Chùa Watmai, Luang Phrabang

Từ khách sạn chúng tôi đi bộ đến trung tâm Luang Phrabang và trước khi tới Hoàng cung, chúng tôi thấy chùa Mai, tên đầy đủ rất dài Wat Mai Suwannaphumaham, có lẽ là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Luang Phrabang. Bạn thử tưởng tượng xem, trên một con phố nhỏ, với những ngôi nhà cao nhất là hai tầng, thì ngôi chùa rộng lớn này quả thật là một biểu tượng của sức mạnh Phật giáo đối với dân chúng.

Bước qua cổng chùa thấp, bạn sẽ thấy ngay quầy bán vé tham quan (20.000 kíp) bên tay phải. Cảm giác khi mua vé vào, tôi không còn thấy sự “tín ngưỡng” tồn tại nữa, mà chỉ giống như đi xem một di tích vậy thôi. Tôi luôn cho rằng, các đền chùa tôn giáo được xây dựng và bảo tồn vì mục đích tín ngưỡng, do vậy nó sẽ luôn tồn tại không phụ thuộc vào du khách có đến thăm hay không, nó tồn tại khi lòng tin và sự tôn kính của người dân vẫn còn. Khách thập phương chỉ “giọt dầu” công đức!

Vì vậy tôi tham quan Wat Mai với tâm trạng tò mò của một người du khách, ngắm nhìn công trình kiến trúc và tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của nó, hơn là bước vào một chốn tâm linh.

Đúng là Wat Mai có một lịch sử “vàng” vì được nhà vua Anourout cho xây dựng vào khoảng năm 1796. Như vậy, Wat Mai có một đẳng cấp cao, ngôi chùa của hoàng gia. Sau này chùa được trùng tu bằng gỗ vào năm 1821 dưới thời vua Manthatourat, từ thời điểm này chùa có tên là Wat Mai, nghĩa là chùa Mới. Mái hiên đôi được kết nối ở phía trước gian điện chính có cổng vòm là phần kiến trúc được thêm vào thời điểm trùng tu này.

Các công trình như thư viện và các tòa nhà phụ trợ khác tiếp tục được xây dựng vào năm 1890, một số công trình khác được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Năm 1943 và 1962 là hai đợt trùng tu lớn cả chùa và thời gian gần đây chùa cũng được sửa chữa, tôn tạo, do vậy trong quần thể kiến trúc của chùa Mai, có những công trình cổ, cũng có những công trình hoàn toàn mới.

Với tư cách là ngôi chùa Phật hoàng gia, nên từ lâu Wat Mai là nơi sống của các vị cao tăng Pra Sangkharat, chức sắc Phật giáo cao nhất của Lào, điều đó cũng có nghĩa Wat Mai là biểu tượng của quyền lực và không hoàn toàn là nơi thực hành tôn giáo của người dân. Năm 1887 chùa bị phá hủy nghiêm trọng và năm 1947 bức tượng Phật bằng vàng (50%) đã được chuyển đến Hoàng cung bên cạnh chùa.

Khách du lịch phần lớn là người phương Tây thì lắng nghe hướng dẫn giới thiệu và chụp vài tấm ảnh, rồi khẽ khàng đi vào trong gian điện. Du khách châu Á, có lẽ là người Nhật, người Hàn và Trung Quốc thì không chú ý nhiều đến kiến trúc và các bức tranh, phù điêu trang trí, mà chỉ tìm chỗ chụp vài bức ảnh mình và vào chùa làm lễ.

Tôi lang thang ngắm nghía hàng hiên phía trước mở rộng bảo vệ những bức phù điêu mạ vàng ở mặt tiền, được làm từ ngày tu sửa chùa vào năm 1960. Các bức phù điêu rất công phu được đắp bằng xi măng, sau đó được phủ một lớp sơn đen và được làm theo cách sơn mài truyền thống (sơn và mài nhiều lần), cuối cùng được mạ vàng, mô tả cảnh tượng về sự tái sinh của Đức Phật và phong cảnh ngôi làng, thiên nhiên của Luang Phrabang.

Bước vào bên trong gian điện, sự uy nghi của bức tượng Phật Thích Ca mạ vàng rất lớn và gam màu đỏ, nâu của trần nha, những cây cột khiến cho mọi người có cảm thấy mình bé nhỏ, yếu đuối, cần sự che trở. Trên bàn thờ có rất nhiều các bức tượng Phật tư thế và kích cỡ khác nhau. Hai hàng tượng ở hai bên bức tượng lớn đều có tư thế tay đưa ra phía trước với ý nghĩa ngăn chặn xung đột, chiến tranh và thế hai tay chỉ xuống đất, cầu mưa thuận gió hòa. Thông thường các chùa Lào nhận các bức tượng của người dân cúng tiến, nên có rất nhiều các kích cỡ tượng khác nhau. Wat Mai là chùa Hoàng cung nên các bức tượng đều mạ vàng rất quý.

Wat Mai chủ yếu là các công trình bề thế, nên không có nhiều diện tích cho cây xanh. Bên ngoài khuôn viên có những bảo tháp cổ lớn, có hình dạng rất khác nhau là nơi lưu giữ tro cốt của các vị cao tăng trụ trì chùa.

Ngôi chùa quá lớn lại nằm trên con phố cổ nhỏ nên tôi phải loay hoay mãi để chụp ảnh ngôi chùa. Đúng là Wat Mai rất lớn và có kiến trúc, họa tiết trang trí cầu kỳ, nhưng nó có vẻ xa cách với đời sống tôn giáo của tầng lớp người dân.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *