Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Luang Phrabang

Sau khi tham quan Wat Mai, chúng tôi đến Cung điện Hoàng gia cũ, giờ là Bảo tàng Cung điện Hoàng gia, còn tên địa phương là Haw Kham (Hồ Kham). Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Hoàng cung nằm ngay bên cạnh phố nhỏ, không có tường thành bao quanh, không có những con hào sâu bảo vệ. Được xây dựng từ năm 1904 đến 1909, Hoàng cung là nơi ở chính thức của gia đình các vị vua Luang Phrabang, vậy mà nó quá đơn giản. Có lẽ vì đây là đất nước Phật giáo yên bình, với những người dân thật thà chất phát, nên không Hoàng cung không cần phải bảo vệ, chỉ cần uy lực của những ngôi chùa Phật là có thể giữ được sự bình yên. Cung điện hướng mặt ra con phố trung tâm của Luang Phrabang, bên kia đường là núi Phousi linh thiêng, còn lưng quay ra bờ sông Mekong. Ảnh chụp từ phía núi Phousi.

Vé tham quan Hoàng cung là 30.000 kíp và du khách phải cất toàn bộ máy ảnh, điện thoại trong nơi cất giữ đồ bên tay trái sau khi mua vé. Do vậy tôi không có cơ hội chụp ảnh bên trong cung điện, mà chỉ có ảnh bên ngoài và vườn cây thôi.

Bức tượng vua Lào Sisavangvong được đặt ở bên phải của cung điện, đối diện với chùa Hoàng cung và đằng sau bức tượng là dãy văn phòng và tầng một là nơi du khách cất đồ đạc và máy ảnh.

Đúng là sức mạnh tôn giáo vô cùng quan trọng đối với “vương quyền Lào”, nên ngay bên tay phải khi bước vào cổng Hoàng cung là ngôi chùa hoàng gia, có lẽ đẹp và lộng lẫy hơn cung điện dành cho nhà vua. Ngôi chùa được xây dựng trên cao, qua hai cấp bậc thềm, trong khi cung điện chỉ có một cấp. Ngôi chùa này lưu giữ bức tượng Phật cổ có nguồn gốc từ Sri Lanka và các tác phẩm điêu khắc cổ của người Khmer, ngà voi được chạm khắc tinh xảo và các di vật có giá trị khác. Khách du lịch không được phép chụp ảnh các bức tượng trong gian điện thờ. Đây là nơi thực hành nghi lễ tôn giáo của hoàng tộc.

Toàn bộ Hoàng cung nằm trong khuôn viên không lớn lắm, có một hồ hoa súng nhỏ bên phải, thật sự đối với cung điện dành cho vua của một vương quốc thì cung điện này quả thật quá khiêm tốn!

Tòa nhà cung điện được xây dựng bằng gạch và vữa thay vì vật liệu truyền thống như gỗ, tre, có họa tiết và kiến ​​trúc pha trộn giữa nghệ thuật của người Lào và văn hóa Pháp, được thiết kế chủ yếu do người Pháp và được xây dựng với một số lượng lớn công nhân Việt Nam, thật sự cũng không gây ấn tượng gì nhiều đối với tôi.

Tòa nhà có hai phần hình chữ thập riêng biệt được liên kết bằng phòng ngai vàng lớn ở giữa và các phòng trưng bày bao quanh. Ngọn tháp trung tâm theo truyền thống của Lào được đưa thêm vào sau thiết kế, vì các kiến ​​trúc sư người Pháp lúc đầu đã thiết kế một ngọn tháp châu Âu phía trên phòng ngai vàng, nhưng vua Sisavangvong (người đã từng du học ở Paris), đã kiên quyết phản đối và thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp thành công, để xây tháp theo kiểu Lào. Ảnh chụp từ núi Phousi.

Mặc dù có các cột và trang trí họa tiết kiểu cổ điển châu Âu và hai khẩu súng phía trước (rất rất nhỏ, có lẽ chỉ có tính trang trí, chứ tôi không tin nó thật sự có ích! Nhưng lẽ ra người Pháp cũng nên đặt cho vua Lào một khẩu đại bác to hơn, để tôn trọng uy quyền của vua Lào chứ!), nhưng tòa nhà vẫn giữ được phong cách truyền thống Lào. Sau khi kết thúc chế độ quân chủ năm 1975, hoàng cung được chuyển thành Bảo tàng Quốc gia Luang Phrabang.

Tôi mượn hai bức ảnh trên internet để mọi người hình dung được dễ hơn, vì miêu tả vẻ đẹp thì rất khó. Phòng ngai vàng ở trung tâm cung điện, xung quanh tường là bức tranh bằng thủy tinh phức tạp có từ những năm 1950, kỷ niệm 2500 năm Đức Phật nhập Niết bàn, mô tả cuộc sống tâm linh, tôn giáo, cuộc sống bình thường…của đất nước.

Các phòng trưng bày lưu giữ nhiều bức tượng Phật cổ bằng đồng, đá quý, mạ vàng đã có từ thế kỷ XV-XVI. Có một phòng phía trước trưng bày quà tặng từ các nhà lãnh đạo và chính phủ nước ngoài, trong đó có cả quà từ Việt Nam và đặc biệt là một số đá từ mặt trăng do Tổng thống Richard Nixon tặng. Một số đồ dùng bằng bạc, kiếm của hoàng gia cũng được trưng bày ở đây.

Trong phần phía sau của tòa nhà là năm phòng khá đơn giản, đó là nơi ở của quốc vương, phần lớn được bảo tồn từ vị vua cuối cùng, Sisavang Vatthana, bao gồm phòng ngủ, phòng ăn và thư viện của nhà vua và hoàng hậu. Một bộ sưu tầm các dụng cụ âm nhạc và trang phục múa Lào được lưu giữ ở đây. Tuy hoàng cung nhỏ và hiện vật lưu giữ cũng không phải là rất phong phú, tuy nhiên nước Lào cũng giữ được những gì thuộc về quá khứ của những ông vua Lào. Còn VN thì kinh thành Huế lớn hơn nhiều, nhưng hiện vật còn giữ được thì rất ít.

Trong khuôn viên cung điện có nhà hát, hội trường, nhà để xe, nhà thuyền. Nhà xe trưng bày mấy chiếc ô tô hoàng gia sử dụng, nhưng cũng không được chụp ảnh bên trong.

Ấn tượng của tôi về hoàng cung là một cảm giác ngạc nhiên về sự bình dị của một ông vua, qua đó cảm nhận được sức mạnh của Phật giáo ở đất nước này, điều đã làm nên sự bình yên, bên cạnh đó tôi cũng rất tôn trọng những di sản của cha ông họ lưu giữ được và họ có quyền tự hào về điều đó.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *