Buổi tối ở Thạch Lâm

Đi thăm Thạch Lâm ai cũng muốn mua một vài chiếc túi thổ cẩm làm kỷ niệm. Chả là khu núi đá Thạch Lâm là quê hương của dân tộc Han Ni sinh sống. Họ là những người nổi tiếng khéo tay, làm nên những sản phẩm dệt may thổ cẩm rất hấp dẫn. Thú thực là chúng tôi cũng đã khảo giá chán tại nhiều quầy hàng bán lưu niệm trong khu này rồi, đẹp thì đẹp thật nhưng giá cả thì có “vấn đề”.

TL1

Khi cả đoàn ngồi chờ bữa tối thì có hai chị trong đoàn thở hổn hển chạy về, hai tay xách nhiều túi khá to. Thì ra họ vừa tìm được một bản người dân tộc ở Thạch Lâm, nơi sản xuất ra những sản phẩm bày bán ở đây. Thế là sau bữa ăn tối, chúng tôi rủ nhau cùng đi. Khổ một nỗi khách sạn Thạch Lâm mà chúng tôi ở lại nằm trong khu rừng đá Thạch Lâm, có nghĩa là phải mua vé vào cửa rồi mới vào được khách sạn. Còn bản dân tộc kia lại nằm phía bên ngoài cổng. Vào ban ngày, với thời gian rộng rãi và con đường sáng sủa dưới ánh mặt trời, thì con đường men theo núi cũng có thể đưa khách tới bản được, nhưng lúc này trời đã bắt đầu tối. Không biết ngoại ngữ, phải làm sao đây, để giải thích cho người bảo vệ hiểu được là chúng tôi chỉ ra ngoài một chốc thôi rồi lại quay về, không khéo phải mua vé vào thì…quá tội! Bí quá, chúng tôi đành phải học cách nói chuyện của người câm vậy. Dàn hàng ngang, chúng tôi thi nhau giơ chân múa tay, khi thì chỉ tay vào mình, lúc lại chỉ tay sang người khác, đâm cả vào người bên cạnh. Người thì phưỡn bụng ra để diễn tả cái bụng quá no sau bữa ăn cần đi dạo. Người khác lại làm động tác chạy tự do, ý muốn nói là đi tập thể dục, nhưng chắc chắn người Việt Nam mình sẽ hiểu là bị “Tào Tháo đuổi”… Có lẽ cả người muốn diễn tả ý nghĩ, lẫn người phải đoán đều chẳng hiểu gì cả. Nhưng nhìn nét mặt lúng túng đáng thương của chúng tôi, hai thanh niên bảo vệ vui vẻ gật gật cái đầu…

Chúng tôi rẽ vào đường làng khấp khểnh sống trâu bên ngoài Thạch Lâm. Trời đã sâm sẩm tối, mọi nhà đều đã lên đèn. Cảnh vật nơi đây khiến những người xa nhà cảm thấy nao lòng. Những căn nhà chật hẹp chất đầy hàng. Cả nhà 4, 5 người ngồi chen chúc quanh chiếc bàn ăn cơm nhỏ thấp lè tè, bên cạnh là những chiếc máy khâu cũ và các sản phẩm may còn dở dang. Thấy có người lạ đến (chắc là nhìn quần áo, chứ chúng tôi trông cũng na ná giống dân tộc thiểu số nào đó…), nhiều cái đầu thò ra ngoài cửa, người tò mò hơn thì chạy ra tận mép vỉa hè, thì thầm với nhau, còn trẻ con thì đương nhiên là tỏ ra thích thú. Người dân ở đây nghèo, chân chất, cũng giống như đồng bào thiểu số bên ta. Chúng tôi ghé vào một nhà có treo nhiều túi thổ cẩm trên bức tường mặt tiền và ngạc nhiên thấy giá cả ở đây rẻ hơn nhiều so với ngoài quầy. Thế là cả “lũ” chọn thật lực, mồm nhẩm tính xem phải mua bao nhiêu cái mới đủ. Cũng may là ngôn ngữ bất đồng nên họ không hiểu chúng tôi đang nói gì…

Mua xong, hể hả ra về, không quên nghé mắt qua một vài cửa hàng khác để kiểm tra “chất lượng” hàng hóa mới mua. Bây giờ là lúc phải đối phó với những người bảo vệ ở cổng vào khách sạn Thạch Lâm. Lại phải huy động cả chân lẫn tay, nhưng tay thì giờ lại bị bận vì phải xách quá tải những túi đầy hàng nên cái đầu phải tham chiến. Thế là cái thì quay qua quay lại, cái thì gật lên gật xuống, cái lại lúc la lúc lắc…như lên đồng. Vậy mà cũng thành công, cậu thanh niên trẻ tươi cười mở cổng cho chúng tôi xong, lại còn giơ tay vẫy. Về đến phòng cả “lũ” chúng tôi rũ ra cười, nhưng buồn cười hơn là sau khi nhẩm tính lại danh sách quà, chúng tôi thấy mình phải quay lại làng một lần nữa…

Quế Nga – Thạch lâm, tháng 10/2001

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *