Homestay Đan Như tại Mai Hịch, Mai Châu.

IMG_7537

Và tất nhiên, ở Mai Hịch này, các “Homestay” đều khá chuyên nghiệp, sạch sẽ, nhưng tất cả các gia đình đều đã dọn ra ở một nơi khác. Không hề có “dấu hiệu” nào của “Du lịch dựa vào cộng đồng” ở Mai Hịch, thậm trí chỉ là sự hỗ trợ gửi khách giữa 4 nhà homestay còn không có! Khi chúng tôi đi dạo trong bản vào buổi sáng, chúng tôi gặp những người dân trong bản đi làm ruộng, họ có vẻ dè dặt, né tránh chúng tôi…

IMG_7559

Homestay hiện nay không chỉ có ở các bản làng dân tộc, mà ở các làng quê vùng đồng bằng và ngay tại Hà Nội, hình thức Homestay cũng đang phát triển. Đó là một loại hình du lịch trải nghiệm rất tốt, hấp dẫn du khách, nhất là người nước ngoài. Mục đích chính của sự trải nghiệm này chính là tính chân thật của cuộc sống người dân bản địa…Ảnh dưới chụp sau bữa tối tại Thái Hải, Thái Nguyên

IMG_0025

Những ngôi nhà sàn đã được cải tạo tốt hơn, nhà vệ sinh xây riêng sạch sẽ, đó là điều kiện rất tốt cho khách lưu trú qua đêm, nhưng nếu mọi người muốn mang đến trải nghiệm HOMESTAY, tôi nghĩ chúng ta nên giữ lại đúng nghĩa của từ này, gia đình bạn hãy trở về đây, sống cùng với khách, chỉ cần chúng ta gọn gàng thôi. Khách du lịch muốn được biết cuộc sống bình thường diễn ra như thế nào qua bữa cơm, câu chuyện với các thành viên trong gia đình của bạn. Ảnh dưới là Homestay tại Nặm Đăm, Quảng Bạ.

IMG_7245

Và nếu nơi nào muốn làm Du lịch dựa vào cộng đồng, hãy cố gắng thực hiện đúng nguyên tắc: các hoạt động du lịch phải do người dân công cộng cung cấp; mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng và quyền lợi cho những cá nhân tham gia; và phải tôn trọng văn hóa truyền thống của cộng đồng đó.

Hãy tham khảo mô hình Du lịch dựa vào cộng đồng của bản Nặm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang.

IMG_7237

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *