Tu viện Sera nằm cách xa sự ồn ào nhộn nhịp của một Lhasa đã có nhiều thay đổi từ sau năm 1959, khi Trung Quốc tiến vào Tây Tạng. Vì có quá nhiều nhà cao tầng trên phố, nên cho tới khi xe ô tô dừng lại, tôi mới nhìn thấy ẩn thất trên núi cao, còn Tu viện Sera thì vẫn chưa nhìn thấy.
Cổng của tu viện chắc mới được xây dựng, có vẻ rất “Trung Hoa”, có cái gì đó giông giống các cổng vào di tích cổ của Trung Quốc, và có cả tiếng Anh. Tôi có cảm giác như đến thăm một bảo tàng nhiều hơn là đến một tu viện Phật giáo vẫn đang hoạt động.
Bức tranh trên tường trong một cổng nhỏ là lối vào soát vé. Có lẽ đây là cổng cũ của tu viện Sera.
Là một trong ba tu viện dòng Gelug lớn nhất Lhasa, tu viện Sera có nghĩa là ‘vườn hồng”, vì trước khi xây dựng tu viện, nơi đây hoa hồng dại mọc rất nhiều và bừng nở ngay khi khởi công xây dựng tu viện. Hướng dẫn viên VN dịch lại lời giới thiệu “xung quanh tu viện là vườn hồng” khiến mọi người trong đoàn rất háo hức, nhưng thật sự tôi không nhìn thấy một cây hồng nào. Tuy không có hoa hồng nhưng tu viện Sera là một nơi vô cùng ấn tượng.
Tu viện Sera nằm ở phía bắc Lhasa, cách thánh điện Potala khoảng 5km. Tu viện nằm dưới chân ngọn núi, bên trên núi cao còn có nhiều tu viện dành cho các ẩn sĩ. Có lẽ phải đứng trên cao mới thấy hết được quy mô rộng lớn của tu viện Sera trên diện tích khoảng 11ha. Tại đây có ba trường học Phật giáo dành cho các tu sĩ từ 8 tuổi tới 70 tuổi, có Đại hội đồng là gian điện thờ lớn, các ký túc xá là nơi ở của tu sĩ và ẩn thất của Tsongkhapa ở trên núi. Ảnh dưới là con đường vào tu viện Sera sau khi đi qua cổng.
Chúng tôi đi dọc con đường từ cổng vào, hai bên là những tòa nhà 2-4 tầng, đó là trường học và ký túc xá của các tu sĩ theo học ở đây. Các tu sĩ theo học chương trình đào tạo ở đây trong vòng 20 năm, trong đó giai đoạn đầu tiên học tại Ngagpa Dratsang – Đại học Mật tông.
Những người hành hương sẽ đi một vòng theo chiều kim đồng hồ, từ cổng bắt đầu từ các trường Phật giáo, rồi các nơi lễ, đến Đại hội đồng và kết thúc là ẩn thất của Tsongkhapa.
Bên tay phải có một bảo tháp và xoay kinh luân. Tôi cũng đi vòng quanh bảo tháp ba vòng, tay xoay kinh luân theo như người Tạng.
Tu viện Sera được xây dựng từ năm 1419, là nơi tu học của rất nhiều tu sĩ. Có những giai đoạn, như trước năm 1959 tại tu viện Sera có tới gần 6.000 tu sĩ tu tập. Sau năm 1959, khi Đạt lai Lạt ma 14 sang Ấn Độ tị nạn, rất nhiều tu sĩ đã theo Ngài di cư. Tu viện Sera đã bị tàn phá và hàng trăm tu sĩ ở lại đã bị giết. Hiện nay có khoảng 300 tu sĩ tu tập tại tu viện Sera. Số lượng tu sĩ tại tu viện Sera ngày càng giảm do sự bất ổn về chính sách tại Tây Tạng.
Đại hội đồng của tu viện Sera được xây dựng từ năm 1710, gồm bốn tầng ở phía đông bắc của tu viện, hướng về phía đông, là nơi tiến hành một số nghi lễ và nghi thức tôn giáo. Hội trường có diện tích 2.000 m2, được xây dựng với 125 cột trụ. Phía trước tòa nhà chỉ có hai tầng, là gian điện thờ chính.
Cổng vào có mười cột trụ, xung quanh tường là những bức tranh Phật giáo, trần nhà được trang trí bằng những tấm vải lụa truyền thống.
Bức tranh trên tưởng bên ngoài vẽ thần hộ pháp, ông Thiện, ông Ác giống ở chùa Việt Nam.
Ngoài ra còn có những bức tranh trang trí khác.
Đây là cửa vào của Đại hội đồng, có ghi cả bằng tiếng Anh.
Những trang trí trên trần nhà và cửa điện.
Vì bên trong gian điện không được phép chụp ảnh, nên tôi chỉ chụp được bức hình từ ngoài cửa.
Bên trong Đại hội đồng ở giữa là một gian thờ lớn, có các dãy dành cho các Lạt ma ngồi tu tập.
Xung quanh có năm nhà nguyện, nơi đặt các bức tượng hoặc hình ảnh của Đức Phật Di Lặc, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị La Hán, Tsongkhapa và Đức Phật Bà Quan Âm nghìn tay và mười một khuôn mặt. Vì không chụp được ảnh bên trong, nên tôi mượn vài tấm hình trên internet để mọi người hình dung được.
Tầng thứ hai có có ba nhà nguyện, tầng thứ ba và thứ tư được sử dụng làm căn hộ riêng cho Dalai Lamas và giới luật của Hội trường chính.
Chúng tôi không có đủ thời gian và cũng không được phép đi tham quan hết tất cả mọi nơi trong tu viện Sera. Tu viện Sera là một trong số ít tu viện ở Tây Tạng, nơi du khách có thể chứng kiến các phiên tranh luận, được tổ chức theo một lịch trình cố định hàng ngày. Chính vì vậy mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian để được chứng kiến hoạt động này. Ảnh dưới là cổng vào “vườn tranh luận”.
Ở đây không cho phép chụp ảnh, quay phim, nhưng tôi thấy mọi người dùng điện thoại chúp ảnh thì không thấy bảo vệ nhắc nhở gì, nên cũng làm theo. Thật sự, tôi cũng cảm thấy áy náy, khi sự hiếu kỳ của mình và của du khách nói chung đang làm ảnh hưởng tới việc học tập của các tu sĩ.
Đây là các phiên tranh luận đã có truyền thống được tổ chức từ mấy trăm năm nay. Các tu sĩ được các thầy hướng dẫn, từng cặp nhận các chủ đề để tranh luận. Hai người phản biện lẫn nhau, bằng lời nói và cả bằng hành động, miễn sao có thể thuyết phục được người kia. Hoạt động này của các tu sĩ thật kỳ lạ và đặc biệt, vì thế hấp dẫn những kẻ ngoại đạo tò mò như chúng ta.
Tôi loanh quanh trong “vườn tranh luận” khá lâu, tuy chẳng hiểu họ phản biện hoặc thảo luận về vấn đề gì, nhưng xem ra có nhiều tu sĩ vẫn “khá hiếu thắng”…Sau khi rời “vườn tranh luận” tôi đã đi vào các con đường nhỏ dẫn tới các tòa nhà khác nhau, nhưng vì không có hướng dẫn, nên tôi không dám mạo muội vào bên trong tham quan. Tôi nghĩ sự tò mò của mình cũng nên có giới hạn, mình phải tôn trọng sự riêng tư và tín ngưỡng tôn giáo.
Ngước lên núi cao, tôi ngắm nhìn những ẩn thất trên núi. Để có được sự yên tĩnh, những ẩn sĩ phải lên mãi trên cao kia, nơi mà những kẻ hiếu kỳ không đủ khả năng lên tới.
Mặc dù tu viện Sera rất rộng lớn, nhưng nếu chỉ đi bên ngoài thì chỉ thấy được kiến trúc giống nhau của các tòa nhà. Những tòa nhà cổ được xây dựng bằng khung gỗ và gạch không nung, chỉ đóng khuôn phơi khô, quét vôi màu trắng và những khung cửa sổ sơn đen nổi bật. Một vài tòa nhà đã được xây dựng lại, số khác đang trùng tu, theo cách hiện đại.
Đây là cổng vào một khu ký túc xá của các tu sĩ và bên trong.
Chúng tôi ra về với tâm trạng có phần hơi buồn. Tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng tôi có cảm giác tu việc Sera bị giám sát mọi hoạt động và việc bán vé vào tham quan một tu viện lớn, đang hoạt động có điều gì đó hơi sai sai… Sau khi lánh nạn sang Ấn Độ, Đạt Lai Lạt Ma 14 được sự giúp đỡ của chính phủ Ấn Độ và những Lạt ma, tu sĩ đi cùng đã thành lập tu viện Sera tại Ấn Độ, với kiến trúc và chương trình tu học giống hệt tu viện Sera này. Tuy nhiên, không có một Lạt Ma nào từ trương Mật Tông (trong ba trường) còn sống sót đến Ấn Độ, nên hiện tại chỉ có hai trường được mở ở tu viện Sera mới, nơi hiện nay có khoảng 4.000 tu sĩ theo học.