Bạn có thể bắt gặp rất nhiều người lứa tuổi khác nhau chơi nhạc, ca hát, vẽ tranh, biểu diễn ảo thuật hay đóng giả tượng tại các quảng trường hay những đường phố đông người qua lại ở các nước châu Âu. Họ là những nghệ sĩ đường phố!
Trên một đường phố gần trung tâm Dresden – Đức, chúng tôi gặp một vài nghệ sĩ đường phố với các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Họa sĩ này vẽ những bức tranh bằng cách phun sơn màu về chủ đề vũ trụ và các hành tinh!
Có ca sĩ say sưa hát không quan tâm đến người xem đang dừng lại lắng nghe hay chỉ vội vã bước qua sau khi đã bỏ một vài xu vào hộp giấy dưới đất.
Hai nghệ sĩ có lẽ đến từ nước Nga xa xôi, vẫn nguyên bộ quân phục, chiếc đàn Ac cooc và hát những bài ca người lính Nga trên con phố nhỏ ở Dresden – Đức.
Người nhạc công này chỉ cúi đầu thổi kèn, tôi không hề thấy ông ấy ngẩng đầu lên, ngay cả khi kết thúc một bản nhạc…
Còn người họa sĩ này chỉ mải mê với màu sắc và bức tranh còn đang dang dở của mình vẽ trên vỉa hè Berlin.
Biểu diễn đường phố đã có từ thời xa xưa. Trước khi có máy ghi âm, biểu diễn đường phố là hình thức phổ biến nhất để đem nghệ thuật đến cho quần chúng. Một nhóm nhạc sĩ đến từ nước nào đó ở đông Âu đang biểu diễn trên phố cổ Hensinger – Đan Mạch (người bạn Đan Mạch giải thích cho chúng tôi như vậy).
Biểu diễn đường phố phổ biến nhất có lẽ bắt đầu từ người Romani, những người thường được gọi với cái tên không mấy thân thiện “dân Di Gan”. Thông qua âm nhạc, các hình thức thơ ca, truyền thuyết…các vũ công và thầy bói Romani đã sang tận nước Anh bằng cách đi dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đến Tây Ban Nha, sau đó lên phía bắc đến Anh và phần còn lại của châu Âu.
Trò ảo thuật này khá hấp dẫn người xem trên phố cổ Praha…chúng tôi tò mò đến đằng sau để đưa tay dưới mông người ngồi trên xem có phát hiện ra sợi dây “vô hình” nào không, nhưng không thấy!
Giờ đây biểu diễn đường phố không chỉ có người Romani mà rất nhiều dân tộc châu Âu khác cũng tham gia. Bạn sẽ gặp hai người tượng này ở trước cửa cung điện mùa hè tại thủ đô Vienna – Áo. Họ đứng bất động hàng giờ, mỗi tư thế thay đổi đều giữ rất lâu. Bạn cứ im lặng chụp ảnh và bỏ xu vào chiếc xô nhỏ bên dưới.
Có những người muốn biểu diễn cho đám đông xem, có người chỉ ngồi ở một góc phố. Tất cả họ đều mong mọi người dừng chân, trải nghiệm những gì họ biểu diễn và chia sẻ một ít tiền. Nhưng thực sự, biểu diễn đường phố là một hoạt động đòi hỏi người nghệ sĩ phải rất khiêm tốn, can đảm chấp nhận… Một nghệ sĩ thổi kèn bên kênh Nyhavn – Copenhagen.
Nhưng chính những nghệ sĩ đường phố đang làm cho cuộc sống nghệ thuật được lan rộng và đi vào cuộc sống một cách giản dị và sinh động. Một nghệ sĩ đang chơi Violon dưới chân bức tượng nữ hoàng Marina Theresa – thủ đô Vienna.
Một nhạc sĩ ẩn mình sau những câu cột lớn tại bảo tàng nghệ thuật Berlin. Ông đã rất già, có vẻ đã mệt mỏi vì tuổi tác, nhưng ông vẫn chơi đàn, có lẽ vì đó là công việc yêu thích cả đời của ông, chứ không phải chỉ vì kiếm sống, bởi chỗ này rất vắng người qua lại.
Ngay bên bậc thềm của Vương cung thánh đường Sacré-Cœur, trên đồi Montmartre – Paris có một người da đen vừa đàn vừa hát rất hay.
Cách đó không xa cũng có một người đồng hương đến từ châu Phi cũng thu hút được rất nhiều khán giả. Có người còn mua cả đĩa CD của ca sĩ đường phố này.
Cách đó không xa, trên một phố nhỏ dưới chân đồi, hai họa sĩ đang tập trung cho tác phẩm “chân dung” theo phong cách “nghệ sĩ” nhất!
Quảng trường “Con Gà” tại Praha luôn luôn đông khách, cũng là nơi để các nghệ sĩ phục vụ quần chúng dễ dàng nhất. Từ các em nhỏ tò mò ngắm nghía mái tóc và những bộ trang phục thời “xa xưa” …
Đến ban ca nhạc “cộng đồng” vui nhộn lứa tuổi trung niên với những bài hát “hoài cổ”
Và cả nhóm ca sĩ “thính phòng chuyên nghiệp” đều thu hút những đám đông khách thưởng thức khác nhau.
Trên cầu “Tình yêu” một ông già sử dụng chiếc đàn hộp gỗ từ thế kỷ 19 với âm thanh nhiều tạp âm nhưng rất hấp dẫn khách, nhất là đám trẻ.
Cầu Tình Yêu là sân khấu lớn cho nhiều nghệ sĩ lang thang vì nơi này vừa lãng mạn lại vừa đông khách qua lại.
Có lẽ khán giả may mắn nhất của nhạc công này là bức tượng bên trên… bởi chỉ có bức tượng mới được thưởng thức trọn vẹn tất cả màn trình diễn của nhạc công, còn khán giả như cô gái này cũng chỉ dừng chân…để chụp ảnh!
Trên pháo đài “Người đánh cá” tại thủ đô Budapest, các bạn trẻ rất thích nghe những bản nhạc do hai nhạc sĩ violon già biểu diễn. Họ chơi nhiều bản nhạc trữ tình, trong đó có bài sông Danuyp và cả hai lần tới đây tôi đều thấy nhiều người đứng nghe họ biểu diễn.
Ánh nắng đã tắt dần, Venice bắt đầu vắng khách, nhưng nhạc công này vẫn mải mê chơi nhạc, mặc dù không còn ai đi qua đây nữa. Có lẽ tôi là khán giả cuối cùng của ngày hôm nay!
Mỗi người đều có những tài năng riêng, có cách biểu diễn riêng, nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ, họ yêu thích công việc họ đang làm, bởi vì họ đang mang lại cho mọi người đi qua đây những niềm vui và tình yêu cuộc sống!
Cám ơn các nghệ sĩ đường phố. Cám ơn những bản nhạc, những bức tranh và cả nụ cười của các bạn!