Ấn tượng Berlin trong chuyến đi đầu

Chuyến đi đầu tiên đến Berlin của tôi khá “chớp nhoáng” trong hai ngày, tính cả thời gian trên đường. Tham quan Berlin rất vội vàng, vì cái gì cũng muốn biết, nhưng thời gian thì không có nhiều, chính vì vậy mà Berlin không để lại ấn tượng gì sâu sắc đối với tôi. Vì thế tôi sẽ kể về Berlin với những điểm tham quan chính, như một bài giới thiệu về du lịch Berlin mà không có nhiều cảm hứng.

Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan của mình tại điểm dừng đầu tiên là di tích “Bức tường Berlin” mà tôi sẽ viết trong một bài khác. Sau đó chạy xe tới Tháp truyền hình thì dừng lại và bắt đầu đi bộ. Từ quảng trường nhỏ, chúng tôi cố gắng chụp cho được tháp truyền hình Berlin, cái cột tháp cao cũng giống như những cột tháp truyền hình khác ở các nước châu Á. Và chúng tôi cũng nhìn thấy tháp cao chính giữa của tòa Thị chính Đỏ (Rotes Rathaus).

Tòa Thị chính này được xây dựng từ 1861-1869, đã bị ném bom trong thế chiến thứ 2 và được xây dựng lại vào năm 1956. Trong thời gian chia cắt Đông – Tây Đức, tòa nhà này đã từng là tòa thị chính Đông Berlin và đến 1991 chính quyền thống nhất Berlin đã chính thức chuyển đến Rotes Rathaus. Tòa nhà này đặc biệt bởi màu đỏ của những viên gạch xây dựng nó và một tháp cao ở chính giữa, giống như nhà thờ.

Chúng tôi đi qua chiếc Đồng hồ Thế giới, dừng chân chụp ảnh, xem giờ ở Hà Nội thế nào, rồi mới đi.

Chúng tôi đi qua nhà thờ Thánh Mary, nhưng không vào bên trong. Nhà thờ này ban đầu là một nhà thờ Công giáo La Mã từ thế kỷ XIII, nhưng đã được xây lại để chuyển thành nhà thờ Tin lành Luther kể từ thời Cải cách Tin lành và trở thành nhà thờ Tin lành thống nhất kể từ Liên minh các nhà thờ Phổ năm 1817. Tôi chỉ có bức ảnh từ phía sau của nhà thờ, vì mặt tiền nhà thờ hướng ra đại lộ, muốn chụp được ảnh phải sang bên kia đường, mà tôi nhìn mãi không thấy “cầu vượt” đâu, nên không dám “chạy tắt” sang, chỉ vì một bức ảnh!

Chúng tôi dừng lại khá lâu ở đài phun nước Hải Vương Berlin vì chụp ảnh! Ai cũng muốn chụp ở nhiều vị trí khác nhau, vì ở giữa là tượng của Hải vương, tượng bốn cô gái xung quanh đều rất đẹp. Các cô tượng trưng cho bốn con sông chính là sông Elbe – với hình tượng cô gái cầm trái cây, sông băng – với hình tượng lưới cá và nho, sông Vistula (trên đất Ba Lan) – với hình tượng khối gỗ, biểu tượng của lâm nghiệp và sông Oder (tạo thành biên giới giữa Đức và Ba Lan) – với hình tượng con dê.

Đài phun nước được xây dựng vào năm 1891, có vị trí ban đầu tại Tòa thị chính, nhưng đã bị gỡ bỏ vào năm 1951, sau đó đã được di chuyển vào năm 1969 đến vị trí hiện tại.

Chúng tôi đi dọc theo đại lộ chính để đến trung tâm thành phố. Tôi đã chụp ảnh trong Công viên nhỏ trên bờ sông Spree, nơi có hai bức tượng Karl Marx và Friedrich Engels rất lớn (được xây dựng năm 1986) và một bức tường tượng cứu trợ thể hiện những cảnh trong lịch sử của phong trào xã hội chủ nghĩa Đức. Khu vườn tượng này đã từng là chủ đề tranh cãi rất “gay cấn” giữa các phe đối lập về việc dỡ bỏ hay giữ lại, nhưng cuối cùng người Đức đã quyết định giữ lại như một trang lịch sử cần được bảo tồn.

Chếch bên kia đại lộ là nhà thờ Berlin là một nhà thờ thuộc Giáo hội Tin Lành tại Đức, nằm trên “đảo Bảo tàng”, là nơi tôi loay hoay mất khá nhiều thời gian. Nhà thờ rất lớn và rất đẹp, chỉ ngắm kiến trúc bên ngoài thôi cũng đã “thích mê” rồi, nên tôi rất ao ước được vào bên trong.

Nhà thờ lần đầu được xây dựng năm 1454 với tư cách là nhà thờ Công giáo dành cho Thánh Erasmus, sau đó nhà thờ chuyển sang thuộc giáo hội Tin Lành từ năm 1539, khi Bá tước lãnh đạo Brandenburg là Joachim II Hector dòng họ Hohenzollern cải đạo sang Tin Lành. Nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1905

Nhà thờ có mái vòm cao đến 78 mét và đường kính tới 33m, khiến cho chiều cao nhà thờ lên tới 116 mét, là một trong những nhà thờ Tin lành lớn nhất nước Đức, nhưng lại chưa bao giờ là trụ sở của một giám mục, nên chưa được coi là nhà thờ chính tòa theo đúng nghĩa.

Lần đầu tôi đến vào đúng buổi trưa, nên nhà thờ đóng cửa, tôi định ngồi “ăn vạ” ở đấy đến khi mở cửa, nhưng mọi người sợ mất thời gian không xem được những thứ khác, nên đành phải chờ tới ba năm sau, mới vào xem được nhà thờ.

Bên trong nhà thờ khiến tôi có cảm giác choáng ngợp bởi màu sắc của những cây cột đá tím “rằn ri trắng” và những bức tranh Kinh Thánh bằng kính có màu sắc rất rực rỡ… Mặc dù trang trí bên trong nhà thờ rất cầu kỳ và sang trọng với rất nhiều tranh và tượng quý, nhưng tôi không thật sự thích như khi đi thăm những nhà thờ khác ở châu Âu.

Phía đối diện cách nhà thờ một quảng trường rộng là bảo tàng Altes, nơi lưu giữ những bộ sưu tạp đồ cổ. Bảo tàng được xây dựng năm 1830 theo phong cách tân cổ điển để lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình hoàng gia Phổ và cho đến năm 1845, nó được gọi là Bảo tàng Konigliches (Bảo tàng Hoàng gia). Kiến trúc của tòa nhà khá nặng nề, khiến tôi nghĩ đến tòa án hay trụ sở của quân đội hơn là một bảo tàng.

Cây cầu bắc qua một dòng sông nhỏ dẫn tới bảo tàng lịch sử Đức có nhiều bức tượng rất đẹp về những nhân vật trong chuyện cổ Hy Lạp, La Mã… Lan can thành cầu có những bức phù điêu không chỉ nàng tiên cá mà cả những chàng người cá đẹp trai.

Công viên và dòng sông tạo nên một khung cảnh rất lãng mạn, tôn thêm giá trị cho những công trình kiến trúc nằm trên “đảo Bảo tàng”.

Bảo tàng lịch sử Đức là một trong số bảo tàng quan trọng, đem lại sự hiểu biết về lịch sử chung của người Đức và người châu Âu. Nhưng tôi đã không có thời gian để vào xem, cũng như rất nhiều bảo tàng khác mà chúng tôi đã đi lướt qua ngày hôm đó.

Trên đảo Bảo tàng có phòng trưng bày Quốc gia Cũ Berlin (Alte Nationalgalerie) là nơi trưng bày nghệ thuật trưng bày một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật tân cổ điển, lãng mạn, ấn tượng và hiện đại. Phía trước tòa nhà đang được trùng tu, khi chúng tôi tới bên trong đang trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Tôi chỉ loanh quanh ngắm những bức tượng trong khu vườn của phòng trưng bày, trong khi chờ mọi người đi xem, bởi vì tôi không am hiểu về nghệ thuật hiện đại, tôi chỉ thích ngăm nhìn những bức tượng và tranh “tả thực” mà thôi.

Đối với tôi, những bức tượng ngoài vườn như thế này khiến tôi thích hơn những tác phẩm siêu thực. Trong khu vườn có nhiều bức tượng đồng các nhân vật thần thoại.

Hai bên đại lộ chính, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều công trình kiến trúc cổ kính, một số đang được trung tu sửa chữa.

Tôi cố “bon chen” chụp cho được bức ảnh dưới chân bức tượng bằng đồng đặt trên bệ cao 13 mét (và phải đứng ở giữa đường!). Đó là tượng nhà vua Phổ Frederick II đang cưỡi ngựa xây dựng năm 1851. Tầng dưới của bức tượng là tượng của các Đức Hồng y, còn tầng cuối cùng mô tả cuộc đời của vua Frederick II, trong đó thực tế và thần thoại được liên kết với nhau. Và bức tượng thứ hai là  Alexander von Humboldt -nhà tham hiểm và nhà khoa học nổi tiếng của vương quốc Phổ, em trai của Wilhelm von Humboldt, bộ trưởng nội các Vương quốc Phổ, nhà triết học, ngôn ngữ học, người sáng lập nên Viện Đại học Humboldt Berlin, một trong những viện đại học lâu đời nhất tại Berlin và là trường đại học hàng đầu của Đức, thành lập năm 1810.

Một họa sĩ đường phố đang say sưa với tác phẩm bằng phấn và bột màu trên vỉa hè. Tôi cảm thấy tiếc, bức tranh sẽ biến mất dẫn sau những cơn gió thổi hay tan biến hoàn toàn sau một trận mưa!

Một số công trình kiến trúc cổ kính khiến tôi liên tưởng đến nhà hát hoặc bảo tàng nghệ thuật.

Chiếc xe ngựa kéo sang trọng của thế kỷ XIX-XX đứng bên đường chờ khách. Sẽ rất tuyệt vời khi đi tham quan những công trình cổ kính trên chiếc xe ngựa này.

Hôm chúng tôi đi thăm Berlin, gần trung tâm đang có cuộc chạy thi, nên hai bên đường có rất đông người đứng xem và cổ vũ rất nhiệt tình. Có cả những cổ động viên xinh đẹp đứng vẫy hoa bên đường…

Đích cuối cùng của cuộc chạy đua là cổng Brandenburg. Ở đây chật ních người và những vận động viên về đến đích được phát một tấm nilon màu vàng, ghi tên cuộc đua, để họ đỡ bị cảm lạnh.

Cổng Brandenburg do vua Friedrich Wilhelm II ra lệnh xây, như một biểu tượng của hòa bình của Berlin, khánh thành năm 1791 và là một trong những công trình cổ kính của Berlin đã giữ được sau chiến tranh.

Chúng tôi tới tòa nhà Quốc hội Đức, nơi mở cửa cho khách vào tham quan, nhưng phải xếp hàng rất lâu, nên tôi đã bỏ qua một địa điểm rất đặc biệt này của Berlin. Khách tham quan được chứng kiến phòng họp nơi các nghị sĩ ngồi tranh luận những vấn đề quốc gia đại sự.

Tòa nhà có tên Reichstag là nơi diễn ra hội nghị của Quốc hội Đức từ 1894 đến 1933, sau vụ hỏa hoạn hủy hoại tòa nhà và được khôi phục lại một phần vào năm 1960, nhưng phải đến 1990 mới khôi phục lại hoàn toàn và tái tổ chức thành trụ sở Bundestag từ 1999.

Chúng tôi kết thúc chuyến đi của mình bằng một bữa ăn nhanh ở ngay tại trung tâm, trong một quán ăn “vỉa hè” nhưng sang trọng và khá đắt, sau đó lên đường.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *