Sẽ không ai ngạc nhiên khi nghe nói đến con số hơn 400 cây cầu nối giữa các “mảnh nhỏ” của Venice, một thành phố nằm trên các hòn đảo tự nhiên và cả nhân tạo. Nhưng khi vượt qua mấy chục cây cầu trong một ngày đi tham quan, thì đó lại là một ấn tượng vô cùng thích thú.
Đầu tiên phải kể đến cây Cầu Rialto là một trong các công trình xây dựng nổi tiếng nhất của thành phố, bắc qua Kênh Lớn (Canal Grande) chỉ có một nhịp dài 48 m, nằm cạnh Fondaco dei Tedeschi là trụ sở thương mại của các thương gia người Đức tại Venezia. Chắc chắn tất cả khách du lịch dù đi bằng tàu, thuyền hay đường bộ, ai cũng sẽ đến cây cầu này.
Để đi qua Kênh lớn, người ta đã xây dựng một chiếc cầu gỗ đã vào năm 1246 dưới thời tổng trấn Renier Zen. Chiếc cầu này bị hư hại nhiều lần do vật liệu xây dựng là gỗ chóng hư hỏng và còn do hỏa hoạn. Mãi đến năm 1507 thì thành phố mới quyết định xây một chiếc cầu bằng gạch và một cuộc tranh luận đã kéo dài hàng chục năm về vấn đề tài chính và hình dáng của chiếc cầu, cuối cùng được khởi công xây dựng vào năm 1588 và đến 1591 thì hoàn thành. Ảnh dưới chụp cây cầu từ tàu đi trên kênh.
Cây cầu thứ hai nổi tiếng đó là “Cầu Than thở” nằm giữa Dinh Tổng trấn Venezia và nhà giam cũ trong thành phố Venezia, bắc qua kênh Rio di Palazzo rộng khoảng 8 m. Cây cầu này được xây dựng bằng đá vôi vào năm 1605. Những phạm nhân bị tòa án tổng trấn Venezia tuyên án có tội, trong Dinh Tổng trấn được dẫn qua chiếc cầu này để vào tù hay bị hành hình. Cầu Than thở mang tên này từ thế kỷ XVII vì tù nhân trên đường vào trại giam đã thở dài khi đứng từ đây nhìn ra tự do lần cuối.
Cây cầu này là điểm mà rất nhiều khách du lịch đã chụp hình kỷ niệm.
Và để chụp được ảnh cầu Than thở, bạn phải đứng trên cầu Ponte della Paglia – do vậy muốn có bức ảnh cây cầu này, chỉ có cách duy nhất là chụp từ tàu ngoài kênh thôi. Cây cầu có lịch sử bắt đầu từ năm 1360, tuy nhiên cây cầu hiện nay được thiết kế và xây dựng năm 1847. Tên của cây cầu được hiểu là những chiếc thuyền chở rơm neo đậu gần đó.
Cầu Ponte delle Guglie là một trong hai cây cầu bắc qua kênh Cannaregio – kênh lớn ở Venice. Vì chúng tôi đi đường bộ, nên chỉ chụp ảnh từ cầu xuống dòng kênh, mà không có ảnh cây cầu này. Tại vị trí cây cầu này, đã có một cây cầu bằng gỗ trước đó được xây dựng vào năm 1285, sau đó nó được thay thế bằng cây cầu xây bằng gạch và đá vào năm 1580, được trùng tu vào năm 1641 và 1677 và cuối cùng được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1823, cùng với các ngọn tháp ở hai đầu cầu. Năm 1987 cầu được trùng tu và bổ sung tay vịn bằng kim loại, bậc đá và lối đi cho người khuyết tật.
Có khá nhiều cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá Istrian và các bậc thang được lát bằng đá nhan thạch, lớn nhỏ ở Venice. Có cây cầu toàn bộ lan can cầu cũng được xây bằng gạch đỏ.
Nhưng nhiều cây cầu lan can thành cầu đã được thay bằng kim loại và phần thân cầu được xây bằng gạch và đá vững vàng.
Cây cầu này có mái che, như một phần của tòa nhà cổ. Có lẽ nó được dùng trong trường hợp đặc biệt, để việc qua lại giữa hai tòa nhà hoàn toàn “bí mật”.
Dù chỉ bắc qua một con kênh nhỏ, nhưng có nhiều cầu rất kiên cố.
Có những cây cầu dường như chỉ dành cho một gia đình.
Tôi rất hứng thú với những cây cầu này, mặc dù chúng chỉ là con đường đi bình thường của người dân Venice, nhưng với tôi, mỗi cây cầu lại có vẻ duyên dáng riêng, như thể chúng không chỉ là “con đường đi” mà còn là một vật trang trí cho dòng kênh nữa.
Có rất nhiều cây cầu được xây gần nhau, vì con kênh chia làm hai ba ngả. Bạn đứng trên cây cầu này và chụp ảnh cây cầu bên cạnh, như thể bạn đang nhìn xuống từ một tòa nhà.
Có những cây cầu lại rất “mảnh mai”.
Cây cầu này được làm bằng gỗ, vậy mà nó cũng tồn tại cùng thời gian, với khí hậu nước biển… quả là rất kiên cường.
Dòng kênh và những cây cầu bắc qua kênh đã làm nên nét đặc biệt của Venice và dù bạn đi qua những cây cầu này hay ngồi Gondola chui qua gầm cầu… thì vẫn cùng là những trải nghiệm vô cùng ấn tượng!