Tu viện Tùng Tán Lâm, Shangri La

Shangri La đã trở thành một thành phố hiện đại. Một ít hoa văn trang trí trên các ngôi nhà và một vài kiến trúc truyền thống Tạng gợi cho du khách cảm giác còn có gì đó lưu lại của văn hóa Tạng ở đây, để cho mọi người nhìn thấy chút gì đó khác biệt đối với các thành phố khác ở Trung Quốc. Nhưng Shangri La vẫn còn tu viện Tùng Tán Lâm, một minh chứng mạnh mẽ về tôn giáo Tây Tạng và lòng tin của người Tạng vào những giá trị cốt lõi của họ.

Tu viện Tùng Tán Lâm nhìn từ dưới chân núi Foping

Tu viện Tùng Tán Lâm (Songzanlin Monastery) được xây dựng từ năm 1679 đến 1681, nhưng đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử, đã bị phá hủy rồi lại được khôi phục lại. Đại Lạt Lama thứ Năm là người đã đặt tên cho tu viện và nó trở thành một phần của hệ thống chính trị và tôn giáo dòng Mật Tông Tây Tạng. Thời gian và các cuộc đấu tranh tôn giáo đã làm tu viện ban đầu hư hỏng, rồi trùng tu, xây lại. Cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966 đã phá hủy gần như hoàn toàn tu viện và những gì ngày hôm nay chúng ta thấy, được xây dựng lại từ đầu vào năm 1982.

Tu viện Tùng Tán Lâm như một lâu đài đồ sộ, rực rỡ trên núi

Tu viện được xây dựng trên diện tích rộng tới 30ha, nằm trọn trên một ngọn đồi có độ cao 3.300 mét so với mực nước biển và chỉ cách trung tâm Shangri La khoảng 5km. Tu viện có tổng thể kiến trúc giống như cung điện Potala ở Lasha, nhưng rất tiếc là phía mặt tiền dưới chân núi đã có rất nhiều công trình dân sự mọc lên, che mất tầm nhìn nếu chúng ta đứng gần. Một số ngôi nhà dưới chân tu viện là nơi sinh sống của 700 tu sĩ hiện nay của tu viện. Thời điểm đỉnh cao, tu viện có tới 2.000 tu sĩ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tham quan tại tu viện, tôi hầu như không gặp tu sĩ đi lại và cả người dân đến cầu nguyện.

Cổng chính của tu viện Tùng Tán Lâm dưới chân núi
Phía trong cổng chính Tu viện Tùng Tán Lâm
Sảnh phía trước cổng vào tu viện dưới chân núi

Chúng tôi ngồi xe ô tô để lên thẳng sân của tu viện bằng cổng phía sau, đó là cách dễ dàng nhất, để khi trở ra sẽ đi xuống bằng cầu thang dài 146 bậc, từ tòa điện lớn xuống cổng chính ở chân đồi Foping cho đỡ mệt. Nếu là Phật tử hay các tu sĩ thì đương nhiên họ phải đi bằng cổng chính, leo lên 146 bật thang để bước vào tu viện.

146 bậc thang từ cổng chính tu viện lên trên tu viện

Dưới chân tu viên là những ngôi nhà có thể là nơi sinh sống của tu sĩ, cũng có thể là nhà dân địa phương, được xây dựng không đồng nhất, do vậy khi đứng trước những bậc thang lên tu viện, tôi có cảm giác như tu viên bị nhà dân lấn chiếm, giống như một số chùa ở nhà mình, làm mất đi sự thiêng liêng và uy nghi của tu viện.

Cầu thang 146 bậc nhìn từ dưới lên

Tu viện có 3 tòa nhà chính là điện Trát Thương (Zhacang) – tòa điện chính, điện Cát Khang (Jikang) và điện Thích Ca Mô Ni (Sakyamuni), cùng với tám trường học xây dựng xung quanh bằng vật liệu gỗ và đá.

Một góc của tu viện Tùng Tán Lâm
Bậc thang và cổng vào một khu học viện trong tu viện Tùng Tán Lâm
Du khách trong trang phục người Tạng trong tu viện Tùng Tán Lâm

Điện Trát Thương là nơi thầy tu hội ngộ, nghiên cứu kinh điển và tụng kinh. Bên trong điện Trát Thương có 108 cột đỡ thân trụ vuông và được trang trí theo truyền thống tôn giáo Tây Tạng. Toàn bộ trần nhà và tường được phủ bằng vải thổ cầm và tranh Thangka và có rất nhiều bức tượng Phật. Gian điện rất rộng, có đủ chỗ cho 1.500 tu sĩ hành lễ.

Tòa điện chính Trát Thương
Bên trong điện Trát Thương rộng lớn có đủ chỗ cho 1.500 tu sĩ cầu nguyện
108 cột trụ vuông bên trong điện Trát Thương và những bức tranh Phật trên tường

Tòa điện lớn nhất là tòa nhà Phật điện, tòa tháp cao nhất là tháp Lợi Quang. Điện Cát Khang có bức tượng ngài Tsong Khapa, người sáng lập Giáo phái Gelug trong Phật giáo Tây Tạng. 

Sảnh rộng phía trước 3 tòa điện, đi từ cổng sau tu viện vào
Đây là sân rộng phía trước điện Trát Thương

Tu viện Tùng Tán Lâm hiện còn lưu giữ nhiều vật phẩm tôn giáo và di sản văn hóa quý giá của Phật giáo Tây Tạng, như 8 bức tượng vàng của Phật Thích Ca Mô Ni phủ vàng từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy, bản kinh lá cọ, thangka (thảm tâm linh), đèn vàng. Tu viện Tùng Tán Lâm được tôn vinh như một Bảo tàng văn hóa nghệ thuật và tôn giáo Tây Tạng.

Biểu tượng Kinh Luân, Bánh xe cầu nguyện và 2 con nai chầu hai bên trên nóc điện

Trên mái các tu viện trong quần thể Tùng Tán Lâm đều được trang trí bằng một bánh xe pháp luân với hai con nai quỳ chầu hai bên. Bánh xe pháp luân là biểu tượng của Phật giáo sơ kỳ Ấn Độ, luôn xuất hiện trang trọng trên nóc chính điện của mọi công trình tín ngưỡng Tây Tạng. Hình ảnh đôi nai gợi nhắc về Vườn Nai (Lộc Uyển) – vùng đất vô cùng thiêng liêng gắn liền với cội nguồn Phật giáo.

Tòa điện trong tu viện Tùng Tán Lâm được sơn màu vàng và đỏ đặc trưng của tôn giáo Tây Tạng
Rất nhiều xe ô tô đậu trong một khoảng sân chật trước một cổng vào tu viện
Một cổng vào tu viện không lấy gì làm rộng rãi, có cả xe ô tô đậu ngay bên đường vào.

Có rất nhiều du khách đến tham quan tu viện Tùng Tán Lâm, chủ yếu là lớp trẻ Trung Quốc. Họ thuê những bộ quần áo dân tộc Tạng để chụp hình. Tôi ngạc nhiên khi có cảm giác tu viện trở thành điểm tham quan hơn là một trung tâm tôn giáo. Nếu đó là sự thật thì lại là điều rất đáng buồn. Tu viện Tùng Tán Lâm nổi tiếng phải là điểm thu hút các tu sĩ từ nhiều tu viện khác đến học tập, trao đổi và thu hút tín đồ đến cầu nguyện, chứ không chỉ là điển check in cho lớp trẻ!

Những bạn trẻ trong trang phục đi thuê đang cố gắng tìm những góc chụp đẹp nhất.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *