Khi còn nhỏ, chúng tôi đã từng có những năm tháng “sống chậm”, rất thanh bình ở Hà Nội. Chúng tôi đi bộ đến trường, đi bộ sang nhà nhau chơi, nếu đi xa hơn, có thể đi bộ ra bến tàu điện, rồi ngồi tàu điện vài bến để rồi lại xuống đi bộ tiếp. Khi tôi lên 10, nhà chúng tôi chuyển từ ga Hà Nội về cuối phố Huế, tôi đã dẫn các bạn mình đến nhà mới chơi, cả đi bộ và đi tàu điện mất đúng một buổi sáng! Nhưng tôi yêu cái “chậm” của Hà Nội ngày ấy và cứ nghĩ sẽ không bao giờ còn được sống trong cái “chậm” đó nữa. Nhưng khi sang châu Âu, đặt chân tới những thành phố cổ kính, tôi thật bất ngờ lại được sống trong cái không gian thanh bình và “chậm” ngày xưa. Heidelberg là một trong những thành phố ấy.
Dọc theo sông Neckar, gần tới Heidelberg, là những “làng xóm” với những biệt thự, lâu đài nhỏ, nằm soi bóng xuống dòng sông, dưới chân những ngọn núi thoai thoải…Đó giống như là “cõi thần tiên”, nơi sự thanh bình ngự trị! Chỉ tiếc là máy ảnh không tốt và thời tiết của một ngày đầu đông không cho phép tôi có được những bức ảnh chân thực.
Chúng tôi đi bộ dọc bờ sông để được đắm mình trong cuộc sống thanh bình nơi đây. Trên bờ sông, những con “ngỗng thiên nga” một loài chim trời khá đặc biệt ở đây, lẽ ra giờ này chúng đã phải di cư về phương nam ấm áp, vậy mà chúng vẫn cố nán lại ở đây.
Một gia đình đi chơi trên những chiếc xe đạp. Người cha chở hai đứa trẻ trên chiếc xe đạp “thùng”, một kiểu xiclo giống ở nhà mình, người mẹ đi đằng sau.
Vẫn còn màu xanh của những hàng rào cây ven đường, một vài cây cổ thụ còn lưu luyến với những chiếc là vàng cuối cùng. Trên phố chỉ lác đác vài người đi xe đạp.
Cuộc sống bên bờ sông Neckar chầm chậm trôi…
Một khu vui chơi của trẻ em giữa những tòa nhà cũng khiến tôi ngạc nhiên về sự giản dị của nó. Những thân cây gỗ khô được dùng để làm “tường ngăn” đất cát khỏi rơi vãi ra đường đi, mấy thanh gỗ ghép lại đơn giản, nhưng cũng đủ để cho bọn trẻ rèn luyện sức khỏe!
Chúng tôi đi vào trong khu phố cổ Heidelberg trên con đường lát đá cổ kính, nằm giữa những ngôi nhà chỉ có vài tầng. Những cửa hàng đã mở, nhưng có lẽ còn sớm nên chưa có nhiều khách tới, phố xá lác đác người qua lại.
Một chiếc xe đạp chở đằng sau chậu cây xanh được đặt ở trước một cửa hàng bán đồ thêu, ren truyền thống. Những món hàng được làm bằng tay, rất công phu và đẹp được bày trên chiếc xe xe “cút kít” bằng gỗ…như đưa chúng tôi trở lại cả thế kỷ trước.
Chúng tôi đi về phía quảng trường trung tâm của khu phố cổ Heidelberg, nơi có nhiều người dân và du khách đang hòa mình trong không khí “Giáng sinh”. Trên đường, tôi đã gặp nhiều người, ở những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có cùng một điểm chung là rất vui vẻ và hạnh phúc!
Không khí “hội chợ” không giống như ở nhà mình, không ồn ào, vội vã. Mọi người đến đây để có những khoảng thời gian sống cùng với nhau, vui vẻ chuyện trò… trong bầu không khí của ngày đoàn tụ gia đình.
Để cùng thưởng thức những món ăn truyền thống…
Họ đến để chọn cho bạn bè và người thân những món quà Giáng sinh, chứ không tìm kiếm cơ hội mua hàng khuyến mại, hạ giá như hội chợ Tết nhà mình.
Và ở đây, trong Hội chợ Giáng sinh Heidelberg, tôi đã thấy những món hàng thủ công tuyệt vời, mà trước đây tôi cứ nghĩ chỉ có người Việt khéo tay mới làm được. Những món quà bằng sứ, mỗi cái một hình vẽ, hoa văn, kiểu dáng, khiến cho người mua phải bối rối.
Còn đây là những món quà bằng đất nung, những ngôi nhà truyền thống có khung bằng gỗ và tường nhà được trộn rơm và bùn, những nhân vật cổ tích và rất nhiều điều thú vị khác.
Những chiếc đèn lồng bằng giấy, một loại giấy rất mỏng nhưng lại bền và dai, kiểu như “giấy gió” nhà mình, cũng được làm hết sức khéo léo, trang nhã (thế mà tôi đã từng nghĩ chỉ có mấy nước châu Á mới làm được những chiếc đèn “tao nhã” thế này!) Và điều đặc biệt, đó là những món quà rất được người dân trân trọng và thích thú.
Trước kia, tôi cũng hay đi “Hội chợ xuân” trước Tết, nhưng khoảng chục năm gần đây thì tôi đã thôi hẳn, bởi nó giống hệt như muôn vàn hội chợ khác, không có một chút văn hóa hay truyền thống Việt, chỉ đơn giản là nơi bán hàng hóa nhiều khuyến mại, mà bạn có thể bắt gặp cả ở các nước đông nam Á khác. Nhưng Hội chợ Giáng sinh ở châu Âu thì khác. Tôi đã có dịp đi hội chợ của nhiều nước vào dịp này và thấy rõ những mặt hàng mang tính chất truyền thống địa phương được bày bán trong các hội chợ Giáng sinh rất khác nhau, rất đặc biệt và vô cùng hấp dẫn. Mỗi khu Hội chợ, ban tổ chức chỉ cho đăng ký một gian hàng bán một loại sản phẩm đặc biệt, nghĩa là sẽ không tìm thấy hai gian hàng bán cùng loại sản phẩm.
Ở các hội chợ Giáng sinh tại Đức, các quầy bán rượu cố truyền nóng đều bán kèm cốc uống có ghi tên của thành phố và năm, để nếu khách nào muốn giữ làm kỷ niệm thì có thể trả tiền cho chiếc cốc mình vừa uống và mang về nhà, ở Heidelberg cũng vậy, và tôi đã có một bộ “sưu tập” cốc uống rượu kiểu này ở mỗi thành phố Đức tôi đi qua.
Chúng tôi ra khỏi hội chợ, dọc con phố người ta bày bán những cây trang trí cho ngày lễ Noel và những đồ trang trí trên cây thông. Không tất bật và lo lắng như những người bán đào, quất ở nhà vào ngày sát Tết, người chủ quầy bán cây rất “ung dung” đứng ngắm nhìn khách đi chơi chợ và vui chung với niềm vui của mọi người.
Ở góc phố, một bức tượng người ngồi đọc sách, rất quen thuộc với người châu Âu, những người vẫn giữ được sở thích đọc truyện giấy.
Chúng tôi đi rất chậm, cố níu giữ những khoảng thời gian quý báu nơi đây, ở thành phố cổ Heidelberg này…thật thanh bình, thật nhẹ nhõm!