Đi đò ở Ninh Bình

Mấy năm gần đây Ninh Bình trở nên nổi tiếng với ngôi chùa Bái Đính to lớn, đạt nhiều kỷ lục Việt Nam, nhưng có thể tôi là con người cổ hủ, chỉ thích những mái chùa nhỏ, ẩn mình dưới tán cây xanh, tách biệt khỏi sự ồn ào, nhộn nhạo của cuộc sống đời thường, nên tôi đến với Ninh Bình chỉ vì thích đi đò ngắm cảnh. Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, đã có được cảnh đẹp “thần tiên” này.

Cách đây ba chục năm, khách du lịch đến Ninh Bình thường đi đò thăm Tam Cốc, chui qua ba cái hang, rồi quay trở lại bằng đường cũ.

Thời gian đầu, khi du lịch chưa phát triển, người dân trồng lúa dọc suối tuyến Tam Cốc, nên nước rất nông, không thể nói là chèo đò, mà phải gọi là “đẩy đò”, nghĩa là người lái đò chọc cây sào tre dài xuống đáy sông và làm chỗ dựa để đẩy đò đi. Khi khách du lịch đông hơn, người dân bắt đầu tìm mọi cách để kiếm tiền từ du khách. Tôi nhớ có lần đi thuyền cứ thấy mấy người thợ chụp ảnh lội bì bõm phía trước, giơ máy bấm. Lên bờ là họ chìa ngay ảnh có mặt mình ra đòi tiền. Ảnh chụp vội, không chuyên, rửa cũng vội vàng nên thật sự trả tiền thì không muốn, nhưng bỏ lại cái mặt mình ở đấy, để người ta xéo lên hay xé đi thì không đành.

Những người lái đò cũng tìm trăm phương ngàn kế, lúc kể khổ cuộc sống, lúc thì gia cảnh éo le, còn một chiếc thuyền chở đầy đồ uống và một số trái cây thì đi kè kè bên cạnh, người bán hàng thì luôn nhắc nhở khách rằng cô lái đò mệt quá rồi, cần uống lon nước coca.

Thật sự những chuyến đi đò Tam Cốc, Ninh Bình ngày ấy đối với tôi là một kỷ niệm rất buồn cho du lịch VN. Cũng may là chính quyền địa phương cũng đã có sự can thiệp và quản lý. Khu bến đỗ thuyền, đò được kè lại sạch sẽ và các đò phải xếp hàng nhận số. Con suối cũng được nạo vét, nên sạch hơn và trong xanh hơn.

Chỉ có điều, một số đền, miếu mới xây dựng để “câu” khách Việt, nhưng ít nhiều làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên – giá trị đặc biệt của Tam Cốc. Tuyến Tam Cốc, Ninh Bình hiện nay vé đò là 150.000 đồng/ thuyền, có thể ngồi 2-4 khách và đi khoảng 2-3 giờ.

Có thời gian, do những bất cập của Tam Cốc mà đã có nhiều du khách chuyển sang đi tuyến đò Vân Long. Nhưng tuyến đò này có đoạn đầu không đẹp vì chạy dọc con đường đê, nên không hoàn toàn thiên nhiên.

Tuyến Vân Long cũng đi qua một vài cái hang và có hồ nước nằm giữa các vách núi khá đẹp.

Nếu khách đi theo tuyến đò Vân Long thì sẽ tham quan được làng truyền thống thêu ren, dọc đường xuống bến đò cũng có nhiều quầy bán hàng thêu ren được bày. Lúc đầu tôi nghĩ, có lẽ tuyến Vân Long sẽ là điểm đến mới của Ninh Bình, nhưng sau khi tuyến Tràng An mở ra thì có vẻ như tuyến đò này không có cơ hội phát triển thêm nữa.

Tràng An quả là tuyến du lịch hoàn hảo thăm thắng cảnh thiên nhiên Ninh Bình. Ngay từ đầu, ban quản lý đã xây dựng bến đỗ quy củ và các đò được nhận số để phục vụ.

Không chỉ phong cảnh đẹp, tuyến đi qua mười hang động, mà tuyến Tràng An còn đi qua một số đền, miếu, thủy đình.

Đây là đền thờ các vị vua nhà Trần trong Hành cung Vũ Lâm,  một căn cứ quân sự của nhà Trần, lập ra để củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công đánh quân Nguyên-Mông thế kỷ XIII.

Và sau khi bộ phim Kinh Kong trình chiếu, “phim trường” còn lại đã trở thành điểm thu hút khách.

Tôi rất thích đi đò tuyến này. Mùa hè có cả sen nở và vô số dong mọc dưới suối uốn theo dòng nước dưới máy chèo trông thật đẹp.

Giá vé đò và tham quan Trang An hiện nay là 200.000 đồng/ người và thời gian tham quan có thể 3-4 tiếng. Bạn có thể bồi dưỡng thêm cho lái đò 50.000 đồng hay hơn tùy đoàn.

Chỉ sau gần 2 giờ chạy xe theo quốc lộ cao tốc, bạn có thể thư giãn trên chuyến đò như thế này. Ngoài ra đến với Ninh Bình bạn có thể đi thăm đền Vua Đinh-Lê, chùa Bái Đính, nhà thờ Đá Phát Diệm, suối nước nóng Kênh Gà (nghe hay nhưng dịch vụ không tốt lắm!).

You Might Also Like

One Reply to “Đi đò ở Ninh Bình”

  1. Ninh bình! Mình đi đò thăm quan ko phải 30 mà đã hơn 40 năm rồi, từ lúc còn học tiểu học! Không nhớ đc nhiều nhưng ký ức lúc nào cũng đẹp vì đi thăm quan cùng các bạn do nhà trường tổ chức! Hồi đó còn nghèo nhưng năm nào nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi du lịch quanh Hà nội. Trẻ con đứa nào cũng háo hức!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *