Chúng tôi đến chơi nhà một người họ hàng ở Mamnhei, cách Frankfurt khoảng 70km, nên chỉ đi chơi Frankfurt được có một ngày, đúng hơn là “chạy lướt qua” khu vực trung tâm thôi, trong thời gian giữa hai chuyến tàu đến lúc 9 giờ sáng và rời khỏi ga lúc 5 giờ chiều. Ảnh dưới là nhà ga Frankfurt nơi chúng tôi đến và đi…
Vì thời gian có hạn, nên trước khi đi, chúng tôi đã đọc và xem xét kỹ lưỡng bản đồ, để có thể lựa chọn những gì theo chúng tôi là “đặc sắc nhất”! Một ngày ở Frankfurt, chúng tôi hoàn toàn đi bộ. Ra khỏi nhà ga, chúng tôi định hướng đến thẳng quảng trường khu phố cổ. Vì tất cả những thành phố chúng tôi đã đến trên chặng đường khá dài, qua nhiều nước ở châu Âu, đều khá cổ kính, nên chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những tòa nhà “chọc trời” không có vẻ châu Âu lắm trên đường phố Frankfurt.
Cũng giống như nhiều thành phố khác của Đức, Frankfurt đã bị phá hủy nhiều trong Thế chiến thứ 2 và vì đây là trung tâm tài chính của châu Âu, nên sự phát triển hiện đại ở đây là điều dễ hiểu.
Tượng đài bằng sa thạch theo phong cách Gotich với ba bức tượng đồng lớn của ông Johannes Gutenberg và hai khách hàng của ông là Hans Fust và Peter Schoffer, tại quảng trường Rossmarkt trong khu phố hiện đại của Frankfurt, được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 400 năm phát minh ra in ấn.
Chúng tôi nhìn thấy một di tích cổng thành cổ, nằm giữa phố lớn hiện đại. Đây là một phần còn lại của pháo đài thời trung cổ, được xây dựng từ thế kỷ XV và vẫn giữ được nguyên vẹn.
Đi dần vào trung tâm phố cổ, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy nhiều hơn hình ảnh của châu Âu cổ kính.
Đang là mùa Giáng sinh, nên hầu như tất cả các quảng trường lớn, nhỏ xung quanh nhà thờ đều có hội chợ. Đầu tiên chúng tôi đi qua nhà thờ Thánh Catherine – là nhà thờ Tin lành lớn nhất ở Frankfurt.
Thánh Catherine sinh ra ở thành phố Alexandria, Ai Cập thế kỷ thứ IV, là người có nhan sắc, say mê nghiên cứu triết học và tôn giáo, khi hiểu về Kito giáo, bà đã trở thành một tín đồ và đã chống lại hoàng đế La Mã, người đàn áp Kito giáo. Hoàng đế đã say mê sắc đẹp của bà, muốn cưới làm vợ và trao tước vị hoàng hậu, nhưng bà từ chối vì đức tin Kito giáo của mình. Bà bị bắt giam, nhưng trong tù vẫn không ngừng truyền giáo lý cho cả cai ngục. Hoàng đế biết chuyện đã nổi giận và hành hình bà trên bánh xe đầy đinh nhọn.
Nhà thờ được xây dựng năm 1681, nhưng đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh năm 1944 và được khôi phục lại năm 1950, nhưng với kiến trúc đơn giản hơn. Việc phục hồi toàn bộ được hoàn thành năm 2011, kể cả những bức tranh bên trong và gác chuông, mái nhà thờ bên ngoài.
Chúng tôi không vào bên trong nhà thờ, vì lúc đó đóng cửa. Cuối giờ chiều khi quay trở lại, chúng tôi có vào bên trong, nhưng vì vội vàng nên đã không chụp được ảnh. Nội thất nhà thờ Tin lành thường đơn giản hơn nhà thờ Công giáo rất nhiều.
Nhà thờ Catheri nằm trên quảng trường nhỏ có tên là Hauptwache, nơi được coi là điểm bắt đầu của thành phố Frankfurt cổ. Một nhà hàng ngoài trời đang chuẩn bị mở cửa, chào đón một ngày nắng đẹp hiếm hoi của mùa đông.
Hội chợ Giáng sinh mặc dù được tổ chức tại các quảng trường xung quanh nhà thờ, nhưng vì ở đây có khá nhiều nhà thờ, nên tôi có cảm giác toàn bộ khu phố cổ Frankfurt là một hội chợ khổng lồ.
Chúng tôi đi qua một nhà thờ Tin lành khác, đó là nhà thờ Thánh Paul. Đây đã từng là trụ sở của Quốc hội Frankfurt năm 1848, cơ quan lập pháp đầu tiên được bầu chọn công khai và tự do của Đức. Mặc dù hiện nay là nhà thờ Giáo hội Tin lành, nhưng trước đây đã bắt đầu như một nhà thờ Lutheran vào năm 1789.
Chúng tôi vào quảng trường trung tâm, nơi có một hội chợ Giáng sinh lớn, rất vui, nhưng cũng là điều khó đối với chúng tôi vì không sao có thể chụp được những ngôi nhà “La mã”, biểu tượng của Frankfurt, một cách hoàn chỉnh, mà chỉ có những mảnh hình phải “lắp ráp”.
Những ngôi nhà này đã có từ đầu thế kỷ XV và trở thành tòa thị chính của thành phố năm 1405. Nơi đây là địa điểm lựa chọn nhà vua và đăng quang hoàng đế từ thời Trung cổ đến thời đại hoàng đế Thánh thần La Mã năm 1806. Giờ đây, tòa nhà này không dùng làm bảo tàng như nhiều tòa nhà lịch sử khác, mà được dùng vào nhiều mục đích khác nhau, như phòng đăng ký kết hôn.
Mặt ngoài có mái nhà với đầu hồi bậc thang, phản ánh lịch sử của thành phố và của đế quốc La Mã thần thánh. Ở ngôi nhà giữa La Mã có tượng của 4 vị hoàng đế, 2 huy hiệu của thành phố và chiếc đồng hồ.
Những tòa nhà có khung bằng gỗ, một loại kiến trúc rất đặc biệt ở các nước tây Âu, có lịch sử từ thế kỷ XV, nằm xung quanh quảng trường “Núi La Mã” (Romerberg), tôi không biết tại sao lại gọi như vậy, đã trở thành biểu tượng của Frankfurt cổ kính.
Nhà thờ Thánh Nicholas nằm trên quảng trường đã bị những gian hàng Giáng sinh che kín, là nhà thờ Lutheran thời trung cổ, giờ là một phần của giáo hội Tin lành. Nhà thờ có tới 51 quả chuông và nhà nguyện đầu tiên được xây dựng ở đây từ thế kỷ XII, còn nhà thờ hiện nay được xây dựng từ thế kỷ XV và mặc dù Frankfurt bị đánh bom và tàn phá nặng nề trong Thế chiến thứ 2, nhà thờ Thánh Nicholas chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Đài phun nước Nữ thần Công lý không nổi bật ở quảng trường như ngày thường, vì những gian hàng và tôi thật sự có lỗi khi chỉ có hình bức tượng này từ phía sau.
Chúng tôi rời quảng trường khu phố cổ để tìm một nơi vắng vẻ hơn để nghỉ chân và ăn trưa. Khi đi đến nhà thờ Công giáo Frankfurt, chúng tôi tim được một sân trước tòa nhà đóng cửa, có bàn ghế ngoài trời, giữa không gian đầy lá rụng. Và chúng tôi đã ăn trưa những thức ăn mang theo, trong khi ngắm nhà thờ và nghe tiếng chuông vang giữa trưa.
Nhà thờ Frankfurt là nhà thờ Hoàng gia dành riêng cho Thánh Bartholomew, một trong 12 tông đồ của Chúa Jesu. Ông là người Do Thái, nhận được ân sủng của Chúa, ông có tài ăn nói và làm được nhiều phép lạ. Ông đã đi truyền giáo ở Lycôni, Ấn Độ và Armenia…nhưng cuối cùng đã bị xử trảm, vì những kẻ ngoại đạo ghen ghét và hãm hại. Thánh Bartholomew được coi là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc ở Đức, đặc biệt là trong thế kỷ XIX.
Đây là tòa nhà tôn giáo lớn nhất trong thành phố và là một nhà thờ cũ của trường đại học. Tuy nhiên nhà thờ chưa bao giờ là một nhà thờ thực sự mà được phục vụ làm nơi bầu cử và đăng quang trước đây của Đế chế La Mã thần thánh. Từ năm 1356 trở đi, các hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh đã được bầu trong nhà thờ này và trở thành vua ở Đức và từ năm 1562 đến 1792, các hoàng đế được bầu đăng quang ở đây. Ảnh dưới là nhà thờ
Thánh Bartholomew chụp từ bên kia sông.
Tòa nhà hiện tại là nhà thờ thứ ba trên cùng một địa điểm, các cuộc khai quật đã chứng minh tòa nhà đầu tiên có thể bắt đầu từ thế kỷ thứ VII, nhà thờ hiện nay có kiến trúc từ thế kỷ XV, nhưng năm 1867, nhà thờ bị hư hại trong một vụ hỏa hoạn và đã được xây dựng lại, trong chiến tranh thế giới thứ 2, tòa nhà bị phá hủy nặng nề và nội thất đã bị đốt cháy hoàn toàn. Tòa nhà được xây dựng lại vào những năm 1950.
Sau khi ăn trưa với những đồ ăn nhanh mang theo, chúng tôi tranh thủ thời gian tiếp tục hành trình, ra sông Main, đi qua cây cầu đi bộ Eiserner Steg, được xây dựng lần đầu năm 1868, sau đó được thay thế bằng cây cầu đúc dài hơn vào năm 1912, nhưng đã bị “thổi bay” trong thế chiến thứ 2 và được xây dựng lại năm 1946 và được cải tạo lại hoàn toàn năm 1993. Trên cầu có rất nhiều khóa đủ loại, đủ màu…của những đôi tình nhân cầu mong tình yêu vĩnh cửu.
Từ trên cầu, chúng tôi ngắm nhìn khu phố cổ của Frankfurt. Đây là một cổng thành cổ nữa, một phần của pháo đài thời trung cổ, thế kỷ XV.
Và khu vực bên kia bờ sông Main của Frankfurt. Đằng xa là nhà thờ của “Ba vị vua” (Dreikonigskirche), một nhà thờ giáo xứ Lutheran ở Frankfurt, bên bờ sông Main. Năm 1340 nhà nguyện của bệnh viện Gô-loa đã được thánh hiến, đến năm 1881, nhà nguyện bị phá hủy và người ta xây dựng nhà thờ kiến trúc Tân Gothic thay thế vào đó.
Rất tiếc là khi chúng tôi đến, nhà thờ đóng cửa, nên chúng tôi chỉ ngắm nhìn từ xa và lại gần, nhưng không biết bên trong nhà thờ thế nào.
Con đường bên này sông có hàng cây già, giờ chỉ còn trơ cành, chắc sang xuân và mùa hè, đi giữa hàng cây này sẽ rất thích.
Chúng tôi chỉ đi bộ dọc theo bờ sông, ngắm nhìn những tòa nhà và phong cảnh Frankfurt ở bờ bên này và bên kia sông. Bờ bên này cũng có những tòa nhà cổ. Tôi chỉ thích ngắm nhìn những kiến trúc cổ, còn những tòa nhà cao tầng, mặc dù chúng cũng được thiết kế và xây dựng bởi những kiến trúc sư tài ba, nhưng tôi không thích.
Một ngôi nhà có kiến trúc khá đặc biệt nằm ở một bên đầu của một cây cầu, thu hút sự quan tâm của tôi. Có lẽ đây là một loại “trạm gác”, vì ngôi nhà cao đến ba bốn tầng, nhưng chỉ có tầng trên cùng có cửa sổ nhìn ra sông…
Frankfurt xen kẽ giữa cổ kính và hiện đại…Chúng tôi nhìn thấy tòa nhà cổ có mái đen rất dốc và to, phía trước có hai tòa tháp hình bút chì.
Và chúng tôi đã tò mò đến tận nơi để xem tòa nhà này. Nó có vẻ như một nhà thờ nhỏ.
Một ngày đi bộ ở Frankfurt chúng tôi không kỳ vọng có thể xem được nhiều, nhưng những gì chúng tôi được thấy đã để lại ấn tượng rất đẹp về một thành phố giữ vị trí quan trọng về tài chính, ngân hàng và kinh tế của nước Đức.