Ở Hà Nội cũng có rất nhiều chùa, nhưng tôi mới chỉ đặt chân tới một số chùa, còn lại tôi thậm trí chưa bao giờ có ý định tìm hiểu và đến. Không hiểu sao tới Luang Phrabang tôi lại không muốn bỏ phí thời gian, nên đã tận dụng tối đa để đi được nhiều chùa nhất có thể.
Tôi đến chùa (Wat) Manorom là theo danh sách đã lên từ ở nhà, khi đọc những bài giới thiệu về Luang Phrabang. Chùa nằm ngay bên ngoài di tích còn lại của những bức tường thành cổ ở phía nam thành phố và là một trong những địa điểm Phật giáo Khmer truyền bá sớm nhất đến khu vực này. Chùa được Sam Saen Thai, con trai của Vua Fa Ngum xây dựng vào năm 1372, nhưng có giả thuyết cho rằng chùa được xây năm 1491 dưới triều đại của vua La Saen Thai. Như vậy Wat Manorom cũng là một ngôi chùa “đẳng cấp cao” vì có sự bảo trợ của hoàng gia.
Có lẽ thời gian đã làm hư hỏng phần lớn những gì được xây dựng ban đầu. Gian điện thờ chính được khôi phục vào năm 1818, nhưng đã bị phá hủy năm 1887, ngôi chùa hiện tại được xây dựng lại vào năm 1972, tôi nghĩ vẫn giữ được như vậy cũng là rất quý rồi, vì có rất nhiều vật liệu xây dựng làm bằng gỗ.
Manorom là một ngôi chùa lớn, có cửa chính phía mặt tiền và hai bên có bốn cửa ra vào. Trên mỗi cửa ra vào đều có những bức tranh về Phật Giáo, mô tả hành trình giảng dạy và truyền bá đạo Phật của Phật Thích Ca. Cũng giống như nhiều chùa ở Luang Phrabang, những cánh cửa đều được trạm khắc những bức phù điêu rất đẹp và tôi thấy không có bức nào giống bức nào ở các chùa khác nhau. Các chùa ở Luang Phrabang đều có kiến trúc hoặc trang trí điêu khắc khác nhau, ngay một chùa thì các tòa nhà cái lợp mái ngói đen, cái lợp mái ngói đỏ.
Bên trong gian điện có bức tượng Đức Phật được đúc bằng đồng vào những năm 1370 dưới triều đại của Sam Saen Thai, theo phong cách của vùng Sukhothai-Thái chứ không phải Khmer, vốn là dòng Phật giáo thống trị tại thời điểm này. Đây là bức tượng Phật lớn nhất và lâu đời nhất ở Luang Phrabang, có chiều cao khoảng sáu mét. Bức tượng đã bị hư hỏng nặng nề trong cuộc chiến năm 1887 và cuối thế kỷ XIX và được khôi phục lại. Nghe nói bức tượng đã từng bị người Pháp đưa ra khỏi chùa và mang đi bằng thuyền, rồi bị đắm và một cánh tay của bức tượng đã không tìm thấy. Cũng như tất cả các chùa khác, ở đây cũng có nhiều bức tượng Phật nhỏ được đặt trên bàn thờ, đó là tượng do người dân cúng tiến.
Chùa Manorom cũng thu nhận sư tăng đông nhất và có một trường tiểu học cạnh chùa. Ngày trước, chùa Phật đồng thời là trường học luôn. Các vị sư cũng dạy trẻ cả chữ và lịch sử, văn hóa, thậm trí cả ý học cổ truyền. Giờ trường học tách riêng, nhưng ở vùng nông thôn thường xây trường cạnh chùa. Bức tường mới bao quanh khuôn viên của chùa đã được hoàn thành vào năm 1995. Tôi thấy những sư tăng nhỏ tuổi rất hồn nhiên chơi trong sân, còn mấy sư tăng lớn tuổi hơn đeo túi sách, có lẽ khởi hành đi đâu đó, khuôn mặt khá nghiêm nghị.
Đây là ngôi chùa chúng tôi đến cuối cùng, vì gần khách sạn chúng tôi ở, nên nghĩ rằng lúc nào đi cũng được. Và mặc dù đã gần như bị “tẩu hỏa nhập ma” vì đi quá nhiều chùa ở Luang Phrabang, nhưng khi đến chùa này tôi vẫn rất thích. Chùa (Wat) Phramahathat có nghĩa là Chùa bảo tháp là một trong những ngôi chùa hấp dẫn ở Luang Phrabang, được vua Say Setthathirath (Chiang Mai) cho xây dựng vào năm 1548 và nhà vua cho xây dựng các bảo tháp lớn phía sau gian điện chính. Như thế có nghĩa là Wat Phramahathat cũng là một ngôi chùa có vị trí cao, được hoàng gia bảo trợ và ngôi chùa cũng đẹp một cách thanh lịch.
Cầu thang và lối đi đều có rắn thần Naga bảy đầu màu bạc canh giữ.
Chùa hiện tại được xây dựng lại từ năm 1907 đến 1910 thay thế cho gian điện cũ bị sập trong cơn bão xảy ra ngay trong buổi cầu nguyện buổi tối năm 1900, khiến nhiều người đã bị chết. Đó thật sự là một thảm họa. Tôi là người lin vào “nhân, quả” nên khi nghe được câu chuyện đau buồn này đã tự hỏi: ” không biết những người đang làm lễ trong chùa đã phạm phải tội gì mà phải nhận sự trừng phạt thảm khốc đến thế?”
Chùa có hai lớp mái, nhưng gần như nối nhau, che cho hành lang và hiên phía trước gian điện.
Trên các cửa ra vào đều có những bức tranh phù điêu đắp nổi, mô tả các truyền thuyết của vua Thao Sithoanh và Nàng Manola – một nửa là người phụ nữ và một nửa là chim thần có lòng tốt.
Một gian điện khác theo phong cách Luang Phrabang được xây dựng lại vào năm 1910 và được phục hồi vào năm 1963, có ba lớp mái và cũng che kín hành lang hai bên và hiên trước điện. Có một quả chuông nhỏ đặt bên phải cửa chính, là điều ít thấy ở các chùa Luang Phrabang. Hai bên bậc thềm lên cửa chính là rắn thần naga 3 đầu bảo vệ. Tuy hai tòa nhà trong cùng một chùa, nhưng kiến trúc khác nhau và các bức tranh hoàn toàn khác nhau.
Chùa Phramahathat là một trong những ngôi chùa quan trọng ở Luang Phrabang, được các cao tăng của những ngôi chùa truyền thống lớn đến viếng thăm vào dịp lễ Tết.
Trong khuôn viên của chùa có bảo tháp lưu giữ tro cốt của Hoàng tử Phetsarath, người được cho là có sức mạnh bất khả chiến bại như một vị thần nửa, nửa vua. Ông là người đã tuyên bố độc lập cho nước Lào sau khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945.
Một bức tượng Phật ngoài trời trong khuôn viên của chùa, phía trước nơi ở của các sư tăng.
Khi chúng tôi đi xe máy qua cầu và chạy dọc bờ bên này của sông Mekong thì tình cờ nhìn thấy có một ngôi chùa trên cao, nên tò mò lên xem. Chùa Oudone Thebphay là ngôi chùa mới do những người Lào ở Mỹ quyên góp xây dựng năm 2017.
Vì là ngôi chùa mới nên cũng không có gì nhiều để giới thiệu, chỉ chia sẻ một vài hình ảnh chùa thôi. Chùa cũng có những kiến trúc khá lạ mắt.
Khi thấy tôi vào thăm, nhà sư này đã hỏi chuyện, nhưng tôi không nói được tiếng Lào, nên chỉ gật đầu chào và xin phép chụp ảnh và tôi thấy ông gật đầu và đứng nghiêm nhìn vào máy ảnh, khiến tôi thấy áy náy quá.
Bảo tháp và những bức tượng bên trong chùa.
Cổng chùa và đường lên chùa. Bên tay trái nếu đi từ cổng lên có một gian điện thờ, dưới bảo tháp vàng, có những bức tượng Phật, nhưng xung quanh không có tường mà lại là các trấn song sắt, nên tôi thấy hơi phản cảm.
Có lẽ tôi nên dừng lại ở đây, vì còn một số chùa tôi chỉ đi ngang qua, chụp vài tấm ảnh nhưng không tìm hiểu kỹ.