Đã nhiều lần đến Cần Thơ nhưng mãi đến giờ tôi mới có dịp đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, thiền viện lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Cùng nằm ở xã Mỹ Khánh, nổi tiếng với du lịch sinh thái và homestay, nhưng ngôi Thiền viện này lại là một điểm đến hấp dẫn theo cách khác.
Vì đã quen với kiến trúc của các ngôi chùa Phật Nam tông, rất đồ sộ và gần như tận dụng hết diện tích sẵn có, tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy kiến trúc của chùa Phật Bắc tông ở Thiền viện Cần Thơ. Thiền viện được khởi công xây dựng năm 2013 trên một diện tích 3,8ha và được khánh thành sau 10 tháng thi công. Ảnh dưới là cổng Tam quan nhìn từ trong ra.
Bước qua cổng Tam quan, trước mắt chúng tôi là một cái sân rất rộng, có hai bậc. Sân dưới từ cổng Tam quan vào hai bên là hai hàng các vị La Hán bằng đá.
Các bức tượng đều rất sống động.
Gian Chính điện của Thiền viện nằm ở giữa, hoàn toàn mang kiến trúc Bắc Tông, hai bên là gác chuông, gác trống, được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Nghe nói gỗ lim sử dụng xây dựng chùa được nhập từ Nam Phi với 1.000 khối gỗ.
Gác trống bên tay phải của Chính điện.
Tòa nhà chính điện của Thiền viện có hai lớp mái, lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần. Bên trong chính điện được sắp xếp đơn giản, chỉ có bức tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tạc ở tư thế ngồi và tay cầm cành hoa, phía trước có tượng Đức Phật Bà nhỏ.
Cửa ra vào của Chính điện cũng được thiết kế giống cửa của các ngôi chùa Phật Bắc Tông, có bậu cửa cao.
Nhà thờ Tổ của Thiền viện chỉ có một lớp mái, lợp ngói bốn mái theo phong cách nhà Lý. Bên trong đặt tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ.
Phía sau Chính điện là giảng đường, nhà khách, nhà Trai, Thư viện, phòng Đông y Nam dược. Hai bên là dãy hành lang có đặt những bức tượng La Hán bằng đá.
Ngoài ra, trong khuôn viên của Thiền viện, bên tay phải Chính điện có điện thờ Đức Phật Bà Quan Âm.
Bên tay trái là điện thờ Đức Phật Di Lặc.
Hai cây cầu sơn màu đỏ, có dáng hình như cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm nối bờ với hai ngôi điện thờ giữa hồ nước.
Sân bên phải của Thiền viện có xây dựng ngôi chùa giống như kiến trúc chùa Một Cột, Hà Nội, nhưng không có gian diện kín mà chỉ có cột. Ngôi chùa này lớn hơn chùa Một Cột, nhưng lại nằm giữa ao sen nhỏ hơn ao sen của chùa Một Cột, nên không thể có vẻ đẹp thanh nhã của chùa Một Cột được.
Bức tượng Thích Ca Niết Bàn bằng đá trong khuôn viên của Thiền viện.
Tượng Đức Phật Thích Ca ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề.
Bức tượng Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát.
Không gian như ngừng trôi trong Thiền viện, giữa sự tĩnh lặng và thanh tịnh…
Nga Chu Thiền viện Trúc lâm phương nam đẹp thật .Nhưng có lẽ nó càng đẹp hơn nhờ tài nghệ của người chụp ảnh !