Lâu đài cổ Heidelberg, CHLB Đức

Tôi dành riêng một bài để kể về Lâu đài cổ Heidelberg bởi vì nó xứng đáng được nói nhiều như thế, vì nó quá nổi tiếng và tin tôi đi, bạn sẽ thấy nó rất tuyệt vời!

Ngay khi ra khỏi xe tại bến đỗ nằm ngoài rìa của Heidelberg, chúng tôi đã nhìn thấy Lâu đài cổ Heidelberg nằm sừng sững trên sườn đồi Konigstuhl, cao khoảng 80 mét so với mực nước biển, trông thật ngạo nghễ! Nó không còn giữ được vẻ đẹp lộng lẫy của thời hoàng kim, mà chỉ còn là một tàn tích, nhưng một tàn tích đầy kiêu hãnh, bởi vì nó là tòa lâu đài có kiến trúc Phục hưng quan trọng nhất ở phía bắc dãy Alps.

Chúng tôi theo con đường dốc vòng quanh quả đồi để lên Lâu đài cổ Heidelberg đã có lịch sử từ thế kỷ XIII. Dọc đường lên, chúng tôi nhìn thấy những tàn tích đổ nát, đã không còn tưởng tượng nổi trước kia chỗ đó đã từng là gì. Chỉ thấy dấu tích của những chân tường thành bằng đá, bên trên xây gạch, tất cả đều cùng một màu hồng nâu, đã bị thời gian làm bạc màu.

Càng lên cao, những di tích càng định hình rõ ràng hơn, hình ảnh tòa Lâu đài bắt đầu được khắc họa rõ nét hơn.

Nhiều tòa nhà vẫn còn giữ được hình dáng nguyên vẹn sau lần trùng tu.

Chúng tôi chăm chú đọc những bảng giới thiệu, để có thể hình dung được những gì còn lại từ tàn tích Lâu đài, về một “lịch sử” đầy thăng trầm của nó, với sự tàn phá của con người và cả “Ông Trời” nữa!

Di tích Lâu đài cổ hiện nay, có một phần được xây dựng lại kể từ khi phá hủy vào thế kỷ XVII – XVIII.

Tòa lâu đài bắt đầu được Hoàng đế Hohenstaufen Friedrich II xây dựng năm 1214 để tặng cho Louis I – Công tước xứ Bavaria. Năm 1294, tòa lâu đài được mở rộng thành hai lâu đài, nhưng tòa lâu đài phía trên đã bị sét đánh phá hủy vào năm 1537. Kiến trúc hiện tại là tòa lâu đài phía dưới đã được mở rộng vào năm 1650, trước khi thiệt hại bởi các cuộc chiến và hỏa hoạn sau đó. Năm 1764, một tia sét khác đã gây ra một vụ hỏa hoạn phá hủy một số phần được xây dựng lại.

Năm 1619, nhà vua trẻ Frederick V xứ Bohemia đã chống lại chế La Mã Thần Thánh, ủng hộ  những người theo đạo Tin lành, gây ra cuộc chiến tranh Ba mươi năm. Đó là lần đầu tiên vũ khí chống lại lâu đài, đánh dấu sự kết thúc của việc xây dựng lâu đài và những thế kỷ tiếp theo là sự hủy diệt và khôi phục lại.

Năm 1620 Frederick V thất bại và phải chạy trốn, và Tướng Tilly, chỉ huy tối cao của quân đội của Đế quốc La Mã đã chiếm được Heidelberg năm 1622. Năm 1633 người Thụy Điển nã đạn vào chân đồi, khiến Tilly phải giao lại tòa Lâu đài cho họ. Quân đội của hoàng đế La Mã đã cố gắng lấy lại tòa lâu đài, nhưng phải đến năm 1635 mới thành công và họ chiếm giữ đến năm 1649, sau khi kết thúc chiến tranh Ba mươi năm, mới giao lại cho người cai trị mới là vua Charles Louis (Karl Ludwig). Sau khi vua Charles II chết, cuộc xung đột với quân đội Pháp năm 1688 đã phá hủy nhiều phần của Lâu đài và cả một phần thành phố cổ Heidelberg. Tòa lâu đài đã được Johann Wilhelm đại cử chi của Palatine khôi phục lại ít nhiều, nhưng đến năm 1693 người Pháp quay trở lại, tấn công và phá hủy những phần còn lại của tòa lâu đài khi rút lui bằng mìn.

Sau đó vua Charles III Philip đã có mong muốn khôi phục lại Lâu đài, nhưng bị trì hoãn do thiếu tiền, nên ông chỉ cho người chăm sóc hầm rượu trong lâu đài. Năm 1720 do xung đột với người dân đạo Tin lành trong thị trấn, vua Charles đã di chuyển cung điện và tòa án tối cao đến Mannheim.

Người kế vị là vua Karl Theodor đã lên kế hoạch chuyển tòa án trở lại Lâu đài Heidelberg, nhưng năm 1764 sét đã đánh vào Saalbau (tòa nhà tòa án) hai lần liên tiếp và một lần nữa đốt cháy lâu đài. Nhà vua coi đó là dấu hiệu từ thiên đường và thay đổi kế hoạch của mình. Sau đó năm 1777 vua Karl Theodor chuyển cung điện và tòa án từ Mannheim về Munich, Lâu đài Heidelberg không còn hy vọng hồi sinh, mà tệ hơn, người ta còn lấy gạch và đá của Lâu đài để làm vật liệu xây dựng công trình khác.

Vào đầu thế kỷ XIX, Lâu đài Heidelberg đổ nát đã trở thành biểu tượng cho phong trào yêu nước chống lại Napoleon. Thậm chí trước năm 1800, các nghệ sĩ đã đến để xem dòng sông, những ngọn đồi và tàn tích của Lâu đài như một bản hòa tấu lý tưởng.

Bá tước Charles de Graimberg người Pháp là người có công bảo vệ và gìn giữ những tàn tích của Lâu đài cổ, ông dọn để lâu đài ở và bảo tồn tài liệu và những hiện vật của Lâu đài. Ông bắt đầu quảng bá về Lâu đài qua những bức ảnh chụp gửi bạn bè và hình ảnh Lâu đài đã xuất hiện trên những chiếc cốc lưu niệm của Heidelberg.

Năm 1883, Đại công tước xứ Baden đã thành lập một “văn phòng hiện trường lâu đài” để giám sát công việc bảo tồn và khôi phục Lâu đài. Tuy nhiên, vì Lâu đài đã bị tàn phá hư hỏng nặng, nên việc khôi phục lại hoàn toàn là không thể, chỉ có tòa nhà Friedrich, có nội thất bị hỏa hoạn, nhưng không bị hủy hoại, được khôi phục. Và Lâu đài đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến tham quan, trở thành biểu tượng của thành phố cổ Heidelberg.

Từ trên tường thành, ngắm nhìn Heidelberg cổ kính phía dưới, mới thấy được vị trí chiến lược quan trọng của tòa Lâu đài này. Từ đây, có thể bao quát được tất cả không gian rộng lớn của thành phố bên dưới và cả bên bờ bắc của sông Neckar.

Tôi đã phải dừng lại liên tục để chụp cho mình những bức ảnh, trên con đường đi xuống từ Lâu đài. Những tòa nhà, con đường, nhà thờ bên dưới rất cổ kính, cứ hiện ra rõ dần…

Để rồi lại ngước nhìn lên trên, nơi Lâu đài cổ khuất dần sau những tòa nhà “trẻ hơn” bên dưới.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *