Tôi đã phải chuẩn bị tinh thần trước khá lâu cho chuyến đi 25 giờ (mà thực tế là 27 giờ) bằng xe bus từ Hà Nội đến Luang Phrabang, nên tôi rất ngạc nhiên khi lên xe nhìn thấy một cậu bé nhỏ hơn cháu ngoại của tôi, chắc khoảng 4 tuổi, đi cùng với mẹ trên chuyến xe đường dài này. Và khi xe chuyển bánh, cậu bé thu hút mọi người bởi câu chuyện “liên hồi kỳ trận”, mặc dù hành khách trên xe hầu như không ai hiểu. Có thể cậu bé và người mẹ đó đến từ một quốc gia Bắc Âu.
Người mẹ thấy cậu con trai nói nhiều quá, sợ ảnh hưởng đến các hành khách khác nên đưa cho cậu bé cái ti giả. Nhưng việc ngậm ti không hề ảnh hưởng tới khả năng diễn thuyết của cậu bé chưa đến 4 tuổi này (sau này mẹ cậu ấy nói với tôi là bé sinh năm 2015).
Gia đình tôi cũng là số ít ở VN đưa con đi du lịch từ rất sớm, khi con gái đầu của chúng tôi 3 tuổi, gia đình tôi đã đi vào Nha Trang chơi bằng tàu hỏa, lúc đi mưa được vé giường nằm, khi về Hà Nội chỉ có vé ngồi… Nhưng nói vậy chứ chúng tôi phải trông nom con rất cẩn thận. Còn cậu bé này đi du lịch với mẹ thì khác hẳn – rất tự lập.
Cậu bé có giường nằm trên xe riêng như tất cả hành khách khác, nghĩa là đôi giầy của cậu cũng để trong túi nilon và nhét vào hộp dưới chân giường cậu, bên cạnh chiếc ba lô nhỏ, nhưng khá nặng, là toàn bộ tài sản riêng của cậu, mà tôi dần dần biết được trong suốt 27 giờ cùng cậu bé.
Tôi có cháu ngoại lớn hơn cậu bé mấy tháng, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc cháu mình có thể tham gia chuyến đi xe bus thế này, cho dù thời gian chỉ ngắn vài giờ. Ngay cả khi đi nghỉ biển bằng xe riêng của gia đình thì hai bà nội ngoại cũng thay nhau chăm chút từng li… Thế nhưng cậu bé này nằm riêng một giường, tự chơi, tự ngủ và biết tự kéo chăn đắp khi lạnh!
Cậu bé có vẻ ăn không tốt, vì bữa tối đầu tiên tôi thấy người mẹ cho cậu ăn ít mỳ không, bằng cách ngửa cổ ra, há mồm và mấy sợi mỳ theo nhau rơi từ trên cao xuống. Nhưng cậu ăn rất ít, chỉ vài cái ngửa cổ thôi. Bữa trưa dừng lại ở Xieng Khoảng, cậu bé ăn bát cơm trắng chan tý nước canh rau cải với thịt băm. Tôi cho kẹo, nhưng mẹ cậu bé từ chối nói rằng cậu ấy không ăn và đúng là tôi để ý thấy ngoài việc ngậm ti giả ra, cậu bé hầu như không ăn gì suốt dọc đường. Một lần tôi thấy mẹ cậu bé đưa cho cậu hộ khoai tây chiên mà trẻ con nhà mình rất thích, nhưng cậu bé chỉ ăn hai miếng mỏng dính, còn lần khác khi mẹ cậu đưa cho một chiếc bánh quy cậu nhận lấy, ngắm nhìn khá lâu rồi trả lại mẹ.
Thế nhưng cậu bé hoàn toàn tươi tỉnh, vui vẻ khỏe mạnh, và quan trọng nhất là tự chơi. Có lúc đơn giản chỉ là ngồi ngắm đường phía trước, lúc thì lấy vở ra tô màu.
Lúc khác lại đọc mấy quyển truyện tranh như người lớn. Buồn ngủ thì tự nằm xuống, kéo chăn ngủ. Không cần mẹ nhắc hay chăm sóc. Điều duy nhất là cậu đóng bỉm, nên không phải lo chuyện vệ sinh đường dài.
Sau chuyến đi 27 giờ đường núi, chúng tôi đến Luang Phrabang lúc 9 giờ tối, cậu bé đeo chiếc ba lô nhỏ nhưng khá nặng đối với cậu, mồm vẫn ngậm ti giả, chững chạc đi bộ theo mẹ. Tôi ái ngại nói với mẹ cậu bé, liệu tôi có thể cầm giúp cậu bé được không, thì người mẹ từ chối và nói: “Không nặng đâu, chỉ toàn đồ chơi của nó thôi mà, nó mang được. Chúng tôi vẫn đi như thế này lâu rồi!”. Và tôi được biết là hai mẹ con họ sẽ ở lại Luang Phrabang mấy ngày (không xác định, phụ thuộc họ thích đến đâu), sau đó sẽ đi xe bus dọc nước Lào, qua Thái Lan và đến Bangkok, rồi từ đó họ sẽ về nhà. Chuyến đi của họ còn rất dài và tôi thật sự thích cách người châu Âu dạy và rèn luyện con cái. Bằng cách này, những đứa trẻ châu Âu sẽ rất lự lập, tự tin bước vào cuộc sống khi chúng trưởng thành.