Lần thứ hai tới Berlin

Nếu như lần đầu tôi cố gắng “chạy” cho bằng hết những điểm tham quan chính của Berlin, thì lần thứ hai chúng tôi đã dành tới bốn ngày, chỉ để thong thả, cảm nhận Berlin bằng nhiều cách.

Lần này chúng tôi thuê một phòng trong căn hộ cho thuê, có tầng dưới là bếp nhỏ và bàn ăn, nằm trong một gian phòng vừa là lễ tân, vừa là phòng bán tranh và một số đồ thủy tinh, sứ của Đức. Căn hộ này nằm trên con phố nhỏ, rất yên tĩnh, không hẳn cổ kính, nhưng có lẽ được xây dựng vào những năm Đông – Tây Berlin chia cắt, mà đây là phía Tây.

Người chủ căn hộ chúng tôi thuê khoảng trên dưới 60 tuổi, mới chỉ đi đến Ấn Độ là nước châu Á duy nhất, chưa biết gì về Việt Nam và rất thân thiện hỏi han chúng tôi về Singapore (có lẽ ông ấy đã được nghe đến), không biết đất nước của chúng tôi có gần và giống Singapore không?

Ngay trên con phố nơi chúng tôi thuê căn hộ ở có một nhà thờ nhỏ, ngày hai lần chúng tôi đi qua, lúc đi và về.

Và chúng tôi còn đi qua một trường học, có lần đúng lúc lũ trẻ ra sân chơi, chúng tôi đã đứng lại xem những đứa trẻ ở đây chơi đùa khác bọn trẻ ở nhà mình thế nào? Mấy cậu con trai lò trên cát, bới gốc cây tìm kiếm thứ gì đó, còn phần lớn trẻ em chơi đùa trên những trò chơi rất đơn giản, được làm từ dây thừng và cọc gỗ.

Chúng tôi đã đi lang thang trên những con phố nhỏ, chiêm ngưỡng những ngôi nhà có kiến trúc rất khác nhau, ngôi nhà có vẻ khá cổ nằm cạnh ngôi nhà mới hơn…

Những khu dân cư, giống như khu chung cư ở nhà mình, nhưng chỉ là những tòa nhà thấp tầng, có kiến trúc khác nhau, rất trang nhã và rất vắng vẻ.

Có những ngôi nhà cũng có hai lớp cửa, lớp ngoài cửa chớp, lớp trong cửa kính, giống như ở nhà mình. Tôi cứ nghĩ ở châu Âu lạnh, nhà nào cũng cần hai lớp cửa kính để giữ ấm vào mùa đông, còn mùa hè thì lại muốn mở cửa đón ánh nắng, nên lớp cửa chớp có vẻ không phù hợp.

Chúng tôi đi qua tòa nhà lớn được xây hoàn toàn bằng gạch đỏ trần.

Hay nhìn thấy từ xa, một nhà thờ có kiến trúc khá kỳ lạ.

Chúng tôi cũng đến cả những khu phố hiện đại, với những ngôi nhà cao tầng bằng kính mỏng dẹt, những Trung tâm mua sắm sang trọng, mà dễ gặp ở mấy nước châu Á phát triển, hay ngay cả ở Hà Nội cũng có.

Ở gần bến tàu điện ngầm Richard Wegner Plazt, là bến chúng tôi  từ đó đi bộ về nơi thuê ở, chúng tôi nhìn thấy tòa thị chính Charlottenburg rất ấn tượng. Lúc đầu tôi nhìn thấy tháp nhọn thì nghĩ ngay là nhà thờ, nhưng đến tìm hiểu mới biết là tòa thị chính quận. Nó được xây dựng từ năm 1899 – 1905 danh cho thành phố độc lập lúc đó là Lugenburg thuộc tỉnh Brandenburg của đế chế Phổ.

Chúng tôi cũng đến nhà thờ Thánh Mary ở gần tháp Truyền hình, trên quảng trường Alexandra, mà lần trước tôi đã không có thời gian để vào thăm bên trong. Đây là trụ sở giám mục Tin lành Berlin, nhà thờ lâu đời nhất ở đây , được xây dựng từ năm 1250, với tư cách là một Giáo hội Công giáo La Mã của thị trấn Berlin mới thành lập, tường được xây bằng gạch đỏ theo phong cách Brick Gothic.

Cuối thế kỷ XIV nhà thờ Thánh Mary bị hư hại do hỏa hoạn và được xây dựng lại. Sau cuộc “Cải cách Tin lành” nhà thờ đã trở thành nhà thờ Lutheran. Trong khi thực hiện công việc sửa chữa phục hồi vào năm 1860, một bức tranh tường đã có từ năm 1454 với tên gọi là “Vũ điệu tử thần” đã được phát hiện bên dưới một bức tường trắng, có chiều dài 22 mét, cao 1,8 mét, đó chính là “báu vật” của nhà thờ (nhưng rất tiếc là tôi đã chụp không thành công bức tranh, vì bản thân bức tranh khá mờ, không rõ nét).

Ở phía khác của quảng trường Alexandra chúng tôi đã thấy một “chợ trời” nhỏ, bán đồ ăn và treo lủng lẳng những cái túi xách rẻ tiền.

Có vẻ như đây là một nhà ga cũ, giờ đã được sửa chữa và chuyển đổi thành nhà hàng ăn và cửa hàng mua sắm nhỏ.

Chúng tôi đến nhà thờ Berlin một lần nữa, để có thể chiêm ngưỡng tòa kiến trúc đồ sộ và tuyệt đẹp. Lần này chúng tôi đã vào bên trong nhà thờ và đã kể cho mọi người nghe từ bài trước.

Chúng tôi đi qua đài tưởng niệm rất nhỏ Grobe Hamburger Strabe, về những nạn nhân Do Thái của chủ nghĩa phát xít được làm năm 1985, nằm ngay bên đường đi.

Đây là nhà hát Makxim Gorky – thật lạ! Mặc dù chỉ là một nhà hát nhỏ, nhưng như thế cũng đủ thấy người Đức kính trọng và tôn vinh nhà văn Nga như thế nào.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã đến thăm cung điện Sansossi, mà tôi sẽ chia sẻ với mọi người trong một bài khác, còn cung điện Charlottenburg khi chúng tôi đến thì toàn bộ bên ngoài mặt tiền đang sửa chữa, nên không chụp được bức ảnh nào, nhưng vẫn mở cửa cho khách vào tham quan. Tôi cũng sẽ dành một bài riêng để chia sẻ với mọi người về cung điện được xây dựng từ thế kỷ XVII và được mở rộng nhiều vào thế kỷ XVIII và là cung điện lớn nhất Berlin.

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi mua thức ăn ở siêu thị, đem về căn hộ nấu ăn tối và sáng, còn bữa trưa thì ăn trên đường. Chúng tôi đến cả chợ Đồng Xuân Berlin và ăn phở ở trong đó, nhưng thật sự là tôi rất thất vọng, khi thấy chợ ở dưới mức “tưởng tượng”, vì tôi đã đi chợ Sapa ở Praha nhiều lần. Tôi đã không chụp một tấm hình nào ở chợ Đồng Xuân cả, vì tôi không hề muốn lưu giữ hình ảnh của nó. Tôi cũng dành thời gian đến thăm và ăn cơm tối ở nhà một người họ hàng và về rất khuya, tới mức còn hai bến nữa mới đến chỗ “ngoi lên mặt đất” thì tàu đã dừng, và chúng tôi phải nhờ GPS chỉ đường, đi bộ giữa đêm trên đường phố xa lạ, nhưng may là an toàn.

Thật sự chuyến đi này của chúng tôi khá vui vì tự do, vì thư thả, vì chẳng đặt ra những cái “đích” phải đến…

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *