Thành phố cổ Heidelberg, CHLB Đức

Tôi may mắn được đi chơi mấy thành phố của nước Đức, nơi nào tôi cũng thấy thích (đi du lịch mà!), nhưng mỗi nơi một vẻ. Heidelberg không phải là thành phố lớn “tiếng tăm” như Frankfurk hay Berlin, nhưng lại là thành phố cổ “có tiếng”, vì nó là thành phố cổ duy nhất còn nguyên vẹn của Đức sau Thế chiến thứ 2. Tôi đã từng chia sẻ với mọi người về sự hấp dẫn của nó ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi mới vào gần thành phố. Và một ngày dạo chơi ở Heidelberg thật sự tuyệt vời!

Chúng tôi đi bộ từ chỗ đậu xe, dọc theo bờ sông để ngắm nhìn buổi sáng yên tĩnh hai bên bờ. Những ngôi biệt thự cổ kính bên kia sông cứ níu chân tôi, khiến tôi quay đi, quay lại chụp đến mấy chục kiểu ảnh, mà vẫn thấy không đủ, như thể sợ chúng sẽ biến mất trong giây lát.

Trước khi vào khu phố cổ, chúng tôi lên cây cầu cổ được xây dựng năm 1786–1788, bắc qua sông Neckar, không phải để sang bên kia bờ, mà chỉ đơn giản muốn dạo chơi trên cây cầu và ngắm cảnh. Cây cầu cổ này đã gần 250 tuổi, nhưng tuổi thực tế có lẽ phải gần 700 tuổi, vì nó được xây trên trụ cột cũ của 8 cây cầu đã ra đời lần lượt trước đó từ thế kỷ XIII. Đầu cầu phía nam dẫn vào khu phố cổ vẫn còn những dấu vết cây cầu cũ từ thời Trung Cổ.

Trên cầu có một số bức tượng, thường thì tôi rất quan tâm đến những bức tượng, muốn biết xem tượng đó là ai, tại sao lại được đặt trên cầu, nhưng lần này tôi thật có lỗi đã không chú ý lắm đến chúng, đi lướt qua mà thậm trí còn không dừng lại chụp ảnh. Có thể vì cảnh đẹp bên sông đã thu hết tâm trí tôi vào đó.

Vùng đất của Heidelberg ngày nay, người La Mã đã từng sinh sống hơn 200 năm từ năm 40 sau CN đến năm 260, cho đến khi những bộ lạc người Giéc Manh đến xâm chiếm. Người La Mã đã xây cây cầu đầu tiên bằng gỗ bắc qua sông Neckar khi họ đến đây vào thế kỷ I sau CN và xây lại cây cầu bằng đá vào năm 200. Có thể cây cầu đá này đã sụp đổ trong cuộc chiến giữa người La Mã và người Giéc Manh và suốt 1.000 năm, sông Neckar không có cây cầu nào được bắc qua nữa, cho đến năm 1284, cùng với sự hình thành của Heidelberg, cây cầu đầu tiên được xây dựng ở vị trí cầu cổ hiện nay, dẫn thẳng tới khu chợ trung tâm của phố cổ Heidelberg.

Chúng tôi xuống cầu và đi dọc con phố đi bộ có tên là Hauptstrasse, để vào trung tâm, mà thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu lại để ngắm cổng tháp ở hai bên đầu cầu.

Dọc đường vào trung tâm Heidelberg thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp đường cắt ngang, là những con phố hẹp chạy dài, cổ kính, được lát đá với những tòa nhà nhỏ nằm hai bên phố… vắng vẻ.

Những con phố nhỏ trong khu phố cổ, tuy ít người đi lại nhưng vẫn có biển báo giao thông rất cẩn thận!

Trung tâm khu phố cổ là quảng trường, nơi có nhà thờ Chúa Thánh thần (Heiliggeistkirche) được xây dựng theo phong cách Gotich. Nhà thờ hiện tại được xây dựng trên nền cũ của nhà thờ La Mã, mà trước đó đã từng có nhà thờ cổ hơn nữa, và được đặt viên gạch đầu tiên vào cuối thế kỷ XIV. Nhà thờ đã từng dành cho Thánh Peter, sau đó được dùng làm trường đại học của Heidelberg và được xây dựng, sửa chữa, mở rộng qua nhiều thời kỳ.

Chúng tôi đến đây vào những ngày cuối năm, nên quảng trường đã được dùng để tổ chức hội chợ Giáng sinh, nên rất khó để chụp được toàn cảnh nhà thờ. Phía sau lưng nhà thờ, giữa quảng trường có đài phun nước
Herkule, đã bị các quầy hàng vây quanh, trông có vẻ “bối rối”. 

Bên trong nhà thờ nổi bật bởi màu hồng của các cột bằng đá, những đường viền sát mái và đường trang trí tường. Không có nhiều tranh và tượng đặc biệt, nhưng mang lại cảm giác ấm áp khi bước vào nhà thờ.

Đây là hình ảnh toàn cảnh nhà thờ nhìn từ Lâu đài cổ Heidelberg.

Chúng tôi đi bộ vòng quanh khu chợ, vừa thưởng thức món rượu nóng mùa đông, vừa ăn món xúc xích Đức nổi tiếng (nhưng tôi không thể phân biệt được sự khác nhau của xúc xích ở các vùng của Đức!) và ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trên quảng trường. Ở đây còn có nhà thờ Chúa Jesus được xây dựng bằng đá màu hồng đặc biệt, với rất nhiều bức tượng Đức Mẹ Maria, Chúa Jesus và các vị Thánh phía mặt tiền nhà thờ.

Nằm vuông góc với nhà thờ là nhà nguyện và thư viện.

Bức tượng Đức Mẹ Maria đứng giữa quảng trường, quay lưng về phía lâu đài cổ Heidelburg. Bức tượng này được giáo phái Dòng Tên xây dựng năm 1718, để cố gắng thúc đẩy người dân Heidelberg chuyển sang Công giáo. Tuy nhiên, nhiều người theo đạo Tin Lành đã chọn việc di chuyển chỗ ở đến nơi khác để giữ nguyên đức tin của họ.

Tòa thị chính (Tòa thị chính) của Heidelberg được xây dựng lại năm 1701 sau khi tòa thị chính cổ bị quân đội Pháp phá hủy năm 1689, dịp Noel cũng đóng cửa để dành khoảng không gian phía trước cho hội chợ.

Nằm ở khu vực quảng trường có một tòa nhà rất đặc biệt, hấp dẫn khách du lịch. Đó là “Ngôi nhà Hiệp sĩ” – tôn vinh hiệp sĩ của Thánh George, nay đã trở thành một khách sạn sang trọng.

Một quán Phở Saigon nằm khiêm tốn trên phố, giờ này không đông khách.

Khu vực trung tâm đông đúc người qua lại, nhưng có lẽ chủ yếu là khách du lịch. Cũng có nhiều gia đình đi chơi Hội chợ Giáng sinh với những đứa trẻ rất hào hứng…

Một quầy bán hàng xinh xắn trên phố cổ khiến nhiều người phải dừng chân chụp hình, rất lạ lẫn đối với tôi, nhưng có thể là bình thường đối với người châu Âu, bởi sự giản dị dường như là phong cách châu Âu hiện giờ.

Sân phía trước một tòa nhà mà tôi nghĩ có thể là một trường học ở Heidelberg, bởi vì theo cách nhìn của tôi, ở đây có những “bộ bàn ghế” bằng gỗ đơn giản, nhưng có vẻ gì đó “trí thức”, mà tôi nghĩ phù hợp với sinh viên!

Qua một vòm cổng cổ kính, nhìn vào một khuôn viên nhỏ xung quanh một tòa nhà có kiến trúc rất đẹp (tôi thích những ngôi nhà như thế này, vì “mù về kiến trúc” nên tôi coi những ngôi nhà thế này là tuyệt đẹp!), nhưng hơn cả, đó là sự yên tĩnh, thanh bình, mà tôi luôn thấy thiếu trong cuộc sống của mình.

Bên ngoài khu phố cổ còn có nhiều tòa nhà và di tích cổ, như Stadthalle – một trung tâm văn hóa và tổ chức sự kiện nổi tiếng được khánh thành năm 1903. Có vẻ như đá hồng và gạch nâu đỏ là loại vật tư xây dựng đặc trưng ở Heidelberg, vì tôi thấy khá nhiều tòa nhà cổ được xây dựng bằng loại vật liệu này.

Thư viện Tổng hợp Heidelberg là một trong 8 thư viện đẹp nhất CHLB Đức, nơi có hơn 3,2 triệu cuốn sách quý. Thư viên hiện nay được khánh thành năm 1905, trên nền của thư viện cũ có từ thế kỷ XVII.

Nhiều tòa nhà cổ kính mà tôi không tìm hiểu được thông tin gì về chúng, đưa ra cho mọi người cùng xem và nếu ai đó biết thì chia sẻ cho tôi với nhé.

Tất cả mọi du khách đều đi tham quan Lâu đài Heidelberg, một di tích lịch sử nổi tiếng, đồng thời là biểu tượng của Heidelberg. Và tôi sẽ trở lại với các bạn trong bài riêng về tòa Lâu đài này.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *