Gần như tất cả mọi người đến Huế đều đi vãn cảnh hoạc đi lễ ở chùa Thiên Mụ, nằm trên bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố 5km, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng của kinh thành Huế. Về kiến trúc và tượng Phật thì chùa Thiên Mụ không thuộc hàng đầu, nhưng đây là ngôi chùa gắn liền với những dấu mốc lịch sử của kinh thành Huế nói riêng và cả triều đại nhà Nguyễn, nên nói về chùa Thiên Mụ không thể không nói đến lịch sử xây dựng chùa.
Người xưa kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, ông thường đi xem xét địa thế ở các vùng này vì luôn ấp ủ mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần đi ngựa dọc bờ sông Hương, ông đã nhìn thấy một ngọn đồi nhỏ như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại nhô lên bên dòng sông xanh. Đó chính là ngọn đồi Hà Khê. Rồi ông nghe người dân địa phương truyền nhau rằng, ban đêm trên đồi Hà Khê thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện và nói rằng sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”, đó là lý do mà ngọn núi này còn có tên là Thiên Mụ Sơn. Ảnh dưới là bến thùy đi dọc sông Hương lên thăm chùa Thiên Mụ.
Năm 1601Chúa Nguyễn đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, hướng ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”. Như vậy là chùa Thiên Mụ đã có trên 400 trăm lịch sử. Chùa cũng đã có thời kỳ đổi tên thành Linh Mụ, do vua Tự Đức sợ “phạm húy” khi dùng chữ “thiên”, nhưng rồi sau này cả hai tên đều được sử dụng. Cổng chùa từ bến thuyền sông Hương đi lên.
Khoảng sân sau khi leo các bậc thang lên trước đây là đình Hương nguyện, nhưng đã bị bão phá hủy. Chùa được mở mang và tu sửa qua các đời vua và năm 1844 tháp Phước Duyên được vua Thiệu Trị cho xây dựng theo di huấn của vua Minh Mạng để trấn khí bảo vệ kinh thành Huế. Tháp cao 21 m, có 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa, mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Hai bên có lầu lục giác đặt bia và chuông.
Cổng chùa chụp từ sân chính điện.
Hai bên có sáu vị Kim Cang Hộ Pháp được đắp bằng đất trộn trấu và rơm bên ngoài sơn vôi màu.
Tòa nhà chính điện của chùa Thiên Mụ, Huế – Đại hùng bảo điện có kiến trúc kiểu Trùng thiền điệp ốc, được phục chế năm 1959, các cột kèo được xây dựng bằng bê tông, bên ngoài sơn lớp sơn giả gỗ.
Khi chúng tôi đến bên trong gian chính điện các chú tiểu nhỏ đang nghe giảng kinh Phật, nên chúng tôi không vào bên trong nữa.
Phía sau gian chính điện là gian nhà có chứa chiếc xe ô tô của hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm.
Nằm cách một khoảng sân rộng nhiều cây cảnh có đền thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát và Đức Quan Âm Bồ Tát.
Trong chùa có đền thờ Quan Công được lập từ năm 1907.
Chùa Thiên Mụ còn có một truyền thuyết về tình yêu, kể rằng có một đôi nam nữ yêu nhau, nhưng do cô gái thì con nhà giàu, còn chàng trai con nhà nghèo, nên tình yêu của họ bị ngăn cấm. Thất vọng nên đôi bạn trẻ quyết định ra sông Hương tự vẫn. Nhưng vì lý do nào đó mà cô gái không chết, dạt vào bờ và được cứu sống. Thời gian trôi, cô gái được gia đình gả cho một viên quan giàu có và đã quên chàng trai. Linh hồn chàng trai tìm kiếm cô gái không được đã gửi hồn trú ngụ vào chùa Thiên Mụ và thề sẽ chia cắt những lứa đôi cùng nhau đến chùa. Tôi nghe kể chuyện xong cũng thấy hơi rờn rợn…