Chùa Đại Chiêu (Jokang), Lhasa

Địa điểm linh thiêng thứ hai mà tất cả mọi người đã đặt chân lên đất Tạng và đến Lhasa đều mong được đến lễ bái, đó là Chùa Đại Chiêu. Chúng tôi đã dành cả buổi chiều cho việc lễ và tham quan bên trong và cả bên ngoài chùa Đại Chiêu.

Mọi người có thể gọi các tên khác nhau đối với Chùa Đại Chiêu, như tu viện Jokang, đền Jokang … nhưng tất cả đều nói đến ngôi chùa Phật giáo Mật Tông Tạng truyền, nơi lưu giữ những báu vật của  Phật giáo Mật Tông Tây Tạng từ những ngày đầu tiên, cũng là nơi tu tập của hàng trăm nghìn tu sĩ trong hàng trăm năm qua và cũng là nơi lưu giữ pho tượng của vị vua nổi tiếng vương quốc Thổ Phồn – Tùng Tán Can Bố. Chùa Đại Chiêu hiện nay là một trong số chùa lớn nhất miền Bắc Trung Quốc.

Chùa Đại Chiêu nằm giữa quảng trường Bát Giác thuộc trung tâm phố cổ Lhasa, bao xung quanh chùa là khu phố cổ Bakhor, nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa Tạng và phần nào gợi lại cho du khách nhớ về một thời hoàng kim của Lhasa.

Xe ô tô phải đỗ khá xa bên ngoài, chúng tôi rời con phố hiện đại đông đúc, để đi bộ qua những con phố nhỏ, buôn bán sầm uất. Ảnh dưới là con phố hiện đại, đặc trưng của Lhasa ngày nay.

Đây là khu phố cổ của Lhasa, cho dù cũng đã bị hiện đại hóa rất nhiều, nhưng vẫn có những nét riêng, khác biệt của văn hóa Tây Tạng. Bước chân trên những con phố này, tôi cảm thấy phấn trấn hơn, bởi vẫn còn cảm thấy hơi thở của một nền văn minh đã từng rất huy hoàng và rất đặc biệt. Tôi thầm luyến tiếc, giá như chúng tôi có nhiều thời gian được sống ở những nơi thế này, có thể chúng tôi sẽ hiểu biết hơn về văn hóa Tây Tạng, vì khách sạn nơi chúng tôi ở suốt mấy ngày tại Lhasa hoàn toàn giống như bất kỳ một nơi nào đó ở Trung Quốc.

Tuy là những tòa nhà cao tầng, nhưng được trang trí bằng những hoa văn đặc sắc của vùng Tây Tạng, nên vẫn đem lại cảm giác đang sống giữa văn hóa Tây Tạng.

Trên phố có nhiều cửa hàng bán đồ thờ cúng.

Còn đây là những chiếc ấm đựng trà bơ của người Tạng.

Cổng một ngôi nhà truyền thống người Tạng thường được trang trí bằng sừng của những con bò Tây Tạng

Thịt bò được bán trong một quầy nằm trên phố, cùng với những mặt hàng khác.

Chúng tôi phải tập trung và thống nhất lộ trình, thời gian lễ và tham quan, bởi vì đây là một địa điểm khá rộng, nhưng rất may là bằng phẳng!

Phía trước chùa Đại Chiêu là một quảng trường nhỏ, con phố cổ Bakhor bao quanh chùa. Ở Lhasa có ba vòng tròn mà những người Tây Tạng đi lễ bao giờ cũng phải hoàn thành ba vòng đó. Vòng tròn tâm chính là gian điện bên trong chùa Đại Chiêu, tất cả các tín đồ và du khách sẽ đi một vòng tròn xung quanh bức tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát Linh thiêng. Vòng tròn thứ hai là phố cổ Bakhor bao quanh chùa. Mọi người cũng sẽ đi đúng một vòng theo kim đồng hồ để hoàn thành vòng tròn linh thiêng thứ hai. Còn vòng tròn thứ ba ở bên ngoài thành phố, giờ đã bị biến thành đường cao tốc, nên người Tạng bây giờ cũng ít hành hương theo vòng tròn đó.

Ở quảng trường phía trước chùa Đại Chiêu và trên cả con phố cổ Bakhor có rất nhiều nhóm cảnh sát, có lẽ chỉ cách khoảng 50 mét lại có một nhóm. Hướng dẫn viên đề nghị chúng tôi không chụp ảnh họ, để tránh phiên phức và giải thích, nhóm người đó có thành viên của cả ba lực lượng: cảnh sát, quân đội và tự vệ. Có lẽ họ (người Hán) lo sợ những người Tạng yêu tự do sẽ có những hoạt động phản kháng, nên họ đã giám sát rất chặt chẽ.

Phía mặt tiền của chùa Đại Chiêu đang có rất nhiều người làm lễ, vì vậy chúng tôi không thể vào chùa bằng đường này được, chúng tôi sẽ vào chùa bằng cổng nhỏ bên tay phải.

Nhiều người hành hương từ xa đến, mang theo cả hành trang được đặt xung quanh sân.

Chúng tôi xếp hàng để vào làm lễ ở bên trong gian điện thờ. Trong lúc chờ đợi, tôi đi dạo bên ngoài sân và cố gắng chụp ảnh những gì được phép chụp, trước khi cái quyền đó bị mất.

Bên trong chùa Đại Chiêu có một sân trời, xung quanh là các gian điện hai tầng. Tất cả các bức tường của hành lang và trong gian điện đều được trang trí bằng những bức tranh vẽ câu chuyện về Phật pháp và những hoa văn trang trí đặc trưng của văn hóa Tây Tạng.

Tôi không biết những bức tượng và hoa văn trang trí này có từ bao giờ, nhưng đến nay vẫn giữ được màu sắc và các nét vẽ khá rõ ràng.

Người Tây Tạng coi chùa Đại Chiêu là ngôi chùa linh thiêng và quan trọng nhất ở Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu hiện được phái Cách Lỗ quản lý (Gelugpa – phái Mũ vàng, là một trong bốn tông do Tsongkhapa thành lập – kể từ thế kỉ thứ XVII tông này có vai trò chính trị quan trọng tại Tây Tạng, với sự có mặt của Đạt lại Lạt ma, được xem là người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng), nhưng họ chấp nhận tất cả các tín đồ của Phật giáo. Chùa Đại Chiêu có kiến trúc pha trộn của Tịnh xá Ấn Độ với phong cách chùa Tây Tạng Nepal. Ảnh dưới là nóc tầng hai của một phần chùa Đại Chiêu.

Chùa Đại Chiêu được vua Tùng Tán Cán Bố cho xây dựng từ thế kỷ thứ VII (năm 647) khi vương triều của ông đang ở thời hưng thịnh nhất. Ông đã cho xây dựng ngôi chùa này để lưu giữ những bức tượng Phật và kinh Phật quý  mà hai cô dâu của vua là Công chúa Văn Thành của nhà Đường và công chúa Bhrikuti của Nepal đã mang từ vương quốc của họ đến, như là một phần của hồi môn của họ.

Phần lâu đời nhất của ngôi đền được xây dựng năm 652. Trong 900 năm tiếp theo, ngôi đền đã được mở rộng nhiều lần với lần cuối cùng được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm thực hiện vào năm 1610. Khi Vua Ngật Lật Song Đề Tán trị vì từ năm 755 đến năm 797, những bức tượng Phật của ngôi chùa đã bị giấu kín. Vào cuối thế kỷ thứ IX và đầu thế kỷ thứ X, chùa Đại Chiêu đã bị sử dụng làm chuồng ngựa, vì sự thay đổi vị thế của Phật giáo trong vương quyền. Năm 1049, A Đề Sa, một nhà truyền giáo nổi tiếng của Phật giáo từ Bengal đến giảng dạy Phật Pháp tại chùa Đại Chiêu.

Chúng tôi lên tầng hai, đi một vòng quanh hành lang tầng hai, trong khi chờ đến lượt để vào lễ trong gian chính điện.

Vì không được phép chụp ảnh bên trong gian điện thờ, nên tôi xin phép dùng ảnh từ internet để giúp mọi người phần nào hình dung được những gì bên trong gian điện chính. Đây là bức tượng Đức Phật Bà Quan Thế Âm linh thiêng, được đặt ở giữa gian điện thờ. Phía trước là nơi các vị Lạt Ma tụng kinh và tu tập.

Đây là bức tượng vua Tùng Tán Can Bố được đặt bên tay phải bức tượng Đức Phật Bà Quan Thế Âm. Ở giữa hai bức tượng lớn có một bức tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay nhỏ.

Chúng tôi xếp hàng lần lượt đi vào trong gian chính điện. Khi bước vào gian điện, sau khi hành lễ ở gian chính, các tín đồ sẽ lần lượt hành lễ ở trong rất nhiều gian điện nhỏ nằm bao quanh gian chính. Trong mỗi gian điện nhỏ đều có rất nhiều bức tượng Phật đặt trên cao và một chậu nến thắp bằng mỡ bò Yak Tây Tạng đặt ở giữa gian điện thờ nhỏ. Tất cả các bức tượng Phật đều có ghi tên, nhưng tôi không nhớ được.

Tất cả các gian điện thờ nhỏ xung quanh gian chính điện đều có đặt rất nhiều bức tượng Phật lớn, bằng đồng hoặc vàng hoặc mạ vàng, có niên đại khác nhau, nhưng đều là những bức tượng đã có hàng trăm năm rồi.

Gian điện cuối cùng là gian thờ vua Tùng Tán Can Bố, hai vị hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa của họ.

Từ thời Đức Đạt lai Lạt Ma đời thứ ba của Tây Tạng đã chủ trì Pháp hội khai quang pho tượng Phật bạc và từ đó về sau các Đức Đạt Lai đời sau đều đã từng đến chùa Đại Chiêu giảng kinh truyền pháp, chùa Đại Chiêu đã trở thành chùa có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở Tây Tạng mà cả khu vực Nội Mông.

Thời nhà Nguyên, chùa Đại chiêu nhiều lần bị quân Nguyên Mông tấn công, nhưng chùa vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Đến đời nhà Thanh, vua Khang Hy ra lệnh tu bổ chùa Đại Chiêu, còn dùng vàng ̣đúc bài vị có 4 chữ “Hoàng Đế Vạn Tuế” đặt trước pho tượng Phật Bạc.

Từ đó, chùa Đại Chiêu đã trở thành một ngôi “chùa hoàng gia” và không mời Phật sống đến trụ trì nữa, địa vị tôn giáo và chính trị của chùa ngày càng nâng cao. Chùa Đại Chiêu đã trở thành trung tâm giao lưu văn hóa giữa dân tộc Tạng, Mông Cổ, Hán lúc bấy giờ, và là chùa Phật giáo nổi tiếng nhất ở miền Bắc Trung Quốc.

Chúng tôi cũng không biết mình đã được đi hết mọi nơi trong khuôn viên của chùa Đại Chiêu hay chưa, có lẽ là chưa. Ra khỏi chùa Đại Chiêu, chúng tôi bắt đầu hành trình đi vòng quanh chùa theo con phố cổ Bakhor.

Chúng tôi thấy có những cổng khác để vào chùa Đại Chiêu. Có thể những lối vào này sẽ dẫn đến những khu vực khác của chùa, nhưng chúng tôi không còn thời gian để vào thăm nữa, vì đi bộ một vòng quanh chùa cũng mất nhiều thời gian.

Trên đường đi, chúng tôi cũng dừng lại để xoay kinh luân, có những cái nhỏ bên bờ tường, cũng có cái trên lớn bên trong một gian điện.

Tôi vô cùng phấn trấn khi đi bộ trên phố cổ Bakhor này. Ở đây tôi thật sự cảm nhận không khí của Tây Tạng, dù nó cũng đã lai tạp đi nhiều. Tất cả các mặt tiền đều là cửa hàng… giống như phố cổ của bất kỳ thành phố nào trên thế giới.

Ở đây có thương gia người Tạng, người Hồi, người Mông Cổ, người Hán cùng bán hàng…

Tôi cố gắng chụp ảnh và quay video để nếu trí nhớ của mình có suy giảm, thì vẫn có cái gì đó giúp tôi nhớ lại những ấn tượng đặc biệt ngày hôm nay.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *