Khởi hành từ khách sạn thì trời nắng đẹp, vậy mà khi chúng tôi lên gần đến đỉnh núi thì trời bắt đầu đổ mưa to, nên ghé vào mái hiên một cửa hàng để trú. Tôi thấy một phụ nữ đội mưa băng qua đường đến chỗ chúng tôi, hóa ra bà ấy chào mời thuê hoặc mua sarong, vì vào đền Ulun Danu Batur phải quấn sarong. Chúng tôi còn chưa biết bao xa nữa mới đến đền, nên không muốn thuê hay mua gì lúc này. Lấy quần áo mưa ra mặc và tiếp tục đi. Chỉ mấy phút chúng tôi đã đến. Ở đây người ta cho thuê sarong 25 Rp/ người (40k). Có lẽ không ai có được bộ trang phục “kỳ lạ” như thế này.
Đền Ulun Danu Batur là một quần thể đền Hindu Bali có lẽ là lớn nhất và là một trong những ngôi đền quan trọng nhất ở Bali, đóng vai trò duy trì sự hài hòa và ổn định của toàn bộ hòn đảo. Đền Ulun Danu Batur đại diện cho hướng Bắc và được dành riêng cho thần Vishnu và nữ thần địa phương Dewi Danu, nữ thần của hồ Batur, hồ lớn nhất ở Bali. Quần thể đền gồm có 9 ngôi đền (đều rất lớn), nằm gần sát nhau, khiến chúng tôi không biết là mình đã đi sang đền khác (vì trời mưa khá to), chỉ đến khi có người hỏi vé, mới biết là đã đi sang đền khác. Vé vào cửa mỗi đền một khác, đền Penataran Agung Batur lớn nhất, vé vào là 35 Rp tặng một ly nước, còn các đền khác giá vé là 15 Rp. Ảnh dưới là 2 cổng khác nhau của hai ngôi đền trong quần thể.
Mặc dù trời mưa, nhưng ở trong các đền đều có người dân địa phương đang làm lễ. Vì vậy chúng tôi vẫn cho là mình may mắn, vì đã được chứng kiến những nghi lễ ở đây. Ảnh dưới là nghi lễ tổ chức tại đền Penataran Agung Batur.
Chúng tôi vào thăm đền Penataran Agung Batur, lớn nhất trước, ngay cạnh đó là đền Tuluk Biyu. Đây là cổng đền Tuluk Biyu.
Đền Ulun Danu được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 17, được dành riêng để thờ thần Vishnu và nữ thần hồ Dewi Danu. Ảnh dưới là một miếu thờ bên trong đền Penataran Agung Batur.
Trên đảo Bali, hồ Batur là hồ lớn nhất, rất quan trọng vì là nguồn nước chính cho các hoạt động nông nghiệp ở Bali. Từ Ulun có nghĩa là “đầu nguồn” và Danu có nghĩa “hồ”, chỉ hồ Batur. Tên quần thể đền có nghĩa là Hồ đầu nguồn. Từ Batur là tên ngôi làng Batur, nơi ngôi đền tọa lạc, có nghĩa là “tinh khiết” hoặc “tinh thần sạch sẽ”. Tên của ngôi đền nói đến tầm quan trọng của nước đối với sự thịnh vượng của dân làng Batur và đối với toàn bộ cộng đồng Hindu của Bali, đặc biệt là tưới nước cho cánh đồng lúa của hòn đảo. Ảnh dưới là những đồ lễ mà người dân mang đến dâng các vị thần trong đền Tuluk Biyu.
Trước khi núi Batur phun trào vào năm 1917, đền Batur và ngôi làng cổ nằm ở phía tây nam của núi Batur. Dòng dung nham phun trào năm 1917 gây ra hàng ngàn thương vong. Bất chấp sự hủy diệt, dòng dung nham đen dừng lại ở cổng đền Ulun Danu Batur. Vì dung nham dừng lại trước khi đến đền thờ, người dân Bali đã xem đây là điềm tốt và quyết định ở lại khu vực này. Ảnh dưới là những tòa tháp và miếu thờ trong đền Tuluk Biyu.
Năm 1926, núi lửa Batur phun trào một lần nữa, lần này tàn phá toàn bộ ngôi làng và tiến về phía ngôi đền, bao phủ gần như toàn bộ quần thể ngôi đền và giết chết hơn 1.500 dân làng, tuy nhiên tòa tháp Meru chính 11 tầng của ngôi đền vẫn tồn tại. Khu vực xung quanh núi lửa Batur không thể sống được trong thời kỳ phun trào, dân làng Kalang Anyar đã phải di dời. Ảnh dưới là tòa tháp Meru 11 tầng còn sót lại sau khi núi lửa phun trào.
Tòa tháp Meru 11 tầng còn sót lại đã được chuyển đến một địa điểm mới, cùng với những bảo vật quan trọng khác của ngôi đền, trong đó có gamelan, một loại nhạc cụ dân tộc truyền thống đặc biệt của Bali. Ảnh dưới là loại nhạc cụ truyền thống của người Hindu Bali.
Sau vài tháng, khu vực xung quanh núi Batur đã an toàn, người dân bắt xây dựng lại ngôi làng và hoàn thành ngôi đền vào năm 1926, gamelan của ngôi đền và linh hồn hộ mệnh đã được đưa trở lại ngôi đền. Ảnh dưới là cổng và tháp của đền Penataran Agung Batur.
Quần thể đền Ulun Danu Batur bao gồm chín ngôi đền khác nhau, bao gồm tổng cộng 285 đền thờ và gian hàng dành riêng cho các vị thần và nữ thần nước, nông nghiệp, suối thần thánh, nghệ thuật, thủ công, v.v. Ảnh dưới là những đồ lễ vật hoa quả dâng cúng các vị thần linh.
Còn đây là lễ mặn, thức ăn và thịt cá.
Đền Penataran Agung Batur có năm sân, nổi bật nhất là tòa tháp Meru 11 tầng để thờ Shiva và chồng nữ thần Parvati, nằm ở sân trong và linh thiêng nhất, ba tòa tháp 9 tầng để thờ núi Batur, núi Abang và thờ vua Ida Batara Dalem Waturenggong, vị vua được phong thần của triều đại Gelgel cai trị từ năm 1460 đến 1550. Ảnh dưới là tòa tháp Meru 11 tầng trong khuôn viên.
Vì trời mưa khá to, nên chúng tôi vừa tham quan, vừa chụp ảnh, vừa lo che chắn máy ảnh khỏi nước mưa… nên có thể cũng đã bỏ qua nhiều địa điểm. Ảnh dưới là các tòa tháp, miếu thờ khác nhau.
Lễ chính Odalan ở đền Ulun Danu Batur diễn ra vào rằm tháng 10 theo lịch của người Bali, thường vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Ảnh dưới là quang cảnh chuẩn bị cho một nghi lễ cúng thần.
Đây là bàn để lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ cúng thần.
Và những người dân đang ngồi chờ để tiến hành nghi lễ.
Mặc dù trời mưa, nhưng chúng tôi cũng đã có được những trải nghiệm hết sức chân thật và thú vị tại quần thể đền lớn nhất Bali.