Di tích Sở chỉ huy Mường Phăng chiến dịch Điện Biên Phủ

Bất cứ ai có dịp đến Điện Biên Phủ, dù ở ngắn ngày hay dài ngày đều cố gắng đến thăm Đồi A1, hay hầm Đờ Cát, những địa điểm nổi tiếng và cũng rất dễ đến. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng không xa, nằm ngay đối diện là Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1…Nhưng có một điểm nằm cách trung tâm Điện Biên hơn 30km, đó là di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng thì ít người có điều kiện đến. Vì vậy tôi muốn chia sẻ với các bạn đôi điều.

Từ xưa đến nay, chiến trường là nơi diễn ra sự kiện khốc liệt nhất, đa dạng nhất, kịch tính nhất…nhưng lại là một di tích nghèo nàn nhất, đơn điệu nhất, khó hìn dung nhất. Những hỗ bom, hố đại bác, những xác chết ngổn ngang, những ngôi nhà, thành lũy bị tàn phá sẽ được thu dọn ngay sau khi chiến tranh kết thúc và mọi người muốn dọn dẹp hết dấu vết, càng sạch càng tốt, do vậy, nếu đi thăm các chiến trường cũ, đừng kỳ vọng gì vào các di vật, hiện vật. Tất cả những gì bạn có thể nhận được chỉ là những hồi ức của người đã từng tham gia hoặc lời kể lại của những người được nghe kể lại.

Chúng tôi dừng lại ở tượng đài “Kéo pháo”, nơi có bức tượng đá khổng lồ, mô tả cảnh các chiến sĩ đang dùng tay kéo khẩu pháo lên núi và hình ảnh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh xe của khẩu pháo (câu chuyện mà ai ai cũng đã biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Theo thuyết minh viên thì đây chính là nơi tập kết pháo đưa từ dưới xuôi lên, chuẩn bị kéo lên núi. Dưới chân bức tượng còn “in” những vết bánh xe (mô hình để dễ hình dung hơn!).

Chúng tôi chụp ảnh và yên lặng nghe lại câu chuyện về chèn pháo…Tôi nhìn xung quanh, rồi đưa mắt nhìn ngọn núi phía xa, nơi được giới thiệu là pháo đã được kéo lên trên đó và nơi xảy ra câu chuyện chèn pháo. Tôi đang cố gắng hình dung, tưởng tượng và tìm kiếm sợi dây liên kết giữa những chiếc xe chở pháo tập trung ở đây, với ngọn núi phía xa kia và chiến trường tại đồi A, B, C…hay hầm Đờ Cát. Thật khó! Tôi không thể hiểu được.

Thông tin thật sự về chiến trường thì chỉ có những người tham gia hoặc trực tiếp nghe người tham gia kể ghi chép lại, rồi phải tham khảo các nguồn khác nhau để có thể dựng lại một câu chuyện có tính logic, có đầu, có cuối, có sự giải thích thì người nghe mới có thể tưởng tượng ra được. Nếu chỉ đưa ra các câu chuyện riêng lẻ, không có tính kết nối, không đưa vào bối cảnh lịch sử…thì cũng chỉ là câu chuyện trên đường.

Mường Phăng, Điện Biên Phủ là một di tích lịch sử quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng tại thời điểm lịch sử đó, nó là một khu rừng rậm khó vào (thế mới tránh được Pháp phát hiện), lãnh đạo, chiến sĩ phải ẩn nấp, di chuyển, trốn tránh, rồi còn phải xóa dấu vết…thì làm sao còn tìm được di vật hay hiện vật. Nên những gì bạn nhìn thấy hôm nay ở đây đều chỉ là mô hình dựng lại (chắc chắn khác xa so với thực tế!). Và cái làm nên sự sống cho di tích Mường Phăng, Điện Biên Phủ chính là những câu chuyện mà người thuyết minh viên kể lại cho bạn.

Nhưng cũng giống như tại bức tượng “kéo pháo” hay Đồi A1, bạn sẽ được nghe kể về số lượng người lĩnh tham gia, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu súng ống đạn dược sử dụng, tiêu hủy, thu được…Nhưng bạn sẽ không bao giờ hiểu nổi, Chỉ huy ở Mường Phăng đã làm thế nào để hướng dẫn chiếm đồi A1 và mọi thứ liên quan với nhau như thế nào.

Tôi có thể hình dung ra dưới bóng cây rừng âm u, rậm rịt là một mạng lưới các ngôi nhà lá đơn sơ, một vài dãy hầm dưới đất là nơi ở và làm việc của “bộ não” chiến dịch Điện Biên Phủ. Máy bay trực thăng của Pháp bay trên trời có thể không phát hiện ra, nhưng làm thế nào để do thám, Việt gian của Pháp trà trộn trong dân chúng cũng không phát hiện được, đó là một kỳ tích, nhưng chẳng thấy ai nhắc đến, vai trò của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ bí mật, an toàn và cung cấp lương thực cho chiến dịch không thấy nói gì.

Thời gian trôi đi, nhân chứng sống của chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính, chỉ huy, những người dân công tải đạn, lương thực, những người dân giúp đỡ, hỗ trợ…dần dần đều qua đời, nếu không kịp thời tìm kiếm họ, nghe họ kể và ghi chép lại, kết hợp nhiều nguồn tin để hình thành một câu chuyện đáng tin cậy, thì việc mô tả mấy lán nhà lá…chỉ là câu chuyện riêng lẻ, trên đường.

Trong khu di tích Mường Phăng, Điện Biên Phủ có một số bản dân tộc, mà theo ngu ý của tôi, có thể cha ông họ xưa kia đã đóng góp không ít công sức vào việc bảo vệ an toàn và giữ bí mật cho khu chỉ huy và cũng là người góp gạo nuôi quân, nhưng giờ đây có lẽ sống trong khu di tích nhưng chẳng có mấy người biết rằng họ có liên quan.

Họ bán hàng nông thổ sản trên đường đi tham quan của khách, nhưng nếu họ có thể kể cho khách một câu chuyện mà cha ông họ xưa kia đã làm cho cuộc chiến, thì có lẽ quý hơn nhiều.

Chúng tôi vào một bản dân tộc Thái nằm trong khu di tích Mường Phăng, Điện Biên Phủ (xin lỗi vì tôi đã quên mất tên), bản này được chính quyền địa phương cấp ngân sách nhiều để làm đường và xây nhà văn hóa, làm cơ sở để phát triển Du lịch Cộng đồng. Nhưng đó là một trong những bản tôi đã đến bẩn nhất. Đường làng toàn chất thải của trâu bò và các gia đình đổ ra, nhà cửa nhếch nhác.

Tôi vô cùng thất vọng khi một bản làng năm trong khu di tích lịch sử quan trọng, có thể chính là một trong những nhân chứng của cuộc chiến, có thể có người còn lưu giữ những câu chuyện góp phần làm cho bức tranh lịch sử có thêm những mảnh ghép để hoàn thiện…vậy mà người dân đã quên mất công sức của cha ông trước kia, tinh thần yêu nước và đấu tranh giành độc lập, giờ họ sống thiếu trách nhiệm, để một ngôi làng có sự đầu tư từ chính quyền mà lem nhem, xuống cấp thế này.

Để đến được ngôi nhà khang trang này chụp ảnh, tôi đã phải đi qua những đoạn đường lầy lội, rất bẩn.

Đó là cảm nhận của tôi khi đi thăm khu di tích Mường Phăng, Điện Biên Phủ. Tôi không làm công tác gì liên quan đến lịch sử, nên không kỳ vọng có được hiểu biết gì nhiều sau chuyến đi, nhưng thật sự tôi không nhận được gì để thêm vào cái “kho” khá rỗng kiến thức về Điện Biên Phủ. Tôi luôn hiểu, để có thể dựng lại một trận chiến từ một bãi cỏ trống là điều không hề dễ!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *