Cũng phải hơn 9h sáng chúng tôi mới khởi hành được từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), mặc dù đã cố gắng là những người đầu tiên làm thủ tục XNC ở biên giới. Ăn trưa trên đường, chúng tôi đến Vientian vào hơn 4h chiều và nhận phòng ở một khách sạn nhỏ do người Việt làm chủ. Ấn tượng đặc biệt nhất đối với tôi trong chuyến đi này là ở đâu tôi cũng nghe thấy tiếng Việt và tôi thậm trí không đổi tiền Kíp Lào mà chỉ dùng tiền Việt.
Bữa cơm tối với các món y hệt ở Việt Nam, lại vừa ăn cơm vừa xem TV kênh Việt Nam, tôi không hề có cảm giác mình đang ở bên ngoài biên giới nước Việt.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi dậy sớm để được cùng người chủ khách sạn cúng cơm cho các nhà sư đi khất thực. Ở Lào người dân theo giáo phái Tiểu Thừa (Phật Giáo Nguyên thủy), các nhà sư đều sống bằng thực phẩm do người dân cung cấp. Từ sáng sớm, các nhà sư đã dạy, phần lớn sẽ đi khất thực, thực phẩm mang về chùa sẽ chia cho tất cả các sư trong chùa và cả người nghèo. Họ chỉ ăn hai bữa, sau giờ Ngọ là họ không ăn nữa. Tất cả nam giới theo đạo Phật đều phải xuất gia đi tu một thời gian, để báo hiếu cho cha mẹ và theo học kinh Phật.
Sau bữa sáng, chúng tôi đi tham quan thành phố. Vientiane là một thành phố rất yên bình, “rất rất” ít người so với Hà Nội. Ngoài một số tòa nhà kiến trúc thời Pháp, thì Vientiane có lẽ độc đáo bởi những ngôi chùa Phật cổ kính. Vì vậy, chúng tôi dành thời gian để đi thăm các di tích Phật giáo.
Điểm dừng chân đầu tiên là Thạt Luổng – một bảo tháp Phật giáo ở Vientian, được xây dựng lần đầu năm 1566, có hình một chiếc nậm rượu. Bảo tháp được xây trên nền phế tích của một ngôi đền Ấn Độ có từ thế kỷ XIII.
Tuy nhiên, Thạt Luông đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ XIX, sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Thạt Luông mang phong cách văn hóa, bản sắc Lào và đã trở thành biểu tượng quốc gia của Lào. Bạn có thể thấy hình Thạt Luông Vientiane (vì ở Luang Phrabang cũng có Thạt Luông) được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào.
Theo truyền thuyết, trong Bảo tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật – đó là một sợi tóc của Phật, cùng với rất nhiều bảo vật quý giá khác. Thạt Luông gồm tháp chính cao 45 mét, bao quanh là các tháp nhỏ hơn, sơn thếp vàng. Đế của tháp trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên.
Thạt Luông là kiến trúc trung tâm của chùa Thạt Luông và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào. Các dãy nhà xung quanh bảo tháp có những bức tượng Phật cổ.
Ngôi chùa Thạt Luông mới được trùng tu lại, trông rất mới và cũng giống như nhiều chùa Phật khác ở Vientiane và Luang Phrabang bên trong gian điện thờ chính chỉ có một bức tượng Phật Thích Ca lớn và một vài bức tượng nhỏ cũng là Phật Thích Ca, còn bên ngoài có nhiều bảo tháp lớn nhỏ.
Chúng tôi đến thăm chùa Si Saket – ngôi chùa được xây dựng vào năm 1818 theo lệnh của vua Anouvong – ngôi chùa cổ kính nhất Vientiane.
Chùa Si Saket được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo Xiêm, với một sân thượng xung quanh và một mái nhà năm tầng trang trí công phu, không theo phong cách Lào. Có lẽ chính vì kiến trúc này mà ngôi chùa đã giữ được nguyên vẹn không bị quân đội Xiêm phá hủy như những di tích tôn giáo khác ở Vientiane. Vì thế đây là ngôi chùa cổ nhất vẫn còn nguyên gốc. Chính quyền thực dân Pháp đã trùng tu chùa Si Saket vào năm 1924 và một lần nữa vào năm 1930.
Ngôi chùa chính nằm ở giữa sân, xung quanh có dãy nhà thấp, hai lớp mái, là những gian điện thờ khác nhau, với rất nhiều bức tượng Phật cổ, không chỉ của chùa mà thu thập ở nhiều nơi trên đất nước Lào.
Chùa Si Saket nổi bật với bức tường thành với hơn 2.000 bức tượng Phật bằng gốm và bạc. Ngoài ra ngôi chùa còn đang lưu giữ rất nhiều bức tượng Phật cổ chưa được trưng bày.
Đây là bức tượng Phật Thích Ca lớn bên trong gian điện chính.
Những họa tiết trang trí trên mái chùa phía trước vô cùng tinh xảo. Cũng đến gần thế kỷ rồi chùa chưa được trùng tu lớn, nên bề ngoài có vẻ hơi “xuống cấp”. Tuy nhiên, toàn bộ ngôi chùa là một tác phẩm kiến trúc Phật giáo vô cùng quý giá. Ngôi chùa này khác hẳn các ngôi chùa Phật mới xây ở Lào mà tôi đã đến thăm. Vì vậy chúng tôi đã dành nhiều thời gian để thăm ngôi chùa này.
Sau bữa ăn trưa, cũng tại một nhà hàng kiều bào Việt mình làm chủ, chúng tôi đi thăm chùa Ho Prakeo – một ngôi chùa Phật được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1565 để thờ bức tượng “Phật Ngọc”, nhưng sau đó chùa đã được xây dựng lại nhiều lần. Hiện tại, ngôi chùa này là một bảo tàng nghệ thuật Phật giáo.
Chùa Ho Prakeo được xây dựng theo lệnh của vua Setthathirath sau khi ông chuyển thủ đô từ Luang Phrabang đến Vientiane. Ngôi chùa được xây dựng trên khuôn viên của cung điện hoàng gia để lưu giữ bức tượng Phật Ngọc, mà Setthathirath đã mang từ Chiang Mai, sau đó là thủ đô của Lanna, đến Luang Phrabang.
Ngôi chùa được sử dụng làm nơi thờ cúng của gia đình vua Setthathirath và vì điều này, chùa không có các nhà sư sống tại chùa, như những ngôi chùa khác ở Lào.
Tượng Đức Phật bằng Ngọc đã ở trong chùa hơn 200 năm, nhưng vào năm 1779, Viêng Chăn đã bị quân đội Xiêm dưới quyền của Chao Phraya Chakri (người sáng lập ra triều đại Chakri của Thái Lan hiện tại) chiếm giữ, bức tượng đã bị đưa đến Thonburi và ngôi chùa bị phá hủy. Bức tượng Đức Phật bằng ngọc (Phật Ngọc xanh) hiện đang được đặt trong chùa Hoàng gia Phra Kaew ở Bangkok và được coi là báu vật thiêng liêng của Thái Lan.
Ngôi chùa được vua Anouvong cho xây dựng lại vào năm 1816 cùng với một bức tượng Phật mới được chế tác thay cho bức tượng Phật Ngọc bị mất. Tuy nhiên chùa lại bị tàn phá lần nữa năm 1828, khi vua Anouvong nổi dậy chống lại quân đội Xiêm đang chiếm đóng, nhằm giành lại độc lập hoàn toàn cho Lào. Ngôi chùa được người Pháp xây dựng lại từ năm 1936 đến 1942 trong thời kỳ thuộc địa của Đông Dương thuộc Pháp, theo thiết kế của chùa gốc.
Năm 1970 ngôi chùa đã được chuyển đổi từ nơi thờ cúng thành bảo tàng và được trùng tu lại vào năm 1993. Chùa Ho Prakeo hiện được sử dụng như một bảo tàng, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo của Lào. Một số tượng Phật được đặt ngay ở tiền sảnh, đó là tượng Phật bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IX.
Có rất nhiều các tăng ni trẻ đến chùa tham quan và học tập từ kiến trúc của chùa và những bức tượng Phật được lưu giữ tại đây.
Bên trong gian thờ chính có rất nhiều bức tượng Phật cổ, nhưng ở đây không được phép chụp ảnh và quay phim. Các cánh cửa gỗ được chạm khắc công phu theo đúng phiên bản gốc của ngôi chùa cũ.
Ngôi chùa nằm trong một khu vườn đẹp và trong số các vật phẩm được trưng bày trong vườn là một hũ đá 2.000 năm tuổi từ vùng đồng bằng của cao nguyên Xieng Khouang.
Chúng tôi đi qua That Dam – có nghĩa là Bảo tháp Đen, là một bảo tháp lớn nằm ở Vientiane. Nhiều người Lào tin rằng đó là nơi sinh sống của Rắn thần Naga bảy đầu, vị thần đã cố gắng bảo vệ người Lào khỏi cuộc xâm lược của quân đội Xiêm vào năm 1827.
Có lẽ Bãi Phật là nơi khiến tôi “ấn tượng” nhất, bởi vì tôi đã vào thăm trước khi tìm hiểu về nó. Sau một hồi ngắm nghía các bức tượng, hay đúng hơn là vô vàn các bức tượng, tôi chẳng hiểu nổi tại sao ở đây lại đặt các bức tượng Phật và thần Hindu một cách “vô lý” như thế. Sau đó, tôi phải quay ra đọc giới thiệu về bãi Phật này, trước khi tiếp tục tham quan nốt.
Bãi Phật còn được gọi là Xieng Khuan (có nghĩa là Thành phố tinh thần) nằm cách Viêng Chăn 25 km về phía đông nam, bên bờ sông Mê Kông. Ở đây có hơn 200 bức tượng Hindu và Phật giáo. Bãi Phật bắt đầu được xây dựng vào năm 1958, do Luang Pu Bunleua Sulilat – một nhà sư, pháp sư đã hợp nhất Ấn Độ giáo và Phật giáo. Sau cuộc cách mạng năm 1975, vì lo lắng trước sự cai trị của Pathet Lào, ông trốn khỏi Lào sang Thái Lan, nơi ông đã xây dựng một bãi tượng khác tên là Sala Keoku ở Nong Khai. Cả hai bãi tượng đều nằm ngay sát biên giới Thái-Lào (sông Mê Kông), chỉ cách nhau vài km.
Các bức tượng được làm bằng bê tông cốt thép và được trang trí công phu và đôi khi kỳ quái. Có những tác phẩm điêu khắc về con người, các vị thần, động vật và ác quỷ, nhiều bức tượng về Đức Phật, các nhân vật của tín ngưỡng Phật giáo và các nhân vật truyền thuyết Ấn Độ giáo, như thần Shiva, Vishnu và Arjuna. Những tác phẩm điêu khắc này có lẽ được đúc bởi những người thợ thủ công bình thường, dưới sự hướng dẫn của nhà sư Luang Pu, nên về mặt nghệ thuật, không có giá trị cao. Những bức tượng được đặt một cách rất “ngẫu hứng”, không theo câu truyện hay ý nghĩa gì, khiến người xem “hoang mang”.
Một tác phẩm điêu khắc đáng chú ý giống như một quả bí ngô khổng lồ, trong đó là ba câu chuyện về Địa ngục, Trái đất và Thiên đường. Du khách có thể đi qua một lối mở là miệng của đầu quỷ cao 3 mét và leo cầu thang từ địa ngục lên thiên đường. Một tác phẩm điêu khắc khác, tượng Phật nằm dài 40 mét khổng lồ.
Sau này những người dân Lào có tâm vẫn tiếp tục cung tiến những bức tượng Phật vào bãi Phật này.
Chúng tôi đến chùa Si Muang là điểm cuối cùng của buổi chiều. Đây cũng là ngôi chùa cổ kính của Vientiane. Chùa được xây dựng vào năm 1563, tại Vương quốc Lan Xang trước đây, trên tàn tích của một ngôi đền Hindu của người Khmer. Chùa cũng được xây dựng lại và trùng tu nhiều lần.
Buổi tối, sau bữa cơm, chúng tôi muốn đi chơi thành phố, nhưng dường như các gia đình đã chuẩn bị đi ngủ. Thành phố Vientiane buổi tối thật vắng vẻ. Ban ngày đi quan Khải Hoàn Môn ( được xây dựng vào năm 1957, khánh thành năm 1968 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp tại Lào, nên còn được gọi là Đài Chiến sĩ vô danh) thì nắng, nên chúng tôi muốn quay lại buổi tối cho mát mẻ, đi dạo thích hơn, nhưng ở đây gần như không có người, trời lại đứng gió, nên loanh quanh một lúc, chúng tôi quyết định ra sông Mekong ngồi uống nước.
Chúng tôi ra bờ sông Mekong ngồi “hóng mát”. Đang ngồi tán chuyện, chúng tôi bỗng nghe có tiếng mời “Các anh có ăn mực nướng không, em có mực một nắng rất ngon!” Quay lại, chúng tôi thấy hai cô gái đang “cắp một cái chậu” bên hông…đúng dáng “quán mực nướng di động”. Chúng tôi vồn vã hỏi thăm, thì biết rằng họ là người dân ở Nghệ An, sang đây bán hàng kiếm sống. Đúng là “xa quê hương lại gặp đồng hương” thì nhất rồi, còn gì bằng!