Những công trình kiến trúc đặc biệt ở Plzen, Cộng hòa Séc

Với thời gian một ngày ngắn ngủi, chúng tôi chỉ mới “đi qua” được một vài nơi trong trung tâm của Plzen (có lẽ tên Pilsen sẽ thân thuộc với thế giới hơn, vì mọi người biết nhiều đến bia Pilsner) và tôi vô cùng ấn tượng khi nhìn thấy Giáo đường Do Thái vĩ đại – giáo đường Do Thái lớn thứ hai ở châu Âu.

Khi kiến ​​trúc sư người Áo là Max Fleischer vẽ thiết kế ban đầu cho giáo đường theo phong cách kiến ​​trúc Gothic với các trụ đá granit và tòa tháp đôi cao 65 mét, các ủy viên hội đồng thành phố Plzen đã từ chối vì họ cảm thấy rằng công trình này sẽ lớn hơn cả nhà thờ St. Bartholomew nằm ở quảng trường Cộng hòa. Vào thời điểm đó, cộng đồng Do Thái ở Plzen có khoảng 2.000 người và họ đã đề nghị kiến trúc sư Rudolf Stech thiết kế lại vào năm 1893 với sự pha trộn của các phong cách, từ mái vòm củ hành tây của nhà thờ chính thống Nga, đến trần nhà theo phong cách Ả Rập và những nét trang trí rất khác biệt của Ấn Độ.

Giáo đường được sử dụng mà không bị gián đoạn cho đến khi Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến II và cộng đồng Do Thái đã chiếm lại quyền sở hữu giáo đường vào cuối chiến sự. Giáo đường được sử dụng làm nơi lưu trữ trong chiến tranh và do đó không bị phá hủy. Giáo đường hoạt động đến năm 1973 và sau đó bị đóng cửa trong thời kỳ cộng sản và được mở cửa trở lại vào năm 1998. Vì cộng đồng Do Thái ở Plzen hiện rất ít, nên giáo đường chỉ dùng phòng cầu nguyện mùa đông cho việc thờ cúng, còn hội trường trung tâm thường được sử dụng cho các buổi hòa nhạc và các cuộc triển lãm ảnh, tranh nghệ thuật.

Vì không có hướng dẫn viên, nên chúng tôi cứ đi đến đâu, chân mình đưa tới. Chúng tôi đi qua nhà hát Josef Kajetán Tyl (mang tên nhà văn, nhà viết kịch và diễn viên nổi tiếng trong phong trào Phục hưng Quốc gia Séc và là tác giả của quốc ca hiện tại của Cộng hòa Séc) là nhà hát chính ở Plzen, được xây dựng từ năm 1899 – 1902 theo phong cách phục hưng với một số yếu tố nghệ thuật theo thiết kế của Antonin Balsanek. Mỗi năm nhà hát thực hiện khoảng 18 buổi ra mắt phim truyền hình, nhạc kịch, nhạc kịch, ba lê hoặc nhạc kịch.

Rồi đến nhà thờ Thánh John xứ Nepomuk – vị thánh của Bohemia (truyền thuyết về vị Thánh tôi đã kể khi nói về bức tượng của Người trên cầu Tình ở Praha. Người đã bị tra tấn đến chết và ném xác xuống sông Vltava theo lệnh của Vua Vaclas, vì Người đã kiên quyết giữ bí mật những lời xưng tội của nữ hoàng xứ Bohemia và bằng cái chết của mình Người đã trở thành vị Thánh bảo vệ người dân khỏi lũ lụt và chết đuối), nhưng vì giờ trưa nên nhà thờ đóng cửa.

Chúng tôi đi qua rất nhiều tòa nhà có kiến trúc hấp dẫn, nhưng không biết “lai lịch” hay bất kỳ câu chuyện nào về chúng.

Chúng tôi đến ga xe lửa Plzen cổ kính, được gọi là nhà ga khởi hành, xây dựng từ năm 1904, đến năm 1907, cần phải mở mang thêm các tuyến đường sắt, Plzen đã xây dựng nhà ga xe lửa chính Pilsen cách đó khoảng một km. Nhà ga này đã không còn được sử dụng với mục đích ban đầu nữa. Năm 2000 Liên hoan Sân khấu Quốc tế tại Plzen, người ta đã sửa chữa tòa nhà này để tổ chức một số sự kiện cho khán giả dự liên hoan.

Hai bên đường là những tòa nhà có kiến trúc rất đẹp. Có lẽ đây đã từng là một khu vực giàu có của Plzen.

Đây là nhà ga xe lửa được khai trương vào năm 1862, cùng với tuyến đường sắt Séc Western từ Prague đến Pilsen, nhưng tòa nhà hiện nay được xây dựng từ 1907, đưa nhà ga thành ga xe lửa chính của Plzen.

Ở Plzen có mười hai bảo tàng là những điểm tham quan thu hút du khách trong đó có bảo tàng Tây Bohemia và Bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Patton Ký ức Pilsen, Tour du lịch đường ngầm Pilsen… là những địa điểm ưa thích của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, và chúng tôi đi qua một số bảo tàng, nhưng vì thời gian không có nhiều, nên chúng tôi chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” gọi là “check in” một vài bức ảnh.

Đây là Bảo tàng Tây Bohemia, với bộ sưu tập hơn 2 triệu vật phẩm, là một trong những bảo tàng lớn nhất ở Cộng hòa Séc, nằm trong tòa nhà có kiến trúc phong cách Tân Phục hưng rất hoành tráng với đài phun nước hình tròn lớn (những mùa đông không hoạt động), nằm giữa công viên thành phố. Các bộ sưu tập độc đáo của bảo tàng bao gồm một bộ sưu tập vũ khí quý hiếm ở châu Âu từ thế kỷ XIV-XVII và một thư viện Tân nghệ thuật với các phiên bản đầu tiên có giá trị.

Xung quanh công viên có rất nhiều tòa nhà có kiến trúc đẹp.

Trong đó có tòa nhà Mestanska Beseda được xây dựng năm 1901 theo phong cách tân Phục hưng và trang trí nghệ thuật chủ yếu là Tân Nghệ thuật, là trung tâm văn hóa, bao gồm Rạp chiếu phim Beseda, Nhà hát JoNas và quán Café Tân Nghệ thuật nổi tiếng, đã hấp dẫn chúng tôi quanh quẩn ở đây khá lâu.

Ở đây cũng có một khu chợ Giáng sinh với nhiều mặt hàng đa dạng.

Trên đường ra bến xe buýt, chúng tôi đi qua mấy cửa hàng của người Việt bán thực phẩm và cả một hiệu làm tóc khang trang.

Một ngày trôi qua rất nhanh và sức chúng tôi cũng không thể đi thêm được nữa. Hình ảnh những tòa nhà kiến trúc đẹp mắt thoáng qua, để lại ấn tượng sâu sắc như lời mời chào chúng tôi quay trở lại.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *