Quên cầu khấn khi đến chùa Kiyomizu – dera (chùa Thanh Thủy), Kyoto

Mọi người nói chùa Kiyomizu (Thanh Thủy) rất linh thiêng, vì có 3 dòng nước từ suối thiêng chảy ra, nên tôi cũng muốn một mong muốn của mình sẽ được cầu khấn ở chùa Kiyomizu. Chùa Kiyomizu – dera là điểm tham quan mà tất cả các tour du lịch đều sắp xếp đến, do vậy đây là một điểm rất đông khách. Chúng tôi ngủ đêm tại Kyoto nên có lợi thế, tranh thủ đến chùa sớm, trước các đoàn khách khác khởi hành từ Osaka. Vậy mà lúc đến bãi xe cũng đã có vài xe bus đến trước rồi.

Quần thể chính đường và bảo tháp 3 tầng của chùa Kiyomizu

Con đường từ bãi đỗ xe vào chùa Kiyomizu – dera đi xuyên qua một khu làng cổ, sau khi thăm chùa xong chúng tôi đã đi khám phá, rất tuyệt vời. Hai bên đường đi là những hàng quán bán đồ ăn và đồ lưu niệm, thời điểm chúng tôi đến phần lớn các cửa hàng đều chưa mở, nhưng lúc quay ra thì đã rất đông đúc. Không biết hôm nay là ngày gì mà học sinh Nhật được các thầy cô đưa đến đây rất đông, hết tốp này đến tốp khác.

Các cửa hàng dọc hai bên đường vào chùa Kiyomizu còn chưa mở cửa

Chùa Kiyomizu – dera được xây dựng vào đầu thời kỳ Nara (năm 778), trải qua năm tháng và những biến cố, cũng như hỏa họan nên kiến trúc đầu tiên đã bị hư hỏng và ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại từ năm 1633.

Trước cổng chùa Kiyomizu, cổng Nhị Vương bên trái, con đường vào bên phải đến đến nhiều gian điện và tháp 3 tầng phía sau

Chùa Kiyomizu – dera nằm trong khu vực núi Otowayama, nơi đây có một dòng thác nước rất trong tên là Otowa. Chùa được đặt tên là Kiyomizu-dera có nghĩa là dòng suối trong, cũng chính bởi vì dòng thác này. Thánh nhân Enchin Gyoei, một cư sĩ (người tu tại gia) đã tu hành khổ hạnh dưới dòng thác này là người đã lập nên ngôi chùa, được tôn là sư tổ. Hiện nay, 3 dòng thác này vẫn còn và chính là điểm độc đáo và linh thiêng của chùa Kiyomizu – dera.

Mọi người dùng gáo có cán dài để hứng nước từ dòng suối chảy ra và cầu nguyện
Khu vực suối nước thiêng nhìn từ ban công chính đường

Người Nhật tin rằng, 3 ngọn thác ở nơi này đều rất linh nghiệm về “trường thọ”, “tình duyên”, “học hành thành đạt”, nếu người chiêm bái uống một ngụm nước ở một trong ba dòng nước trên và cầu một điều ước, thì điều ước sẽ thành sự thật. Nếu ai tham một chút, uống 2 ngụm thì sự linh ứng sẽ giảm đi một nửa, còn ai tham hơn uống 3 ngụm thì vận tốt chỉ còn một phần ba. Nếu tham lam quá mà uống nước ở cả 3 dòng suối thì những điều ước sẽ không không hề linh nghiệm.

Điện thờ Ngài cư sĩ Gyoei phía sau màu đỏ

Lúc tôi đến thì đang có một hàng dài các em học sinh cùng thầy cô người Nhật đang xếp hàng. Đã có sẵn điều mong ước trong lòng để cầu khấn, nhưng trước khung cảnh đông đúc, đầy háo hức của bọn trẻ và không khí như lễ hội trong chùa, tôi đã không còn nhớ đến việc cầu xin nữa. Đứng chụp ảnh, quay video, cảm nhận lòng thành kính của mọi người rồi đi. Trước khi uống nước thiêng ở dòng thác, người Nhật chắp tay khấn vái cư sĩ Gyoei đang được thờ phía sau thác nước để thể hiện lòng tôn trọng trang nghiêm và thành tâm của họ.

Mọi người xếp hàng dài, kiên nhẫn chờ đến lượt… không chỉ có người NHật mà còn nhiều du khách phương tây

Cổng chính có tên là Niomon (Cổng Nhị Vương) được xây dụng lại năm 2003 (chính diện 10m, ngang 4,8 m và cao 8.5 m) được làm bằng sơn mài đỏ nên cũng được gọi là Cổng Đỏ. Cổng Nhị Vương nằm ngay những bậc dốc đầu tiên, phía tây Chùa.

Cổng chính Nhị Vương bên trái

Chùa Kiyomizu rất rộng, gồm chính đường là khu lớn nhất, xung quanh có rất nhiều các ngôi chùa, điện thờ nhỏ. Mọi người có thể xem sơ dồ để hình dung. Cổng Nhị Vương là số 2, tháp ba tầng số 4, chính điện số 13, khu vực suối nước thiêng số 20…

Sau khi qua khỏi cổng chính là 1 con đường cong cong dẫn vào gian chính đại đường. Tuy nhiên trên đường đi chúng tôi nhìn thấy rất nhiều ngôi điện thờ và bảo tháp 3 tầng.

Bảo tháp 3 tầng trước mặt
Đường vào chính điện đi qua nhiều gian điện thờ khác nhau
Cổng vào chính đường chùa Kiyomizu

Trước khi vào gian chính đường, mọi người rửa tay sạch sẽ từ nước suối chảy ra.

Không chỉ rửa tay, nhiều người còn uống nước từ suối chảy ra

Chính đường là bảo vật quốc gia, còn nổi tiếng với tên gọi khác là “Vũ đài Kiyomizu”. Vũ đài này là bộ phận trung tâm của hành lang phụ cắt ngang chính điện – nhô ra từ vách đá,  được 139 cây cột bằng gỗ Zelkova chống đỡ và hoàn toàn không sử dụng một cái đinh nào.

Những cây cột lớn chống đỡ ban công phía trước chính đường

Đây chính là “vũ đài” được nhắc đến trong câu thành ngữ “Nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu” (thể hiện quyết tâm khi làm một điều gì đó). Nguồn gốc ra đời của câu thành ngữ này được cho rằng: vào thời Edo(còn gọi là thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1868), đã thịnh hành một hình thức cầu nguyện bằng cách nhảy từ vũ đài Kiyomizu xuống. Thời đó, người Nhật tin rằng, nếu giao sinh mệnh cho Phật Bà Quan Âm và nhảy xuống từ vũ đài chùa Kiyomizu thì lời cầu nguyện về sinh mệnh sẽ thành hiện thực. Nhưng phần lớn những người nhảy xuống đều đi về thế giới khác, không biết lời cầu nguyện của họ có được hiện thực ở thế giới họ đến hay không. Hiện tại, người ta sử dụng câu nói “Nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu”  khi có điều gì cần quyết tâm thực hiện.

Chính đường và ban công nhìn từ phía đối diện

Chính đường là 1 tòa nhà bằng gỗ được xây dựng lại năm 1633 (thời gian 10 năm) với mặt tiền là 36 m, ngang 30 m và cao trần là 18 m, được phân ra làm 3 khu vực ngăn cách bằng các hàng cột. Gian chính đường nằm ở trên núi, nhưng phía trước chính đường là một khoảng ban công rộng khoảng 90 m2, nhô ra khỏi núi và được những hàng cột cao 12 mét chống đỡ. Nếu đứng trên ban công, sẽ không nhìn thấy hàng cột bên dưới và cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ khi xuống dưới nhìn lên mới thấy “khiếp sợ”!

Chính đường và ban công phía trước
Bức tường phía dưới chính đường cạnh những cây cột chống đỡ ban công

Bên trong chính điện có thờ tượng Phật bà quan Âm 11 mặt, nghìn tay (nghìn mắt) là quốc bảo của Nhật Bản. Tôi không dám chụp ảnh chính điện, chỉ dám chụp từ hai bên hông và phía bên ngoài.

Những bức tượng bên tay phải chính đường, nhìn từ ngoài vào
Bên trái chính đường

Theo hành lang bao quanh chính đường, dẫn chúng tôi đến khu điện thờ ở phía sau. Rất nhiều gian điện thờ trong chùa Kiyomizu, nhưng chỉ có gian chính điện là để nguyên màu gỗ tự nhiên, còn các gian điện thờ khác và bảo tháp 3 tầng (có 2 bảo tháp) đều sơn màu đỏ.

Ban công bên ngoài chính đường treo rất nhiều lời cầu nguyện
Trên hành lang dẫn đến khu thờ cúng phía sau cũng treo rất nhiều lời cầu nguyện
Đường vào khu thờ cũng phía sau
Một gian điện thờ phía sau
Bức tượng Phật trong gian thờ phía sau

Khuôn viên bên dưới chân núi còn có nhiều miếu thờ nhỏ và những khu vườn bonsai có hồ nước rất đẹp.

Một tháp ba tầng khác trong chùa Kiyomizu
Những miếu thờ nhỏ trên đường đi trong chùa Kiyomizu
Những bức tượng trong khuôn viên chùa Kiyomizu
Những di tích thờ cúng cổ còn lại trong khuôn viên chùa Kiyomizu
Một nhà hàng trong khuôn viên chùa Kiyomizu

Chùa Kiyomizu đựợc Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.

Tam tháp đầu ở gần cổng chính, chụp từ phía chân núi

Khi chúng tôi kết thúc chuyến tham quan chùa Kiyomizu thì con đường dẫn vào chùa đã vô cùng đông đúc!

Con đường vào chùa Kiyomizu đã quá đông người

Mọi người có thời gian thì xem video này trên Youtube nhé.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *