Đền thờ Hoàng gia Taman Ayun ở Bali

Đây là ngôi đền thứ hai chúng tôi đến thăm ở Bali. Không biết có phải vì buổi trưa không, chúng tôi thấy rất ít khách du lịch đến thăm, quần thể đền này vô cùng yên bình, nằm giữa những vườn cây lớn.

Không có người trông xe, chúng tôi dựng xe máy ở dưới một cây bồ đề lớn cho khỏi nắng, khóa cẩn thận rồi vào đền (cũng thấy hơi lo lắng!). Vé vào tham quan là 30 Rp. Ảnh dưới là cổng trên con đường, đánh dấu vào địa phận khu đền.

Quần thể đền Taman Ayun có chiều dài 100 mét và chiều rộng 250 mét, bao gồm một khu đền bên ngoài và ba khu đền bên trong. Các khu đền bên trong được bao quanh bằng hàng rào đá và hồ nước.

Đây là khu vực bên ngoài đền, gọi là Jaba được nối với bên trong bằng cây cầu.

Đây là bức tượng ở một bên đầu cầu dẫn vào đền.

Đền Taman Ayun là ngôi đền hoàng gia, nên vườn cây, kiến trúc đều được chăm sóc cẩn thận. Được coi là ngôi đền mẹ (Paibon) của Vương quốc Mengwi, ngôi đền này được vua Mengwi, tên là I Gusti Agung Putu xây dựng vào năm 1634. Ảnh dưới là cổng Bentar, tiếp sau là một con đường dẫn đến các khu đền bên trong.

Ban đầu, Vua I Gusti Agung Putu đã xây dựng một ngôi đền ở phía bắc làng Mengwi để thờ cúng tổ tiên của mình. Ngôi đền được đặt tên là Công viên Genter. Khi Mengwi phát triển thành một vương quốc lớn, vua I Gusti Agung Putu đã di chuyển Công viên Genter về phía đông và mở rộng khu đất, ngôi đền mở rộng được chính thức tuyên bố là đền Taman Ayun vào năm 1634. Ảnh dưới là một vọng gác trước khi vào khu đền thứ hai.

Cổng dẫn vào khu đền thứ hai.

Một ngôi miếu thờ ở giữa khu đền thứ hai được trang trí bằng điêu khắc phù điêu mô tả chín vị thần hộ mệnh.

Đây là cổng dẫn vào khu đền thứ ba, thường xuyên đóng, chỉ mở khi có lễ.

Khu đền bên trong thứ ba, cũng là khu đền ở vị trí cao nhất, là khu vực thiêng liêng nhất. Cửa chính của khu đền thứ ba được gọi là pintu gelung, chỉ được mở trong các nghi lễ.

Có một dãy tường bao quanh các ngôi đền thờ và bên trong bức tường là một hệ thống hào nước bao bọc.

Trong khu đền thứ ba có nhiều ngôi đền thờ các vị thần khác nhau.

Ngôi đền nằm ở khu vực thứ ba (Jeroan) thờ vị thần đặc biệt thần Wisnu mà cung điện của ông nằm trên đỉnh núi Mangu, tượng trưng là một tòa tháp 9 tầng.

Thần Pitara là một vị thần linh hồn linh thiêng của tổ tiên, còn được gọi bằng các tên khác như Hyang Pitara hoặc Dewa Hyang.

Sự thờ phụng của Thần Pitara trong Đền Taman Ayun được thực hiện trong khu đền ở phía đông gọi là Paibon. Đền Taman Ayun là điện thờ đặc biệt cho hoàng gia vua của Cung điện Mengwi, người sáng lập Đế chế Mengwi là I Gusti Agung Putu.

Đền Taman Ayun bao gồm cả các đền thờ tổ tiên của Hoàng gia và các đền thờ Meru các vị thần lớn, Taman Ayun trở thành ngôi đền chính cho vương quốc cổ đại của Mengwi, cứ sau 210 ngày, vào thứ ba Kliwon Medangsia (theo lịch Icaka truyền thống), toàn bộ dân chúng tập trung tại đền để thờ cúng, kỷ niệm ngày lễ của đền.

Đây là những hình tượng trưng cho các thần linh được sử dụng trong các dịp lễ ở đền.

Đền Taman Ayun đã trải qua một số công trình trùng tu. Phục hồi quy mô lớn được thực hiện vào năm 1937. Năm 1949 công việc phục hồi đã được thực hiện đối với các miếu thờ ở đền Bentar. Lần trùng tu thứ ba được thực hiện vào năm 1972, sau đó là lần trùng tu cuối cùng vào năm 1976.

Đây là một loại hội trường, mà tại đó một số nghi lễ thường diễn ra, bao gồm cả một trận đá gà, cũng là một phần của nghi lễ tại đền thờ. Ở đây rất thoáng mát và là chỗ nghỉ chân thuận lợi cho du khách. Chúng tôi đã ăn trưa bằng thức ăn mang đi ở đây.

Bên trong quần thể đền Taman Ayun còn có một khu trưng bày những bức tranh, tượng nghệ thuật của các họa sĩ, điêu khắc Bali và rạp chiếu phim hoạt động liên tục, trình chiếu những tư liệu lịch sử và các nghi lễ được tổ chức tại đền. Ảnh dưới là bức tượng phía trước khu vực trưng bày và chiếu phim.

Đây là một trong những bức tranh được trưng bày ở trong khu vực đền Taman Ayun.

Đền Taman Ayun là một trong số đền vô cùng ấn tượng ở Bali mà nhất định bạn nên đến thăm khi đặt chân đến hòn đảo này.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *