Chùa Tam Chúc – ngôi chùa Phật sẽ lớn nhất thế giới

Mặc dù chùa còn đang xây dựng ngổn ngang, nhưng tôi đã là một trong số rất đông người đến chùa Tam Chúc vào ngày mùng ba Tết. Thật sự chúng tôi chỉ là tiện đường đi qua, chứ không phải mục đích đi lễ chùa đầu năm. Dù biết rằng chùa đang xây chưa xong, nhưng thấy báo chí nói rằng để hoàn thiện phải mất 30 năm nữa, nên tôi cho rằng đi lúc nào cũng vẫn là chưa xong!

Tôi không muốn kể đến những cái lớn nhất của chùa Tam Chúc, vì mỗi chùa xây sau lại cố làm một cái gì đấy lớn hơn chùa có tiếng đã xây trước. Cho nên có thể chỉ vài tháng nữa lại sẽ có chùa xây mới, có cái gì đó “to hơn” chùa Tam Chúc! Mà quan điểm của tôi thì chùa Phật là nơi để mọi người được gần hơn với giáo lý nhà Phật, nghĩa là diệt trừ “tham, sân, si”, nên chùa Phật chỉ cần đơn giản, mộc mạc… chứ chùa Phật mà lại chú tâm đến “sơn son thếp vàng, tượng to, chuông lớn” thì làm sao giúp Phật tử diệt được “tham” và “si”, nếu không nói là làm cho họ tham lam hơn, “mê muội” hơn mỗi khi đến chùa, ??? Đây có lẽ là cái “vạc dầu” lớn nhất tôi từng nhìn thấy! (Tôi không biết nó là cái gì, nhưng với tôi nó giống cái vạc dầu!)

Đây là ba bức tượng Tam thế Phật khổng lồ ở Điện Tam Thế. Chỉ cần nhìn người đứng chưa cao đến nửa đến đặt tượng, thì cũng có thể hình dung được những bức tượng này lớn tới mức nào. Và thật sự đây là những bức tượng Phật rất đẹp, theo góc nhìn của tôi về nghệ thuật tôn giáo.

Do vậy, tôi đi thăm các chùa lớn chỉ có tính chất “vãn cảnh chùa” và ngắm xem các bức tượng – như những tác phẩm điêu khắc tôn giáo, chứ đi lễ Phật thì tôi lại muốn đến các chùa nhỏ, vắng vẻ…hoặc lễ tại gia để tâm được tĩnh.

Chùa Tam Chúc khi chúng tôi đến có một bảo tháp trên núi và Điện Tam Thế đã gần như hoàn thiện. Hãy nhìn dòng người trèo lên bảo tháp!

Những bức tượng Phật bên các ô tường phía ngoài dưới sân thượng của Điện Tam Thế, có tính chất trang trí hơn là thờ cúng, vì đây cũng là đường dẫn vào khu “ẩm thực” rất “hạ giới!”

Điện Pháp Chủ thì mới đặt được bức tượng Phật Thích Ca và một phần tường được ốp tranh điêu khắc, nhưng chưa xong. Ảnh dưới chụp từ điện Tam Thế xuống sân và Điện Pháp Chủ bên dưới.

Bức tượng Phật Thích Ca nhìn xuống trông rất buồn.

Còn Cổng tam quan (hay ngũ quan?), cũng gần hoàn thiện, không biết sau này có đặt tượng vào đó nữa không. Nhưng sân phía sau còn ngổn ngang cột đá “chống Trời” rất lớn.

Và chắc chắn giống như chùa Bái Đính và chùa Ba Vàng, sau này sẽ có các dãy hành lang nối các điện với nhau và sẽ còn rất nhiều tượng Phật nữa được đặt vào.

Về mặt điêu khắc thì chùa Tam Chúc đặc biệt vì có tới 1.200 bức tượng được trạm khắc từ đá núi lửa ở Indonesia và đó là điều hấp dẫn tôi đến thăm chùa sớm, ngay khi chùa còn đang xây dựng ngổn ngang. Tôi không biết những bức tượng này được các người thợ Việt Nam hay Indonesia chạm khắc, nhưng họ thật sự là những nghệ nhân tuyệt vời.

Mặc dù những bức tranh này đều là sự tích nhà Phật và có chú thích bên dưới, nhưng thật sự tôi không biết gì, chỉ “võ đoán” mà thôi. Truyền thuyết Phật giáo qua những bức tranh này có vẻ theo phái đạo Phật Nguyên thủy từ Ấn Độ quan Sri Lanka và tới các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và một vài vùng miền Nam nước mình, do vậy người biết lơ mơ về phái Đại Thừa như tôi không thể hiểu được. Những nhân vật được thể hiện ở đây thật xa vời với Phật giáo Việt Nam.

Nhưng những bức tường điêu khắc này quả thật vĩ đại! Chỉ cần nhìn bức hình này, bạn có thể hình dung ra bức tranh tường lớn tới mức nào? Và toàn bộ bốn bức tường (trừ diện tích cửa ra vào) của điện Tam Thế và điện Pháp Chủ đều được trang trí bằng những bức tranh như thế này thì quả thật đã trở thành một bảo tàng điêu khắc về “truyền thuyết Phật giáo” đầy đủ.

Nhưng dù sao thì tôi cũng tự hào là đất nước mình có nhiều người giàu có đến thế, đầu tư nhiều tiền của đến thế cho những công trình “vĩ đại” như thế này. Sau này người châu Âu đến thăm chắc cũng phải “kính nể” sự giàu có và “sùng đạo” của người Việt. Và bản thân người Việt cũng có thêm một điểm tham quan mới, rất tuyệt vời, vì quần thể chùa Tam Chúc sẽ rộng đến 5.000 ha, bao gồm cả núi (sáu núi nhỏ phía trước trên đầm nước giống như sáu chiếc chuông khổng lồ; bảy ngọn núi phía sau như tường thành che chắn); sông, đầm, hồ, rừng…) một quần thể thiên nhiên và nhân tạo khổng lồ! Chỉ tiếc là không mấy người trong số hàng triệu triệu người đến chùa có thể hiểu được về giáo lý mà Đức Phật dạy!

Đúng là chùa Tam Chúc có một địa thế “độc tôn”, bồng lai, tiên cảnh. Không biết khi xây xong toàn bộ chùa thì các vị Chư Phật, Bồ Tát có rời bỏ Thiên giới mà về hết chùa Tam Chúc hay không, vì chùa còn đẹp hơn cả Thiên giới!

Ngôi chùa Tam Chúc gốc là ở một hòn đảo nhỏ giữa đầm phía trước chùa. Nghe nói ngôi chùa cổ đó đã có một nghìn năm tuổi (?). Trước đây xung quanh đảo nơi có chùa, còn có một làng nhỏ sinh sống trên bán đảo và đảo nhỏ, giờ nhà đầu tư di dời họ đi hết rồi, sắp tới con đường ra bán đảo sẽ đào bỏ đi, để tạo thành đảo và dịch vụ chở khách bằng thuyền sẽ phục vụ du khách tới thăm chùa cổ…

Vì chùa chưa xây xong, nên dịch vụ đi xe điện từ bãi đỗ xe vào chùa khá lộn xộn (60.000 đồng/ người khứ hồi), mặc dù có vé nhưng vẫn phải tranh nhau lên xe, giống hệt hồi bao cấp. Chưa nói là đi lễ, mới chỉ là vãn cảnh chùa thôi cũng đã thấy “tâm bấn loạn” vì cảnh chen lấn ngay từ lúc đến chùa.

Khu vực chùa đường đi đang làm dở dang, không có sự hướng dẫn hay bảng chỉ dẫn nên nhiều đoạn khá nguy hiểm cho du khách. Nhưng dân mình vốn dễ tính, chẳng ai kêu ca gì. Đúng là chỉ có ở Việt Nam, công trình còn đang xây dựng đầy rủi ro, bất trắc mà đã mở cửa cho cả trăm nghìn, triệu người vào xem và thu tiền dịch vụ!

Nhưng đến thăm khi còn đang xây dựng dở dang cũng có cái hay, mình có thể biết được nhiều điều mà khi mọi thứ đã “sơn son thếp vàng” rồi sẽ không thể biết được. Công nghệ bê tông cốt sắt đã được áp dụng triệt để trong công trình vĩ đại này để “trường tồn”!

You Might Also Like

3 Replies to “Chùa Tam Chúc – ngôi chùa Phật sẽ lớn nhất thế giới”

  1. Hùng vỹ quá. Để tường tận hết chốn này chắc phải vài ngày ?

  2. Hay nhỉ! Chưa xây xong mà mở cửa cho mọi người vào thăm để thu tiền! Chắc chỉ có ở Việt Nam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *