Đường mòn “Bức tường Berlin”

Tôi muốn dành riêng một bài để viết về “Bức tường Berlin” vì không muốn đem đến cảm xúc buồn cho một chuyến tham quan một thành phố cổ kính, giàu lịch sử và văn hóa như Berlin, nên chỉ ai quan tâm thì có thể cùng tôi chia sẻ.

Mặc dù đã nghe nhiều về Đông – Tây Đức và Đông – Tây Berlin, nhưng tôi vẫn rất “mù mờ” khi đứng trước di tích “Bức tường Berlin” được dựng lại để tưởng nhớ một thời kỳ lịch sử của nước Đức. Nơi tôi đang đứng cạnh bức tường là phía Đông Berlin.

Sau Thế chiến thứ 2, các nước Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) “chia nhau “cai quản bốn khu vực của nước Đức, và Berlin – vốn là thủ đô của Đức quốc xã cũng được chia làm bốn phần, trong đó Liên xô phụ trách 1 phần – sau đó thành lập CHDCND Đức (Đông Đức), phần còn lại thành lập nên CHLB Đức (Tây Đức), việc này ai cũng biết. Chỉ có điều Berlin lại nằm trên lãnh thổ Đông Đức, nên việc quản lý biên giới không chặt chẽ lắm, dẫn tới việc di tản từ Đông sang Tây (mà phần lớn là lớp trí thức trẻ), rồi việc người Đông Berlin sang Tây Berlin làm ăn, nhưng lại về sống và chi tiêu ở Đông Berlin, chưa kể đến việc buôn lậu, đổi tiền chợ đen (từ đồng Mark Tây sang Mark Đông…). Năm 1961, dưới sự “chỉ đạo” của khối Warzawa, bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin đã được dựng lên với độ dài khoảng 160km, trong đó có hơn 43km nằm trong thành phố Berlin.

Bức tường này đã bị phá sập hoàn toàn vào năm 1989 và những gì chúng ta nhìn thấy hôm nay chỉ là bức tường tượng trưng, lưu giữ lại một di tích lịch sử.

Bức tường Berlin cũ có những đoạn là bức tường cao khoảng 3,5 mét, có những đoạn là hàng rào kim loại cao 2,9 mét…ở giữa là những khoảng trống, những chòi canh gác, những con đường để lính gác tuần tra…, những người thế hệ tôi, mặc dù sinh ra trong chiến tranh, nhưng lớn lên trong hòa bình, cũng khó hình dung được những gì đã xảy ra ở bức tường Berlin này, bởi có nhiều người đã cố gắng tìm đường sang phương Tây bằng cách vượt qua bức tường này.

Tôi không muốn nói nhiều đến những mất mát đã xảy ra ở bức tường này, bởi chiến tranh luôn đi liền với những đau thương…tôi chỉ thật sự không tưởng tượng được, trên con phố thanh bình hôm nay đã từng có gần 30 năm đen tối.

Dọc bức tường là những bức tranh của nhiều họa sĩ trên khắp thế giới, biểu tượng cho mong muốn tự do.

Di tích này chỉ mang tính tượng trưng, giống như bức tường Berlin vậy.

Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những đoàn học sinh đến tham quan và nghe kể về lịch sử nước Đức thông qua những hình ảnh từ bức tường này.

Đoạn tường này được giữ lại để làm đài tưởng niệm. Ở đây có nhiều bảng giới thiệu về những hiện vật, sự kiện…liên quan đến bức tường Berlin. Tôi đã đọc nhiều chuyện buồn về những cuộc chạy trốn đầy rủi ro, nên chỉ xem lướt qua khu vực này.

Đây là cây Thánh giá, nơi tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong cuộc “chiến tranh lạnh” phân chia nước Đức (ở gần cổng Brandenburg và Nhà Quốc hội Berlin).

Người Đức đã ghi lại vị trí của bức tường Berlin chạy dài ngăn cách trung tâm Berlin, một bên là cổng Brandenburg, bên kia là nhà Quốc hội.

Đây là nghĩa trang tưởng niệm những nạn nhân người Do Thái Holocaust, trên diện tích 1,9ha với 2711 tấm bia. Tầng dưới ngầm có một phòng thông tin, nơi lưu giữ danh tính của khoảng 3 triệu nạn nhân Holocaust Do Thái, được sao chép từ bảo tàng Yad Vashem của Israel.

Nhưng cuộc sống luôn có điều kỳ diệu. Chiến tranh lạnh kết thúc và bức tường Berlin đã sụp đổ, người ta đang cải tạo lại một trạm canh gác bên cạnh bức tường Berlin, để trở thành “Nhà hàng Cướp biển” sang trọng bên bờ sông Spree.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *