Khu phố cổ Độc Khắc Tông, Shangri La

Nếu như đường phố hiện đại của Shangri La khiến tôi thất vọng thì khu phố cổ Độc Khắc Tông (Dukezong) lại là nơi khiến tôi thấy yêu thích và tin tưởng về việc Shangri La có thể gìn giữ và bảo tồn được giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc Tạng.

Một góc phố cổ Độc Khắc Tông với những bạn trẻ đang chụp ảnh check in trong trang phục truyền thống (không biết của dân tộc nào) thuê để chụp ảnh

Sau khi đi thăm Đại Phật Tự và Đại Kinh Luân, chúng tôi có thời gian tự do để tham quan phố cổ Độc Khắc Tông, nằm ở gần quảng trường “mới”. Tôi tự đặt tên cho quảng trường lớn này là quảng trường “mới”, để phân biệt với quảng trường cổ của khu phố Độc Khắc Tông.

Đường vào quảng trường Mặt Trăng trung tâm của phố cổ Độc Khắc Tông

Khu phố cổ Độc Khắc Tông đã từng là trung tâm giao thương giữa Vân Nam và Tây Tạng trên con đường “trà mã cổ đạo” xưa kia, nên khu phố này đã được hình thành và phát triển với bề dày lịch sử trên 1.300 năm. Quảng trường Mặt Trăng là trung tâm của thị trấn cổ.

Bảo tháp Trắng nhỏ ở giữa quảng trường Mặt trăng

Cả khu cổ trấn rất rộng, nhìn từ trên Đại Phật tự có thể thấy một thị trấn rộng lớn phía dưới. Tuy nhiên, phần lớn trấn cổ đã được xây dựng lại, mặc dù những ngôi nhà vẫn duy trì phong cách truyền thống, nhưng đã hiện đại hóa rất nhiều, chỉ còn khu vực trung tâm, nay đã trở thành một điểm tham quan “văn hóa sống”.

Trấn cổ Độc Khắc Tông nhìn từ trên Đại Phật Tự
Bức tượng trên quảng trường mới, mô tả “con đường trà đạo”

Khu phố cổ Độc Khắc Tông được xây dựng theo hình tròn, lấy quảng trường Mặt trăng làm trung tâm. Giữa quảng trường là một tòa bạch tháp nhỏ theo tín ngưỡng người Tạng.

Phía dưới Bảo tháp trắng ở quảng trường Mặt trăng là những Kinh Luân
Một bức tượng đồng ở trên quảng trường Mặt trăng, với hình tượng của giao thương trà đạo và những tấm khăn trắng thể hiện lòng hiếu khách của người Tạng

Là điểm giao thương giữa Vân Nam và Tây Tạng nên các ngôi nhà ở đây có kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc miền nam Trung Quốc và Tây Tạng, chứ không hoàn toàn theo nhà người Tạng. Tất cả các ngôi nhà có mặt tiền trên phố cổ đều được trang trí bằng khung gỗ, trặm khắc cầu kỳ. Những mái nhà giờ đã được lợp bằng ngói xám, khác với nhiều vùng có mái ngói màu đỏ.

Mặt tiền các ngôi nhà được làm bằng gỗ trạm khắc tinh xảo
Đường phố khá vắng vẻ, không thấy khách du lịch và cả người dân địa phương
Cửa hàng bán các loại đá đặc biệt Tây Tạng

Những con đường trong phố cổ dốc thoai thoải, đặc trưng của kiến trúc trên cao nguyên.

Rất nhiều cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc
Cửa hàng bán mặt nạ truyền thống dân tộc Tạng

Vì hiện nay, phố cổ đã trở thành điểm tham quan, nên tất cả những ngôi nhà ở đây đều trở thành những cửa hàng, cửa hiệu bán đồ thủ công mỹ nghệ, đặc sản Shangri La.

Đây là một con lợn còn nguyên cả con, được sấy khô – một đặc sản địa phương

Rất nhiều cửa hàng cho thuê quần áo dân tộc, tất nhiên đẹp hơn nhiều so với quần áo truyền thống thật sự của các dân tộc thiểu số, thậm trí những bộ quần áo cho thuê còn được thiết kế “sáng tạo” pha trộn “tinh hoa” của nhiều dân tộc, nên bạn sẽ khó xác định của dân tộc nào.

Những bộ trang phục “cách tân” đầy màu sắc để cho thuê chụp hình
Một cửa hàng bán kiếm, gươm giả cổ

Trong phố cổ Độc Khắc Tông còn có một quảng trường hình vuông, nơi diễn ra các buổi biểu diễn văn nghệ dân tộc. Rất tiếc là khu chúng tôi đến thì không trùng vào thời gian có biểu diễn, nên quảng trường khá vắng vẻ.

Đây là nơi thường diễn ra các buổi biểu diễn văn nghệ dân tộc

Lang thang trong khu phố cổ Độc Khắc Tông khoảng vài giờ, chúng tôi quay lại quảng trường “mới” để theo đoàn trở về. Ấn tượng về một Shangri La nhiều màu sắc văn hóa Tạng như một cửa ngõ vào Tây Tạng, cũng như dấu ấn của một vùng đất giao thương trên con đường trà đạo, đã cho tôi một chuyến đi thật sự có ý nghĩa.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *