Tìm hiểu về chùa Phật ở Luang Phrabang (Phần 1)

Ngôi chùa Phật đối với người Lào nói chung và Luang Phrabang nói riêng là nơi sinh hoạt tâm linh, nơi con cháu trai họ tu học và trưởng thành, nơi giúp đỡ họ vượt qua khó khăn… nên có rất nhiều chùa, có thể chỉ cần một cụm dân cư cũng đã xây một chùa. Có tới hơn ba mươi ngôi chùa Phật lớn trong một thành phố nhỏ như Luang Phrabang, thì bạn có thể hình dung ra các ngôi chùa nằm cách nhau bao xa và sẽ tự hỏi các ngôi chùa có gì khác nhau không. Những ngôi chùa lớn như chùa Mai, chùa Xieng Thong, chùa Sirymoungkoun, chùa Sensoukaram, chùa That Luang, chùa Paphonphao…tôi đã có bài riêng rồi, nên trong bài này tôi chỉ giới thiệu ngắn về một số chùa tôi đã đến.

Chùa Pak Khan nằm ở cuối con đường chính đông tây trong khu phố cổ, ngay ở ngã ba sông Mekong và sông Khan. Đây là ngôi chùa thứ năm tôi đến thăm, sau khi đã đi thăm những ngôi chùa lớn như Wat Mai, hay Sensoukaram, nên khi bước vào chùa tôi hơi tò mò muốn nhìn thấy được sự khác biệt của ngôi chùa này, bởi vì chùa được các thương nhân buôn bán trên sông Mekong xây dựng vào giữa những năm 1700, chứ không phải là sự bảo trợ của hoàng gia như các chùa ở cạnh hoàng cung, nhưng ngôi chùa này đã trở thành địa điểm văn hóa tôn giáo quan trọng của thị trấn. Đây là ngôi nhà của vị trụ trì đáng kính Pha One Keo Sitthivong.

Tuy nhiên ngôi chùa cũ đã xuống cấp và hư hỏng nặng và nhờ có dự án Di sản Phật giáo, chùa mới được khôi phục lại vào năm 2011.

Những cột lớn bên trong gian điện được trang trí bằng hoa văn màu vàng nổi lên trên nền sơn đỏ sẫm. Bức tượng Phật Thích Ca lớn ở giữa bàn thờ và rất nhiều tượng Phật nhỏ khác. Ở đây có hai bức tượng Phật đứng có tư thế tay khác mà tôi không thấy ở các chùa khác: một bức tượng chéo hai tay trước ngực và một bức lại để hai tay chồng lên nhau trước bụng.

Chiếc chiêng đặt trong gian điện cũng có hoa văn giống các chiếc ở các chùa khác.

Và hiện nay ngôi điện chính cũng như các khu nhà ở của sư tăng rất đẹp và sạch sẽ.

Tôi đã chụp tấm hình một sư tăng nhỏ tuổi đang vui đùa trong sân chùa.

Chùa Phonxay nằm ở cạnh một khu chợ tại trung tâm Luang Phrabang, tuy nhỏ nhưng cũng có nhiều du khách tới thăm.

Ngôi chùa đóng cửa lúc tôi đến, nên tôi không vào được bên trong gian điện thờ, chỉ có thể ngắm nhìn những bức tranh trang trí phía mặt tiền của chùa.

Những bức tượng đặt hai bên lối vào cửa chính, hai bên có hai con nghê (tôi nghĩ vậy), bên phải chùa là tượng nữ thần vắt tóc lấy nước để nhấn chìm những linh hồn ma quỷ quấy nhiễu Đức Phật, bên trái là bức tượng một người tu hành, tôi không biết là ai.

Và những trang trí bằng những bức tượng thần chim có lòng nhân từ, dọc mép mái nhà hai bên cạnh.

Có hai lối vào chùa, một lối vào có các rắn thần Nagas bảy đầu canh giữ, còn lối kia có hình bảo tháp, bên trên đặt bức tượng Phật vàng.

Chùa  (Wat) Sibounhouan là một ngôi chùa nhỏ nằm ngay cạnh Wat Souvanna, được xây dựng dưới triều đại của vua Sotika Kuman khoảng năm 1776-1780. Nếu không để ý, bạn có thể đi từ chùa này sang chùa khác rồi mà không hay biết, bởi nhiều khi các chùa vẫn có cổng mở thông sang nhau.

Tuy là một ngôi chùa nhỏ nằm giữa những tán đại già, nhưng bên trong gian điện của ngôi chùa có các cột rất lớn đỡ mái. Bức tường phía sau lưng bàn thờ và các cây cột được trang trí bằng các họa tiết màu vàng trên nền màu đỏ. Một bức tượng Phật lớn dát vàng được đặt trên bàn thờ cao ở giữa.

Tuy là ngôi chùa nhỏ nhất Luang Phrabang, nhưng ở đây cũng có rất nhiêu sư tăng tới tu học.

Chùa Aham có nghĩa là “chùa trái tim rộng mở” được xây dựng năm 1818, nằm cạnh chùa Visounralat, nơi có bảo tháp hình trái dưa hấu rất lớn. Hai ngôi chùa cách nhau một bức tường nhưng lại có cổng mở, nên lúc đầu tôi cứ nghĩ là một chùa. Trước cửa chùa có hai cây bồ đề rất lớn và một khoảng sân rộng.

Dưới tán cây có tượng Đức Phật Thích Ca được rắn thần Naga bảo vệ.

Chùa có kiến trúc tương đối đơn giản, không có các phù điêu trang trí bên ngoài. Hai con hổ bằng vữa cách điệu bảo vệ hai bên lối vào và các bức tượng của những người bảo vệ đền thờ Ravana và Hanuman.

Chùa có một số bảo tháp cổ đã rêu phong phủ đen trong khuôn viên.

Tôi lại ngạc nhiên khi vừa bước chân lên bậc thềm của chùa thì có một người bán hàng lưu niệm cạnh cổng sang chùa Visounralat, chạy theo nói “ticket!”. Vé vào bên trong gian điện thờ là 10.000 kíp, nhưng bên trong gian điện không lớn, có bức tượng Phật Thích Ca ở giữa, xung quanh tường là những bức tranh về Phật Giáo và những lời răn dạy của Phật, thật sự không có nhiều hiện vật hay di tích gì có giá trị về vật chất, tôi nghĩ chỉ là một nơi thực hành tôn giáo tâm linh thôi, vậy mà cũng bán vé tham quan.

Chùa Aham có cái gì đó hơn thiếu cân đối, phía trước là hai cây bồ đề to và khoảng sân rộng, sau đó đến mấy bảo tháp đen và ngôi chùa chính nằm trong cùng, trơ trọi. Tôi không nói về tâm linh, nếu nói về kiến trúc thì tôi không ấn tượng lắm với ngôi chùa này.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *