Lâu đài Vajdahunyad, Budapest

Sau khi thăm quảng trường Các Anh hùng, Budapest chúng tôi đi về phía sau đài tưởng niệm, qua cây cầu nhỏ để đến công viên Budapest. Từ đây đã có thể nhìn thấy lâu đài Vajdahunyad cổ kính, thấp thoáng giữa các vòm lá cây, kích thích sự tò mò và tạo hứng thú cho du khách.

Tòa lâu đài này được xây dựng vào năm 1896  như một phần của Triển lãm Thiên niên kỷ kỷ niệm 1.000 năm Hungary kể từ Cuộc chinh phạt lưu vực Carpathian của người Hungary năm 895. Lâu đài được Ignác Alpar thiết kế copy kiến trúc của một số tòa nhà lịch sử mang tính bước ngoặt về kiến trúc từ các khu vực khác nhau của Vương quốc Hungary, đặc biệt là lâu đài Hunyad ở Transylvania (nay thuộc Romania), vì vậy tòa lâu đài này mang phong cách và kiến trúc khác nhau, gồm cả phong cách La Mã, Gothic, Phục hưng và Baroque. Ban đầu, nó được làm từ bìa cứng và gỗ, nhưng sau đó nó đã nổi tiếng đến mức người ta chuyển sang xây dựng lại bằng đá và gạch từ năm 1904 đến 1908. Và giờ đây nó là một điểm đến nổi tiếng của Budapest.

Thiết kế của kiến trúc sư Ignac Alpar cho tòa lâu đài bao gồm các chi tiết kiến trúc của 21 tòa nhà, một số tòa nhà chỉ lấy mẫu của các chi tiết nhỏ như cửa, cổng… trong khi một số tòa nhà khác lại trở thành hình mẫu  chính, như lâu đài Hunyad chẳng hạn.

Phần kiến trúc mang phong cách La Mã từ thế kỷ XI-XIII (tại Hungary) cổ nhất của lâu đài chính là lấy hình mẫu từ nhà thờ Jak (là nhà thờ lớn của tu viện Benedictine, hoàn thành vào năm 1256) nằm ở phía tây Hungary, gần biên giới Áo và trên thực tế là một vương cung thánh đường khổng lồ, không thể nhìn thấy trong lâu đài Vajdahunyad, nơi chỉ có cổng được sao chép chứ không phải toàn bộ tòa nhà. Cổng nhà thờ là bản sao chính xác cổng nhà thờ Jak, đặc trưng của thế kỷ XI-XIII, hòa quyện với phong cách kiến trúc Gothic và trang trí thêm tượng Kinh thánh (Chúa Jesu và 12 tông đồ).

Các phần khác của lâu đài theo phong cách La Mã bao gồm Tháp “Tra tấn” cao 37 mét, Tháp Tompa, Cầu Sư tử, Cổng Cầu và Tháp Bastion.

Nhà nguyện Jak trong lâu đài Vajdahunyad không chỉ là một bản sao kiến trúc, mà còn là một nhà nguyện Công giáo hoạt động với các nghi lễ tôn giáo (nếu muốn tổ chức đám cưới tại đây, bạn phải đăng ký trước 6 tháng!).

Sau đó là thời đại Gotich, thế kỷ XIV-XV, thể hiện mạnh mẽ nhất ở Lâu đài Vajdahunyad. Lâu đài Hunyad, được nhiều người cho là nhà của Bá tước Dracula, thực sự là lâu đài do Janos Hunyadi – cha của vua Matthias (nhà vua được lấy tên để đặt cho nhà thờ Matthias trong pháo đài “Người đánh cá”) – Janos Hunyadi xây dựng dành cho các hiệp sĩ, nên năm 1896 nó được chọn để đại diện cho phong cách Gothic điển hình nhất của Hungary.

Có phải người tạo ra Bá tước Dracula, chúa tể ma cà rồng thực sự được truyền cảm hứng từ lâu đài Vajdahunyad? Bram Stoker đã đến thăm lâu đài này chưa? Ai là Bá tước Dracula và liệu bạn có gặp ông ấy trong lâu đài này không? Bạn phải tự đến và tìm hiểu nhé.

Tòa nhà có kiến trúc Phục hưng và Baroque thế kỷ XVI-XVIII được pha trộn tinh xảo, hợp nhất các yếu tố của các cung điện giàu có ở hoàng gia Hungary và đế quốc Áo – Hungary, như cổng Katalin là từ Brasov, cổng Karoly ở Gyulafehervar, ban công từ Tòa thị chính Bartfa, tháp Đức cao 50 mét với mái vòm hình củ hành tây, ảnh hưởng phục hưng đầu tiên của Pháp được thể hiện trên Tháp Pháp với một con cá heo trên đỉnh.

Tòa nhà Baroque là ngôi nhà chính của Bảo tàng Nông nghiệp từ năm 1897 – bảo tàng nông nghiệp lớn nhất ở châu Âu.

Bức tượng của người biên niên sử Anonymousus (của nhà điêu khắc Miklós Ligeti) được đặt trong khu vườn trong tòa lâu đài. Anhorus sống ở thế kỷ thứ XII là người đã viết biên niên sử Gesta Hungarorum (Chứng thư của người Hungary).

Tôi muốn quay lại với câu chuyện “Bá tước Dracula” và lâu đài Vajdahunyad, Budapest một chút.

Có lẽ cội nguồn của bộ phim Dracula của Bram Stoker đã được một nhà văn, nhà du lịch người Hungary chia sẻ từ câu chuyện đen tối về dãy núi Carpathian, nơi John Hunyadi đã giam cầm Vlad the Impaler – hoàng tử Transylvanian, còn được gọi là Vlad III Dracul xứ Wallachia thế kỷ XV – trong lâu đài Hunyad nhiều năm. John Hunyadi cũng được cho là đã giết cha của hoàng tử là Vlad II Dracul.

Tháp “Tra tấn” là nơi John Hunyadi thường tra tấn những tù binh Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng la hét của John Hunyadi mỗi lần tra tấn là sự ám ảnh đối với những ai vô tình nghe thấy. Do vậy lâu đài Hunyad đã trở thành điểm khởi đầu cho bộ phim nổi tiếng thế giới này, nhưng còn lâu đài Vajdahunyad, Budapest thì có lẽ chỉ giúp bạn có được cảm giác “rờn rợn” khi đến thăm thôi.

Nếu có dịp tới Budapest, hay đến thăm lâu đài Vajdahunyad để xem cảm giác gặp Bá tước Dracula thế nào nhé.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *